lundi 26 septembre 2016

Báo Le Monde kêu gọi đặt ra lằn ranh đỏ cho Bắc Kinh


Chen Wenhua, đối tượng đầu tiên bị an ninh Trung Quốc dẫn độ từ Pháp hôm 15/09/2016.
Xã luận của nhật báo uy tín nhất nước Pháp đề ngày 25/09/2016 đòi hỏi phải ấn định những lằn ranh đỏ cho Trung Quốc.

(Le Monde 25/09/2016) Bắc Kinh hớn hở, còn Paris không thể lấy làm tự hào. Lần đầu tiên kể từ khi hiệp định dẫn độ với Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 7/2015, Pháp đã giao trả một công dân Trung Quốc đang lẩn trốn. Đó là một quan chức tên Trần Văn Hoa (Chen Wenhua), bị Bắc Kinh cáo buộc đã biển thủ trên 2,7 triệu euro công quỹ. Chiến thắng này của Trung Quốc là kết quả một nỗ lực chính trị dài hơi ngay từ năm 2001.


Sau khi lùi lại thời hạn kể từ lúc ký kết năm 2007 dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Quốc hội Pháp trong nhiệm kỳ ông François Hollande rốt cuộc đã phê chuẩn hiệp định dẫn độ này. Hẳn nhiên là Pháp đã thương lượng những rào cản, đối với đất nước vô địch thế giới về thi hành án tử hình. Hiệp định loại trừ việc dẫn độ trong những vụ án chính trị và nếu đương sự có nguy cơ lãnh án tử. Tuy vậy sự kiện trên đã gây ra những bất mãn sâu sắc.

Nên chăng cưỡng lại về mặt luật pháp đối với một Nhà nước tra tấn công dân mình và bất chấp nguyên tắc tư pháp độc lập, để đảng Cộng sản có quyền tối thượng ? Trường hợp Trần Văn Hoa lẽ ra cần đặt ra nhiều câu hỏi.

Biểu tình tại Hồng Kông ngày 14/09/2016 phản đối kết án trưởng làng "nổi dậy" Ô Khảm.
Tất nhiên là Pháp không có ý định tiếp đón các quan chức lừa đảo. Paris nhấn mạnh rằng đương sự đồng ý về nước, rằng ngành ngoại giao Pháp sẽ tiếp tục quan tâm đến số phận của ông ta ở Trung Quốc, và sẽ ngưng những vụ dẫn độ sắp tới nếu thấy có những thiếu sót nghiêm trọng. Nhưng những lý lẽ này quá xa xỉ. Sự đồng ý của một cá nhân có thể là do thân nhân của họ bị đe dọa. Trung Quốc cũng không để cho các chính phủ ngoại quốc tìm hiểu tin tức những người bị dẫn độ về, và thường là mất dấu họ sau đó.

Đây là vấn đề khó xử. Cộng đồng quốc tế tiếp tục mở rộng vòng tay trước Trung Quốc để nước này hội nhập với thế giới nhiều hơn, từ sau chuyến công du Bắc Kinh của ông Richard Nixon năm 1972. Vấn đề là những tiến triển của đất nước đông dân nhất thế giới lại không tương ứng. Đã xảy ra những sự kiện nghiêm trọng như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, vụ đàn áp Tây Tạng năm 2008, và từ khi ông Tập Cận Bình nổi lên năm 2013, chiến dịch chống tham nhũng của ông ta thật ra là một cuộc thanh trừng.

Công an dày đặc trong phiên xử luật sư Hạ Lâm tại Bắc Kinh ngày 22/09/2016.
Kiểm duyệt báo chí

Việc bình thường hóa Trung Quốc hãy còn lâu mới đạt được. Bằng chứng là việc kết án 12 năm tù luật sư nhân quyền Hạ Lâm (Xia Lin) hôm 22/9 - vị luật sư từng biện hộ cho nhiều người trong đó có nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị. Bằng chứng nữa là chiến dịch nhắm vào các luật sư hiện nay, việc kiểm duyệt báo chí, hay đàn áp dân làng Ô Khảm đã dám biểu tình chống lại việc quan chức tham nhũng cưỡng chế đất đai của họ.

Trên lãnh vực quốc tế cũng thế, Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn so với quá khứ, làm ngơ trước phán quyết trọng tài hồi tháng Bảy- khẳng định yêu sách chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh là bất hợp pháp.

Cần phải định ra những lằn ranh đỏ cho Trung Quốc, mặc dù câu trả lời không dễ dàng. Nicolas Sarkozy biết rõ điều đó, sau khi tiếp Đạt Lai Lạt Ma năm 2008 đã bị Bắc Kinh trả đũa dữ dội. Tuy vậy, vì lợi ích kinh tế hoặc để tránh né những tranh luận gay gắt, chúng ta đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều lần.

Trên thực tế, nhượng bộ như vậy không phải là tặng quà cho họ, vì Trung Quốc không thể đạt được những mục tiêu - thịnh vượng bền vững, được quốc tế tôn trọng, ổn định chính trị - khi kinh tế thay thế cho Nhà nước pháp quyền.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.