jeudi 16 août 2018

Nguyễn Tiến Tường - Về metro Cát Linh-Hà Đông


Hồi này năm trước, tôi được đi Đài Loan. Trên đại lộ lớn của Cao Hùng, có một tuyến đường sắt trên cao. Rất kỳ lạ, cả một đoàn tàu dài lòng thòng, xơ xác vài bóng người. Cô hướng dẫn viên gốc Việt nói đó là “con tàu ma”, chủ yếu phục vụ khách du lịch thưởng ngoạn. Tin tôi đi, thân hình của nó vẫn mang đường cong rất mỹ miều và gợi cảm. Đầu tàu vẫn mang nét uy dũng dù tất nhiên là nó đã lỗi thời và sắp sửa vào bảo tàng.

Nó khác hẳn với vẻ ngoài lệt ệt và đần độn của tàu Cát Linh – Hà Đông. Không phải tôi bài xích hoặc bỉ bai gì cả. Nhưng tương tự Đài Loan, hàng loạt đô thị Á Châu như Bangkok, Singapore… đã sử dụng loại tàu này từ thập niên 80-90 thế kỷ trước. Châu Âu, đương nhiên xa hơn thậm chí cả nửa thế kỷ. 
Khi thế giới bắt đầu biến đường sắt trên cao (nội đô) thành sắt vụn. Mr Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Cty Metro Hà Nội thảng thốt: Ồ! Một bước tiến văn minh nhân loại! Có lẽ con tàu Pháp thuộc đỏ lòm cáu bẩn đi suốt bốn mùa vui nghiến lên đường ray Hàng Cỏ xé toạc màn đêm Hà Nội đã in một vệt phèn vào tâm thức anh Trường chăng. Để anh phải thảng thốt với một con yêu quái màu xanh dở tương lai dở quá khứ?
Bởi vì tương lai của đô thị, phải là dưới lòng đất. Một tương lai mà New York, Paris, London, Tokyo, Seoul… đã chạm tay vào hàng chục năm. Những thành phố không bóng người, tịch mịch. Họ chui xuống một thành phố khác, ở dưới lòng đất. Đường sắt trên không nội đô, sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề xung đột hạ tầng đô thị. Thử tưởng tượng, một tương lai gần, ngang dọc nội đô theo bánh con tàu quay của Cát Linh – Hà Đông sẽ phiền toái như thế nào. 
Về hiệu quả, 13 km đường tàu đó, dẫn người ta đi đâu tới đâu? Cũng tương tự tại TP.HCM, điểm đầu là Bến Thành, điểm cuối là Suối Tiên. Xong người ta đi bằng cái gì để tỏa ra khắp thành phố? Phải có một mạng lưới trong lòng đất, y như trên bộ. Khi đó mới đồng hóa được. Đương nhiên cực kỳ tốn kém. 
Bước tiến thật sự của nhân loại, là không xa nữa, sẽ là sử dụng đường ray từ trường tàu không chạm đất. Chúng ta sẽ miệt mài với đường sắt trên cao? Hay đập bỏ nó để làm lại? 
Chúng ta nên chấp nhận sự dè xẻn, chắt chiu một tương lai trong lòng đất cho con cháu. Khi nào đủ tiền hãy làm. Còn hơn bỏ cả núi tiền để trang điểm cho hiện tại bằng những thứ què quặt như vậy để rồi mai kia vá chằng vá đụp.
Tiền thì ít… 

(Còn tiếp)

FB NGUYỄN TIẾN TƯỜNG 13.08.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.