lundi 26 juin 2017

Sự cố Việt-Trung : Biển Đông chẳng bao giờ yên tĩnh


Hôm 22/06/2017 lại có tin cuộc họp về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bất ngờ bị hủy bỏ, được cho là do bất đồng về vấn đề Biển Đông hơn là do không sắp xếp được thời gian, theo như phía quốc phòng Trung Quốc công bố. Theo The Diplomat, nếu đây là sự thật, thì không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong quá khứ Bắc Kinh đã nhiều lần giương oai diễu võ trước Hà Nội. Nhìn rộng hơn, hành động này là lời cảnh báo cho cộng đồng quốc tế, rằng Bắc Kinh có thể bất thần leo thang căng thẳng bất kỳ lúc nào, vì lý do này hoặc lý do khác.
Sự cố xảy ra vào thời điểm diễn ra sự kiện giao lưu quốc phòng cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ tư tại Lai Châu và Vân Nam từ ngày 20 đến 22/06/2017. Mặc dù đã khởi đầu như dự kiến, với việc phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long (Fan Changlong) gặp gỡ với các tướng lãnh Việt Nam, và đôi bên thảo luận về những tiến triển gần đây như thỏa thuận về huấn luyện nhân sự, ngày 21/6 bộ Quốc phòng Trung Quốc nói với báo chí là ông Phạm Trường Long phải cắt ngang chuyến viếng thăm, và Bắc Kinh quyết định hủy bỏ cuộc gặp do phải « sắp xếp công việc ». Tin đồn nhanh chóng lan rộng, rằng đó là do bất đồng về Biển Đông.


Nếu đúng như vậy, thì chẳng có gì lạ. Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông không phải là sự kiện mới. Trong số bốn quốc gia Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền vùng biển chiến lược này (gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei), chỉ có Việt Nam tham gia tranh chấp từ lâu nhất và cảm nhận sự hung hăng của Trung Quốc nhiều nhất, với việc Bắc Kinh đổ quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Đối với Việt Nam, các tranh chấp này chỉ là một phần của vấn đề kéo dài từ nhiều thế kỷ qua, là làm thế nào tồn tại bên cạnh người láng giềng khổng lồ, đã từng chiếm đóng đất nước nhỏ bé này hơn một ngàn năm (thời kỳ Bắc thuộc kéo dài từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên).

Theo với thời gian, Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực quân sự mạnh nhất so với bốn nước ASEAN khác, cùng với Philippines gần đây, trở thành những nước tiên phong trong hồ sơ Biển Đông, mặc dù cảm nhận rõ sức nóng, sự hung hăng của Bắc Kinh qua những vụ chạm trán thỉnh thoảng xảy ra. Lần đụng độ gần đây nhất là vụ Bắc Kinh cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) vào mùa hè năm 2014, gây ra khủng hoảng trong quan hệ song phương. Dù vậy, hai bên vẫn tiếp tục tiến hành một số phương thức nhằm xây dựng lòng tin, trong đó có cả lãnh vực quốc phòng, với cuộc giao lưu quốc phòng biên giới thường niên.

Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tạo ra căng thẳng, đôi khi có thể trở thành điểm nóng. Do quan điểm của Philippines yếu ớt hẳn đi dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, hẳn nhiên Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN duy nhất đi tiên phong trong tranh chấp Biển Đông. Và như vậy cũng là chuyện đương nhiên, khi Hà Nội cảm thấy, điều quan trọng là phải tăng cường quan hệ với các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đó là những gì đã diễn ra, cho dù chính quyền Việt Nam tiếp tục thận trọng duy trì các cam kết với Trung Quốc.

Nhưng đối với Bắc Kinh - vốn tìm cách thủ lợi qua việc các nước ASEAN đã mất đi sự hăng hái trong hồ sơ Biển Đông, và nhận ra rằng Hoa Kỳ đang lơ đãng - cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để gây áp lực lên từng nước một. Cho dù đó là nước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông như Việt Nam, hoặc là nước đóng vai trò điều phối giữa ASEAN với Trung Quốc như Singapore, Bắc Kinh đều tìm cách tác động. Một chuyên gia về Việt Nam là ông Carl Thayer trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây cho biết, Trung Quốc đã gây sức ép đòi Việt Nam phải ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí tại bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank) trên Biển Đông.

