vendredi 1 novembre 2013

Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (1)



Bong bóng được thả lên trời nhân dịp khánh thành tượng lãnh tụ Kim Jong Il tại đại học Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phân phát ngày 02/10/2013.
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục

Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (1)

Trước trạm biên phòng nhỏ, người trưởng trạm mặc quân phục nhìn xoáy vào chúng tôi. Mẹ tôi giải thích là chúng tôi băng qua sông để lẻn vào vùng này đi kiếm củi, hy vọng sẽ bán được ở Rajin-Sonbong. Tôi cảm thấy ông ta không tin một chút xíu nào vào lời nói dối của chúng tôi. Sau một thoáng do dự, ông ra lệnh cho mẹ con tôi dồn vào một góc trạm. 

Chúng tôi mệt nhoài, run rẩy. Viên sĩ quan mang lại mấy chiếc bánh bắp và sữa bột, cho phép chúng tôi ngủ trên nền đất. Người tôi được sưởi ấm nhờ tiếp xúc với ondol, loại lò sưởi trên nền nhà ở Triều Tiên. Tôi chìm vào giấc ngủ không mộng mị.

Sáng dậy, tôi hiểu rằng ba mẹ con đã gặp may. Viên sĩ quan để chúng tôi ra đi mà không hỏi han gì thêm. Trong suốt cuộc hành trình, đôi khi chúng tôi may mắn gặp được những người độ lượng, có khả năng tỏ ra lthương cảm đối với người khác. Tôi không biết tên của họ, nhưng nếu không có những con người tốt bụng này có thể tôi không còn sống được đến ngày hôm nay. Tôi muốn qua những dòng này, nói lên lời cảm ơn họ từ tận đáy lòng. 


***
Dù được tự do bất ngờ, tình hình của chúng tôi vẫn hết sức tệ hại. Lần này không có chuyện trở lại Eundeok, mẹ tôi đã dứt khoát như thế. Nhưng đi đâu bây giờ ? Mẹ quyết định hướng về Rajin-Sonbong, nghĩ rằng tại thành phố lớn này chúng tôi sẽ tìm được cách mưu sinh ở bến cảng. Chúng tôi bán chiếc rìu và cây cưa để mua ít thức ăn, rồi ra đi.

Tôi nhớ lại, đây là cái ngày u ám nhất trong đời. Trời mưa như trút nước, chúng tôi không biết sẽ ngủ tạm nơi nào, hết sức tuyệt vọng. Nhất là tôi đã bị mất vĩnh viễn bức ảnh cuối cùng của ba tôi. Tấm ảnh chụp ông đội chiếc mũ lông trùm đầu - bức hình mà tôi thích nhất - đã không chống chọi nổi với nước sông Đồ Môn. Mực bị nhòe, và dần dần khuôn mặt ba tôi bị mờ nhòa để rồi biến mất hẳn. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn còn tiếc nuối bức ảnh.

Trong cuộc sống mới, tôi phải bám víu vào những kỷ niệm mờ mịt của ngày thơ ấu để không quên đi nét mặt của người cha. Tôi nghĩ về chuyến đi Bình Nhưỡng tuyệt vời cùng với ba và chị Keumsun khi tôi lên chín tuổi. Chúng tôi đã lên xe điện ngầm, đi xem pho tượng khổng lồ của Kim Il Sung và lăng mộ vĩ đại của lãnh tụ. Ba muốn cho chị em tôi thưởng lãm những công trình đẹp nhất của thủ đô. Và đặc biệt lần đầu tiên trong đời, ông đã mua cho tôi một món đồ chơi trong một cửa hàng. Một đồ chơi hình ngôi sao bằng nhựa, mà sau đó tôi mang theo khắp nơi. Tôi hãnh diện vô cùng trước các bạn gái cùng trường. Những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên …

---
Chúng tôi trôi dạt tới cảng Rajin, nơi các ngư dân bốc xuống những thùng cua. Càng cua, bộ phận thơm ngon nhất – và đắt nhất – được dành riêng cho thương lái Trung Quốc. Chỉ còn lại những chiếc mai cua, có thể mua được với giá rẻ. Buổi tối đầu tiên trở thành những kẻ không nhà, mẹ đã mua rất nhiều mai cua để lên tinh thần cho chị em tôi. Cả ba mẹ con thưởng thức bữa tiệc này mà không nghĩ đến tương lai, và vẫn không biết được sẽ qua đêm ở đâu. 

