vendredi 10 juin 2016

Euro 2016 : Gà trống Gôloa sẽ gặp may ?

Đội tuyển quốc gia Pháp tập luyện tại Clairefontaine gần Paris hôm 25/05/2016.

Hôm nay 10/06/2016, ngày khai mạc giải bóng đá Euro 2016, tất cả các báo Pháp đều dành trang nhất cho chủ đề này.
Libération đăng ảnh các cầu thủ Pháp đang tập luyện với dòng tựa « Nhãn hiệu Deschamps ». Đội tuyển áo xanh được huấn luyện viên Didier Deschamps chọn lựa sau nhiều sóng gió, tối nay thi đấu trận đầu tiên của giải với đội Rumani. La Croix chạy tựa lớn « Theo nhịp độ của đội tuyển áo xanh » với ảnh trang nhất là đám đông người hâm mộ đang phất cờ cổ vũ. Giải bóng đá châu Âu sẽ thu hút sự chú ý suốt một tháng, và đội Pháp được người dân ủng hộ nồng nhiệt.


« Giải bóng đá Euro khai mạc tại Pháp trong bối cảnh phản kháng xã hội » là tựa chính của Le Monde. Tờ báo kể ra : xe lửa, máy bay, nhà máy lọc dầu, dịch vụ thu gom rác…đang đình công, và những nhượng bộ của chính phủ cũng như công ty đường sắt Pháp vẫn không thuyết phục được các nhân viên đi làm việc trở lại.

Nhật báo kinh tế Les Echos than phiền « Euro 2016 : Ngày hội bị phá hỏng vì săng-ta ». Trong lúc phong trào ngành đường sắt đang xìu đi, nghiệp đoàn CGT ngành vệ sinh vẫn cứng rắn và phi công Air France sẽ đình công ngày mai. Những việc này sẽ không làm cải thiện bộ mặt nước Pháp, trong khi gần một triệu khách nước ngoài đến thưởng thức các trận thi đấu. Tương tự, Le Figaro đăng ảnh trang bìa người biểu tình cầm những lá cờ của nghiệp đoàn CGT, Sud Rail và chỉ trích « Yêu sách quá đáng của các nghiệp đoàn làm u ám sự khởi đầu giải Euro ». Giao thông công cộng đình đốn, rác dồn đống không ai đổ, lại thêm những hoạt động « tiến công đột xuất » khiến chính phủ phải tố cáo « cuộc chiến tranh du kích nghiệp đoàn » này.

Cổ động viên Pháp trước trận Pháp-Rumani tối 10/06/2016.
Nước Pháp mơ một làn sóng xanh mới

Thế là Euro 2016 đã bắt đầu. Trong suốt một tháng, mọi cặp mắt của những người hâm mộ bóng đá trên hành tinh đều đổ dồn về Pháp. Hai mươi bốn đội tuyển sẽ thi đấu 51 trận tại 10 sân vận động ở Bordeaux, Lens, Lille, Lyon, Marseille, Nice, Paris, Saint-Denis, Saint-Etienne và Toulouse, nơi những fanzone mênh mông với màn ảnh rộng được bố trí. Trên 90.000 người được huy động để giữ an ninh, gồm quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên.

Chưa bao giờ đội tuyển Pháp được dư luận ủng hộ như thế. Với 20 chiến thắng từ hai năm qua, hòa hai trận và chỉ thua ba trận - trong đó có trận đấu với đội Anh hôm 17/11/2015, chỉ bốn ngày sau vụ khủng bố đẫm máu chưa từng thấy ở Paris, khiến các cầu thủ không còn tâm trí nào để thi đấu, những chàng trai áo xanh đã chinh phục trái tim người hâm mộ. Một lớp tiền vệ trẻ đã mang lại một làn gió mới cho đội ngũ tiến công của Pháp.

Màn trình diễn trong trận khai mạc Pháp-Rumani đêm 10/06/2016.
Năm lý do để tin tưởng đội Pháp

Trang thể thao của Le Figaro đầy lạc quan với tựa bài « Euro 2016 : Năm lý do để tin vào chiến thắng của đội tuyển Pháp », nhận định đội tuyển áo xanh có những cơ hội thực sự để nâng cao chiếc cúp vào ngày 10 tháng Bảy tới.