Theo The Diplomat, quan điểm đối chọi giữa Hà Nội và Bắc Kinh khiến một lúc nào đó sẽ xảy ra xung đột. Ông Thayer ghi nhận rằng căng thẳng có thể bùng lên nếu không được xử lý khéo léo. Việc Trung Quốc triển khai tàu chiến và máy bay trong khu vực có thể làm tăng khả năng đụng độ quân sự. Nhưng nhìn rộng hơn, đối với cộng đồng quốc tế, đây cũng là lời cảnh báo, rằng dù Bắc Kinh nói là muốn làm giảm căng thẳng về vấn đề Biển Đông, nhưng thực ra các hành động của họ có thể leo thang bất kỳ lúc nào.

Điều này phù hợp với mô hình hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, mà tác giả bài báo gọi là « một sự hung hăng tăng dần », xen kẽ giữa thái độ hòa dịu với một loạt hoạt động chèn ép. Trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung, có lẽ không thừa khi nhắc nhở, chỉ bảy tháng sau khi đưa ra một chiến lược mới ASEAN-Trung Quốc, là một phần của hoạt động khuyến dụ các nước Đông Nam Á, được chào đón nhiệt liệt, Bắc Kinh lại cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào mùa hè năm 2014. Cho dù hậu quả không quá trầm trọng, sự kiện này cũng khiến một lần nữa, những ai tìm kiếm sự bình yên tại Biển Đông, cần phải nghiêm túc suy ngẫm, vì an bình không thể nào duy trì được trước tham vọng vô bờ bến của Trung Quốc.
Ngược lại, tờ Hoàn Cầu Thời Báo sau khi răn đe Việt Nam, trong số ra ngày hôm qua 22/06/2017 lại giơ ra « cây gậy và củ cà rốt ». Tờ báo nêu ra việc ông Phạm Trường Long hủy ngang chuyến đi, với lý do chính thức là bận sắp xếp công việc, và cả thông tin trên báo chí nước ngoài là do bất đồng về việc khai thác dầu khí trong khu vực mà Hoàn Cầu Thời Báo gọi là « tranh chấp » trên Biển Đông. Nhật báo tiếng Anh nổi tiếng hung hăng của đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng ghi nhận, phía Việt Nam chưa chính thức lên tiếng về sự kiện này và nhận định, quan hệ Việt-Trung sẽ còn xáo động vì tranh chấp Biển Đông trong tương lai.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, từ khi tổng thống Duterte điều chỉnh lại chính sách của Philippines, tình hình ở Biển Đông đã hòa dịu hẳn, còn quan hệ Việt-Trung cũng có « đà tiến tích cực ». Nhưng sự hòa hoãn trên Biển Đông « không làm hài lòng các thế lực bên ngoài như Hoa Kỳ và Nhật Bản, muốn biến Biển Đông thành nơi tranh giành địa chính trị », và hiện nay các nước này dành cho Hà Nội vị trí quan trọng hơn sau khi Manila thay đổi thái độ năm ngoái. 

Cũng theo tờ báo này, sự « xúi giục » của Mỹ và Nhật có thể tạo cho các nước yêu sách Biển Đông ảo tưởng là Trung Quốc không thể trả đũa. Các nước trung bình và nhỏ thường tìm cách tồn tại bằng cách chơi trò đi dây giữa các cường quốc, « nhưng chiến thuật này không thể dùng để giải quyết các vấn đề nhạy cảm, nếu không sẽ phải đối mặt với rủi ro cao ».

Nhắc lại luận điệu quen thuộc là tranh chấp chỉ có thể giải quyết song phương, tờ báo mở lời đường mật là hai nước nên tận dụng lợi thế có cùng hệ thống chính trị. Đồng thời Hoàn Cầu Thời Báo răn đe, « nếu có khiêu khích, công luận đôi bên đều không cho phép chính phủ nước mình lùi bước, có nghĩa là các biện pháp đối phó có thể được đưa ra bằng bất cứ giá nào » ; « lịch sử cho thấy một sự đối đầu giữa hai nước xã hội chủ nghĩa có thể trở thành thảm họa vì cả hai bên đều có khả năng huy động quần chúng rộng rãi ».

Tờ báo đe dọa tiếp, « Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không hậu thuẫn Việt Nam bằng mọi giá » khi xảy ra khủng hoảng. « Hà Nội không nên nhầm tưởng là Bắc Kinh sẽ nhượng bộ » vì cần « giữ ổn định cho Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới ».

Tóm lại, như The Diplomat đã nhận định ở trên, Biển Đông sẽ chẳng bao giờ bình yên.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170623-su-co-viet-trung-bien-dong-chang-bao-gio-yen-tinh


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.