mardi 15 avril 2014

Cuba muốn tránh tạo ra một « tầng lớp tư sản » mới

Bài đăng : Thứ ba 15 Tháng Tư 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 15 Tháng Tư 2014 
Theo nhiều nhà trí thức, việc La Habana loại các công dân Cuba ra khỏi luật đầu tư mới là nhằm mục đích tránh tạo ra một « tầng lớp tư sản dân tộc » mới có thể đe dọa chế độ cộng sản. Các trí thức này kêu gọi chính quyền chấp nhận thử thách trên đây, như Trung Quốc và Việt Nam đã làm.

Đạo luật được thông qua vào cuối tháng Ba chỉ công nhận các nhà đầu tư là cá nhân và định chế ở nước ngoài. Nhà đầu tư ngoại quốc có thể liên doanh với một công ty quốc doanh hay một hợp tác xã. Một số người chỉ trích đạo luật này đã không tính đến khả năng đầu tư nhỏ lẻ, hiện đang phát triển ở Cuba trong khuôn khổ chính sách « cuentapropismo » dành cho các hộ kinh doanh cá thể mà nay đã lên tới con số 450.000 người.


Guillermo Rodriguez Rivera, giáo sư môn văn chương của trường đại học La Habana đã nhận xét, với các cải cách kinh tế trong những năm gần đây, « chúng tôi rũ bỏ được áp bức. Có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ đạt đến việc tạo nên một tầng lớp tư sản dân tộc yêu nước ». Theo nhà bình luận đồng thời là nhà thơ này, thì « điều đó không có gì là lạ lùng trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống, đã từng có giai cấp tư sản như thế ».

Trên blog của mình, ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng Cuba Silvio Rodriguez phản ứng : « Không bao giờ tôi tin là những người Cuba ở đây khi đầu tư lại là một tuyên cáo cho chủ nghĩa tư bản, đó chỉ là ngụy biện. Những gì được Cuba chấp nhận là các biện pháp kinh tế tư bản bên trong một hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa, và như vậy vẫn dưới sự kiểm soát của chính quyền xã hội chủ nghĩa ».

Đối với nhiều nhà phân tích thân chế độ, việc loại những người Cuba ra khỏi bộ luật đầu tư được thông qua vào cuối tháng Ba là mâu thuẫn với tinh thần mở cửa của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cho lãnh vực tư nhân, đã được tiến hành từ nhiều năm qua.

Ngược lại, luật cho phép cộng đồng người Cuba ở hải ngoại được đầu tư. Tuy nhiên, có đến 80% người Cuba hải ngoại sinh sống tại Hoa Kỳ, không thể nào đầu tư vào trong nước do lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên chế độ cộng sản La Habana từ nửa thế kỷ qua.

Khi giới thiệu bộ luật, Bộ trưởng Ngoại thương Rodrigo Malmierca nói rằng Cuba « sẽ không đi tìm đầu tư nước ngoài ở Miami ». La Habana giải thích việc loại các công dân đảo quốc khỏi luật đầu tư là vì họ « không có đủ vốn liếng cần thiết để góp phần vào tăng trưởng kinh tế ».

Tuy vậy, số tiền « remesa », kiều hối từ nước ngoài gởi về khoảng 2,5 tỉ đô la một năm, là nguồn thu nhập ngoại tệ đứng hàng thứ hai của Cuba, sẽ mang « tính quyết định » cho nền kinh tế. Jorge Gomez Barata, cựu trưởng ban tuyên huấn của đảng Cộng sản Cuba nhận định như trên.

Trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, ông Barata bình luận : « Lời giải cho vấn đề được cho là người Cuba không có khả năng đầu tư, không thể là việc loại họ ra khỏi bộ luật, mà là giúp đỡ hội nhập vào tiến trình đầu tư. Điều này mang tính quyết định đối với quốc gia và đối với chủ nghĩa xã hội ».

Trong những năm đầu của cách mạng Cuba, Fidel Castro đã quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn, rồi năm 1968 đến lượt thương mại tư nhân. Chủ thuyết kinh tế của đảng Cộng sản rao giảng là « trong các dạng quản lý ngoài quốc doanh, không cho phép tập trung của cải trong tay tư nhân cá thể hoặc pháp nhân ».

Nhà phân tích Cuba Arturo Lopez-Levy thuộc trường đại học Denver ở Hoa Kỳ nói với AFP : « Việc không thể đầu tư hợp pháp vào các lãnh vực tư nhân nhỏ khiến cải cách không thể tiến triển. Không chỉ do quá trình phát triển bị cản trở, mà còn do các dấu hiệu được phát ra. Dấu hiệu tồi tệ nhất là chính quyền vẫn chưa cảm thấy được sự ngu xuẩn của một nền kinh tế tập trung hóa và do quốc doanh lãnh đạo ». Theo ông : « Viễn cảnh này làm thiệt hại cho công dân, không chỉ về quyền lợi, mà còn hạn chế sự phát triển của đất nước ».

Đối với Guillermo Rodriguez Rivera, việc cho phép công dân Cuba trong nước đầu tư còn có lợi ở chỗ có thể « tránh né lệnh cấm vận ». Ông khẳng định : « Sẽ là một phương cách tốt để tránh được lệnh cấm vận ngoan cố của đế quốc, vì nhiều người Cuba ở Mỹ có thể đầu tư thông qua thân nhân của họ, tất cả đều dưới sự giám sát của đảng Cộng sản, như đã diễn ra tại Trung Quốc và Việt Nam ».

Tương tự, Jorge Gomez Barata cho rằng : « Các đảng cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành hoàn hảo những thay đổi này, trong quan hệ giữa sản xuất, trong cơ cấu và sự năng động của xã hội. Kinh nghiệm của họ không phải để máy móc áp dụng, nhưng là bài học cần được rút tỉa ».

tags: chủ nghĩa xã hội - Cộng sản - Cuba - Kinh tế - Pháp luật - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Tư bản - Xã hội - Đầu tư 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140415-cuba-muon-tranh-tao-ra-mot-%C2%AB-tang-lop-tu-san-%C2%BB-moi

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.