lundi 14 mai 2018

Chuyên gia từ ĐH Yale: 'Dân Thủ Thiêm bị đối xử như không tồn tại'



(Zing.vn 10.05.2018) "Phát triển là dành cho người dân, không phải cho dự án. Tuy vậy tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân", PGS.TS. Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ), viết cho Zing.vn.

Trong suốt tuần qua, Thủ Thiêm đã trở thành từ khóa nóng và đang tràn ngập các trang báo Việt Nam. Tuy nhiên, với những hộ dân thuộc diện di dời để nhường chỗ cho các dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, vấn đề này đã thực sự “nóng” từ lâu.


Vào thời điểm đó, chính quyền tuyên bố rằng khu vực giải phóng mặt bằng tại Thủ Thiêm là nơi sinh sống của 14.600 hộ dân. Tất cả những người sống trong các hộ gia đình này đều bị buộc di dời để nhường chỗ cho dự án.

Suốt tuần qua, trong khi mọi người đang bàn tán về tấm bản đồ bị mất, câu chuyện thực sự nằm ở việc những cư dân bị mất nhà cửa. Đó là cuộc sống của những người đã hy sinh cho thành phố và đất nước.

Khi được mời đưa ra nhận định chuyên môn về Thủ Thiêm, tôi chỉ có một lời khuyên thế này: Đừng mất thời gian nghe tôi, hay tất cả các “chuyên gia” khác. Thay vào đó, hãy dừng lại và lắng nghe tiếng nói của những người dân tại các phường An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông, TP.HCM.

Hãy lắng nghe những người sống ở các khu dân cư xung quanh các con đường nhộn nhịp như Lương Định Của, Cây Bàng và Trần Não. Họ thân thuộc với từng con kênh, con rạch chạy qua Thủ Thiêm tương tự như người dân thành thị am hiểu về phố xá Sài Gòn.

Giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), nơi có những đại dự án nghìn tỉ của các đại gia bất động sản đã và đang xây dựng, nhiều khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước, sinh hoạt thiếu thốn vẫn tồn tại. Ảnh: Lê Quân.
Họ đã mất cả cộng đồng

Tôi đã nhận được rất nhiều email và tin nhắn từ bạn bè, chỉ ra chuyện này sẽ khiến các nhà chức trách quy hoạch đô thị trở nên buồn cười như thế nào. Mọi người hỏi tôi đây có phải là một trò đùa không và những email, tin nhắn của họ chứa đầy các dấu chấm than và chấm hỏi hàm ý sự giễu cợt

Bản thân tôi không thể cười, dù đồng ý rằng câu chuyện này đang khiến mọi người hoài nghi về năng lực và ý định ban đầu của các nhà lãnh đạo dự án.

Tôi không thể cười vì trong quá trình thực hiện cuốn sách về sự phát triển của các khu đô thị mới tại Việt Nam, tôi có thể hình dung được những gì hàng nghìn người dân Thủ Thiêm phải trải qua. Với những người dân Thủ Thiêm, dự án này không phải là trò cười. Họ đã mất kế sinh nhai. Họ đã mất làng xóm, tình bạn. Họ đã mất cả một cộng đồng.

Nếu ai đó sẵn sàng lắng nghe người dân Thủ Thiêm - và ý tôi là thật sự lắng nghe chứ không chỉ gặp mặt đơn thuần - họ sẽ hiểu rằng có rất nhiều người đang hồ hởi vì được là một phần trong dự án phát triển đô thị mới nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của thành phố.

Rất nhiều bạn bè tôi ở Thủ Thiêm nói rằng họ sẵn sàng hy sinh. Họ sẵn sàng làm vậy vì họ yêu Việt Nam và yêu TP.HCM như mọi người dân khác. Nhưng những ai chấp nhận hy sinh cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng.

Thế nhưng thực tế lại ngược lại. Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.

Căn nhà lụp xụp trên phố Trần Não là chỗ trú của 16 người suốt 8 năm qua. Ảnh: Phúc Minh
Theo báo chí mấy ngày qua, số lượng các hộ gia đình trong diện giải tỏa từ Thủ Thiêm cao hơn cả con số tôi từng nghe được trong quá trình thực hiện cuốn sách. Bây giờ con số này đã là trên 15.000 hộ gia đình.

