jeudi 17 mai 2018

Trần Đức Anh Sơn - Xử lý thế nào đối với khách Trung Quốc có hành vi thách thức chủ quyền quốc gia Việt Nam ?



1. Ngày 16/5/2018, báo điện tử vnexpress.net đưa tin Khánh Hòa lúng túng xử lý vụ khách Trung Quốcmặc áo 'đường lưỡi bò'”. Theo báo này, trước việc có một nhóm du khách Trung Quốc, gồm 14 người, mặc áo T-shirt in hình in bản đồ Trung Quốc có gắn thêm ‘đường lưỡi bò’ phi pháp, nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Cam Ranh vào ngày 13/5/2018, ông Trần Sơn Hải, phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: việc khách mặc áo in hình "đường lưỡi bò" nhập cảnh vào Việt Nam là phi pháp. Nhưng do “không có quy định rõ về vấn đề này, nên khá lúng túng trong xử lý, bởi đây đặc thù có câu chuyện về chủ quyền".

Quan điểm của tôi là: KHÔNG CHO NHỮNG DU KHÁCH NÀY NHẬP CẢNH VÀO VIỆT NAM.

Vì sao phải làm như vậy? Đây là lý do:


- Theo tôi, đây là hành động có chủ đích của nhóm du khách Trung Quốc này, không phải vô tình. Họ có 14 người (số đông), mua “áo đường lưỡi bò” mặc vào người từ trước, rồi mặc áo khoác bên ngoài để “che mắt” an ninh cửa khẩu. Khi nhập cảnh rồi thì mới “nhất tề” lột áo khoác ngoài để “show” những tấm bản đồ Trung Quốc có ‘đường lưỡi bò’ phi pháp này. 

Đó là một hành động có tổ chức, không phải là sự bộc phát. Hành động này vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên chính quyền Việt Nam phải trừng phạt bằng cách không cho họ nhập cảnh vào đất nước mà họ cố tình vi phạm. 

Hành động của nhóm này cũng đi ngược lại với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực của UNCLOS, một thể chế mà Trung Quốc là quốc gia thành viên, khi tòa này đã ra phán quyết “’đường lưỡi bò’ của Trung Quốc là phi pháp” về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” này vào ngày 12/7/2016. 

Vì thế, việc Việt Nam không cho những người này nhập cảnh vào Việt Nam là vừa đúng với luật pháp Việt Nam, vừa phù hợp với một phán quyết của quốc tế.

- Đây không phải lần đầu du khách Trung Quốc có những hành động “khiêu khích” đối với chủ quyền quốc gia của Việt Nam. 

Từ năm 2014, một số hướng dẫn viên du lịch (HDV), chuyên hướng dẫn cho du khách Trung Quốc tại Huế - Đà Nẵng - Hội An đã phản ánh với tôi rằng: có nhiều du khách Trung Quốc, nhất là lớp trẻ, thường tìm cách chụp ảnh ngay tại những tấm biển cấm chụp ảnh mà cơ quan chức năng của Việt Nam đặt biển cấm như: khu vực quân sự, khu vực biên giới, doanh trại quân đội… 

Những HDV này đã tìm hiểu và được biết rằng trước khi sang du lịch Việt Nam, những du khách này đã được các công ty du lịch của Trung Quốc “treo giải”: ai chụp được ảnh những bức ảnh tại các khu vực cấm của Việt Nam và đăng tải trên mạng xã hội của Trung Quốc và quốc tế, thì sẽ được công ty du lịch tặng quà. Nếu chụp và đăng được càng nhiều ảnh thì sẽ được nhận phần thưởng xứng đáng, thậm chí được hoàn trả toàn bộ số tiền đã mua tour du lịch. 

Vì thế, những khách Trung Quốc này luôn tìm cách vượt khỏi tầm kiểm soát của HDV, lén đi chụp hình ở những nơi có đặt biển cấm chụp hình mà họ thấy được trong hành trình du lịch của mình ở Việt Nam, để đăng lên mạng xã hội. 

Một HDV nói với tôi rằng : “Em nghe tụi nó nói với nhau là chụp hình ở những nơi bị cấm rồi đăng lên mạng là một cách tụi nó tỏ ý coi thường luật lệ của Việt Nam, coi thường Việt Nam nói chung”. HDV này cũng nói thêm: “Việc này đã xảy ra khá thường xuyên và tụi em phải luôn để mắt đến đám du khách này vì sợ mình bị liên lụy rồi bị cơ quan chức năng xử phạt. Rất vất vả”. Tôi đã viết một status về việc này và đăng trên Facebook của mình từ năm 2014, cũng như đã thông báo cho cơ quan chức năng để theo dõi xử lý.

