mardi 21 août 2018

Nguyễn Thông - Chuyện đổi tiền (1)



Ghi chú của Thụy My : Nói một cách chính xác thì Venezuela phát hành tiền mới bỏ đi 5 số 0 (gọi là « bolivar chủ quyền », những tờ giấy bạc cũ (gọi là « bolivar  mạnh » có mệnh giá trên 1.000 vẫn được lưu hành song song. Một đồng mới bằng 100.000 đồng cũ.

Hôm qua 20.8.2018, lãnh chúa theo khuynh hướng cộng sản mị dân xứ Venezuela, Nicolas Maduro, ra lệnh bỏ ngay 5 số 0 trên đồng tiền bolivar của nước này để thực hiện công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Gọi là bỏ bớt, thực chất là cuộc đổi tiền, ăn cắp trắng trợn thành quả, công sức, mồ hôi nước mắt của dân chúng. Rồi cũng sẽ chẳng giải quyết được gì bằng hành động ngu dốt ấy, mà chỉ đẩy đất nước vào sự lụn bại.

Sực nhớ lại hai đợt đổi tiền mà tôi đã trải qua ở xứ này, cũng chả khác gì vụ "bớt số 0" ở Venezuela hôm qua. Nay biên lại ra đây để cùng ngẫm lại một thời đỉnh điểm khổ đau hậu chiến.

Tháng 4.1978. Tôi vào Sài Gòn đã tròn một năm. Một năm ròng với biết bao đổi thay khi chính thức bước vào đời. Hồi còn sinh viên, mọi thứ thật đơn giản, trong trẻo, ngay cả sự vất vả, đói khổ, thiếu thốn cũng được nhìn nhận rất nhẹ nhõm. Giờ thì thay đổi tận gốc. Chả khác gì cuộc vật lộn, bãi bể nương dâu. Lúc này sống được đã khó, chống chọi lại đủ thứ tai ách lại bủa vây càng khó hơn.

Đến khi tôi gõ những chữ này, thời gian đã trôi qua hơn 40 năm rồi, nên trí nhớ về ngày tháng cứ chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Người ta bảo “cái gì không biết thì tra gu gồ”, nhưng tôi nhớ được đến đâu kể đến đấy, kệ gu gồ. 

Láng máng là cuối tháng 4.1978, một buổi tối, chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn Trường dự bị đại học Tiền Giang (91 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM) gọi đám anh em giáo viên trẻ miền Bắc chúng tôi lại, bảo rằng sáng mai phải có mặt tại phòng hành chính để làm theo sự phân công của nhà trường. Cũng đoán được phần nào cái gì rồi bởi tin đồn đổi tiền đã rộ lên từ mấy hôm. 

Phường tôi ở (phường 9, quận 5) là trọng điểm người Hoa tại Sài Gòn, họ đang chộn rộn, hoang mang lắm. Suốt mấy tối liền, tivi ra rả lên tiếng tin đổi tiền là đồn nhảm, là bọn phản động chống phá cách mạng, là bọn bành trướng Bắc Kinh xúi giục, là đừng có tin... Hết lãnh đạo phường, đến quận, đến thành phố lên tivi trấn an người dân, hãy tin chính quyền, đừng mắc mưu kẻ địch. 

Đám công chức, giáo viên chúng tôi thực ra chả quan tâm lắm bởi làm gì có tiền mà đổi. Lương 64 đồng, tính theo tỉ giá tiền bắc tiền nam 10 đồng ăn 8 đồng nên chỉ còn hơn 51 đồng/tháng. Đúng thời điểm đói, ăn độn, thiếu thực phẩm, đói vàng cả mắt nên có đồng nào chén sạch đồng ấy, lấy đâu tiền dành dụm mà đổi. Tuy vậy, cả đêm khó ngủ, chờ đến sáng hôm sau.

Mới sáng sớm, loa phường đã oang oang thông báo lệnh đổi tiền. Đổi ở đâu, mỗi người được đổi bao nhiêu, tiền quy đổi như thế nào... loa đều hướng dẫn cụ thể. Số cán bộ giáo viên trường tôi được đổi tại trụ sở ủy ban phường trên đường Nguyễn Tri Phương, đối diện trường cấp 3 Trần Khai Nguyên. Chú Thăng dặn dò, mỗi người được đổi 100 đồng, một hộ gia đình được đổi tối đa 500 đồng, nếu có nhiều hơn phải làm bản khai cụ thể, phải khai tiền đó ở đâu ra, thì sẽ được gửi vào ngân hàng nhà nước, sau này xác minh nếu là tiền chính đáng sẽ được rút dần, còn không có căn cứ rõ ràng thì bị tịch thu.