Hiểu rõ điều này, James Scott, đồng nghiệp của tôi tại Yale, đã chỉ ra một vấn đề cố hữu: Các nhà chức trách bỏ qua thực tế đang diễn ra trước mắt khi tiến hành dự án, do đã quen nhìn nhận qua văn bản và bản đồ (khi bản đồ chưa bị mất).

Có thể thấy điều này trong các tài liệu quy hoạch của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Trong các tài liệu này, các hộ gia đình trong diện giải tỏa không được nhận dạng là con người mà thay vào đó là “hồ sơ”, như thể giấy tờ còn quan trọng hơn nhân phẩm của họ.

Điều này được minh chứng rõ trong các bản đồ quy hoạch, thường xuyên được các hình ảnh mô tả như những vùng đất trống không có dân cư. Mọi thứ được thể hiện qua góc nhìn từ trên xuống, và không hề tính đến thực tế cuộc sống con người ở nơi mà các nhà quy hoạch tuyên bố đang được cải thiện.

Những căn nhà loang lỗ ở Thủ Thiêm hiện tại. Ảnh: Lê Quân.
“Đi xe xem đất”

Điều tôi đang mô tả, dĩ nhiên, không có gì bất ngờ với những người bạn của tôi ở Việt Nam. Họ gọi hình thức quản lý này là “cưỡi ngựa xem hoa”. Hình thức này cũng phổ biến tại Trung Quốc.

Tôi sẽ để cho độc giả tự quyết định tại sao các hộ dân trong khu vực giải tỏa của các dự án phát triển đô thị mới lại dùng câu thành ngữ này để mô tả các nhà quy hoạch dự án Thủ Thiêm.

Có thể chúng ta nên áp dụng một thành ngữ mới trong thời kỳ hiện đại: “Đi xe xem đất”. Dù trong trường hợp nào, tôi chỉ có duy nhất một khuyến nghị: Các nhà quy hoạch đô thị tốt cần phải xuống ngựa hoặc xuống xe để nói chuyện với người dân.

Các dự án phát triển đô thị quy mô lớn được điều hành bởi những nhà quy hoạch “tháp ngà” và không lắng nghe người dân thường không đạt được kết quả như mong muốn. Các chuyên gia đã mô tả không ít các dự án lớn trên thế giới phải nhận sự thất bại do không tính đến yếu tố con người mà đáng ra mục đích của dự án phải là nâng cao đời sống người dân. Chandigarh (Ấn Độ) và Brazilia (Brazil) và nhiều dự án nhà ở xã hội tại Mỹ là các ví dụ điển hình.

Với các dự án được các chuyên gia coi là thành công như dự án nhà ở xã hội của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB), các nhà quy hoạch đã đặt tâm nguyện của người dân lên trên. Trong khi nhiều nhà quy hoạch Việt Nam lấy Singapore làm hình mẫu, họ thường bỏ qua một yếu tố quan trọng trong mô hình HDB.

Theo chuyên gia đô thị Chua Beng Huat, mô hình HDB là một phần quan trọng của mạng lưới an toàn xã hội cho người dân và đồng thời là một hình thức quy hoạch đất đai cân đối giữa người giàu và nghèo để đảm bảo tất cả công dân đều có nhà để ở.

Tại Singapore, mô hình HDB là cách để chính phủ dân chủ hóa nhà ở. Mô hình này giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội, vốn thường đi kèm với bùng nổ đất đai. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, mô hình nhà ở xã hội này lại được biến tướng thành cơ hội phát triển bất động sản.

Nhiều xóm trọ tạm bợ, lụp xụp mọc lên gần khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân
Hãy nghe dân Thủ Thiêm nói

Bài học chính mà tất cả các chuyên gia đô thị muốn truyền tải là việc lắng nghe người dân phải được coi là cốt lõi trong quá trình phát triển bất cứ hình thức nhà ở nào. Phát triển là dành cho người dân, không phải cho dự án. Tuy vậy tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân. Vì thế, nhiều công dân Việt Nam đã dùng từ “bị quy hoạch” thay vì “được quy hoạch” khi nói về các dự án đô thị

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi người dân Thủ Thiêm bị biến thành vô hình.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy những người dân ở đó dường như không tồn tại trong phần lớn lịch sử Sài Gòn.

