vendredi 18 septembre 2015

Trung Quốc vỡ mộng tại Venezuela (2)

Hàng dài người dân trước một siêu thị.
Những món quà đã kết thúc

Thực dụng và tham vọng, chỉ trong một thời gian rất ngắn Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại thứ nhì của đất nước có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới. Trao đổi thương mại giữa hai nước tuy vẫn chỉ bằng một phần ba so với Hoa Kỳ, nhưng thông điệp gởi đến « đế quốc Mỹ » rất rõ ràng. 

« Trung Quốc đã chứng tỏ với thế giới không cần là một đế quốc mà vẫn có ảnh hưởng to lớn. Trung Quốc không chà đạp, không xâm lược và không ném bom ai cả. Nhiệt liệt chào mừng cường quốc của thế kỷ 21 ! ». Cố Tổng thống Hugo Chávez đã tuyên bố như vậy vào năm 2012.


Cùng ngày, đại diện Citic ở Venezuela ký các hợp đồng khai thác mỏ dầu, đầu tư phát triển kỹ nghệ chế biến nông sản, xây dựng các giàn khoan dầu và các tuyến đường xe lửa, cũng như một loạt hợp đồng trong các lãnh vực hết sức chiến lược về chính trị.

Chi nhánh Citic Securities nhanh chóng bắt đầu việc tư vấn và lobby ở Hồng Kông để khuyến khích các nhà đầu tư không phải là Mỹ đến Venezuela làm ăn, trong lúc Citic Trust đón nhận các tài khoản của Ngân hàng Trung ương Venezuela, còn Citic Bank thì mở cửa cho một số tài khoản của tập đoàn dầu lửa quốc doanh PDVSA « để duy trì chủ quyền của Venezuela ». Ba năm sau, tình hình đã thay đổi hẳn đối với Citic cũng như các công tu Trung Quốc khác.

Ban đầu, cái chết của nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Hugo Chávez tháng 3/2013 đã không làm chậm lại trao đổi giữa hai nước. Tân Tổng thống Nicolás Maduro đã gặp người đồng nhiệm Tập Cận Bình ba lần. Việc tán tỉnh thậm chí còn tăng thêm vào đầu năm với cuộc khủng hoảng tiền mặt của Venezuela. Giá dầu thô lao dốc khiến 50% thu nhập bị mất đi, trong khi hầu như toàn bộ nguồn thu tiền mặt của Caracas đều trông cậy vào xuất khẩu dầu. Nhiều nhà kinh tế còn dự báo cả việc mất khả năng chi trả vào năm 2016.

Trong khi Nga, Iran và thậm chí Cuba hồi tháng Giêng đã quay lưng lại với một Nicolás Maduro đang tuyệt vọng, chỉ có Trung Quốc chịu giúp bằng việc bơm thêm 15 tỉ đô la vào nền kinh tế Venezuela, chủ yếu cho các dự án dầu khí dài hạn. Tổng thống Venezuela khi đến thăm Bắc Kinh hôm 1/9 còn loan báo việc ký kết một « kế hoạch phát triển chung mới cho giai đoạn 2015-2025 ». Nhưng đồng minh bao cấp này không đi xa hơn thế.

Theo một thỏa thuận công bố trên báo chính thức hôm 30/06/2015, việc khởi động giai đoạn hợp tác mới bị đặt dưới điều kiện phải « hoàn trả toàn bộ » các món vay trước đó. Hoàn toàn không giống việc Bắc Kinh tiếp tục hào phóng vung tiền cho các quốc gia Mỹ la-tinh khác. « Những kẻ tự cho là cứu rỗi đã lợi dụng xong, và giờ đây bỏ rơi chúng tôi giữa cơn khủng hoảng » - Angelina Jaffre, giáo sư về quan hệ quốc tế nhận xét.

Tại Caracas, Liên đoàn dân sự các Hiệp hội Trung Quốc tại Venezuela (FACV) quản lý 23 định chế văn hóa, trung tâm thể thao Trung Quốc trên toàn quốc, không còn tâm trí nào để làm việc. « Nhiều đồng hương chúng tôi đến đây trong thập niên 80, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, với hy vọng làm giàu. Nay thì không còn như trước nữa ». Antonio Lee Ng, người chủ tịch FACV sinh cơ lập nghiệp ở Venezuela mỉm cười thú nhận.

Không khí kinh tế, chính trị và xã hội ngày càng trầm trọng, dường như đã hạ gục các doanh nghiệp tích cực nhất. Nửa triệu người gốc Hoa sống tại Venezuela đã ý thức được tình hình. Fu, đầu bếp một nhà hàng Tàu cho biết : « Năm ngoái tôi thu được 1.000 đô la, nhưng với nạn lạm phát giờ chỉ còn không đầy 200 ». Nhập cư cách đây mười năm nhờ tổ chức Xà Đầu giúp vượt biên, Fu khẳng định nay muốn định cư ở một nước khác để có thể tiếp tục gởi tiền về cho gia đình.

Là những người cuối cùng còn đầu tư vào đất nước bất ổn này, qua những dự án lớn được Nhà nước trợ giá hay trong vô số cơ sở buôn bán nhỏ, những « người anh em Trung Quốc » không còn tin vào cách mạng xã hội chủ nghĩa Venezuela. Ngày 31/07/2015, một đám đông đói khát và chán nản sau nhiều tiếng đồng hồ xếp hàng mỗi ngày, đã tấn công vào một xe tải chở ngũ cốc, một trại nuôi gà và nhiều cửa hàng ở miền trung Venezuela. Vụ cướp phá bắt đầu ở siêu thị Uniferia, do người Hoa làm chủ. 

Mời đọc lại:

Trung Quốc vỡ mộng tại Venezuela (1)


Tấm bản đồ bất khả thi

Citic, một trong những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc, được chính phủ Venezuela giao cho việc thực hiện một bản đồ hầm mỏ mới. Đối với một đất nước sở hữu trữ lượng vàng thứ nhì thế giới, nhiều mỏ nhôm, bô-xít, coltan chưa khai thác, hợp đồng này tỏ ra béo bở.

Theo giáo sư Krystin Quiroz, « việc tư nhân hóa tìm kiếm khoáng vật trong một lãnh vực chiến lược như thế là cơ hội độc nhất trên thế giới, và Citic đã tranh thủ lợi dụng bằng cách này hay cách khác ». Tuy chính quyền khẳng định tập đoàn Trung Quốc sẽ không được ưu tiên khi phân phối các hợp đồng khai thác, nhưng Citic đã có được lợi thế độc nhất vô nhị.

Có điều việc nghiên cứu cũng trễ tràng như việc khai thác mỏ vàng ở Las Cristinas…Tình trạng vô chính phủ tại khu vực hầm mỏ đã làm nản lòng các nhà địa chất Trung Quốc. Citic và Bộ Hầm mỏ không trả lời các câu hỏi của tuần báo L’Obs.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.