jeudi 5 octobre 2017

Tấn công thính giác ở Cuba : Câu chuyện trinh thám ly kỳ

Thủy quân lục chiến Mỹ treo quốc kỳ tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở La Habana, Cuba, 02/10/2017.

Le Figaro hôm nay có bài viết « Tại Cuba, gián điệp gây điếc », nói về sự kiện các nhân viên ngoại giao đoàn Mỹ ở La Habana là mục tiêu của những vụ « tấn công siêu âm » bí ẩn.

Tháng 11/2016, khi ông Donald Trump ăn mừng chiến thắng của cuộc bầu cử tổng thống, những hiện tượng kỳ lạ bắt đầu xảy ra tại La Habana. Các nhà ngoại giao tại đại sứ quán Mỹ được mở trước đó 15 tháng gặp phải những triệu chứng như nhau : nôn ói, chóng mặt, nghe những tiếng rít trong tai, đau nửa đầu, mệt mỏi, mất ngủ, thị lực và thính lực giảm, thậm chí bị mất trí nhớ. Một số cho biết nghe được những tiếng động lạ thường trong nhà.

Những hiện tượng không thể giải thích này đủ trầm trọng để phải lặng lẽ đưa sáu thành viên ngoại giao đoàn trở về Hoa Kỳ vào cuối năm. Khi ông Rex Tillerson lên làm ngoại trưởng tháng 2/2017, ông nhanh chóng cho mở điều tra. Chính phủ cho phép các nhà ngoại giao hồi hương nếu muốn, nhưng đa số quyết định ở lại. Theo với thời gian, « bệnh dịch » càng lan rộng. Tổng cộng có 22 nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba bị các triệu chứng tương tự, một số còn bị tổn thương não. 

Thứ Sáu tuần trước, Washington bắt đầu thôi dùng từ « sự cố », thay bằng từ « tấn công », và cho rút phân nửa ngoại giao đoàn tại La Habana về nước, chỉ để lại 27 người. Bộ Ngoại giao còn khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến Cuba. Đây là một đòn nặng, vì có đến 615.000 người Mỹ trong 4 triệu du khách năm ngoái đã mang lại cho đảo quốc 2 tỉ đô la. Hôm thứ Ba 3/10, Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba.

Một người đạp "xích lô" Cuba chờ đợi khách Mỹ.
Donald Trump bình luận : « Đã diễn ra những chuyện rất xấu tại Cuba ». Sở dĩ ông không thể nói gì hơn, có lẽ vì câu chuyện y như tiểu thuyết trinh thám này hết sức bí ẩn, kể cả đối với ông chủ Nhà Trắng. Theo hãng thông tấn AP, các nạn nhân đầu tiên là nhân viên tình báo Mỹ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao. Nhưng sau đó các thành viên ngoại giao đoàn khác, cộng thêm bốn bà vợ, năm người Canada cũng bị tương tự. Chính quyền La Habana khẳng định không liên quan, tuyên bố : « Cuba chưa hề cho phép sử dụng lãnh thổ mình cho bất cứ hành động nào chống lại các viên chức chính thức và gia đình họ ».

Theo Le Figaro, lịch sử đã từng chứng minh ngược lại. Một bức điện mật năm 2003 thuật lại các nhân viên ngoại giao Mỹ đã bị chính quyền cộng sản quấy nhiễu như thế nào. Từ những chiếc loa phóng thanh gào thét vào cửa sổ, cho đến những vụ viếng thăm nhà riêng không cần giữ ý tứ, nghe lén các cuộc nói chuyện, phá hoại vật dụng riêng, thậm chí còn lục soát va-li ngoại giao. 

Nhưng lần này thì có vẻ khác. Nhằm chứng tỏ thiện chí, La Habana còn cho phép FBI đến điều tra tại chỗ - một cử chỉ chưa từng thấy trong 54 năm chiến tranh lạnh. Thế nên Washington phải thận trọng trước khi tố cáo thủ phạm, và nghi ngờ cả Nga lẫn Bắc Triều Tiên.

Nhưng bí mật vẫn là bí mật, FBI không tìm được manh mối nào tại Cuba. Nguyên nhân là gì, tấn công thính giác, chất độc, virus ? Các chuyên gia đành phỏng đoán đó là một vũ khí siêu âm bí mật, tia hồng ngoại hay vi ba. Brian Latell, cựu giám đốc CIA phụ trách châu Mỹ la-tinh nhắc nhở, vũ khí âm thanh thường rất ồn ào, đã từng được sử dụng để chống bọn hải tặc ngoài khơi Somali chẳng hạn. Trong thập niên 70, người Nga từng tấn công đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva bằng hàng loạt sóng vi ba, nhưng rốt cuộc gậy ông đập lưng ông, tạo điều kiện cho Mỹ nghe được những cuộc điện thoại của tổng bí thư Brejnev. 

Tờ báo kết luận, nếu đây là một tội ác hoàn hảo, với mục tiêu làm dấy lại căng thẳng giữa đảo quốc và Mỹ, thì thủ phạm đã thành công.