Thứ nhất, đội Pháp thường giành thắng lợi khi thi đấu trên sân nhà. « Home sweet home ». Đội tuyển chủ nhà nào gần đây nhất đã đoạt cúp Euro ? Đó là đội Pháp của Platini năm 1984. Đội nào giành được vinh quang của chiếc cúp bóng đá thế giới trên sân nhà mình trong thời gian gần đây nhất ? Chính là Zidane và đồng đội năm 1998. Vì thế người ta có quyền mơ đến một cơ hội thứ ba.

Thứ hai, là vận hên của huấn luyện viên Didier Deschamps. Với tư cách cầu thủ, anh từng là thủ quân khi đội tuyển Pháp đoạt chức vô địch bóng đá thế giới năm 1998 và giải vô địch châu Âu năm 2000, chưa kể lúc ở đội Marseille - đội Pháp duy nhất đoạt cúp C1 năm 1993. Còn khi trở thành huấn luyện viên, Deschamps dẫn dắt đội Monaco đến chung kết Euro 2004.

Quyết chiến!
Thứ ba, đội tuyển Pháp năm nay rất đoàn kết. Họ đã phải chịu đựng những thử thách lớn lao như vụ khủng bố ngày 13 tháng 11 năm ngoái, vụ xì-căng-đan video sex, các vụ chấn thương liên tục, vụ Sakho bị treo giò vì sử dụng chất kích thích…và như vậy sức mạnh tinh thần càng được củng cố. Hơi giống như vào năm 1998, khi đội tuyển của ông Aimé Jacquet bị báo chí Pháp chỉ trích dữ dội, đây là động cơ khiến họ nỗ lực tối đa để giành được cúp vô địch thế giới. Nhiều người nhận xét, chưa bao giờ đội Pháp gắn bó với nhau đến thế.

Thứ tư, hàng tấn công Pháp rất mạnh : trong năm 2016, đội Pháp đã ghi được 13 bàn thắng trong bốn trận đấu. Cuối cùng, các đối thủ trong vòng đầu không đến nỗi đáng sợ lắm : Rumani, Albani, Thụy Sĩ, và như vậy theo Le Figaro, đường tiến có thể rộng mở đến tận bán kết. Các ứng viên đáng ngại cho chiếc cúp châu Âu năm nay là đương kim vô địch thế giới Đức, đương kim vô địch châu Âu Tây Ban Nha, Bỉ, Ý, Anh, Bồ Đào Nha.

Mang lại nụ cười cho gà trống Gôloa đang trầm cảm

Trong bài viết mang tựa đề « Cú phát bóng đầu tiên cho những người thừa kế » của đội tuyển Pháp, Libération cho rằng thế hệ vàng hiện nay mang trên mình gánh nặng vượt quá tham vọng thể thao.

Đội tuyển Pháp lần này thiếu vắng đến ba trong số bốn tiền vệ tấn công tài năng nhất : Karim Benzema (dính vào nghi án làm săng-ta với đồng đội Mathieu Valbuena), Frank Ribéry và Hatem Ben Arfa. Trong khi đó họ có nhiệm vụ mang lại nụ cười cho một đất nước đang gặp khó khăn về các vấn đề xã hội, duy trì không khí phấn khởi càng lâu càng tốt vì đội tuyển nước chủ nhà không thể để bị loại sớm, và làm quên đi những xì-căng-đan lúc gần đây phủ bóng lên đội tuyển.

Les Echos cho biết đội Pháp còn có cầu thủ thứ 24 : đó là tổng thống François Hollande, người sở hữu chiếc áo đội tuyển mang con số này. Rất mê bóng đá, ông Hollande đã được huấn luyện viên Didier Deschamps và thủ quân Hugo Lloris trao tận tay chiếc áo khi ông đến nơi đội tuyển đang tập luyện để cổ vũ. Tổng thống sẽ dự khán tất cả các trận đấu của đội tuyển áo xanh và trận chung kết. Trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố và nạn đình công, ông hy vọng vào « sự kiện hấp dẫn sẽ tập hợp mọi người » để mang lại niềm vui cho « chú gà trống Gôloa đang bị trầm cảm ».

Rác chất đống vì đình công ở Paris, 10/06/2016.
Trận đấu khác của nước Pháp

Một nước Pháp lộn xộn ngay trong dịp Cúp bóng đá châu Âu, bị một nhúm người phản kháng bạo động và lãnh đạo công đoàn ương ngạnh gây trở ngại. Bài xã luận của Le Figaro « Trận đấu cần phải thắng » quy trách nhiệm cho chính phủ và các nghiệp đoàn, đứng đầu là CGT, và nhấn mạnh, trước mối đe dọa khủng bố, hình ảnh này chỉ gây lo sợ cho người hâm mộ, du khách và nhà đầu tư.

