samedi 21 juillet 2018

Đào Hiếu - Những thằng Tây đi tìm huyền thoại



Một quân nhân VNCH và đồng đội bị thương nặng ở gần Saigon, 05/08/1963. Ảnh Horst Faas/AP

Tụi Tây chúng làm việc rất bài bản. Trước khi khởi sự, chúng lên chương trình rất khoa học. Chẳng hạn như muốn sang Việt Nam làm một bộ phim tài liệu, chúng phải lên danh sách gặp những ai, phỏng vấn người này nội dung gì, người kia bao nhiêu phút, người nọ ghi hình ở trong phòng hay tại hiện trường v.v…

Khi đoàn làm phim The Vietnam War của Mỹ đến Việt Nam thì trong những người họ chọn phỏng vấn dứt khoát phải có nhà văn, nhà báo từng cầm súng. Thế là họ chọn Nguyên Ngọc, Bảo Ninh và Huy Đức.

Những người đó có đủ các tiêu chuẩn họ cần. Bố ai thay thế được! Nhưng họ quên một điều là: Chiến tranh Việt Nam chủ yếu xảy ra ở miền Nam, trong khi ba vị ấy toàn là người miền Bắc mà trong đó hai vị là cán bộ (Nguyên Ngọc, Bảo Ninh) còn vị thứ ba thì trong chiến tranh chống Mỹ chỉ là đứa con nít “miệng còn hôi sữa”, chính vì thế mà họ phát biểu trật lất cả.

Bảo Ninh thì lặp lại câu thơ của Nguyễn Duy: “Bên nào thắng thì nhân dân đều bại” mà không biết rằng nếu bên Việt Nam Cộng Hòa thắng thì nhân dân đã không bị cướp đất, cướp nhà, bị tù tội, bị tuyên án tử hình vì bảo vệ tài sản của mình. Có người còn phải tự thiêu để phản đối cướp đất. Chưa kể ngư dân Việt Nam thì bị Trung Cộng truy sát trên Biển Đông, bắn nát tàu đánh cá, bắn chết và bị thương không biết bao nhiêu người.

Nguyên Ngọc thì cho rằng chiến tranh Việt Nam là “một cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ” mà không hề biết rằng chẳng có cái “ý thức hệ” nào cả, cũng chẳng phải nội chiến, mà chỉ là Trung Cộng muốn mượn xương máu của dân Việt Nam để đuổi Mỹ đi, sau đó nuốt trọn mảnh đất hình chữ S này mà không đổ một giọt máu nào. 

Còn phát biểu của Huy Đức thì làng nhàng, vô tích sự.

Cho nên bọn Tây mang danh là làm việc rất khoa học mà cũng quá khờ.

*
Trước đây, người Việt mình, ở cả hai miền Nam Bắc, đều rất nể giới trí thức miền Bắc. Vì vậy trong dân gian mới truyền tụng cái danh xưng “sĩ phu Bắc Hà” coi như những bậc hiền triết.

Mãi đến khi đồng loạt các vị sĩ phu như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… đều viết hồi ký, di cảo… tự phủ nhận bản thân và phủ nhận cả tác phẩm của mình. Rằng cả đời họ đã sống giả, sống hèn và vì thế mà tác phẩm của họ chỉ rặc một thứ “văn chương minh hoạ” “văn chương phải đạo”… Tức là sáng tác với mục đích điếu đóm, nâng bi Đảng… thì cái huyền thoại “sĩ phu Bắc Hà” mới sụp đổ.

Tác phẩm “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải là lời thú nhận của một nhà văn sống giả vì cả cái xã hội chung quanh ông đều giả. Ông viết: “Người cộng sản nói dối không bao giờ biết xấu hổ. Người dân muốn sống được thì đành phải nói dối theo”.

“Di cảo thơ” của Chế Lan Viên thì phũ phàng hơn khi ông “tự khai” mình từng sống lật lọng như “Tháp Bayon bốn mặt”, chưa kể những bài thơ trần trụi, đau xót như “Ai - Tôi” “Chiếc bánh vẽ” “Trừ đi” dưới đây:

“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay...
trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
cho được yên ổn trên bờ…”


Và bài Gió Bay của Nguyễn Đình Thi:

Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn


Còn lớp nhà văn sau này như Bảo Ninh - nổi đình nổi đám với tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh mà thằng Tây nào sang Việt Nam cũng nhắc tới – thì từng thú nhận công khai rằng: “Nếu tôi từng đọc tác phẩm “Mùa Hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật Nam thì tôi đã không viết cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh như vậy”.

Lời thú nhận ấy có nghĩa là cuốn sách của Bảo Ninh là giả tạo và chẳng là gì so với tác phẩm của Phan Nhật Nam.

Đó là điều mà những thằng Tây khờ khạo không bao giờ biết.

*
Ngày nay cái tầng lớp “sĩ phu Bắc Hà” không còn nữa. Đám văn nghệ sĩ hiện giờ là những ông quan của Hội Nhà Văn, ngồi không ăn lương và bổng lộc triều đình.

Thỉnh thoảng cũng có vài ba phái đoàn mũi lõ sang Việt Nam để tìm hiểu về tình hình văn học. Họ cũng lên chương trình rất chi tiết. Và dĩ nhiên là họ phải gặp Hội Nhà Văn. Họ có biết đâu rằng đó chỉ là cái ổ của bọn bất tài, tham ăn, háo danh… chuyên bưng bô lãnh đạo. 

Thế là lại gặp Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa… Và rồi các vị này lại giới thiệu thêm các “con gà nòi” đã được Đảng tín nhiệm như X,Y,Z…

Tức thì các thằng Tây lại phỏng vấn, lại tài trợ, lại viết bài… và… nếu như bọn họ có khăn gói vô Sài Gòn thì chắc lại cũng Trần Văn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng…

Có lần tôi hỏi một thằng Tây: 

-Bộ mày không biết ai khác ngoài mấy cái tên ấy sao?
-Thì ông giới thiệu giúp tôi đi!
-Mày phải tự tìm hiểu chứ. Cứ nhờ người khác giới thiệu thì sao khách quan được.


Thằng Tây thở dài mà rằng:

-Đã có lần tôi xuống tận Cà Mau gặp một nhà văn. Chưa gì cô ta đã khoe rằng quê hương Cà Mau của cô đã sản sinh ra một vị thủ tướng. Và vì tôi biết vị thủ tướng ấy là ai, nên tôi rất nản. Tôi nghĩ lẽ ra cô không nên khoe như vậy. Sự khoe mẽ ấy chứng tỏ cái “tầm nhận thức” của cô chỉ ở mức một bà nội trợ.
 
Tôi, người viết bài này, không có ý kiến.

Và tôi bái bai hắn, về cho mèo ăn.

ĐÀO HIẾU 21.07.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.