lundi 5 février 2018

Nguyễn Thông - Đặc quyền quan cách mạng



Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Thiên hạ đang ồn ào về cái dự án nghĩa trang Yên Trung dành cho quan chức cấp cao định mở ở ngoại thành Hà Nội. Rộng hơn trăm mẫu tây, dự chi ngân sách tròm trèm 1.400 tỉ đồng.

Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Nếu ai còn chút lăn tăn, giở từ điển tiếng Việt thì từ “đặc quyền” được giải thích là “quyền, quyền lợi đặc biệt dành cho cá nhân, tập đoàn, hay một giai cấp nhất định”. Muốn tin cậy hơn nữa, bởi đây là từ gốc Hán Việt, thì mở thêm cuốn “Từ điển Hán Việt” của cụ học giả Đào Duy Anh thì đặc quyền tức “quyền lợi đặc biệt”. Thế là rõ.

Trong xã hội loài người, xét về lý thuyết, chỉ khi nào tiến lên tới hình thái cộng sản, khi ấy mọi người đều bình đẳng, thì mới hết đặc quyền. Ấy, cứ nghe bộ máy cai trị gióng giả tuyên truyền vậy, chứ đã ai biết cái xã hội cộng sản nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Giá có sống lâu như cụ Bành Tổ cũng chả mong nhìn thấy thiên đường “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”.
 
Câu này thế hệ chúng tôi sinh vào thập niên 50 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc, khoái lắm. Nhiều đứa còn mơ mộng sau một đêm ngủ dậy, ngỡ ngàng thấy sự nghèo đói đã lùi xa tít tắp, ngay cả ăn ngon mặc đẹp cũng không thèm, chả cần làm gì vẫn có ăn. Xã hội cộng sản là thế, chỉ nghĩ tới người đã tràn cảm giác lâng lâng.

Lại nhớ câu thơ trong bài thơ “Hoa và rượu” nổi tiếng một thời, trước cách mạng tháng 8.1945, của thi sĩ tài danh Nguyễn Bính: “Chao ôi là mộng hay là thực/Là thực hay là mộng bấy lâu?”.
 
Xã hội xứ ta suốt gần nửa thế kỷ nay, nếu kể luôn ở cả miền Bắc trước đó hơn 20 năm nữa thì những ba phần tư thế kỷ, cứ lẫn lộn mộng và thực, thực và mộng. Với người này thì là mộng, nhưng với kẻ kia lại là thực. Xã hội cộng sản không đến cùng lúc cho tất cả mọi người, dân chúng lại càng không được léo hánh tới nó, nhưng trên thực tế nó đã vào nhà không ít quan cách mạng. 

Oái oăm trớ trêu ở chỗ, những anh ra rả tuyên ngôn về xã hội không còn đặc quyền đặc lợi, bình đẳng thì lại chính là những anh đặc quyền đặc lợi nhất, đòi hỏi riêng tư có từ trong máu, và đã được hưởng cuộc sống thiên đường trước hết.

Thời chiến tranh, người dân dễ mủi lòng trước hình ảnh cán bộ ba cùng, quần xà lỏn, gối đất nằm sương, chia bùi sẻ ngọt với dân. Dân chở che, đùm bọc họ bởi dân thấy những con người ấy gần gũi, bình đẳng, không có sự ngăn cách, đáng tin cậy. Bao nhiêu sinh mệnh, máu xương, của cái tiền bạc, cả vật chất lẫn tinh thần gom cả lại đi cùng họ, cùng nhau hướng về một xã hội bình đẳng, không còn bất công, một thế giới đại đồng. Cứ hy sinh đi, rồi sau này “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”. 

Những người cộng sản từng nói rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Họ thường nói sai, nhưng câu này thì hoàn toàn đúng. Không có dân, không có thể chế này.

Nhưng khi cùng hưởng thụ thành quả thì bắt đầu sinh chuyện.

FB NGUYỄN THÔNG 04.02.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.