vendredi 7 juillet 2017

Làm lại cuộc đời sau khi thoát khỏi địa ngục Bắc Triều Tiên

Lính biên phòng Bắc Triều Tiên.

« Một khi đã đặt chân lên đất Trung Quốc, chúng tôi đi xe đò suốt một tuần lễ, vượt quãng đường trên 2.500 km để đến được Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải giả làm người bệnh, tại mỗi trạm kiểm soát phải giả vờ ói mửa để khỏi phải trình ra tấm hộ chiếu mà tất nhiên chúng tôi không có ». Một mánh khóe đã mang lại kết quả, cho đến khi một cảnh sát Việt Nam đưa cho họ coi hai lá cờ, một của Bắc Triều Tiên và một của Hàn Quốc, yêu cầu chọn lựa. « Cha tôi đã chọn lá cờ Bắc Triều Tiên, tưởng rằng như vậy là tốt. Ai ngờ chúng tôi bị bắt và gởi trả về Trung Quốc. ».

Những người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc làm thế nào để hội nhập vào cuộc sống mới? Đặc phái viên Le Figaro tại Hàn Quốc mô tả lại một cảnh có vẻ bình thường trong một nhà hàng ở Seoul.

Kang Hun, 19 tuổi, ngồi vào bàn ăn với cha mẹ. Người cha nói với giọng trịnh trọng, đầy tự hào : « Chúng ta đã vượt được một chặng đường dài ». Đi ăn ở nhà hàng ở thủ đô, với sự tự do vừa có được và thưởng thức các món ăn – đó là niềm vui sướng tuyệt vời của gia đình Bắc Triều Tiên này, đang tị nạn tại Hàn Quốc.

Hai năm rưỡi sau khi đào thoát, câu chuyện được họ kể lại bên bàn ăn. Anh thanh niên Hun nhanh nhẹn xơi món mì lạnh, rồi lại « tấn công » vào dĩa hoành thánh. Chàng trai gốc gác ở Hyesan, cực bắc Triều Tiên kể lại : « Chúng tôi vượt qua biên giới tháng 12/2014. Mẹ tôi làm nhân viên phục vụ một nhà hàng bên Trung Quốc ( Bình Nhưỡng cho phép điều này). Bà giúp cha tôi và tôi sang đó nhờ một người môi giới vượt biên. Ngạc nhiên đầu tiên đối với tôi khi đặt chân lên đất Trung Quốc là nước nóng – chúng tôi không hề có được tại Bắc Triều Tiên. Và đường sá nữa, tại thành phố tôi sinh sống (có khoảng 192.000 dân năm 2008), chỉ có duy nhất một tên đường ! »

Đối với gia đình họ Kang, năm này qua năm nọ họ càng cảm thấy nhất thiết phải chạy trốn chế độ độc tài Bình Nhưỡng. Nhưng mong ước được sống khấm khá hơn bên ngoài đất nước khép kín mới là ngòi nổ. « Cha tôi đã quá chán khi không có quyền được hạnh phúc. Khi xem một bộ phim Hàn Quốc, ông nói với chúng tôi, ở Hàn Quốc, khi làm việc thì mình có thể có xe hơi riêng ».

Các bộ phim truyền hình nhiều tập cùng với nhạc pop Hàn Quốc trong những năm gần đây thực sự làm người dân phương bắc tỉnh thức. Được lén nhập vào, đôi khi được các máy bay không người lái thả xuống, các bộ phim và chương trình ca nhạc được tải qua các USB đã đóng góp vào việc giúp cho những người dân Bắc Triều Tiên bị bưng bít phần nào thấy được thế giới bên ngoài là như thế nào. Một loại kho tàng Alibaba theo kiểu Hàn Quốc. Họ xem những văn hóa phẩm này qua notel, một loại đầu đọc sản xuất tại Trung Quốc. Chàng thanh niên nhìn nhận : « Tôi có được là nhờ bạn bè. Nhưng nếu bị phát hiện, chúng tôi sẽ bị bỏ tù ».
Để bỏ trốn khỏi địa ngục và sống với « giấc mơ Hàn Quốc », việc đến được Trung Quốc – đồng minh của Bình Nhưỡng – là giai đoạn đầu tiên mà gia đình họ Kang đã may mắn lọt qua. Hun nhớ lại : « Một khi đã đặt chân lên đất Trung Quốc, chúng tôi đi xe đò suốt một tuần lễ, vượt quãng đường trên 2.500 km để đến được Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải giả làm người bệnh, tại mỗi trạm kiểm soát phải giả vờ ói mửa để khỏi phải trình ra tấm hộ chiếu mà tất nhiên chúng tôi không có ».

