lundi 26 février 2018

Đỗ Ngà - Ngân hàng Việt Nam, độ tin cậy đang tuột dốc



Ảnh minh họa của VietTimes

Thời kỳ sơ khai, người dân cất giữ tài sản của mình trong nhà. Điều này rất nguy hiểm, vì nó dễ xảy ra hiện tượng cướp đột nhập vào nhà cướp của giết người. Thế rồi ngân hàng ra đời, nó không những là nơi cất giữ tài sản cho người dân mà nó còn là nơi đầu tư sinh lời cho người gởi. 

Thông thường, ngân hàng cất giữ số tiền của nhiều người, và được phân phát ra nhiều chi nhánh. Công tác an ninh cho ngân hàng vì thế mà cũng được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn so với gia đình.

Ở các nơi trên thế giới, việc cướp nhắm vào ngân hàng không phải là ít. Thế nhưng dù cho ngân hàng bị cướp thì họ vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về giá trị tiền gởi của khách hàng. Không có chuyện ngân hàng giở ra cái lý "tiền các anh gởi ở ngân hàng đã bị cướp sạch nên tôi không trả cho các anh nữa". Tất cả đều có luật pháp quy định hẳn hoi. Như vậy, ngân hàng ra đời, trước tiên là để bảo đảm sự an toàn tiền gởi của khách hàng, sau đó là đến nghiệp vụ khác. 

Ngân hàng thương mại là một công ty làm dịch vụ tín dụng, trung gian thanh toán vv.., và tất nhiên nó phải an toàn hơn ở nhà để người gởi mới tin vào hệ thống ngân hàng. Doanh thu của họ tính phí dịch vụ của khách hàng. Sau lưng các ngân hàng thương mại là Ngân hàng Trung ương hỗ trợ nữa.

Ngân hàng Trung ương ra đời là để thực hiện chính sách tiền tệ, một chính sách quan trọng bậc nhất trong các chính sách nhà nước. Muốn ổn định để phát triển, đồng tiền phải ổn định. Muốn dân không bị nghèo đi, đồng tiền phải ổn định. Nếu lạm phát càng cao, dân bị cướp mất tài sản càng nhiều, nên Ngân hàng Trung ương để xảy ra lạm phát là một tội rất lớn với nhân dân. 

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương còn có chức năng hỗ trợ các ngân hàng thương mại tránh sự phá sản của ngân hàng làm cho khách hàng mất trắng tiền gởi. Như vậy Ngân hàng Trung ương làm gì để hỗ trợ ngân hàng thương mại đảm bảo tiền gởi của khách hàng?

Mỗi ngân hàng thương mại phải trích ra một khoản tiền bắt buộc được gọi là "quỹ dự trữ bắt buộc" do Ngân hàng Trung ương quy định. Như vậy nhiều ngân hàng thương mại sẽ gộp lại hình thành một quỹ rất lớn do Ngân Trung ương nắm giữ. Để chi? Để khi một ngân hàng nào đó mấp mé bờ vực phá sản thì Ngân hàng Trung ương dùng quỹ đó cứu. 

Điều đó có nghĩa là tiền gởi của khách hàng đã được đảm bảo đến hai tầng. Tầng thứ nhất là ngân hàng thương mại, nếu ngân hàng thương mại mất thanh khoản thì Ngân hàng Trung ương sẽ cứu, đó là tầng thứ hai. Đấy là kết cấu tổ chức của hệ thống ngân hàng để đảm bảo an toàn tiền gởi của khách hàng.

Trên thế giới, nhiều nước có luật phá sản ngân hàng, nhưng Ngân hàng Trung ương để ngân hàng thương mại phá sản là cực kỳ hiếm. Luật có nhưng khả năng dùng tới nó là cực hiếm. Luật phá sản ngân hàng ở những nước có nền kinh tế ổn định nó như là biện pháp dự phòng thì đúng hơn. Thế nhưng Việt Nam, khi họ ra luật phá sản ngân hàng không đơn giản như vậy. Rất có thể nó được soạn ra để giải quyết hàng loạt ngân hàng yếu kém. Nó mang biện pháp cấp bách hơn là dự phòng. 

Những năm gần đây hiện tượng nhân viên ngân hàng dùng trụ sở ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng ngày càng nhiều. Tất nhiên, khi xảy ra như thế, sự kiện tụng giữa khách hàng và ngân hàng chắc chắn xảy ra. Tiền có thể lấy lại được và cũng có thể không, nếu lấy lại được thì chắc chắn cũng rất mệt mỏi. Trong tình hình luật pháp lỏng lẻo và tư pháp là thị trường mua bán công lý như ở Việt Nam, thì việc giật lại tiền từ việc thưa kiện ngân hàng thì quả là gian nan, cửa thắng không cao. 

Như vụ nhân viên chi nhánh Ocean Bank Hải Phòng lừa đảo khách hàng 400 tỉ tiền tiết kiệm. Nay ngân hàng này đã mất thanh khoản bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng mà vụ kiện tụng vẫn chưa xong. Phải chăng kẻ trong chăn mới biết chăn có rận? Chính nhân viên ngân hàng biết ngân hàng sắp mất thanh khoản thì lừa đảo kiếm một vố rồi chuồn? Không biết, nhưng khả năng này là rất có thể. Nếu vậy thì đó là một dấu hiệu yếu kém của các ngân hàng Việt Nam. 

Mới đây là vụ phó giám đốc một chi nhánh Eximbank lừa đảo chiếm đoạt 245 tỉ của khách hàng rồi chuồn. Không biết khách hàng kiện cáo có thắng hay không, nhưng chắc chắn một điều, nay các ngân thương mại của Việt Nam có độ tin cậy ngày càng kém. Câu hỏi đặt ra là, vì sao hiện tượng nhân viên ngân hàng lừa đảo ngày càng phổ biến? Và vì sao song hành với hiện tượng này là luật phá sản ngân hàng cũng có hiệu lực? Phải chăng chúng có sự quan hệ hữu cơ? 

Nếu nhiều ngân hàng thương mại mất thanh khoản, quỹ dự trữ bắt buộc rồi cũng sẽ không cứu nổi, đó là lúc đến lượt luật phá sản ngân hàng được dùng đến. Đến lúc đó, hàng loạt ngân hàng mất thanh khoản sẽ không được cưu mang nữa mà cho phá sản luôn, thế là dân mất trắng mà không thể kiện tụng gì nữa. 

Ngân hàng không còn là nơi cất giữ tiền an toàn cho khách hàng thì nơi nào an toàn? Xã hội này vốn đã không còn an toàn, vì thế cất giữ tiền ở nhà là không nên, rồi ngân hàng cũng mất an toàn thì dân biết cậy vào ai? Xã hội đã bất an toàn ở mọi nơi.

FB ĐỖ NGÀ 23.02.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.