Trong lần đầu đặt chân đến Sài Gòn năm 1997, tôi ghé thăm bến Bạch Đằng và hỏi người dân bên kia sông là gì, họ trả lời: “Không gì cả”. Thủ Thiêm dường như không tồn tại trong các bản đồ của các chính quyền ở Việt Nam. Thế nhưng nếu thật sự tìm hiểu thì có thể nhận thấy những người dân Thủ Thiêm đã ở đây từ rất lâu rồi.

Các nghiên cứu của sử gia Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra sự tồn tại của người dân nơi đây trong lịch sử. Cuộc sống nhộn nhịp ở cả hai bên bờ sông Sài Gòn đã được mô tả trong nhật ký của các nhà thám hiểm đến Sài Gòn lẫn trong văn chương của Trịnh Hoài Đức hay Trương Vĩnh Ký.

Khi bắt đầu học tiếng Việt và đọc về lịch sử Nam Bộ, tôi đã học được câu nói: “Nơi nào có đình thì nơi đó có làng Việt Nam”. Sau đó, khi tìm hiểu về Thủ Thiêm, tôi được biết ở đó không chỉ có hai đình (An Khánh và An Lợi Đông) mà còn có rất nhiều chùa, đền, và nhà thờ. Tổng cộng, có 29 công trình tôn giáo phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân.

Với tôi, đây hoàn toàn không phải là một khu đất trống. Đó là một khu dân cư chứa đựng đầy đủ những tinh hoa văn hóa Việt Nam. Để có thể biết về cuộc sống của họ, chúng ta phải bước chân xuống ngựa hoặc mở cánh cửa ôtô để nói chuyện với người dân.

Thế nhưng, vì một lý do nào đó, các nhà quy hoạch đã coi mảnh đất này là trống bất chấp rất nhiều bằng chứng về sinh hoạt dân cư. Họ vẫn phớt lờ tiếng nói của người dân kể cả trong quá trình xử lý “hồ sơ”. Trong quyển sách của tôi về các khu đô thị mới, tôi gọi hiện tượng này là “nhìn mà không thấy”. Đây chính xác là những gì đang xảy ra khi các nhà quy hoạch chỉ nhìn chằm chằm vào mảnh đất và mơ về những dự án lớn trong tương lai.

Mọi chuyện không cần thiết phải diễn ra như vậy. Kể cả những nhà lãnh đạo cũng có khả năng bước ra khỏi ôtô và nói chuyện với người dân.

Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms đang công tác tại ngành Nhân học Văn hóa xã hội (Socio-Cultural Anthropology) thuộc Đại học Yale, Mỹ. Ông thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu từ năm 1997. Cuốn sách mới đây của ông Luxury và Rubble (Xa hoa và đổ nát), tập trung về sự phát triển của các khu đô thị mới ở TP.HCM.
Trong khi đang theo dõi tin tức về vụ mất bản đồ, tôi rất vui khi được biết về một cựu lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe dân. Ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch UBND TP.HCM, đã thể hiện cách nhìn nhận riêng của mình với những vấn đề liên quan đến dự án Thủ Thiêm, một dự án mà chính ông đã tham gia trong giai đoạn đầu.

Ông cho biết bài học của mình không đến từ chuyên gia nước ngoài nào mà đến từ một người dân sinh sống tại đường Lương Định Của, con đường nằm giữa trung tâm của khu vực giải tỏa. “Gia đình tôi sắp bị giải tỏa và chúng tôi vẫn chưa biết phải dọn đi đâu nữa,” dược sĩ này buồn bã cho biết khi ông Thanh dừng lại để mua thuốc.

Khi tôi đọc lời chia sẻ của ông Thanh, tôi nhận ra những hành động nhỏ bé như nói chuyện với người dân chính là yếu tố cốt lõi đang bị bỏ sót trong toàn bộ kế hoạch. Những dẫn chứng từ các chuyên gia đã củng cố thêm cho phát hiện của ông Thanh vào ngày đó khi nói chuyện với một người dân Thủ Thiêm.

Trên tinh thần này, tôi sẽ bảo lưu quan điểm: Đừng nghe tôi, hãy lắng nghe người dân Thủ Thiêm.


ERIK HARMS (Ngọc Linh dịch)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.