Một mánh khóe đã mang lại kết quả, cho đến khi một cảnh sát Việt Nam đưa cho họ coi hai lá cờ, một của Bắc Triều Tiên và một của Hàn Quốc, yêu cầu chọn lựa. « Cha tôi đã chọn lá cờ Bắc Triều Tiên, tưởng rằng như vậy là tốt. Ai ngờ chúng tôi bị bắt và gởi trả về Trung Quốc. Một lần nữa cả nhà phải ráng tìm ra một người môi giới khác để lại vượt biên ». Họ thật là may mắn, vì chỉ có 10% số người tị nạn bị câu lưu tại Trung Quốc là trốn thoát được. Hun kể tiếp : « Từ Việt Nam, chúng tôi sang Lào và vào đại sứ quán Hàn Quốc xin tị nạn ».

Một chiếc cầu biên giới Bắc Triều Tiên - Trung Quốc.
Cũng như gia đình họ Kang, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc (29.464 người vào tháng 9/2016, trong đó có 40% trẻ em và thanh niên, theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc). Nhưng có cùng chủng tộc và nói gần như cùng một ngôn ngữ vẫn chưa đủ để hội nhập – tại Hàn Quốc, người ta sử dụng nhiều từ tiếng Anh mà người Bắc Triều Tiên chưa từng nghe thấy trong đời. Sống ở Hàn Quốc đối với họ, là từ thế kỷ 19 nhảy thẳng sang thế kỷ 21. Một bước « đại nhảy vọt » mà những người đào thoát vẫn mơ tưởng, nhưng họ không làm chủ được cả kỹ năng sống lẫn đặc thù văn hóa.
Để học cách « sống sót », những người đào tị được tiếp đón trong một « trại cải tạo » được giữ an ninh hết sức nghiêm ngặt, trong vòng 12 tuần lễ, sau khi được cơ quan tình báo phỏng vấn để biết chắc họ không phải là gián điệp.

Tại trung tâm Hanawon do chính quyền quản lý từ năm 1999, nằm cách Seoul một giờ xe chạy, những người tị nạn được trợ giúp về tâm lý và học hỏi cách vận hành của một xã hội tiêu thụ, như việc mua quần áo hoặc cách sử dụng các máy bán hàng tự động. Tiếp theo là những buổi học về lịch sử Triều Tiên, những khám phá về nhân quyền và dân chủ. Một kiểu « tái lập trình » cần thiết cho cuộc sống mới.

Hun nhớ lại : « Trong nhà trường Bắc Triều Tiên, người ta dạy chúng tôi là Kim Jong Un lúc mới 11 tuổi đã tự điều khiển được xe tăng, và tự khám phá cách lập chương trình bắn pháo hoa ! Tôi nghi rằng đó là giả dối, nhưng chỉ cần nói ra ngoài miệng là đủ để ăn một trận đòn đích đáng, cho dù là con nít ».
Sau ba tháng « thanh lọc » tại Hanawon, những người tị nạn hòa nhập vào đời sống Hàn Quốc. Họ được cho nhập quốc tịch, và được chính phủ trợ cấp từ 10 đến 28 triệu won (7.700 đến 21.000 euro), và 320.000 won (khoảng 250 euro) mỗi tháng trong vòng 5 năm. Một số được các tổ chức phi chính phủ đỡ đầu, giúp đối mặt với cuộc sống mới và một giai đoạn chuyển đổi thường là khó khăn, vất vả.

Young Ja Kim, tổng giám đốc Liên minh công dân vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (NKHR), chuyên giúp đỡ những người tị nạn từ lúc vượt biên giới cho đến khi hội nhập được vào Hàn Quốc, giải thích : « Một trong những khó khăn lớn nhất cho việc hội nhập đối với thanh niên và người lớn là sự phân biệt đối xử, chẳng hạn họ thường bị nhìn chòng chọc vào mặt trên các phương tiện giao thông công cộng ».

Giờ đây, Hun đã thành công trong việc được coi gần như là người tại chỗ. Trong bộ đồng phục học sinh trung học, anh cho biết : « Tôi phải mất đến hai năm để nói được giọng miền nam. Nhà trường đã giúp tôi rất nhiều ». Những người nào không « nhập vai » được đành phải đóng giả làm Joseonjok, tức kiều dân Triều Tiên sống tại Trung Quốc, để khỏi bị phân biệt đối xử.

