jeudi 16 août 2018

Hoàng Linh - Chiếc vé lên tàu Việt Nam bằng chữ Trung Quốc có phải là chuyện nhỏ?



Nhiều bạn nói chiếc vé tàu có hàng chữ Trung Quốc là chuyện nhỏ, không đáng làm ồn ào, chỉ sự sơ suất. Cũng như hình ảnh Vạn lý Trường thành trên bìa sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 cũng là chuyện nhỏ và tình cờ…

Không giống như người Việt lơ ngơ lơ ngơ, coi thường những chuyện đời sống, xem đó là tiểu tiết, người Trung Quốc làm cái gì cũng tính toán. Đặc biệt là những gì thuộc về vị thế của Trung Quốc trên trường thế giới và chủ quyền quốc gia. Trung Hoa mộng của họ là cả thế giới, và tất nhiên đầu tiên hết là những nước láng giềng, liền sông, liền thổ, liền biển.

Xin chia sẻ lại một dòng trạng thái vẫn còn nguyên ý nghĩa, chỉ nói về văn hóa nghệ thuật đã thấy tư tưởng Trung Hoa mộng là bao trùm, chi tiết đến từng chân tơ kẽ tóc…kinh khủng như thế nào…

Vì sao Kim Dung làm Mộ Dung Phục hóa điên?

Thời gian trôi, sau nhiều lần đọc Kim Dung, từ chỗ khinh ghét Một Dung Phục - kính trọng ngòi bút Kim Dung, tôi đã chuyển sang kính trọng Mộ Dung Phục và kinh sợ Kim Dung.

Nếu anh chị tiếp xúc với những trí thức Trung Hoa, cho dù là người lục địa, bán đảo Đài Loan hay Hongkong đều có chung một giấc mơ một Trung Hoa và sẵn sàng thôn tính lẫn nhau để biến Trung Quốc thành của riêng mình.

Nếu Trương Nghệ Mưu ra mặt ủng hộ chính phủ Bắc Kinh thì Kim Dung khéo léo hơn, nham hiểm hơn, đã ủng hộ chính quyền Đại Hán cũng y hệt cách mà Trương Nghệ Mưu đã làm. Đó là nhân danh hòa bình và sự ổn định để triệt tiêu mọi mầm mống phản kháng, không chỉ tại Trung Hoa mà còn ở các nước láng giềng, ca ngợi một đất nước TQ vĩ đại, bá chủ thế giới.

Với nhân vật Mộ Dung Phục, Kim Dung ám chỉ rằng chỉ có thể có một Trung Quốc của chính phủ Bắc Kinh là trường tồn vì hợp lòng trời, mọi mầm mống khác cho dù chính nghĩa cũng sẽ bị tiêu diệt.

Tác giả Huỳnh Ngọc Chiến đã có cái nhìn đầy chất thơ về Mộ Dung Phục, xin dẫn ra đây:

- Ngay từ bé, Mộ Dung Phục đã phải mang nặng trách nhiệm khôi phục nước Đại Yên. Một cậu bé phong tư ngọc lập, cốt cách thanh kỳ nhưng không có được tuổi thơ, mà phải gánh cây thập tự quá nặng nề trên vai vì những ảo vọng của cha ông, quả là điều đáng ân hận trong nhân gian. Để rồi đến khi lớn lên, y lại bị hút vào vòng xoáy của cơn lốc phục quốc mà không cách nào thoát ra được.


Sứ mệnh chính trị nặng nề đã khiến y phải ngoảnh mặt đi trước tình yêu của Vương Ngữ Yên. Trong trái tim của y, giấc mộng đế vương đã choán sạch chỗ, nên tình yêu không còn chỗ đứng. Trong cuộc xung đột giữa “tư tình” “đại nghiệp”, chiến thắng nghiêng hẵn về hai chữ “đại nghiệp”.


