dimanche 17 décembre 2017

Ngô Nhân Dụng - Điều gì thiếu trong vụ Đinh La Thăng?


(Người Việt 15/12/2017) Đinh La Thăng bị bắt, rất nhiều lời bàn tán trên mạng. Bàn về nguyên nhân, hậu quả, bối cảnh, cái gì xảy ra trong hậu trường, ai sắp sửa bị bắt, chuyện gì sẽ xẩy ra cho Nguyễn Tấn Dũng, vân vân. Tất nhiên, báo chí trong nước “bị chỉ đạo gắt gao” không dám hó hé. Các tin đồn và lời bình phẩm chỉ thấy trên mạng.

Khi đọc tất cả những tin tức và lời bàn vụ Đinh La Thăng, chúng ta thấy có một điều chưa được đề cập tới. Một điều rất quan trọng, là làm cách nào để, bây giờ và sau này, tránh không cho những người như Đinh La Thăng và đồng bọn có thể tham nhũng các số tiền khổng lồ như ông ta bị tố cáo?

Ý kiến được nhắc đến nhiều nhất là vụ “đánh” Đinh La Thăng nằm trong chiến dịch Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đánh ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng, đối thủ của ông Trọng trước cuộc đại hội đảng vào năm ngoái. Trước Đinh La Thăng, đảng Cộng Sản chưa hề khởi tố và bắt giam một cựu ủy viên Bộ Chính trị nào. Nhưng mọi đầu mối cuối cùng đều đưa tới Nguyễn Tấn Dũng.

Một ý kiến khác được chú ý, tuy ít được nhắc đến, là ông Nguyễn Phú Trọng hạ Đinh La Thăng để mở đầu một chiến dịch “chống tham nhũng.” Mục đích là giúp cho đảng Cộng Sản coi sạch sẽ hơn, trong lúc người dân Việt Nam đã chán chường đảng, coi khinh đảng, chỉ muốn lật đổ chế độ độc đảng vừa tham tàn vừa bất lực. Chiến dịch này phỏng theo các nước cờ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Đinh La Thăng bị đem ra tế cờ cũng không khác gì vụ hạ bệ Bạc Hy Lai ở bên Tàu, rồi sẽ đưa tới cấp cao hơn, triệt hạ Chu Vĩnh Khang và đồng đảng.

Cách giải thích thứ nhất có rất nhiều bằng chứng phù hợp. Việc triệt hạ Đinh La Thăng, cắt chức bí thư Thành ủy và ủy viên Bộ Chính trị, là biến cố hiếm. Nhưng Đinh La Thăng bị tố giác những tội tham nhũng khi còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), rồi làm bộ trưởng Giao thông Vận tải, trong thời gian Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Người ta đưa ra những bằng chứng cho thấy cái gì Đinh La Thăng làm tất nhiên Nguyễn Tấn Dũng phải chấp nhận, nếu không phải là khuyến khích để chia huê lợi.

Một mấu chốt trong hệ thống tham nhũng do Đình La Thăng chủ trì là lập Tổng công ty Xây lắp (PVC) trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu, rồi dùng PVC đưa đẩy tiền qua lại giữa các dự án nằm trong đại công ty PVN. Các dự án đó đều phải được thủ tướng chính phủ duyệt và chấp thuận. Nếu điều tra về các dòng tiền mặt chạy lên chạy xuống qua PVC, người ta sẽ khám phá những khoản thâm lạm nhiều tỉ đô la trong PVN.

Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn sang Đức, cho tới khi bị bắt cóc đem về nước, xuất hiện và thú tội trên đài truyền hình của nhà nước. Chính phủ Đức đã phản đối và đang trừng phạt hành động bắt cóc bất chấp luật pháp quốc tế. Vào Tháng Ba, 2017, khi còn ở Đức, Trịnh Xuân Thanh viết một thư tố cáo trên mạng nói rằng trong 10 năm Nguyễn-Tấn-Dũng làm thủ tướng, ông ta và Đinh La Thăng đã ăn cắp $36 tỉ, nếu chỉ cắt xén 30% số lượng dầu thô xuất cảng.

