jeudi 14 août 2014

« Đoàn xe nhân đạo » cho Ukraina : Cuộc chiến tuyên truyền của Putin

Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga cho Ukraina tại Voronezh ngày 14/08/2014.
Bài đăng : Thứ năm 14 Tháng Tám 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 14 Tháng Tám 2014 
 
Sự kiện Nga đưa một đoàn xe « cứu trợ nhân đạo » sang Ukraina rất được báo chí Paris quan tâm. Le Figaro có bài viết mang tựa đề « Nga-Ukraina : Đoàn xe gây bất đồng »; tương tự là tựa một bài báo khác trên La Croix : « Đoàn xe của bất đồng giữa Matxcơva và Kiev ». Le Monde nhận thấy hành động này « gây lo ngại cho Kiev và phương Tây », còn Les Echos nhận định « Ukraina : Cuộc chiến tranh cân não ».

Theo nhận xét của Les Echos, suốt cả ngày hôm qua diễn ra một cuộc chiến truyền thông dữ dội để tránh một cuộc chiến thực sự giữa Ukraina và Nga. Hoàn toàn mù mờ, những chi tiết về « đoàn xe nhân đạo » này như điểm đến cuối cùng, cửa khẩu sẽ đi qua cho đến cơ quan kiểm tra, bốc dỡ chuyến xe chỉ được tiết lộ nhỏ giọt theo những tuyên bố của đôi bên. Sau khi khẳng định sẽ từ chối « viện trợ » này vì đây chỉ là « hành động cay độc » của Matxcơva, « gởi đến nước và muối sau khi cung cấp vũ khí cho bọn khủng bố », Kiev hôm qua đã nhượng bộ.


Để « tránh cho đất nước khỏi bị xâm lăng », Tổng thống Ukraina rốt cuộc chấp nhận cho đoàn xe đến Lougansk qua một cửa khẩu gần đó. Hải quan, biên phòng và đại diện của Tổ chức An ninh Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ kiểm tra tại biên giới, sau đó « đoàn xe đi vào vùng đất do quân nổi dậy kiểm soát, và tại Lougansk hàng viện trợ sẽ được Hồng thập tự phân phối ». Như vậy Kiev không còn đòi hỏi phải đi qua Kharkov nơi quân chính phủ kiểm soát, và hàng phải chuyển qua các xe của Hồng thập tự.

Ukraina và phương Tây lo ngại trong số hàng viện trợ nhân đạo này có giấu vũ khí và đặc biệt là hỏa tiễn dành cho quân nổi dậy, thủ phạm vụ bắn rơi chiếc MH17 của Malaysia Airlines. Matxcơva khẳng định chuyến hàng 1.800 tấn gồm có 500 tấn lúa mì, 100 tấn đường, 70 tấn dược phẩm và 60 máy phát điện. Les Echos cho rằng thật ra Nga chẳng cần phải dùng đến đoàn xe 260 chiếc rầm rộ này để tiếp tế cho quân ly khai miền đông, vì theo tình báo phương Tây, Matxcơva có thể dễ dàng đưa qua đoạn đường biên do quân nổi dậy kiểm soát.

Tương tự, La Croix nhận định Matxcơva chỉ dàn cảnh « đoàn xe nhân đạo » để phô trương sự ủng hộ của Nga dành cho phe ly khai miền đông Ukraina, trong bối cảnh hôm nay Vladimir Putin đến Crimée đọc một bài diễn văn « nẩy lửa » - theo phát ngôn viên Tổng thống Nga. Đây là lần thứ hai Putin đến Crimée từ khi vùng đất của Ukraina bị sáp nhập vào Nga hồi tháng Ba. Một cơ hội mới để ông Putin diễn vai người bảo vệ không khoan nhượng lợi ích của mọi cư dân nói tiếng Nga trong các nước Liên Xô cũ, một vai trò đã đưa ông lên đỉnh cao của lòng dân.