Mộ Dung ở Cô Tô thuộc dòng dõi nước Đại Yên. Đến đời Tống thì nước Đại Yên không còn nữa. Và giấc mơ phục quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh của hậu duệ đời sau. Mộ Dung Bác đặt tên con là Phục, với ý đồ muốn con mình sẽ phục quốc xưng vương, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông. Ông muốn khuấy động can qua giữa hai nước Trung Quốc và Khiết Đan để Đại Yên thừa cơ quật khởi. Chỉ vì tham vọng chính trị đó mà Mộ Dung Bác đã dựng lên vụ huyết án tại Nhạn môn quan, đẩy cặp phu phụ Tiêu Viễn Sơn vào chỗ chết và khởi đầu cho cuộc đời đầy bi kịch của Tiêu Phong.


Sự xuất hiện của Mộ Dung Phục còn hấp dẫn và lôi cuốn hơn cả sự xuất hiện của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ. Nếu trước khi xuất hiện, Lệnh Hồ Xung chỉ có mặt trong những câu chuyện kể, qua lời các sư đệ đồng môn và cô tiểu ni Nghi Lâm xinh đẹp, thì sự hiện diện thấp thoáng trong những lời đồn đại, trong những giai thoại được truyền tụng khắp võ lâm đã khiến Mộ Dung Phục giống như con thần long chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi. Thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” (dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân
) đã gieo hoang mang khắp giang hồ. 


Thoạt đầu, nhà sư Tuệ Chân vượt đường xa vạn dặm đến nước Đại Lý để báo tin Huyền Bi đại sư, trên đường từ Thiếu Lâm đến Đại Lý, bị đánh chết tại chùa Thân Giới vì chính tuyệt kỹ Đại Vi Đà Chử của mình. Rồi Hoàng My đại sư kể lại câu chuyện bản thân mình hồi trai trẻ bị một cậu bé đánh bại cũng bởi chính tuyệt kỹ Kim cương chỉ của mình. Kế đó, Kim toán bàn Thôi BáchTuyền kể chuyện mình bị một cặp nam nữ trung niên dùng con toán đánh ngay vào những huyệt đạo trong cơ thể, khiến tay cao thủ của phái Phục Ngưu này phải mai danh ẩn tích, đổi tên là Hoắc tiên sinh, làm kẻ hầu hạ chuyên lo chuyện tạp dịch trong cung điện Đại Lý, nhằm tránh họa sát thân. 


Lạc thị tam hùng đất Hà Bắc chuyên dùng phi trùy thì chết về phi trùy. Chương Hư đạo nhân thường thi hành thủ đoạn chặt chân tay của địch nhân để hành hạ, thì cuối cùng lại chết vì chính thủ đoạn trên. Những cái chết bí ẩn của các tay cao thủ bởi chính tuyệt kỹ của mình đã phủ trùm lên võ lâm một bầu không khí khủng bố, và dòng họ Mộ Dung được thêu dệt như những nhân vật thần thông quảng đại vì thấu triệt được tất cả những tuyệt học trong thiên hạ.


Kim Dung đã dày công tô vẽ nên hình ảnh một con rồng võ lâm Cô Tô Mộ Dung Phục nhưng lại không “điểm nhãn” để con rồng ấy bay lên cõi trời cao, mà để nó từng bước, như con giun đất, lún sâu vào vũng bùn của ảo vọng hão huyền. Hình ảnh thiểu não của Mộ Dung Phục xuôi Bắc ngược Nam, lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đoạn để mưu đồ phục quốc ngẫm cũng đáng thương. Người đọc càng hồi hộp chờ đợi nhân vật Mộ Dung Phục xuất hiện bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu trước những hành động của y. 


Đầu tiên y gia nhập đám các động chủ, đảo chủ trong Vạn tiên đại hội để cùng tấn công lên đỉnh Linh Thứu, và không ngần ngại giết hại bao nữ thuộc hạ của cung Linh Thứu chỉ nhằm mục đích muốn tạo được mối quan hệ với đám quần hùng ô hợp đó nhằm mưu đồ lợi dụng về sau. Khi vị tân chủ nhân của Linh Thứu cung là Hư Trúc xuất hiện, y liệu chừng tình thế không thuận lợi cho mưu đồ của mình nên phải bỏ đi. Đó là bước mở đầu cho sự sa đọa Mộ Dung Phục, về phong độ lẫn lương tri.