- Cũng như việc một số HDV người Trung Quốc từng thuyết minh cho du khách Trung Quốc rằng “Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc trước đây”, hay “Việt Nam là chư hầu của Trung Quốc”… đã từng diễn ra ở Huế, Đà Nẵng và một số nơi khác. Hành động tổ chức cho du khách Trung Quốc mặc “áo đường lưỡi bò” khi vào Việt Nam là một hành động chủ ý nhằm tuyên truyền cho chính sách tranh chấp lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam. 

Vì thế, chính quyền Việt Nam phải trừng phạt những hành động này bằng cách trục xuất họ ra khỏi Việt Nam.

Cũng cần biết rằng, Trung Quốc luôn có hành động cứng rắn đối với những ai động đến chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng, hay lên án việc Trung Quốc đàn áp tôn giáo. Chẳng hạn:

- Tháng 6/2008, Ban tổ chức Liên hoan phim Thượng Hải ra lệnh cấm nữ diễn viên phim người Mỹ Sharon Stone tham dự sự kiện điện ảnh được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc), vì trước đó, vào tháng 5/2008, Sharon Stone đã “lỡ lời” bình luận trận động đất lịch sử xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) hôm 12/5 là một “Karma” (nghiệp chướng) mà người Trung Quốc phải hứng chịu vì Trung Quốc đối xử "không phải" với người Tây Tạng. 

Chưa hết, chính quyền Trung Quốc còn gây sức ép để hãng Christian Dior phải tháo gỡ toàn bộ hình ảnh của Sharon Stone quảng cáo cho hãng này trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, và hạ lệnh cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc tẩy chay Sharon Stone trong nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác diễn ra ở Trung Quốc mà diễn viên điện ảnh này đã có kế hoạch tổ chức, hoặc được mời tham dự từ trước đó.

- Tháng 12/2015, hoa hậu Canada Anastasia Lin, đã bị chính quyền Trung Quốc từ chối cấp phép nhập cảnh vào Trung Quốc để tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới tổ chức tại Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc), vì lý do cô hoa hậu người Canada gốc Hoa này có cha là người theo Pháp luân công (bị Trung Quốc cấm hoạt động ở Trung Quốc) và thường có phát ngôn thẳng thắn về chính sách tôn giáo của Trung Quốc. Hình ảnh của Anastasia Lin cũng bị phía Trung Quốc gỡ bỏ khỏi website của cuộc thi Miss Word năm 2015.

Trung Quốc cứng rắn với những người bị cho là vi phạm luật pháp Trung Quốc. Tại sao Việt Nam không cứng rắn với những người Trung Quốc vi phạm luật pháp, chính sách của Việt Nam một cách có tổ chức?

2. Năm 2012, Trung Quốc bắt đầu cấp hộ chiếu in hình bản đồ Trung Quốc có ‘đường lưỡi bò’ cho công dân của họ. Khi những du khách Trung Quốc mang hộ chiếu này đi du lịch Việt Nam, cơ quan nhập cảnh Việt Nam đã cấp ‘thị thực rời’, tức là đóng dấu nhập cảnh vào một tờ giấy riêng, không đóng lên hộ chiếu có in hình ‘đường lưỡi bò’, rồi cho họ nhập cảnh vào Việt Nam. 




Trong một trường hợp tương tự, chính quyền Ấn Độ đã không cho những du khách Trung Quốc mang hộ chiếu có in hình bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và khu vực Aksai Chin (Trung Quốc kiểm soát, Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) nhập cảnh vào Ấn Độ, vì Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã thể hiện chính sách bành trướng lãnh thổ phi pháp trên hộ chiếu, xâm hại chủ quyền quốc gia của Ấn Độ.

Để đáp trả, theo kênh tin tức NDTV đưa tin vào năm 2012: “Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch cho in hình bang Arunachal Pradesh và khu vực Aksai Chin mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền lên hộ chiếu trong đợt phát hành sắp đến như một động thái phản ứng Bắc Kinh".

