mercredi 10 janvier 2018

Huỳnh Ngọc Chênh - Soi chuyện «đốt lò» dưới góc độ biện chứng



Một vài hiện tượng riêng lẻ không nói lên được bản chất của sự việc, nhưng nhiều hiện tượng đồng loạt diễn ra, và diễn ra phổ biến, thì có thể kết luận về bản chất của sự việc.

Sự việc ở đây là: các tập đoàn kinh tế quốc doanh. 

Hiện tượng diễn ra là: thua lỗ, thất thoát tài sản và tham ô.

Chỉ một hay vài tập đoàn quốc doanh bị thua lỗ và bị mất cắp tài sản thì chưa nói lên được điều gì, vì có thể do tập đoàn đó làm ăn gặp rủi ro hoặc do chọn nhầm lãnh đạo là một tay bất tài và tham lam. Có thể khắc phục hiện tượng sai trái riêng lẻ nầy bằng cách bắt bỏ tù lãnh đạo cũ, thay lãnh đạo mới tài đức hơn và mở ra cơ hội làm ăn mới.

Tuy nhiên hiện tượng thua lỗ và thất thoát tài sản diễn ra ở khắp các tập đoàn lại là vấn đề khác.

Hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn nhỏ của nhà nước đều thua lỗ và thất thoát tài sản trầm trọng. Từ các ngành hàng hải, đóng tàu như Vinalines, Vinashin đến các tập đoàn hóa chất, điện lực, cao su, giấy...đến cả những tập đoàn đào tài nguyên lên bán như than - khoáng sản, dầu khí cũng thua lỗ và mất mát nặng.

Rồi đến các tập đoàn viễn thông được độc quyền khai thác khối tài nguyên số khổng lồ như VNPT, Viettel, Gtel cũng thua lỗ và mất mát hàng chục ngàn tỉ đồng. Tập đoàn dâu tằm tơ cũng ra đi sạch bách từ cái thời mồ ma ông Kiệt. Hàng loạt nhà máy đường quốc doanh, xi măng lò đứng thì tiêu vong trong trứng nước từ thời ông Khải ...Còn khối ngân hàng quốc doanh thất thoát, tham ô kinh khủng hơn nữa, nhưng chưa dám đụng đến.

Tổng số tiền thua lỗ và bị mất cắp của các tập đoàn quốc doanh lên đến con số 1.000.000 tỉ đồng tức là 1 triệu tỉ đồng (điện lực 490.000 tỉ + dầu khí 340.000 tỉ + than 100. 000 tỉ + Viettel 75.000 tỉ + VNPT 25.000 tỉ...)

Xin hỏi các nhà lý luận kinh điển và hoạt động thực tiễn của chủ nghĩa Mác Lênin vô địch, hiện tượng thua lỗ và thất thoát đồng loạt và hết sức phổ biến này nói lên điều gì ?

Xin trả lời luôn: Nó nói rằng bản chất của các tập đoàn và công ty quốc doanh là tồi tệ.

Vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cứ luôn kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trên cơ sở lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo và đất đai là sở hữu toàn dân.

Lấy cái tệ hại làm chủ đạo cho nền kinh tế thì thử hỏi đất nước sẽ đi về đâu?

Các ông học Mác Lênin, học chủ nhĩa duy vật biện chứng mà không hiểu gì về cặp phạm trù hiện tượng và bản chất để vận dụng vào thực tiễn của hiện trạng kinh tế xã hội Việt Nam.

Vì nếu hiểu bài, các ông đã biết đi vào bản chất của sự việc để tìm ra giải pháp đúng. Các ông sẽ hiểu rằng chuyện thua lỗ và mất mát ở các tập đoàn quốc doanh không phải là hiện tượng mà là bản chất. Đã là bản chất thì phải chữa trị cho nó từ trong gốc chứ không phải chỉ đối phó hời hợt bên ngoài như chữa ghẻ.

Chuyện đốt lò, bắt bớ, xử tội, cách chức chỉ là chuyện đối phó với hiện tượng bên ngoài. Dĩ nhiên kẻ có tội phải bị trừng trị. Nhưng lấy việc trừng trị ấy ra làm giải pháp cốt lõi để khắc phục sai trái, khắc phục thua lỗ, khắc phục tệ nạn tham nhũng chỉ là chuyện ảo tưởng và mang tính mị dân. Các ông chẳng đã nói việc chống tham nhũng hiện nay đã làm "nhân dân phần khởi và tin yêu vào đảng nhiều hơn" đấy sao. Vâng, các ông chống tham nhũng là để cho nhân dân phần khởi và tin yêu đảng chứ không cần đến tính hiệu quả.

Vì, liệu các ông có trừng trị hết các cán bộ làm thua lỗ, các quan chức tham nhũng nằm dày đặc trong bộ máy hiện nay không? Liệu sau khi thay cán bộ mới thì các tập đoàn quốc doanh có hết thua lỗ không? Liệu sau khi thay quan chức mới thì có triệt tiêu hết tệ nạn tham ô hay không?

Hai thủ phạm gây ra thất thoát và tham nhũng chính là "kinh tế quốc doanh làm chủ đạo" "đất đai thuộc sở hữu toàn dân".

"Kinh tế quốc doanh" có nghĩa là vốn liếng của nhà nước bỏ ra, giao cho cán bộ đảng quản lý và kinh doanh, rồi thêm "làm chủ đạo" có nghĩa là được ưu đãi mọi bề, được lợi thế cạnh tranh, được chỉ định thầu, được dễ dãi cho vay. Vốn liếng chung chung của nhà nước thì ông lãnh đạo tập đoàn nào không thẳng tay vung ra hàng trăm tỉ để làm liều. Thêm ưu đãi mọi bề nên càng mạnh tay hơn, thiếu tới đâu có ngân hàng - cũng quốc doanh - cho vay tới đó.

Nếu công ty Xây lắp Dầu khí là tài sản của Trịnh Xuân Thanh, thì ông ta có dám vung ra chừng 10 tỉ để đầu tư liều lĩnh hay không chứ đừng nói đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Nếu công ty đó của tư nhân và Trịnh Xuân Thanh được thuê làm chủ tịch hay giám đốc, thì chủ công ty có để Trịnh Xuân Thanh tồn tại sau khi đã làm thua lỗ mất mát chừng vài tỉ hay không? Trong khi đó hầu hết các ngài chủ tịch, giám đốc quốc doanh đều làm thua lỗ đến hàng ngàn tỉ suốt năm nầy qua tháng nọ cho đến khi các ngài ấy đi ra khỏi công ty để nhận nhiệm vụ mới rồi mà ông chủ "Nhà nước" vẫn còn chưa biết.

"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" giao cho Nhà nước quản lý, mà cụ thể là giao cho các quan chức từ trung ương đến các địa phương quản lý. Ngồi trên đống tài sản khổng lồ không phải của mình, lại có ông chủ vô hình là "toàn dân" chẳng có chút quyền hành gì hết, thì làm sao không nghĩ bậy và làm bậy. Tham ô từ đây ra, đại gia bất động sản phất lên như diều gặp gió cũng từ đây ra.

Để chữa dứt điểm các căn bệnh trầm kha thì không còn cách nào khác ngoài cách cắt bỏ hai yếu tố gây bệnh ấy đi. Nghĩa là cắt cái đuôi định hướng XHCN đi các ông ạ.

Đó là biện chứng, là bản chất của vấn đề.

FB HUỲNH NGỌC CHÊNH 10.01.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.