Đã có 24 lãnh đạo hàng đầu của PVN cùng các công ty con đã bị khởi tố, trong đó 18 người dính đến vụ Trịnh Xuân Thanh và tổng công ty PVC, năm người khác dính đến vụ đầu tư $800 tỉ vào Ocean Bank rồi biến mất. Nhưng còn những tên tuổi khác có thể sẽ bị bắt, trong đó có Nguyễn Văn Bình, cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời Nguyễn Tấn Dũng, và Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương – cơ quan làm chủ PVN.

Cuối cùng, mọi con đường đều dẫn tới Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Nguyễn Phú Trọng tính triệt hạ đối thủ của mình, thì một trận đánh tỉa từng bước một đã mở màn.

Những người có cảm tình với ông Nguyễn Phú Trọng có thể nghĩ ông nhằm mục đích cao hơn. Họ vẽ ra một động cơ khác, là vụ bắt Đinh La Thăng mở màn một cuộc thanh tham nhũng, ngõ hầu lấy lại uy tín, trong khi dân Việt Nam đã chán ghét cái đảng cầm quyền tự trên xuống dưới chỉ lo ăn cắp.

Nguyễn Phú Trọng đã đưa phái đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng sang Bắc Kinh “học tập kinh nghiệm” của Vương Kỳ San, cánh tay mặt của Tập Cận Bình, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Vương Kỳ San đã thành công khi đánh gọn Bạc Hy Lai, rồi trục xuất Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) ra khỏi đảng, truy tố tội tham nhũng, rồi đưa ra tòa cúi đầu nhận tội. Trước đó Chu Vĩnh Khang từng nắm trong tay tất cả các công ty dầu lửa lớn, nhỏ, tình trạng rất giống Đinh La Thăng; ngoài ra Khang còn to hơn, đứng đầu tất cả ngành an ninh, tình báo, với ngân sách cao hơn Bộ Quốc phòng.

Với một chương trình theo sát gót con đường Tập Cận Bình đã vạch ra, sau khi bắt cóc được Trịnh Xuân Thanh rồi, Nguyễn Phú Trọng từng hớn hở nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy.”

Nhưng cuối cùng, đem cái đám củi đó đốt rồi, cái lò Nguyễn Phú Trọng sẽ còn làm gì nữa? Đốt bao giờ cho hết? Đảng Cộng Sản còn nắm độc quyền cai trị thì sẽ còn sản xuất rất nhiều thứ củi tươi, củi khô, củi mục, củi nát. Trong đảng Cộng Sản Việt Nam còn biết bao nhiêu quan chức tham nhũng, từ các quan to trong Bộ Chính Trị cho tới mấy chú công an đứng đầu đường lập các trạm BOT “thu phí?”

Nếu mục đích của Nguyễn Phú Trọng là trừ tham nhũng trong đảng, thì không có gì bảo đảm sau vụ Đinh La Thăng, dù lôi cả Nguyễn Tấn Dũng cho vào lò đốt, nạn tham nhũng trong đảng Cộng Sản sẽ giảm bớt, chậm lại, chứ chưa nói đến trừ diệt.

Trong tất cả những lời bàn luận về vụ Đinh La Thăng, không nghe thấy một ai nói đến phương pháp nào để ngăn không cho các quan chức bớt tham nhũng. Đó là một thiết sót đáng lo! Làm cách nào để các cán bộ muốn tham nhũng cũng không lạm quyền được? 