Bảng quảng cáo một cuộc triển lãm và bán súng, ở ngay trước khách sạn Mandalay Bay, nơi hung thủ Las Vegas thuê phòng. Ảnh chụp ngày 03/10/2017.
Kho vũ khí của hung thủ vụ thảm sát Las Vegas

Còn tại Bắc Mỹ, Le Monde kể ra « Sự chuẩn bị tỉ mỉ của sát thủ Las Vegas ». Stephen Paddock đã tích trữ được một lượng lớn vũ khí tại nhiều bang khác nhau mà không gây chú ý.

Đặc phái viên tờ báo tìm đến Mesquite, cách Las Vegas 120 km, nơi có ngôi nhà của hung thủ nằm tại Sun City, một khu dân cư khá sang trọng dành cho những người trên 55 tuổi, có sân gôn riêng và hai hồ bơi. Căn nhà rộng lớn nằm trong một ngõ cụt, nhưng có tầm nhìn bao quát xuống thành phố và những ngọn núi xung quanh, trị giá khoảng 300.000 đô la. Những người hàng xóm hầu như không biết đến Stephen Paddock. 

Thủ phạm vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ không phải là một thanh niên bị thần kinh, người mê video game hay cực đoan. Ông ta là một tay cờ bạc, và theo kênh News3 ở Las Vegas, Paddock đã từng kiện khách sạn Cosmopolitan đòi bồi thường 100.000 đô la vì ông ta bị té ở đây, nhưng tòa án xếp hồ sơ.

Theo sê-ríp địa phương, nhà chức trách tìm được đến 47 cây súng tại ba địa điểm khác nhau : 23 trong phòng khách sạn, số còn lại tại nhà riêng ở Mesquite và Reno. Những vũ khí này được mua tại bốn tiểu bang : Nevada, Utah, California và Texas ; bên cạnh đó còn có « bump stocks », thiết bị giúp tăng nhanh tốc độ bắn, bán hợp pháp ở Nevada. Tên sát thủ mang hơn một chục va-li đựng súng ống đến căn phòng 32135 trên tầng 32 khách sạn Mandalay, trong đó có cả một chiếc búa để phá kính cường lực. Trong chiến lũy này, hắn bố trí hai camera. Một tuần trước đó, hắn còn chu đáo chuyển 100.000 đô la sang Philippine, quê quán của người phụ nữ sống chung là Marilou Danley, 62 tuổi.

Tổng thống, phó tổng thống Mỹ và phu nhân trong phút mặc niệm tại Nhà Trắng ngày 02/10/2017.
Donald Trump, người « đôi khi » là tổng thống đúng nghĩa

Cũng liên quan đến Hoa Kỳ, tác giả Sylvie Kauffmann trên Le Monde phê phán « Donald Trump, thủ lãnh quậy phá ». Tác giả mỉa mai, thỉnh thoảng Donald Trump mới vào vai tổng thống. Đó là khi trận bão tàn phá Texas, hay sau vụ thảm sát ở Las Vegas. 

Từ phòng Bầu dục Nhà Trắng, ông Trump phát biểu một cách trang trọng và ngắn gọn, đề nghị người dân Mỹ cầu nguyện cho các nạn nhân. Ông nhắc nhở : « Trong giờ phút bi thảm này, nước Mỹ tập hợp, đoàn kết lại », và tìm thấy « sự an ủi trong mối liên hệ giữa cộng đồng chúng ta, trong lòng nhân ái ».

« Tập hợp », « đoàn kết », « liên hệ »…Tác giả bài báo cho rằng, phải chờ đợi những thảm họa xảy ra, mới được nghe những từ này từ miệng Donald Trump. Ngày thường, ông không tìm cách đoàn kết lại, mà toàn muốn chia rẽ. Ông không phải là người xây dựng mà là người thích đập phá.

Tàu ngầm của Pháp bán cho Úc.
Brexit và Trump giúp Pháp-Úc tìm lại tuần trăng mật

Le Figaro nói về « Tuần trăng mật giữa Pháp và Úc ». Tâm trạng bất ổn sau khi Anh ra khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU) và Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, đã khiến Paris và Canberra xích lại gần nhau hơn.

Tuy xa mà gần. Dù Paris và Sydney cách nhau đến 17.000 km, nhưng nhờ lãnh thổ hải ngoại Nouvelle Calédonie, Pháp trở thành láng giềng gần gũi của Úc, sau Indonesia. Không chỉ về địa lý, sau thương vụ bán 12 tàu ngầm tấn công cho Úc vào tháng 12/2016, quan hệ đối tác chiến lược được tăng cường. Những thay đổi về địa chính trị gần đây càng giúp siết chặt mối liên hệ giữa hai đồng minh.

Chỉ riêng vụ Brexit đã làm thay đổi hẳn cách nhìn của Úc về châu Âu. Một nhà ngoại giao Úc cho biết, trong lãnh vực an ninh, xưa nay Canberra vẫn thân thiết với Luân Đôn hơn là Bruxelles. Nhưng sau khi ra khỏi EU, Anh không còn là trung tâm châu Âu, Pháp và Đức trở nên quan trọng hơn. Paris trở thành cường quốc chiến lược duy nhất trong khu vực.