Trực thăng bám sát đoàn xe để quay phim tuyên truyền.
Le Figaro dẫn nguồn tin từ bộ phận báo chí của Hội Hồng thập tự, cơ quan được nêu tên trong tất cả các thông cáo của Nga cho biết, từ nhiều ngày qua Hội vẫn đòi hỏi những chi tiết cụ thể về đoàn xe nhưng không nhận được những câu trả lời thích đáng. Và như vậy Hồng thập tự không chịu trách nhiệm về đoàn xe nhân đạo này. Cần nói thêm, Hiến chương Hồng thập tự quy định phải có sự thỏa thuận của các bên liên quan trong cuộc xung đột, và việc đoàn xe đi thẳng đến vùng nổi dậy khiến cơ quan quốc tế có tiếng luôn trung lập này không thể tham gia.

Theo Le Figaro, Matxcơva chừng như lợi dụng sự khẩn cấp của tình hình nhân đạo để buộc Hồng thập tự phải nhúng tay vào, nhưng lại không vội vã trả lời tổ chức phi chính phủ này. Tờ báo mô tả, những lá cờ trắng có hình chữ thập đỏ được cắm lên tất cả các xe vận tải trong đoàn, được chiếu trên truyền hình Nga. Tối qua phát ngôn viên Tổng thống Nga, Dimitri Peskov tiếp tục khẳng định đoàn xe « tiếp tục di chuyển trên lãnh thổ Nga (…) dưới sự lãnh đạo của Hồng thập tự quốc tế ». Rõ ràng ngay từ đầu, chiến dịch này mang mục đích tuyên truyền tại Nga cũng như quốc tế.

Le Figaro cho biết, các kênh truyền hình Nga đã quảng cáo rùm beng cho « đoàn xe nhân đạo ». Chiến dịch được quay trực tiếp từ một trực thăng để giúp khán giả hình dung được tầm vóc quy mô của nó. Bản tin thời sự truyền hình được mở đầu bằng « đoàn xe nhân đạo », và quyết định " thiếu tế nhị" của Kiev không cho đoàn xe đi vào lãnh thổ nước mình. Một quyết định bị phê phán là ý đồ xấu xa của một nước chư hầu cũ nay đang nằm dưới sự thống trị của Washington.

Ngược lại, các nhà báo Nga giữ im lặng về việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy thân Nga ở Donbass, nhấn mạnh đến « sự thô bạo » của Kiev tại vùng này. Theo Le Figaro, trước khi viện trợ tới tay người dân Lougansk, thì ít nhất nó đã giúp ông Vladimir Putin hưởng lợi.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trên đường chinh phục Á châu

Đức Giáo hoàng Phanxicô với hàng giáo phẩm Hàn Quốc, 14/08/2014.
Liên quan đến châu Á và Tòa thánh Vatican, Le Figaro chú ý đến việc « Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn chinh phục châu Á từ Hàn Quốc ». Ngài đã chọn đất nước gương mẫu về Phúc âm này cho chuyến tông du lần thứ ba. Giáo hội hiện đang tăng trưởng mạnh tại Hàn Quốc, nơi có thể làm mẫu mực cho toàn châu Á. Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh, trong chuyến tông du năm ngày, Đức Giáo hoàng tiếp xúc với một giáo hội năng động và tuổi trẻ Á châu.

Theo La Croix, cuộc gặp gỡ ngày mai và Chủ nhật tới với 2.000 thanh niên đến từ 23 nước nhân Ngày Thanh niên châu Á lần thứ 6 – một trong những mục tiêu trung tâm của chuyến tông du, là cơ hội để ngài mang ánh sáng Phúc âm đến châu lục đang khao khát niềm tin. Và đặc biệt đối với 4.000 thanh niên Hàn Quốc tụ hội về nhân Ngày Thanh niên Hàn Quốc, là một chọn lựa khác cho một mô hình kinh tế dựa trên siêu cạnh tranh và chủ nghĩa tiêu dùng vô độ.

