mercredi 22 juin 2016

Bóng đá và chính trị : Những trận đấu kịch tính trong lịch sử

Đội tuyển Ý tranh Cúp bóng đá thế giới 1934 tại Ý dưới thời trùm phát xít Benito Mussolini.

Hôm nay 21/06/2016 hai đội tuyển Ukraina và Ba Lan đối đầu tại Marseille, nhân đó báo Libération điểm lại những trận cầu mà khía cạnh chính trị vượt lên hẳn thể thao, với những ví dụ từ cuốn sách « Mối nguy khi chính trị can dự vào bóng đá » của tác giả Chérif Ghemmour.
Ukraina coi như đã bị loại, hôm nay thi đấu với Ba Lan, đang đầy hy vọng vào vòng 1/8. Hai quốc gia này vốn có quan hệ sóng gió cách đây hơn ngàn năm, và gần đây khi xảy ra cuộc xung đột giữa hai phe chống và thân Nga tại Ukraina, Ba Lan vốn lo sợ tham vọng của ông Vladimir Putin, đã ủng hộ phe chống Nga.

Một số trận đấu tiêu biểu mang nặng tính chính trị trong lịch sử bóng đá :


Trận đấu Ý-Tây Ban Nha năm 1934 rất thô bạo.
Ý-Tây Ban Nha (World Cup 1934)

Nhà độc tài Mussolini muốn Ý phải đoạt cúp vô địch thế giới, còn Tây Ban Nha muốn chứng tỏ có thể thắng được chủ nghĩa phát-xít qua thể thao. Trận đấu diễn ra hết sức căng thẳng, thô bạo, rất nhiều cầu thủ của cả hai đội bị chấn thương, trong đó có thủ môn giỏi nhất thế giới thời đó là Ricardo Zamora của Tây Ban Nha. Sau khi hòa 1-1, hai bên phải đấu thêm vào hôm sau. Cuối cùng Ý thắng nhờ cầu thủ Luis Monti người Achentina mới vừa nhập tịch. Đội tuyển Ý được tung hô với những lời chào phát-xít.

Các nạn nhân của "trận chiến bóng đá" giữa Honduras và Salvador.
Honduras-Salvador (Vòng loại World Cup 1970)

Trong lúc Hoa Kỳ cố gắng chận đứng cách mạng Cuba lan tràn sang Trung Mỹ, chính quyền Honduras tung ra cuộc cải cách ruộng đất, tịch thu những mảnh đất nông nghiệp của người Salvador không có giấy tờ hợp lệ. Trận thi đấu Honduras-Salvador diễn ra trong không khí đầy kích động. Một cổ động viên Salvador tự tử vì không chịu đựng được thất bại của đội nhà, hai cổ động viên Honduras thiệt mạng sau khi ấu đả với các fan đối thủ. Để làm dịu lại tình hình, một trận đấu thêm đã được tổ chức và Salvador thắng.

Ngay hôm sau, quân đội Salvador tiến hành « trận chiến bóng đá », tấn công vào sân bay Tegucigalpa ở thủ đô Honduras. Cuộc chiến này làm 5.000 người chết, chỉ kết thúc khi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ can thiệp bốn ngày sau đó.

Sân vận động tại Santiago, nơi diễn ra trận đấu tưởng tượng năm 1973.
Chilê-Liên Xô (Vòng loại World Cup 1974)

Trong trận lượt đi, Chilê và Liên Xô hòa 0-0 trên sân Matxcơva. Đó là ngày 26/09/1973, mười lăm ngày sau vụ đảo chính giúp tướng Pinochet lên nắm quyền. Trận lượt về vào ngày 21/11/1973 trên sân Estadio Nacional tại Santiago. Sân vận động này, bị chuyển đổi thành nhà tù và nơi tra tấn các nhà đối lập, trở thành biểu tượng cho tội ác của tập đoàn quân sự. Liên Xô từ chối thi đấu tại đây, đòi chuyển sang một quốc gia Nam Mỹ, nhưng bị Chilê và Liên đoàn bóng đá quốc tế từ chối. Trận đấu vẫn diễn ra nhưng chỉ có đội tuyển Chilê độc diễn.

Đội tuyển Đông Đức chuẩn bị ra sân trong trận đấu lịch sử với đội Tây Đức năm 1974.
Đông Đức-Tây Đức (World Cup 1974)

Đông Đức chưa bao giờ thi đấu giải vô địch châu Âu, nhưng lần tham gia World Cup duy nhất tại Tây Đức là một trận cầu mang tính biểu tượng cao độ. Ngày 22/06/1974 Đông Đức và Tây Đức đối đầu tại Hambourg. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, đội tuyển Đông Đức thắng Mannschaft của Beckenbauer 1-0, trong khi hai tuần sau đó đội Tây Đức đoạt cúp vô địch thế giới.

