mardi 25 novembre 2014

Abenomic, điểm mạnh và điểm yếu

Đăng ngày 19-11-2014

Chính sách được gọi là Abenomic có thể là giải pháp kỳ diệu chống lại nạn giảm phát, nhưng hai năm sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lăng xê một cách ồn ào, suy thoái đã quay trở lại và Abenomic đã mất đi hào quang của nó.

Từ ngữ này có ý nghĩa gì ? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của chính sách này, và tương lai của nó ra sao ?

Abenomic là gì ? 


Từ ngữ Abenomic dùng để chỉ sự phối hợp của ba « mũi tên » được cho là có thể đưa nền kinh tế thứ ba thế giới trở lại con đường phát triển vững chắc :

- Ngân sách : Khuyến khích các hoạt động bằng các kế hoạch quy mô hỗ trợ nền kinh tế, ngược với không khí khắc khổ tại hầu hết các nước trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của ông Abe, Nhà nước đã chi ra hàng trăm tỉ euro, và còn có thể nhiều hơn nữa.

- Tiền tệ : Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) tháng 4/2013 đã cải tổ chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu được xác định là lạm phát ở mức 2% trong vòng hai năm, thông qua kỹ thuật được gọi là « giảm nhẹ chất lượng và số lượng ». Việc bơm tiền hàng loạt tiền mặt nhằm bôi trơn tín dụng, giảm chi phí vay tiền và kích thích đầu tư của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của các hộ gia đình.

- Cải cách : Nhiều cải tổ về cơ cấu đã được tiến hành để chuyển đổi sâu sắc hệ thống, và nâng cao « tiềm năng tăng trưởng » của Nhật Bản. Ông Abe cũng hứa giảm thuế cho doanh nghiệp, tự do hóa thị trường điện, hiện đại hóa lãnh vực nông nghiệp đang suy sụp. Đối mặt với tình trạng thiếu nhân công, ông cũng chú trọng đến công việc làm cho phụ nữ.

Các ưu điểm của Abenomic ? 

Theo Ivan Tselichtchev, giáo sư kinh tế đại học quản trị Niigata, quyết tâm trên ban đầu đã gây ra cú sốc tâm lý thuận lợi, sau nhiều năm bất ổn chính trị. Ông nhấn mạnh : « Shinzo Abe đã thành công trong việc tăng cường lòng tin nơi các nhà đầu tư, nhà sản xuất và người tiêu thụ thông qua hai mũi tên đầu tiên ».

Một hệ quả gián tiếp của « Abenomic » : đồng yen bị giảm giá mạnh so với đô la và euro, tạo thuận lợi lớn cho các công ty xuất khẩu Nhật vì thu nhập từ nước ngoài tăng cao, cũng như trị giá trên thị trường chứng khoán.

Đâu là những điểm yếu của Abenomic ? 

Tuy nhiên các nhà phân tích của Capital Economies ghi nhận : « Lợi nhuận cao hơn không kích thích nhu cầu, trừ phi nó dẫn đến đầu tư nhiều hơn và lương bổng tăng lên ». 

Trong khi đó tác động không đáng kể, các công ty lo sợ nên tích trữ hơn là đầu tư. Còn số lương được tăng ít ỏi – trong một đất nước mà các nghiệp đoàn ít có tiếng nói – đã bị lạm phát do thuế trị giá gia tăng bị nâng lên, xóa mất. Quyết định gây tranh cãi này đã chặn lại tiêu dùng (chiếm 60% GDP) và gây ra sự co rút mạnh mẽ của nền kinh tế (-1,9% vào quý 2, -0,4% trong quý 3).

Cũng như các nhà kinh tế khác, ông Tselichtchev khẳng định việc kết hợp áp lực thuế khóa và chính sách kích thích tiêu dùng là sai lầm, vì đây là hai hành động đối nghịch nhau.

Bên cạnh không khí ủ rũ trong nước, lại thêm sự yếu kém của xuất khẩu « do bối cảnh quốc tế khó khăn và việc chuyển dịch sản xuất » - theo mô tả của Harumi Taguchi, thuộc cơ quan tư vấn IHS.

Tương lai của Abenomic như thế nào ?

Ivan Tselichtchev cảnh báo : « Hãy còn quá sớm để nói rằng Abenomic đã thất bại. Nhưng nếu các biện pháp tiền tệ và ngân sách có thể tạo tăng trưởng trong ngắn hạn, chúng không thể đạt đến trong trung và dài hạn ». 

Nếu không bắn đi mạnh mẽ một mũi tên thứ ba, thậm chí Abenomic có thể trở nên có hại khi làm tăng nợ công vốn đã rất cao, và gây ra mối đe dọa bong bóng tài chính.

Về phần Shinzo Abe, ông không có ý định lưu lại nơi dòng suối cạn, và hy vọng được cử tri bật đèn xanh để tiếp tục chính sách, và như thế ông phải tăng cường các cải cách về cấu trúc.

chính sách Kinh tế Chính trị Nhật Bản Châu Á
http://vi.rfi.fr/chau-a/20141119-abenomic-diem-manh-va-diem-yeu/ 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.