Tôi vét voi mãi chỉ còn chưa đầy 2 chục đồng, chả vội vàng gì. Lão Vy (Nguyễn Văn Vy đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn của tôi) cùng chẳng khá hơn, hình như có 21 hay 22 đồng. Tay học sinh bộ đội đi học chơi thân với chúng tôi, Đào Gia Thiệp, người Thủy Nguyên, có những hơn 4 chục. Cả đám cười như nghé. Đang dập dờn định kéo nhau ra ủy ban phường, thì chị em cái Thu người Hoa bán tạp hóa-cà phê ở dưới phố hớt hơ hớt hải chạy lên kiếm. Tôi hay trò chuyện với cái Thu nên nó cũng mến tôi, nó bảo anh ơi, nếu các anh chưa đủ suất thì đổi giúp em với. Ba đứa chúng tôi nhận lời, cái Thu đếm tiền đưa 200 đồng, cứ cảm ơn rối rít, rồi chạy vụt về, có lẽ đi tìm người khác nhờ đổi. Nhà nó buôn bán nên có tiền.

Ngoài ủy ban phường như đám chợ vỡ. Mặc cho công an phường vòng trong vòng ngoài, dân chúng cứ rên rỉ, la hét, than thở, chửi bới, năn nỉ, thôi thì đủ kiểu. Có một ông sồn sồn nhìn là biết ngay người Hoa, lớn tiếng, chúng mày là quân lừa đảo, quân ăn cướp, cướp không mồ hôi nước mắt của chúng tao. Một cậu thanh niên cờ đỏ đến nói gì đó, ông nhổ phì một nhát, bỏ đi không thèm nói thêm một lời.

Thực ra chỉ có bọn người nhà nước chúng tôi và dân lương thiện là ngây thơ tin vào nhà nước thôi, chứ đám dân có tiền họ đã ngóng đón trước rồi. Tôi nghe kể hôm qua có gia đình người Hoa ở chợ An Đông còn mua cả cần xé vé số để nếu hôm sau xổ số mà trúng sẽ có tiền hợp pháp. Chú Thăng bảo rằng đổi tiền thế này chỉ nhằm đánh vào bọn tư sản thôi, chứ công nhân viên chức ba cọc ba đồng đâu có ảnh hưởng gì. Ông nói nhỏ, đổi cũng là một dạng ăn cướp, ăn cướp hợp pháp. Còn tôi thì hiểu rằng từ sau vụ này khó mà tin được người nhà nước, tin vào mấy ông lãnh đạo, tin vào đài báo, tivi nữa. Mới hôm trước khăng khăng rằng không đổi tiền, hôm sau tráo trở nuốt lời làm ngược lại. 

Xã hội như trải qua cơn bão, đầy bi kịch. Mấy hôm sau, nghe người ta kể lại có những người bị mất của, sạt nghiệp do đổi tiền đã thắt cổ hoặc nhảy cầu tự tử. Cộng đồng người Hoa bị đánh đòn kinh tế nốc ao này càng thêm chán ngán, họ rục rịch chuẩn bị kéo nhau về Hồng Kông hoặc Trung Quốc. Số người vượt biên ngày càng tăng nhanh. 

Trường tôi cũng có mấy thầy cô ra đi, trong đó có thầy Đái Phụng Thời dạy toán, Phó bí thư Đoàn trường, bạn tôi. Số tiền mà chị em Thu nhờ đổi, chúng tôi lĩnh xong đưa trả lại nó không thiếu đồng nào. Một thời gian sau chị em Thu cũng vượt biên. Một thời gian sau, cả đứa học trò tôi là Trịnh Hảo Tố Như, người Hoa, nhà ở số 41 Nguyễn Chí Thanh, ngay sát ký túc xá 43 Nguyễn Chí Thanh tôi ở, cũng cùng gia đình đi trong đêm, sáng hôm sau khi tôi xuống phố mới biết.

Cuộc đổi tiền năm 1978 đã gây ra bao nhiêu bi kịch, tang thương. Kinh tế chẳng những không khá hơn mà ngày càng lụn bại. Và càng bi kịch hơn nữa, sau đổi tiền có vài tháng, đồng tiền lại mất giá nhanh vùn vụt, gần như chẳng còn bao nhiêu giá trị, chỉ như tờ giấy lộn. 

(còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 21.08.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.