Cầu thủ ghi bàn cho Đông Đức là Jurgen Sparwasser trở thành người hùng của chế độ cộng sản Đức. Vài năm sau đó, anh bỏ trốn sang Tây Đức nhân tham dự một trận đấu giao hữu giữa các cựu tuyển thủ.

Diego Maradona và chiếc cúp vô địch năm 1986.
Achentina-Anh (World Cup 1986)

Năm 1982, chế độ quân sự Achentina nắm quyền từ năm 1976 suy yếu dần. Để lấy lại uy thế, tập đoàn quân sự cố gắng tấn công « Falklands », quần đảo Anh đang quản lý nhưng Achentina đòi hỏi chủ quyền. Cuộc chiến « las Malvinas » kết thúc với chiến thắng của Anh, làm quan hệ hai nước trở nên lạnh giá.

Bốn năm sau, thần tượng Diego Maradona trong lúc tranh bóng với thủ môn đội Anh Peter Shilton, đã dùng bàn tay trái đập bóng vào lưới. Các cầu thủ Anh quyết liệt phản đối, nhưng trọng tài công nhận bàn thắng mà sau này Maradona biện minh là « bàn tay của Chúa ». Bốn phút sau, Maradona dẫn bóng qua mặt cánh trái đội Anh và sút bóng, đây là một trong những bàn thắng nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá. Đội tuyển Anh thua, nhưng người Anh đến nay vẫn chiếm giữ Malouines.

Cầu thủ hai đội Iran và Mỹ chụp ảnh chung trước trận đấu năm 1998 ở Lyon, Pháp.
Iran-Hoa Kỳ (World Cup 1998)

Từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran căng thẳng hơn bao giờ hết. Có thể kể : vụ bắt nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Teheran làm con tin từ 1979 đến 1981, vụ một tên lửa hành trình Mỹ bắn hạ một máy bay Iran năm 1988…

Ngày 21/06/1998 tại Lyon, trận đấu giữa hai đội Mỹ-Iran tạo cơ hội cho « ngoại giao bóng đá ». Các cầu thủ của hai đội tuyển đã đứng lẫn lộn để chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm trước khi trận đấu bắt đầu. Sự xích lại gần giữa đôi bên đã chỉ diễn ra trong 90 phút thi đấu này.

Trận đấu giữa hai đội Nam-Bắc Triều Tiên trong World Cup 1974.
Bắc Triều Tiên-Hàn Quốc (Vòng loại World Cup 1974)

Hai nước Triều Tiên, về mặt chính thức vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, sẽ phải đối mặt trong giải vô địch bóng đá thế giới. Các động thái ngoại giao chuẩn bị như bài quốc ca nào sẽ được cất lên, sử dụng quốc kỳ nào…khiến trận đấu không thể diễn ra tại Bắc Triều Tiên như dự kiến. Hai đội phải sang Trung Quốc, thi đấu ở Thượng Hải.

Dù có hai cầu thủ ngôi sao là Park Ji Sung (Manchester United) và Park Chu Young (Monaco), Hàn Quốc vẫn không thắng nổi đội tuyển Bắc Triều Tiên do Jong Tae Sa, « Rooney của nhân dân » dẫn dắt. Hai đội hòa 0-0 trong lượt đi. Trận lượt về diễn ra tại Seoul, vẫn hòa 0-0. Cả hai đều được đi tiếp và rốt cuộc Hàn Quốc khi lại hòa với Iran sau đó khi đã chắc chắn được đến Nam Phi, đã giúp người anh em phương Bắc đặt chân vào đấu trường World Cup.

Sự cố lá cờ Đại Albani trong trận đấu.
Serbia-Albani (Vòng loại Euro 2016)

Trận đấu tại Belgrade đã bị ngưng sau khi một thiết bị bay không người lái (drone) có gắn lá cờ « Đại Albani » diễu qua phía trên sân cỏ. Sự kiện mang tính khiêu khích này đã gây ra một trận ấu đả loạn xạ tại chỗ.

Quan hệ Serbia-Albani trở nên căng thẳng sau khi Kosovo, mà đa số dân là người Albani, giành độc lập năm 2008 nhưng không được chính quyền Serbia nhìn nhận. Các phương tiện truyền thông tìm ra được người điều khiển chiếc drone trên, Ismail Morina. Anh này cho biết là muốn trả thù vụ hồi năm 2012 người Serbia đã đốt cờ Albani trong trận đấu với Ý.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160621-bong-da-va-chinh-tri-nhung-tran-dau-kich-tinh-trong-lich-su

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.