Theo thói quen từ khi thành lập tới lúc nắm quyền, đảng cộng sản chỉ biết theo một cách, gọi là “giáo dục.” Họ tin rằng nếu “giáo dục” đi “giáo dục” lại, thì sẽ có những “người tốt.” Nhưng ai cũng thấy công việc “giáo dục” này là nước đổ lá khoai. Đảng Cộng Sản cứ hô hào “xây dựng đảng viên tốt” nhưng số “đảng viên xấu” càng ngày càng đông, càng nắm nhiều quyền hành, cả hệ thống càng ung thối. Đảng càng sống lâu, càng “giáo dục” nhiều, thì đảng viên Cộng Sản càng “biến chứng,” sa đọa, đưa tới tình trạng tan rã như đã diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu.

Ở những nước tự do dân chủ người ta làm cách nào giảm bớt nạn tham nhũng? Người ta thiết lập những định chế cân bằng và kiểm soát trên mọi người nắm quyền. Mỗi thứ quyền hành đều bị đặt dưới các định chế kiểm soát, nhờ quy tắc tam quyền phân lập, nhờ báo chí được tự do.

Trong hệ thống cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, họ bầy ra cơ quan “thanh tra” của nhà nước. Dân ta đã mỉa mai, “Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì – Hễ có phong bì thì lại ‘thank you!’”

Nhưng ban thanh tra cũng không có thực quyền. Bên trên, họ lập ra thêm Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng, nhưng cái ủy ban đó cũng có thực quyền hay không? Khi nào nó chưa có quyền độc lập, độc lập đối với các quan lớn chóp bu nằm trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng thì nó cũng vô hiệu. Khi một đảng cầm quyền không tuân theo những luật pháp do chính nó lập ra, thì ngay trong nội bộ cũng không thể có cân bằng và kiểm soát! Do đó, không bao giờ ngăn ngừa được tham nhũng.

Tham nhũng chỉ là một trong nhiều triệu chứng của căn bệnh lớn đe dọa đảng cộng sản. Chính hệ thống cầm quyền Lê Nin nít đã chứa sẵn những thứ vi trùng có ngày làm cho cả guồng máy tê liệt và tan rã.

Hệ thống Lê Nin nít khác với cách cai trị trong một nước dân chủ tự do ở chỗ nó không có một cơ chế phản hồi tự giám sát để tự điều chỉnh thường xuyên (routine feedback mechanisms). Cho nên sống càng lâu thì guồng máy càng sơ cứng, thối nát. Khi chế độ đi tới giai đoạn sơ cứng và thối nát, những người lãnh đạo Cộng Sản không có phương cách nào khác ngoài đường lối vô vọng cũ, là lại mở những chiến dịch “giáo dục chính trị.”  

Nhưng khi còn thiếu những định chế cân bằng, kiểm soát thì “giáo dục” bao nhiêu cũng vô ích. Mối mâu thuẫn lớn nhất trong đảng Cộng Sản là nếu chấp nhận cho xã hội có các định chế cân bằng và kiểm soát thì đảng sẽ chết. Trần Vân (Chen Yun), một quốc lão thời Đặng Tiểu Bình nhận xét: “Chống tham nhũng ít quá thì hại nước. Chống tham nhũng nhiều quá thì hại đảng.”

Muốn thoát khỏi thế lưỡng nan này, nước ta chỉ còn một đường thoát, là dân chủ hóa. Chế độ dân chủ tự do nuôi sẵn một cơ chế phản hồi (feedback). Nhà nước không cần “mở chiến dịch phê bình” mà công việc phê bình được thể hiện tự nhiên và thường xuyên qua một Quốc hội độc lập, qua các cơ sở truyền thông tự do. Cơ chế phản hồi này là khí cụ tốt nhất để kiềm chế các quan chức không cho lạm quyền, tham nhũng.

Không biết cái lò của Nguyễn Phú Trọng sẽ đốt Đinh La Thăng rồi đốt tới những ai nữa, nhưng đốt mãi cũng vô ích, nếu nước Việt Nam không tiến tới một thể chế dân chủ tự do.

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.