Còn đối với Mỹ, suốt 70 năm dựa vào đồng minh Hoa Kỳ, sự kiện Donald Trump bước vào Nhà Trắng đã làm Úc tỉnh thức, bắt đầu là cú điện thoại « tệ hại chưa từng thấy » hồi tháng Giêng của ông Trump với thủ tướng Malcolm Turnbull – đồng minh trung thành nhất của Mỹ : ông Trump thô bạo dập máy cắt đứt cuộc điện đàm. Một chuyên gia nhận xét : « Lãnh đạo thế giới tự do lại không tin vào thế giới tự do. Người Úc không ưa Donald Trump. Tất cả đều trái ngược về mặt chiến lược : cô lập và toàn cầu hóa, độc đoán và dân chủ, ngờ vực và tin tưởng… »

Pháp và Úc là hai người bạn cũ lại đến với nhau, trong một thế giới thù địch. Hai nước còn phải chịu đựng các cường quốc khu vực không theo chế độ dân chủ. Pháp phải đối phó với việc Nga gia tăng số  điệp viên ở Paris, tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trường, tung tin giả. Còn Úc thì phải dè chừng sự bành trướng của Trung Quốc, mối đe dọa cho nền dân chủ nước này.

Mozambique và những viên hồng ngọc màu máu

Tại châu Phi, Le Monde quan tâm đến « Những viên hồng ngọc màu máu ở Mozambique ». Tám năm sau khi phát hiện một mỏ đá quý lớn, bạo lực đã biến vùng đất nghèo khó Montepuez thành miền Viễn Tây. Làn sóng người đổ xô đi tìm những viên đá đỏ quý giá kèm theo một loạt tệ nạn : tội phạm, ma túy, mại dâm.

Từ năm 2009 đến nay, mỏ này đã cung ứng đến 10 triệu cara, tức phân nửa số hồng ngọc bán ra trên thế giới. Hồng ngọc Mozambique có đến 500 triệu năm tuổi, so với Miến Điện vốn nổi tiếng lâu nay, chỉ có 60 triệu năm tuổi. Những người khai thác lậu từ cả lục địa đen tìm đến khai thác, hậu quả là hàng loạt tội phạm xảy ra, cộng với sự đàn áp thẳng tay của cảnh sát. 

Một kho hàng của Amazon ở gần Amiens, Pháp, 03/10/2017.
Thuế khóa, giáo dục, lịch sử : Tựa chính báo Pháp

Nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Thuế khóa : Sau Apple, Bruxelles tấn công Amazon ». Tập đoàn bán hàng trên mạng của Mỹ được yêu cầu phải nộp lại 250 triệu đô la tiền thuế đã trốn được, trong khi Luxembourg phản đối quyết định này của Ủy ban Châu Âu.

Cũng về kinh tế, La Croix đăng ảnh chú gà trống, biểu tượng của nước Pháp và chạy tựa « Các tập đoàn Pháp cũng đi chinh phục ». Những vụ sáp nhập các tên tuổi kỹ nghệ lớn gần đây làm dấy lên dư luận trong nước, nhưng thật ra Pháp cũng rất hăng hái mua lại các công ty, nhãn hiệu nước ngoài.

Le Figaro quan tâm đến vấn đề giáo dục, với hàng tít « Bản luận tội của Viện Thẩm kế ». Trong báo cáo công bố hôm qua về việc quản lý giáo viên, Viện này tố cáo sự cứng nhắc và ù lì của bộ Giáo Dục, nêu ra những hậu quả do chính sách thời tổng thống Hollande để lại.

Libéraration điểm qua « Catalunya, Las Vegas, Bắc Triều Tiên…Lịch sử đã trở nên điên cuồng chăng ? » Trước một thế giới đang sôi sục, nhân cuộc gặp gỡ các nhà sử học tổ chức lần thứ 20 năm nay tại Pháp, tờ báo mời các nhà nghiên cứu so sánh với những sự kiện và nhân vật tương tự trong lịch sử.

Le Monde tố cáo « Làm thế nào Monsanto có thể lũng đoạn các thông tin khoa học ». Trong loạt bài điều tra đăng làm hai kỳ, tờ báo khai thác các tài liệu đã được giải mật, cho biết để lăng-xê sản phẩm hàng đầu là chất glyphosate, được cho là có nguy cơ gây ưng thư, tập đoàn hóa chất nông nghiệp Monsanto đã lợi dụng các tạp chí khoa học. Họ dùng thủ đoạn « tác giả ma » : ê-kíp Monsanto soạn thảo ra những bài « nghiên cứu » rồi chi tiền cho một số nhà khoa học tên tuổi để họ ký tên dưới những bài viết đó.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171005-tan-cong-thinh-giac-o-cuba-cau-chuyen-trinh-tham-ly-ky 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.