mercredi 9 décembre 2015

Suy thoái nhưng thất nghiệp không tăng: Nghịch lý của khủng hoảng Nga

Khách hàng xem xét kỹ giá cả trong một siêu thị ở Matxcơva, 01/12/2015.

Quả là một nghịch lý : một năm sau khi nổ ra khủng hoảng tiền tệ rồi biến thành khủng hoảng kinh tế, nước Nga thoát khỏi tình trạng thất nghiệp gia tăng. Nhưng phía sau các con số thống kê đẹp đẽ, ẩn giấu một thực tế đau lòng cho giới nhân viên Nga, và nạn thiếu lao động đáng ngại về lâu về dài.
Tỉ lệ người thất nghiệp trong tháng 10 là 5,5% dân số trong độ tuổi làm việc (tức 4,3 triệu người Nga), tương đương mức hồi đầu năm và phù hợp với tình trạng công ăn việc làm đầy đủ.


Tuy vậy, hoạt động kinh tế đã đi xuống sau khi đồng rúp sụp đổ vào cuối năm 2014 sau khi phương Tây trừng phạt kinh tế Nga do cuộc xung đột Ukraina, và giá dầu xuống dốc. Tổng sản phẩm nội địa sụt giảm khoảng 4% trong năm. Để so sánh, trong đợt suy thoái năm 2009 trước đây, thất nghiệp tại Nga đã vượt mức 9%.

Trong những tháng gần đây, việc cắt giảm nhân sự liên tục diễn ra trong các lãnh vực như xe hơi, ngân hàng, trong khi Nhà nước giảm mạnh số lượng công chức tại các ngành y tế, cảnh sát hay hành chính.

Tập đoàn xe hơi Mỹ General Motors hồi tháng Bảy đã đóng cửa nhà máy ở Saint-Petersbourg và sa thải 600 công nhân. Từ đó đến nay, Roman Kossenkov, 30 tuổi, vẫn chưa tìm được việc làm khác.

Anh nói, với số lương gần 50.000 rúp một tháng (675 euro), « lương chúng tôi thuộc loại khá cao ở Saint-Petersbourg, và tôi khó thể tìm được nơi nào tương tự. Tôi đã đến hãng Toyota, nhưng họ không thích nhận các nhân viên cũ của General Motors. Nhận chúng tôi vào làm tốn kém hơn là tuyển dụng người mới ».

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Romir, Nga, 39% công ty cho biết đã giảm nhân sự - một điều chưa từng thấy.

Thiếu lao động

Đối với các chuyên gia, mức thất nghiệp thấp thường do số lượng việc làm đơn giản nhiều, và nhất là do sinh suất giảm kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nga đã bị giảm mất gần 5 triệu cư dân từ năm 1991.

Tuy tình trạng dân số giảm nhìn chung đang được khắc phục, nhà kinh tế Oleg Kouzmine của cơ quan Renaissance Capital cho rằng số người trong độ tuổi làm việc đã bị sụt mất một triệu mỗi năm kể từ 2009, và sẽ không tăng lên trong vòng tám năm nữa.

Ông giải thích : « Thất nghiệp ít không phải do sức mạnh của kinh tế Nga, mà do các vấn đề dài hạn. Nếu việc thiếu lao động hạn chế tăng trưởng trong trung hạn, đây lại là phương cách tốt để giảm sốc cho khủng hoảng : thất nghiệp ở mức thấp, người ta có thể lại tìm được việc làm sau khi bị sa thải và duy trì mức tiêu thụ cơ bản ». Điều này không có nghĩa là thị trường lao động không chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, nhưng việc điều chỉnh « chủ yếu được thông qua việc hạ mức lương ».

Thu nhập thực tế của người Nga đã sụt giảm trên 10% trong một năm qua, theo thống kê chính thức. Giới chủ rất ít khi tăng lương mặc cho lạm phát phi mã. Một số còn gia tăng những thời kỳ tạm nghỉ chờ việc hoặc liên tục chậm phát lương. Số người Nga sống dưới ngưỡng nghèo khổ đã vượt quá 15% dân số, tương đương 21 triệu người.

Áp lực của chính quyền

Ngoài yếu tố dân số, cơ quan Capital Economics ở Luân Đôn gần đây còn cho rằng thất nghiệp ít do « áp lực chính trị » lên các công ty lớn. Giáo sư Evguéni Gontmakher thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cựu Bộ trưởng Xã hội khẳng định : « Một mặt, có áp lực từ trên xuống các thống đốc nhằm tránh xảy ra thất nghiệp hàng loạt trong vùng ; mặt khác, các chủ sử dụng lao động vẫn còn khá gia trưởng », muốn giữ lại các nhân viên nhưng trả lương ít hơn để chờ thời.

Theo ông : « Việc này tiện lợi cho tất cả mọi người, cả chính quyền, nhân viên lẫn giới chủ ». Tuy vậy, chuyên gia Gontmakher cũng lo ngại một sự « xuống cấp » của thị trường lao động về lâu về dài, vì tình hình này không khuyến khích sự linh hoạt trong công việc lẫn việc chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông chủ của tập đoàn hùng mạnh Rostec là Serguei Tchemezov gần đây còn thẳng thừng chỉ trích Tổng giám đốc hãng xe hơi Lada, ông Bo Andersson - một người Thụy Điển đến từ hãng General Motors - đã sa thải hàng loạt công nhân. Ông Tchemezov nói : « Có lẽ đây là phương cách bình thường tại Châu Âu nhằm giảm giá thành, nhưng chúng tôi nghĩ rằng không nên hành động kiểu như thế ». Rostec vốn là cổ đông của Lada.

Từ đó đến nay, tập đoàn Lada loan báo để giảm giá thành, sẽ dành ưu tiên cho việc tự nguyện về hưu và tuần làm việc bốn ngày.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151209-suy-thoai-nhung-khong-that-nghiep-nghich-ly-cua-khung-hoang-nga

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.