Trong khi đó, Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho du khách đến từ bang Arunachal Pradesh và Sikkim vì cho rằng đó là lãnh thổ của Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy rằng các nước đều có phản ứng quyết liệt khi chủ quyền quốc gia bị nước khác xâm phạm, dưới bất kỳ hình thức nào, trong đó có việc trục xuất / cấm nhập cảnh những du khách mang các tấm hộ chiếu in hình “phi pháp” khi họ nhập cảnh vào quốc gia mình.

Hồi năm 2015, khi được mấy vị thuộc cơ quan an ninh hỏi là: “Anh có ý kiến gì trong việc đối phó với việc du khách Trung Quốc sử dụng ‘hộ chiếu đường lưỡi bò’ nhập cảnh vào Việt Nam không?”. Tôi đã đề nghị như sau: “Không ngăn chặn những du khách này vào Việt Nam vì họ là du khách, còn hộ chiếu của họ thì do chính quyền nước họ cấp nên họ không can thiệp vào việc này được. Tuy nhiên, không nên đóng dấu thị thực nhập cảnh vào tờ giấy rời như an ninh cửa khẩu Việt Nam đang làm. 

Thay vào đó, cơ quan xuất nhập cảnh nên ban hành một loại dấu nhập cảnh riêng để đóng lên những cuốn ‘hộ chiếu đường lưỡi bò’. Dấu nhập cảnh này lớn hơn dấu bình thường, trên đó có khắc hình bản đồ nước Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để đóng vào trang thị thực nhập cảnh cho du khách Trung Quốc. 

Trung Quốc dùng hộ chiếu để tuyên truyền phi pháp cho chính sách tranh chấp lãnh thổ của họ, thì Việt Nam sẽ dùng dấu thị thực có hình bản đồ Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền quốc gia của mình. Chúng ta không gây khó khăn cho du khách Trung Quốc, nhưng chúng ta không nên nhún nhường bằng cách cấp thị thực rời. 

Chúng ta cứ đóng dấu thị thực có Hoàng Sa - Trường Sa lên “hộ chiếu đường lưỡi bò” cho du khách Trung Quốc. Ai muốn vào Việt Nam với thị thực này thì vào, ai không muốn vào thì thôi. Đó là một cách thể hiện lập trường của chúng ta. Mềm dẻo, linh hoạt, nhưng kiên quyết”.

Bốn ông an ninh ngồi tiếp tôi hôm đó nói đó là ý hay, sẽ báo cáo lên trên để xem xét. Nhưng kết quả xem xét như thế nào thì đến nay tôi chưa được phản hồi.

Tôi chỉ thấy rằng, du khách Trung Quốc càng ngày càng táo tợn, táo tợn có tổ chức, trong việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, coi thường luật pháp Việt Nam, ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, cơ quan chức năng và chính quyền Việt Nam thì cứ lúng ta, lúng túng trong việc xử lý như ông phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thừa nhận.

Và tôi cũng rất buồn lòng - không phải buồn mà là hận - khi chính quyền “lúng túng” trong việc xử lý du khách Trung Quốc mặc áo đường lưỡi bò phi pháp nhởn nhơ trên đất Việt Nam, thì lại thẳng tay đàn áp những người mặc áo “No U” phản đối “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Và cho người giựt bỏ những tấm băng-rôn ghi dòng chữ: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” trong tay những đồng bào Việt Nam biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc trong các năm 2014 - 2016, bắt họ và tống lên xe bus chở về đồn công an để tra xét vì “tội” yêu nước mình.

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)

P/S: Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), cơ quan ngôn luận quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 15/5/2018, dẫn lời dẫn lời Chen Xiangmao (Trần Tương Miễu) từ Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, bình luận về việc 14 du khách Trung Quốc mặc “áo đường lưỡi bò” nhập cảnh vào Việt Nam, rằng: “Đây là một hành vi cá nhân được thúc đẩy bởi chính quyền và phương tiện truyền thông Việt Nam nhằm kích động tâm lý dân tộc chống lại Trung Quốc”.

Chen Xiangmao còn đe dọa: “Nó có thể gây hại cho quan hệ song phương nếu họ (Việt Nam) tiếp tục thổi phồng vụ việc, hoặc có bất kỳ lựa chọn tích cực nào trong việc đối phó với các du khách Trung Quốc có liên quan”.

Còn Liu Feng (Lưu Phong), một học giả khác của Viện Nghiên cứu Biển Đông, nói với Hoàn cầu Thời báo: “Sự cố phản ánh sự thiếu tự tin của Việt Nam với các tuyên bố của mình ở Biển Đông và sự cảnh giác quá mức đối với Trung Quốc”.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.