mercredi 25 novembre 2015

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sau vụ bắn rơi Sukhoi

Cảnh chiếc Sukhoi-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24/11/2015.

Sau khi chiếc Sukhoi-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm qua với lý do đã xâm phạm không phận nước này, Tổng thống Vladimir Putin giận dữ cho rằng đây là « mũi dao đâm sau lưng », và khuyến cáo công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm nay 25/11/2015 tuyên bố Ankara muốn tránh mọi leo thang quân sự với Matxcơva.
Trước diễn đàn các quốc gia Hồi giáo họp tại Istanbul, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ « chỉ bảo vệ an ninh và quyền của nhân dân ». Ông biện minh cho việc đưa các chiến đấu cơ F-16 can thiệp là vì chiếc Sukhoi-24 của Nga đã được « cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút » phải rời khỏi không phận, đồng thời nói rằng lúc đó Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề biết chiếc máy bay ấy của nước nào.


Tuy vậy, ông Erdogan cũng tố cáo việc Nga can thiệp quân sự vào Syria để trợ giúp chế độ Bachar Al Assad. Theo ông, không hề có quân IS trong khu vực trên, mà Nga chỉ muốn oanh kích người Turkmen (người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ).

Phía Nga nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không hề cảnh báo, và chiếc Su-24 bay trên không phận Syria đã bị rơi cách biên giới 4 km. Ngoại trưởng Serguei Lavrov đã hủy bỏ chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, và Matxcơva cũng ngưng mọi hợp tác quân sự với Ankara. Tổng thống Vladimir Putin cảnh cáo « các hậu quả nghiêm trọng » về vụ chiếc máy bay Sukhoi bị bắn rơi, đồng thời khuyến cáo công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigou hôm nay loan báo đã cứu được viên phi công thứ hai của chiếc Su-24 và đưa về căn cứ, sau 12 tiếng đồng hồ tìm kiếm. Một quân nhân tham gia cứu hộ đã tử thương sau khi chiếc trực thăng Mi-8 bị đạn bắn trúng, còn phi công thứ nhất đã bị chết sau khi nhảy dù ra khỏi máy bay. Ông Choigou cũng thông báo triển khai hệ thống phòng không S-400 tại căn cứ không quân Hmeimim.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Jérome Bastion cho biết dư luận tại Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này :

« Nếu báo chí thân chính phủ có giọng điệu ca khúc khải hoàn theo kiểu « Không nên gây hấn với chúng ta », « Ta đã cho họ biết mặt », « Họ đáng bị như thế »…thì cảm giác nói chung là lo lắng cho tương lai. Kể cả đối với phe Hồi giáo, chẳng hạn tờ báo Milli Gazete viết rằng « Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước dấn sâu vào vô định ».

Về phía các nhà phân tích thường chỉ trích chính sách của chính phủ thì mang tính tiêu cực hơn. Chẳng hạn Hürriyet nhận định đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, và Cumhuriyet cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ lần này đang ở ngưỡng cửa chiến tranh. Nhà bình luận viết rằng đây là sai lầm lớn nhất trong lịch sử ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, việc tấn công vào Nga không nằm trong khả năng của đất nước, có nguy cơ quay lại với sự đối đầu trực tiếp như vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Đặc biệt nhiều chiến lược gia lo ngại Nga sẽ tăng cường các hành động đánh vào các nhóm đồng minh của Ankara. Tất nhiên là người Turkmen sẽ bị trả đũa trước tiên, đồng thời Nga cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn đối với các phe mà Ankara coi là kẻ thù như người Kurdistan. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151125-cang-thang-giua-tho-nhi-ky-va-nga-sau-vu-sukhoi-bi-ban-roi 

Bài viết liên quan:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.