Đặc phái viên Le Monde tại Seoul nhận định, thành phố khổng lồ với đủ mọi kỷ lục vẫn đang cuốn theo nhịp sống sôi động thường lệ, nhưng bầu không khí lại nặng nề. Tâm trạng bất ổn có thể thấy rõ từ giới trí thức cho đến tầng lớp bình dân, với cuộc khủng hoảng lòng tin nơi các định chế cũng như mô hình phát triển. Nhà phân tích Shim Jae Hoon ví von : « Tàu chạy đúng giờ, nhưng hành khách không biết sẽ đi về đâu ».

Lần đầu tiên kể từ sau sự bành trướng kinh tế ngoạn mục từ thập niên 60, người Hàn Quốc nghi ngờ chính mình. Thảm kịch chìm phà Sewol đã bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống chính trị - kinh tế dành mọi ưu tiên cho tăng trưởng và lợi nhuận, thay vì an ninh của người dân : 3.000 cái chết do tai nạn lao động mỗi năm tại các công ty nhỏ là một minh chứng.

Còn theo Le Figaro, chuyến tông du thứ ba bên ngoài nước Ý thực ra là chuyến đi đầu tiên theo mong muốn để thực hiện giấc mơ châu Á của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Từ 15 năm qua, không có vị Giáo hoàng nào viếng thăm châu lục này.

Cho dù Hàn Quốc cùng với Philippines và Việt Nam là những giáo hội châu Á năng động, nhưng người công giáo chỉ mói chiếm từ 2 đến 3% dân số Á châu. Đức Giáo hoàng Phanxicô biết rằng ngài phải vận dụng vũ khí hiệu quả là sự giản đơn của mình để cố gắng thay đổi hình ảnh của Cơ Đốc giáo, vốn xa lạ với văn hóa Á Đông. Như vậy ngài sẽ phải cầm lấy chiếc gậy tông đồ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị - vị Giáo hoàng đã đi thăm hầu hết các quốc gia châu Á, trừ các nước cộng sản đã từ chối tiếp đón. Theo Le Figaro, cả ba vị Giáo hoàng của thế kỷ 21 đều có chung một mục tiêu chính : đó là Trung Quốc.

Obama và vòng xoáy Irak

Từ nhà nghỉ ở Martha's Vineyard, ông Obama vẫn đọc diễn văn về Irak.
Cuộc chiến ở Irak, đoàn xe « viện trợ nhân đạo » của Nga đi sang Ukraina, Đức Giáo hoàng thăm Hàn Quốc, tình hình kinh tế Ph áp, giải thưởng « Nobel toán học » và nữ minh tinh quá cố người Mỹ Lauren Bacall là những đề tài được báo chí Pháp chú ý nhất hôm nay.

Le Monde chạy tựa « Cận Đông : Juppé, Raffarin và Fillon chất vấn Hollande ». Nhật báo cánh hữu Le Figaro nhận định « Tăng trưởng : Hollande đang ở chân tường », còn tờ báo kinh tế Les Echos chú trọng đến « Lãi suất địa ốc thấp : Ai hưởng lợi ? ». Về mặt xã hội, nhật báo cộng sản L’Humanité lên án « Nhập cư : Sự chối bỏ trách nhiệm đáng lên án của chính quyền ». Tựa chính của tờ báo công giáo La Croix nói về « Đức Giáo hoàng ở Hàn Quốc : Đà tiến của tuổi trẻ ». Libération thì dành trang nhất cho nữ diễn viên « Bacall, một giấc ngủ dài ».

Về tình hình quốc tế, « Barack Obama lại rơi vào lò lửa Irak » : đó là tựa đề bài phân tích của thông tín viên Libération tại New York. Tổng thống Mỹ đang bị giằng co giữa lời hứa không can thiệp, và những chỉ trích về thái độ thụ động của ông tại Cận Đông.


