mercredi 6 août 2014

Nhân quyền Miến Điện sẽ nổi cộm ở hội nghị ASEAN

Bài đăng : Thứ tư 06 Tháng Tám 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 06 Tháng Tám 2014 
Miến Điện, nước chủ nhà hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra trong tuần này có nguy cơ bị lên án, khi bạo động tôn giáo và vi phạm tự do báo chí đã làm mờ nhạt đi các cải cách thực hiện từ ba năm qua.

Những cải cách chính trị và kinh tế do một chính phủ hầu như dân sự đưa ra từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền tự giải tán năm 2011 đã được phương Tây rất hoan nghênh, do đó đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp cấm vận. Nhưng cộng đồng quốc tế gần đây lo ngại trước các vụ bắt bớ nhà báo, và xu hướng dân tộc chủ nghĩa Phật giáo đang lên kèm theo các vụ xung đột đẫm máu giữa người Phật giáo và Hồi giáo.


Các Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ họp lại vào thứ Sáu 8/8 tới tại Naypyidaw, trước khi họp riêng vào thứ Bảy 9/8 với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đối tác quan trọng khác của khối ; rồi đến một hội nghị với toàn thể các quốc gia khách mời vào Chủ nhật 10/8. Các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Bắc Kinh và nhiều thành viên ASEAN tại Biển Đông.

Nhưng một số thành viên cũng sẽ nêu ra những câu hỏi về vấn đề nhân quyền đối với nước chủ nhà, nhất là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông sẽ kêu gọi chính phủ Miến Điện bảo vệ tất cả mọi công dân và « thiết lập những bảo đảm tốt nhất về nhân quyền và các quyền tự do căn bản ». Danny Russel, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho biết như trên.

Sean Turnell, trường đại học Macquarie của Úc nhấn mạnh : « Nhiều cường quốc phương Tây đã nỗ lực rất nhiều cho một sự chuyển đổi thành công của Miến Điện. Các vấn đề như bạo động tôn giáo và vi phạm tự do báo chí đã gây khó khăn cho cố gắng này ».

Các chỉ trích đối với chính phủ Miến Điện có thể được đưa ra trong cuộc họp kín. Tuy nhiên Trung Quốc, vốn đã bị mất đi vị trí một đồng minh không thể thay thế trong thời kỳ tập đoàn quân sự cầm quyền, nhờ đó sẽ có được cơ hội lại đóng vai trò lá chắn cho nước láng giềng.

Từ khi chính quyền quân sự giải thể, hàng trăm tù chính trị đã được phóng thích, kiểm duyệt được bãi bỏ và nhà đối lập Aung San Suu Kyi từng bị quản thúc suốt 15 năm, đã trở thành dân biểu. Nhà nước bị cô lập trước đây nay thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế, với nguồn lợi thiên nhiên dồi dào và dân số 60 triệu người.

Nhưng Miến Điện luôn bị ảnh hưởng bởi những trận đánh lẻ tẻ ở miền cực bắc giữa quân đội và phe nổi dậy người thiểu số Kachin, đã ngăn trở kế hoạch ngưng bắn trên toàn quốc với tất cả các phe sắc tộc. Bạo động giữa người Phật giáo và Hồi giáo đã làm trên 250 người chết tại nhiều vùng kể từ năm 2012 cũng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó là bản án 10 năm tù khổ sai dành cho năm nhà báo hồi tháng Bảy vì một bài báo lên án một nhà máy quân sự sản xuất ra vũ khí hóa học. Và theo một nhà ngoại giao phương Tây, gần đến kỳ bầu cử quan trọng năm 2015 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm ưu thế, truyền thông Miến Điện có nguy cơ phải chịu đựng áp lực ngày càng cao.

Ông David Mathieson của Human Rights Watch bình luận : « Tôi nghĩ rằng ông Kerry nhận ra ông đến không phải để ca ngợi vì sẽ khó nói ». Về phía Soe Thein, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống mới đây đã yêu cầu « thông cảm » trước một số cải cách đã không tiến hành như dự kiến. Ông hứa hẹn : « Chúng tôi tiến bước trên con đường dân chủ, và sẽ không quay trở lại ».

tags: Châu Á - Miến Điện - Nhân quyền - ASEAN - Ngoại giao - Dân chủ - Cải cách - Tự do - Xung đột - Tôn giáo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140806-nhan-quyen-tai-mien-dien-duoc-mo-xe-trong-hoi-nghi-asean

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.