Tuy nhiên dù có giải bóng đá hay không, theo tờ báo, những hình ảnh thảm hại trên đây lại phản ánh thực tế thường nhật tại Pháp. Đó là những nhân viên không thể đến được nơi làm việc, những doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại, hàng triệu người dân bị phiền hà.

Ai nghĩ đến tình cảnh của họ ? Không phải là cánh tả cầm quyền, vừa bất lực vừa chia rẽ. Le Figaro cho rằng sự yếu kém của chính quyền, cũng như việc dành nhiều món quà cho « khách hàng » là những cử tri trong cuộc bầu cử tới, đã làm thiệt hại cho uy tín Nhà nước, tình đoàn kết quốc gia và những giá trị của nền cộng hòa. Cũng không phải là các nghiệp đoàn cực tả và một thiểu số nhân viên có được đặc quyền so với những ngành khác, nhất định muốn bám lấy quyền lợi và sự độc quyền, thậm chí không liên quan đến dự thảo luật lao động mới mà họ đang tố cáo.

Tờ báo kết luận, hạ bệ cánh tả trong cuộc bầu cử 2017 và phá vỡ quyền lực gây tổn hại của một số nghiệp đoàn, đó là trận đấu không kém phần gay go sắp tới mà nước Pháp cần phải chiến thắng.

Tiến về Fallouja, 10/06/2016.
Hỏa tiễn Mỹ : 700 ngàn đô la để diệt một tay súng bắn tỉa

Nhìn sang Trung Đông, Le Monde có bài phóng sự đặc sắc « Tiến về Fallouja giữa những bãi mìn », mô tả lực lượng Irak chống thánh chiến phải tiến từng mét một để tái chiếm thành phố từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech).

Từ mười ngày qua, đơn vị tinh nhuệ « Sư đoàn Vàng » mở một con đường xuyên qua các ngôi làng nhỏ phía nam Fallouja, được sự yểm trợ thường xuyên của Không quân liên minh do Mỹ lãnh đạo. Một ngàn binh lính tiến theo ba hướng khác nhau, cố gắng chọc thủng mặt trận ác liệt nhất ở phía nam, nơi IS bố trí hầu hết quân thánh chiến.

Đơn vị ưu tú này chiến đấu ở tiền phương từ hai năm qua. Sư đoàn Vàng là đơn vị đầu tiên tiến vào các thành phố Irak do IS chiếm giữ : Tikrit, Ramadi, Hit, Routba…Tại Fallouja, có thêm một ngàn binh sĩ và cảnh sát của tỉnh Al Anbar theo chân họ, để bảo vệ những mảnh đất mà Sư đoàn Vàng đã giành được.

Cũng chính mặt đất mà họ phải chiến đấu : dày đặc những quả mìn và chằng chịt vô số đường hầm, vì IS có đến hai năm rưỡi để dựng lên những thành lũy này. Một chỉ huy quân sự cho biết : « Al Qaida đặt mìn mỗi kilomet, còn IS thì cứ mỗi 50 centimet lại có một quả mìn ».

Đặc phái viên Le Monde đi theo đoàn quân thuật lại, sau khi hai xe tăng lần lượt bị phá hủy vì bị trúng mìn và hỏa tiễn của quân thánh chiến, máy bay Mỹ bèn vào cuộc để hỗ trợ. Một tay súng IS núp sau một căn nhà ở cuối đường hầm chận mất đường tiến, thế là một phi cơ Mỹ xuất hiện. Một cột khói đen bốc lên trời : không kích vô cùng chính xác. Các binh sĩ Irak lác mắt trước phương tiện mà đồng minh Mỹ huy động : « 700.000 đô la để diệt một kẻ bắn tỉa » !

Thành phố Fallouja hiện nay còn khoảng 50.000 dân, theo con số của Liên Hiệp Quốc, nhưng các sĩ quan tác chiến cho rằng chỉ vài ngàn. Thường dân ở các khu phố phía bắc và phía tây thành phố bị giữ lại làm lá chắn sống, và theo những người trốn thoát, thì quân thánh chiến bắn thẳng vào những người dân muốn chạy khỏi Fallouja.

http://vi.rfi.fr/diem-bao/20160610-euro-2016-ga-trong-goloa-se-gap-may 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.