dimanche 18 février 2018

Đón Tết, đừng quên dưới bóng hoa đào...




Chuẩn bị mâm cúng tưởng niệm những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 ở đồn biên phòng A Mú Sung, tỉnh Lào Cai - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
(TTO 17/02/2018) - 39 năm và mãi mãi về sau, mỗi mùa xuân hoa đào nở, bên hoa đào chúng ta chúc nhau ly rượu mừng, xin đừng quên một mùa hoa đào đã rực đỏ vì thấm máu người lính.

Hình ảnh đẹp nhất những ngày này là dưới tán những cành đào đang trổ hoa rực rỡ, mọi người đang hân hoan với Tết. Bên nhánh hoa đào người ta chúc nhau lời chúc đầu xuân. Bên hoa đào dập dìu bao nhiêu hương sắc.

Giờ đây, ở dọc dặm dài biên giới Việt - Trung, hoa đào cũng đang nở rực hồng khoảng trời biên ải. Dưới bóng hoa đào ấy có mộ phần hàng ngàn người lính đã hy sinh trong 39 năm trước, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới xảy ra vào ngày này, 17-2.

Những cánh hoa đào phủ lên hàng hàng hàng bia mộ ở Ma Lù Thàng, ở Dào San, ở Si Ma Cai, ở A Mú Sung, ở Chi Ma, ở Pò Hèn… những địa danh mà 39 năm trước đã vang lên mỗi ngày trong các bản tin chiến sự của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nén nhang tưởng niệm những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 ở đồn biên phòng Sì Lờ Lầu, tỉnh Lai Châu - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Khi được sống hòa bình hãy nhớ đến các anh

Những năm tháng đó, lũ trẻ thiếu niên chúng tôi, cứ chiều chiều lại ra nghe "thời sự" qua cái loa treo trên chót vót một cây gội già đầu xóm, và những bản tin ấy, in sâu và tâm khảm nhiều đứa học trò ấy cho đến tận bây giờ.

Hơn phần tư thế kỷ, kể từ khi nghe những địa danh trong các bản tin chiến sự qua chiếc loa truyền thanh ấy, tôi mới đặt chân lên những ngọn đồi biên viễn, mới đốt nén nhang lên những mộ phần người lính dọc biên cương phía Bắc.

Và đọng lại, vẫn là hình ảnh hoa đào nghiêng xuống trên những nấm mộ, cánh hoa phủ hồng nơi chốn các anh nằm.

Hình ảnh những người dân vui Tết bên hoa đào giữa thị thành đô hội hay nơi làng bản xa xôi và hình ảnh những mộ phần dưới bóng hoa đào biên ải dễ gợi trong tôi dòng thư của một người lính hy sinh Thành Cổ Quảng Trị: "Khi được sống hòa bình hãy nhớ đến anh".

Người viết lá thư đó là Lê Văn Huỳnh, chiến sĩ Thành cổ của mặt trận năm 1972. Người nhận thư là vợ anh, chị Đặng Thị Xơ ở Thái Bình. Bức thư kỳ lạ ấy đã được nhắc đến nhiều khi ngày tháng đề trên bức thư cách ngày anh Huỳnh hy sinh đến 3 tháng.

Vậy mà trong lá thư ấy, anh hướng dẫn cho vợ mình ngày hòa bình, hãy vào Quảng Trị để tìm mộ của anh chính xác như tất cả những gì anh dự báo.

Nhưng vượt lên những tiên cảm về sự hy sinh, điều đọng lại trong bức thư vẫn là niềm nhắc nhớ ấy: khi được sống hòa bình hãy nhớ đến anh, đến những người lính đồng đội của anh.

Sinh ra ở một đất nước mà mỗi trang sử đều được viết bằng máu của những người dân dài qua hàng chục thế kỷ, liên tiếp những cuộc chiến tranh vệ quốc.

Từ hàng ngàn năm trước, trang huyền sử Thánh Gióng ba tuổi đã phải vươn vai thành người khổng lồ để chống giặc Ân, rồi khi không còn huyền sử, hết  Hán, rồi nhà Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh… tất cả đều in bóng rõ ràng lên từng trang lịch sử.

Tuổi thơ học trò nào không từng dùng các trích đoạn lịch sử ấy để thực hiện các bài ngoại khóa về cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, về trái cam Trần Quốc Toản.

Với một lịch sử như thế, nên chuyện ra trận khi Tổ quốc gọi tên là chuyện hết sức bình thường với người lính. Chỉ không bình thường nếu như sự hy sinh đó bị lãng quên.

Không thể phủ nhận lịch sử có những khúc quanh, nhưng lịch sử luôn cần được đối xử sòng phẳng.

Họ tên những người lính hy sinh ngày 17-2-1979 ở Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu, tỉnh Lai Châu - Ảnh : TIẾN LONG
Nhắc nhở cho thế hệ sau

Tròn 5 năm trước, dịp kỷ niệm 17-2 năm 2013, đại tá Nguyễn Mạnh Hà (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học viện CTQGHCM) nói trên Tuổi Trẻ: "Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất.

Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.

Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định.

Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau"

Ngày này, đúng hai năm trước, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà Lĩnh, nơi an nghỉ của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Trước đó một ngày, ngày 16-2-2016, ông cũng dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Lạng Sơn. Sự kiện đó đã mang một thông điệp ấm áp cho những người lính đã ngã xuống cách nay tròn 39 năm trước.

39 năm và mãi mãi về sau, mỗi mùa xuân hoa đào nở, bên hoa đào chúng ta chúc nhau ly rượu mừng, xin đừng quên một mùa hoa đào đã rực đỏ vì thấm máu người lính.

Nén nhang tưởng niệm những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 ở đồn biên phòng A Mú Sung, tỉnh Lào Cai - Ảnh: TIẾN LONG
Nén nhang tưởng niệm nhân ngày 17-2

Trong một chuyến đi tác nghiệp bằng xe máy dọc theo đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ A Pa Chải đến Móng Cái, nhóm phóng viên, cộng tác viên báo Tuổi Trẻ đã ghé thăm các cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng và thắp nhang tưởng niệm những người lính ngã xuống, bảo vệ bờ cõi, quê hương trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979.

Họ là những người lính còn rất trẻ, hy sinh ở độ tuổi đôi mươi, tuổi của nhiều ước mơ và hoài bão. Trên các tấm bia, chúng tôi thấy các anh phần lớn hy sinh trong những ngày 17, 18, 19, 20-2-1979 - những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến.

Khoảng 5h-6h sáng ngày 17-2-1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ...

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.