Một nhóm người Bắc Triều Tiên đào thoát được sang Hàn Quốc.
Yuna Chu, thành viên đội ngũ giảng dạy của NKHR giải thích : « Người Hàn Quốc khó phân biệt được giữa chế độ Bắc Triều Tiên với người dân, và càng tỏ ra thù địch hơn mỗi lần Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn ». Mẹ ruột của Hun thường xuyên khóc khi đi làm về, vì bị các đồng nghiệp là nhân viên chạy bàn cáo buộc « lấy cắp » thức ăn mà khách bỏ lại, trong khi họ cũng làm y như vậy. Nếu không thù ghét, thì người Hàn Quốc cũng tỏ ra dửng dưng, hay không quan tâm đến mục tiêu thống nhất đất nước, nhất là thế hệ trẻ.

Dean Ouellette, giám đốc đối ngoại của trường đại học Kyungnam ghi nhận : « Việc giới trẻ không quan tâm đến quan hệ liên Triều là rất rõ. Đó là một trong những thách thức chính của chính phủ Moon Jae In ». Chỉ có truyền hình thực tế và một số chương trình được theo dõi nhiều như « Now On My Way to Meet You » hay « Good Life » là đóng góp được vào việc phổ biến số phận người tị nạn, giúp họ không còn là đối tượng hiếu kỳ.

Kang Hun thì không cảm thấy bị kỳ thị, dù vậy anh cũng thích chơi với các bạn Bắc Triều Tiên hơn. Yuna Chu nói : « Rào cản văn hóa rất quan trọng. Họ không có những sở thích chung, và khó thể tham gia thảo luận ». Hiệp hội tổ chức các kỳ thực tập để cố lấp đầy khoảng cách văn hóa này.

Các thanh niên tị nạn được miễn thi vào đại học, chính quyền dành cho họ những chỗ trong các trường danh giá nhất Seoul. Nhưng tỉ lệ sinh viên bỏ học cao, cũng như những ca trầm cảm. Tỉ lệ tự tử khá cao trong số những người tị nạn : cứ bảy ca tử vong thì có một trường hợp tự sát.
Young Ja Kim nói : « Những người tị nạn trẻ tuổi thường bị đa chấn thương. Họ sống trong một xã hội mà mỗi người buộc lòng phải che giấu cảm xúc thật, nhưng những xúc cảm ấy lại trỗi dậy ở đây, đôi khi trở thành ung thư hay thái độ bất thường. Một số từng chứng kiến những vụ hành quyết công khai, số khác phải bán dâm trong các trại cải tạo, nhưng họ không nói ra. Nhiều người bị kích động khi nghe tiếng còi hụ, vì tại Trung Quốc, họ phải chạy trốn công an truy lùng. Chúng tôi gặp trường hợp một thanh niên khẳng định muốn giết tất cả mọi người khi cảm thấy bị stress, và biết được rằng anh này đã bị một người lính Việt Nam chĩa súng vào người trong lúc chạy trốn ».

Việc chăm sóc những người này rất tế nhị. Bà Young nhìn nhận : « Họ sợ bị coi là người mắc bệnh tâm thần, và nếu nhập viện họ sẽ bị mất đi nguồn thu nhập ít ỏi, không thể gởi tiền về cho thân nhân còn ở Bắc Triều Tiên ».

Hun để lại bạn bè và ông bà ở bên ấy, vì « quá già không thể đi xa ». Về mặt chính thức thì Bình Nhưỡng coi anh và gia đình đang ở Trung Quốc – một điều tạm chấp nhận được đối với chế độ, còn nếu biết anh ở Hàn Quốc thì sẽ không nương tay. Hai năm rưỡi sau khi đến Seoul, anh công khai chỉ trích Kim Jong Un, nhưng cũng không giấu giếm sự ngờ vực đối với quy trình dân chủ. « Tôi luôn ngạc nhiên trước thói quen biểu tình ở đây. Tôi cảm thấy những người biểu tình thiếu tôn trọng lực lượng an ninh. Nếu là ở Bắc Triều Tiên, thì họ đã bị bắn hạ tại chỗ ».

Người thanh niên cũng chẳng hoan nghênh chủ trương cởi mở với Bắc Triều Tiên của tân tổng thống Moon Jae In. Nhưng anh rất muốn được nhận vào trung tâm quốc gia dành cho các nhà ngoại giao ở Seoul, như một cách cảm ơn vị đại sứ Hàn Quốc đã giúp anh đào thoát. Hun mỉm cười : « Ông ấy hứa rằng nếu tôi trở thành một nhà ngoại giao, ông sẽ mời tôi ăn tối ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170707-lam-lai-cuoc-doi-sau-khi-thoat-khoi-dia-nguc-bac-trieu-tien

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.