Cho tiến hành không kích quân Nhà nước Hồi giáo, vũ trang cho các chiến binh Kurdistan, viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Yezidi…và sau đó sẽ là gì ? Libération đặt câu hỏi. Cho dù ông Barack Obama đi nghỉ vài ngày để chơi gôn ở hòn đảo xinh đẹp Martha, Tổng thống Mỹ vẫn không thể tránh khỏi « vấn đề nhức nhối mới » là Irak. Vào đầu tuần, tờ Wall Street Journal trong một bài xã luận dữ dội, cho rằng « Hoa Kỳ từ nay lại tham gia chiến tranh ở Irak, lần thứ ba trong vòng 25 năm qua » và tự hỏi, làm thế nào ông Obama có thể thoát ra được.

Tổng thống Hoa Kỳ đang lâm vào thế kẹt, giữa mộtcông luận dứt khoát bác bỏ sự quay lại của các GI trên đất Irak, và các khuôn mặt diều hâu nhất của phe Cộng hòa, nhắc đi nhắc lại rằng ông Obama đã đánh giá thấp tình hình. Đại biểu Cộng hòa của New York, ông Peter King cho rằng cần phải có « một chiến dịch không kích mãnh liệt, triệt để hơn ».

Ebola : Không phô ra dù một milimét da

Các y bác sĩ MSF ở Sierra Leone chuẩn bị làm việc.
Trên lãnh vực y tế, Libération đề cập đến đại dịch Ebola đang gây sợ hãi trên thế giới, qua lời chứng của một bác sĩ Nam Phi làm việc cho tổ chức Y sĩ Không biên giới (MSF) ở Sierra Leone, quốc gia đã có 290 người chết vì bệnh này.

Từ bốn tuần qua, bác sĩ Stefan Kruger đang ở tuyến đầu tại Kailahun ở gần biên giới Ghinê, một trong những địa phương của Sierra Leone bị dịch Ebola hoành hành nặng nề nhất. Mỗi ngày trung tâm y tế của Y sĩ Không biên giới đón nhận thêm bốn, năm bệnh nhân mới. Tỉ lệ sống sót chỉ khoảng 30 đến 40%, và trong một số trường hợp chỉ có 10%.

Do virus Ebola lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh học (máu, tinh trùng, nước bọt, mồ hôi, chất thải), đội ngũ y tế phải sử dụng các biện pháp bảo vệ tối đa. Họ mặc các bộ trang phục cách ly đặc biệt, trang phục dành cho phi hành gia và tất nhiên là mang găng, khẩu trang, đeo kính. Không được lộ ra một milimét da nào để tránh tiếp xúc với người bệnh.

Ê-kíp hai người gồm một bác sĩ và một nhân viên, cả hai giám sát những hành động của nhau, và thêm một người thứ ba kiểm tra cả hai trước khi bước vào trung tâm cách ly. Khi trời quá nóng hay khi hơi nước bốc lên, họ phải ra khỏi nơi chăm sóc bệnh nhân. MSF cho luân chuyển đội ngũ thường xuyên để tránh kiệt sức, đồng thời tránh những sai lầm của nhân viên có thể gây tai hại cho cuộc đấu tranh chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Thêm một trở ngại nữa : hiện đang là mùa mưa, bệnh sốt rét đang ở đỉnh điểm mà những triệu chứng ban đầu của bệnh này lại tương đương với Ebola. Người dân không dám đến bệnh viện sợ lây nhiễm, nên tỉ lệ tử vong vì sốt rét cao hơn bình thường. Cũng vì sợ hãi, người ta giấu đi các bệnh nhân thậm chí xác những người chết vì Ebola, khiến phải lập thêm những nhóm truy lùng những nguồn lây bệnh này.

tags: Quốc tế - Nga - Ukraina - Quân sự - Viện trợ - Ly khai - Nổi dậy - Truyền thông - Vladimir Putin - Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế - Nhân đạo - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140814-%C2%AB-doan-xe-nhan-dao-%C2%BB-cho-ukraina-cuoc-chien-tranh-truyen-thong-cua-putin
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.