“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường đời mưa bay gió cuốn còn nhiều …”. (Chiều mưa biên giới - Nguyễn Văn Đông). Khi viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ đến những lời ca đó. 


Nếu để Mộ Dung Phục chịu đựng bao cảnh ma chiết của “đường đời mưa bay gió cuốn” và chết đi trong giấc mơ phục quốc, thì dù sao cái “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng” đó cũng còn có điểm đáng cảm thông. Đằng này Kim Dung lại tàn nhẫn để y biến thành “hoàng đế” sống hoang tưởng trong cơn mộng đế vương hư ảo với y phục của phường tuồng, quần thần là đám trẻ con chạy theo xin bánh kẹo, còn “triều đình” thì được dựng lên nơi nghĩa địa. Đó là tất cả những gì còn lại của “con rồng võ lâm” do Kim Dung sáng tạo ra nhưng lại không “điểm nhãn”! (hết trích dẫn).

Tuy nhiên dù xảo biện như Kim Dung hay đại bút nô như Trương Nghệ Mưu, người TQ cũng từ từ nhận ra.

Một nhà phê bình nổi tiếng trên mạng Weibo, có tới 750.000 người theo dõi, đã bình luận “Trương Nghệ Mưu... đã chết” sau khi xem bộ phim Trường Thành hôm thứ Sáu tuần trước. Khán giả đại chúng cũng dành cho bộ phim những phản hồi tiêu cực: “Nếu các bạn muốn tốn thời gian và tiền bạc một cách vô nghĩa nhất, hãy đi xem bộ phim này”.

Đạo diễn là Trương Nghệ Mưu, một tên tuổi nổi bật nhất của thế hệ thứ năm và là người đầu tiên đưa điện ảnh Trung Quốc ra thế giới trong những năm 1990 nhờ những bộ phim nghệ thuật về một Trung Quốc u ám, bệnh hoạn, loạn luân…Trương Nghệ Mưu được chính quyền Trung Quốc sủng ái không phải chỉ vì tài năng mà vì ngòi bút của ông đã cúc cung tận tụy cho thể chế và những cá nhân đó.

Khéo léo mị dân với chiêu bài dân túy, bảo vệ những giá trị Trung Quốc, bệnh vực người dân nghèo….thời gian dài Trương Nghệ Mưu được cả chính quyền lẫn người dân Trung Quốc sùng bái. Đèn lồng đỏ treo cao (1991), Cao lương đỏ (1987), Thu Cúc đi kiện (1992)… Trương Nghệ Mưu làm cả Trung Quốc  say mê. Nhưng sau đó với bộ phim Anh hùng (2002), người ta lờ mờ nhận ra một Trương Nghệ Mưu khác, sùng bái độc tài khi cho thích khách từ bỏ ý định giết Tần Thỉ Hoàng vì cho là sự tồn tại của một hoàng đế khát máu vì một Trung Quốc thống nhất là đúng đắn.

Việc được chính quyền Trung Quốc cho làm tổng đạo diễn Thế vận hội Bắc Kinh với sự cố cô bé hát nhép bị vạch mặt, tiếp tục làm lộ nhân cách của một nghệ sĩ nhuốm màu chính trị phe phái, đổi trắng thay đen, không tôn trọng sự thật và khán giả.

Đời tư của Trương Nghệ Mưu với các scandal tình ái luôn được chính quyền dễ dãi cho qua nhưng công chúng thì “gạch đầu dòng” ghi nhớ.Thất bại của tác phẩm được kỳ vọng nhiều nhất là Vạn lý trường thành ngay tại quê nhà, cho thấy người Trung Quốc  đã nhận ra và tẩy chay….đại bút nô như thế nào.

Chút tản mạn để chia sẻ với anh, chị rằng giấc mộng thống nhất Trung Hoa, thống nhất thế giới ám ảnh họ như thế nào, và họ sẽ bất chấp thủ đoạn để thực hiện điều đó

FB HOÀNG LINH 16.08.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.