mercredi 12 août 2015

Bắc Kinh lại lao vào cuộc chiến tranh tiền tệ

Phá giá nhân dân tệ, đồng tiền các nước châu Á cũng bị sụt theo.

(Le Monde 13/08/2015) Việc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm thứ Ba 11/8 được Bắc Kinh giới thiệu như là một động thái «mở cửa kinh tế».

Chỉ có những kẻ ngu ngốc mới không thay đổi ý kiến. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi dành cho báo chí ngoại quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 31/3 đã khẳng định với tờ Financial Times là không muốn hạ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu, cũng « không có một kịch bản nào mà trong đó các nền kinh tế lớn thi nhau hạ giá đồng tiền quốc gia để chiếm thế thượng phong. Việc này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ ». Ông nhấn mạnh đến các nỗ lực của Trung Quốc cho một chế độ hối đoái chủ yếu dựa vào thị trường.

Nghịch lý thay, chính vào lúc đưa ra động thái « tự do hóa » này, Trung Quốc có nguy cơ đưa cả hành tinh lao vào một thời kỳ mới của cuộc chiến tranh tiền tệ. Do kinh tế bị chựng hẳn lại, thị trường tự động kéo giá đồng nhân dân tệ xuống trong những tháng gần đây, nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tìm cách đối phó với lực hút này. Hôm thứ Ba 11/8, họ đã lùi bước khi quyết định từ nay hối suất đồng tiền sẽ được ấn định theo giá thị trường của hôm trước.

Hậu quả là đồng nhân dân tệ hôm thứ Ba bị sụt 1,86%, và đến thứ Tư lại giảm tiếp 1,6%. « Trong bối cảnh hiện nay, nhường cho thị trường tiếng nói trong việc quyết định hối suất, đương nhiên có nghĩa là để cho đồng tiền hạ giá » - Julian Evans-Pritchard, chuyên gia về Trung Quốc của Capital Economics ở Singapore giải thích.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thấy đây là « một giai đoạn đáng khích lệ » - một trong các phát ngôn viên của quỹ này cho rằng Trung Quốc sẽ phải chuyển đổi sang chế độ thả nổi hối suất thực sự từ nay đến hai, ba năm tới. Ngược lại, các quốc gia khác nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lại đón nhận tin này một cách lạnh nhạt.

Đồng đô la Úc, đồng ringgit Malaysia, đồng won Hàn Quốc đã bị sụt giảm mạnh do quyết định của Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, các chính khách như thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Casey (bang Pennsylvania) nhảy dựng lên, cho rằng « đã đến lúc chính quyền Obama cần phải tập trung cao độ hơn trước những trò gian dối của Trung Quốc ».

Các nhà kinh tế cãi nhau kịch liệt về thực chất hành động của Bắc Kinh. Liệu đây có thể là một cải cách quan trọng – Trung Quốc mở cửa chế độ hối đoái, hay là việc phá giá đồng tiền nhằm tăng tính cạnh tranh một cách giả tạo ? Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho năm 2015 dường như đã lùi xa, còn mục tiêu tăng GDP 7% rất khó duy trì. Trung Quốc cho rằng mình có quyền làm như thế, vì là nạn nhân của chính sách tiền tệ Mỹ, Nhật – giảm giá đồng đô la và yen so với nhân dân tệ trong những năm gần đây.

Bác bỏ mọi cáo buộc về việc tái thúc đẩy cuộc chiến tiền tệ, Mã Tuấn (Ma Jun), trưởng bộ phận nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, hôm thứ Ba 11/8 đã thận trọng nói rằng việc hạ giá đồng tiền chỉ đơn thuần là điều chỉnh giữa quản lý hành chính và diễn biến của đồng nhân tệ trên thị trường liên ngân hàng. Ông Mã Tuấn biện minh thông qua Tân Hoa Xã : « Cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá đáng kể trước đồng đô la không có nghĩa là bắt đầu xu hướng hạ giá ».

Chỉ số các thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm. Ảnh chụp ở Singapore ngày 12/08/2015.

Gió ngược chiều

Mặc cho các nỗ lực truyền thông trên đây, ngân hàng trung ương các nước vẫn bỏ ngoài tai. Đối thủ Hàn Quốc, mà xuất khẩu trong tháng Bảy đã sụt 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ nhân dịp này tố cáo việc Trung Quốc phá giá đồng tiền làm phương hại đến tính cạnh tranh của mình. Dưới áp lực, Hoa Kỳ tránh đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào, nhất là về ảnh hưởng quyết định của Bắc Kinh lên chính sách tiền tệ.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn thời điểm này để đánh sụt giá đồng tiền. Lâu nay được ngưỡng mộ trước sự tăng trưởng bền bỉ và năng lực duy trì nhịp độ này của các lãnh đạo trước các khó khăn, Trung Quốc nay gây ra ngờ vực. Sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn tháng Sáu là 6,8%.

Trong khi đó Bắc Kinh năm nay đã triển khai các biện pháp tái thúc đẩy thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường sắt, và Ngân hàng Trung ương đã bốn lần hạ lãi suất chỉ đạo kể từ tháng 11/2014.

Trung Quốc trong những tuần lễ gần đây còn phải đảm bảo khối lượng dự trữ 3.000 tỉ nhân dân tệ (422 tỉ euro) để can thiệp nếu thị trường chứng khoán Thượng Hải lại chao đảo một lần nữa, trong đó đã chi ra 900 tỉ nhân dân tệ. Các nhà máy tại những vùng mà kinh tế dựa vào xuất khẩu cũng có nhu cầu được hỗ trợ, trong lúc xuất khẩu của Trung Quốc ra nước ngoài đã giảm mất 8,3% trong tháng Bảy.

Tập Cận Bình, Tổng bí thư đầy quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng Bảy năm 2014 đã giải thích cho các nhà kinh tế của chính phủ là tăng trưởng chậm lại một chút « chẳng phải là việc gì lớn ».


Thời thế nay đã thay đổi. Trong các tuần lễ gần đây, ngược lại ông Tập đã nói với các vị khách là ưu tiên phải dành cho sự ổn định. Thế mà tại Trung Quốc cũng như tại các nước khác, số lượng các công cụ không phải là vô giới hạn. Và việc phá giá đồng tiền là một trong số đó.

Bài viết liên quan:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.