***
Không ai có thể giúp đỡ chúng tôi tại Rajin, nên mấy mẹ con đành đi cầu viện sự trợ giúp từ gia đình bên ngoại ở Chongjin. Phải mất hai ngày trời trên chuyến xe lửa chật ních người và chạy chậm như sên, để đến được thành phố cảng cách đó khoảng một trăm cây số ở miền nam. Chúng tôi đi vòng tránh nhà ga vì không có tiền mua vé, và lén lên toa tàu cuối. Khi đoàn tàu chuyển động, tôi thu mình lại trong một góc và vẫn ngó chừng những người soát vé. Lúc họ đến, chúng tôi xô đẩy đám người chen chúc, trốn vào toa-lét. Thật là cả một thành tích khi nhét được cả ba người vào cái xó chật hẹp này, ép vào nhau như cá mòi !

Trong toa tàu, mùi nước tiểu xông lên nồng nặc vì nhiều hành khách phải tiểu tiện vào các hộp, do không thể đến được nhà vệ sinh. Rồi lại còn phải cảnh giác với bọn trộm cắp tung hoành trong mỗi toa, đặc biệt khi tàu chui qua đường hầm. Chúng tôi ngủ mà vẫn phải ôm khư khư đôi giày để chắc chắn rằng chúng không bị lấy cắp khi đang mơ màng giấc điệp.

Thật là tương phản với chuyến tàu tiện nghi chị em tôi đã lên để đi Bình Nhưỡng với ba ! Ghế nệm êm ái, cửa kính rộng rãi tha hồ ngắm cảnh, không khí lịch sự…Những phụ nữ xinh xắn mặc bộ đồng phục đẹp kiểm soát vé, và trong cuộc hành trình, các cô giúp chúng tôi giải trí bằng cách chơi đàn phong cầm tại lối đi chung. Thường thì hành khách yêu cầu một bài hát nào đó và các cô phục vụ bản nhạc, trước khi mời người này hay người nọ hát theo. Lại còn có cả một toa hàng ăn !

Suốt đời, tôi vẫn hoài nhớ chuyến đi này. Về cái ảo ảnh chỉ dành riêng cho các nhà độc tài của chúng tôi. Bởi vì ngoài ra trên toàn đất nước, việc thiếu thốn hàng hóa đã bắt đầu cảm nhận được. Nhưng tôi không biết thế, tôi vẫn còn sự vô tư của tuổi thơ.
---
Sau hai ngày đường mệt nhoài, chúng tôi gõ cửa nhà dì, em gái của mẹ. Dì sững người trước cách ăn mặc kỳ cục và dáng vẻ bụi đời của mẹ con tôi. Đã từ lâu dì không có tin tức gì về chúng tôi, nhưng không thể tưởng tượng được mẹ con tôi lại ra nông nỗi như thế này.

Rất nhanh, chúng tôi hiểu rằng mình không được nghênh tiếp nơi đây. Dì tôi muốn giúp đỡ, nhưng dượng thì lại khác. Mà ở Triều Tiên, đàn ông mới là người quyết định. Hai hôm sau, chúng tôi được mời ra khỏi nhà. Nạn đói đã khiến mạnh ai phải lo lấy thân người ấy.

Đây là một cú sốc đối với mẹ tôi, vì bà đã từng giúp đỡ em gái rất nhiều trong quá khứ. Khi làm việc ở bệnh viện, mẹ thường gởi cho dì những chiếc bánh bột gạo và những thứ thực phẩm khác – hồi đó thư từ, bưu phẩm còn được chuyển đi tương đối đàng hoàng. Thế mà bây giờ chúng tôi bị tống ra đường trong lúc không có một xu trong túi.

Rất hoang mang, mẹ tôi đến mộ ông ngoại cầu nguyện một mình, lần cuối. Bà không dám làm phiền cô em út mà bà cưng chiều nhất, cũng đang ở Chongjin. Chúng tôi ngậm ngùi quay về nhà ga, lại leo lên con tàu chật ních người đi về hướng bắc, mang nỗi tuyệt vọng về Rajin-Sonbong. 

Từng cánh cửa một đóng sập lại trước mặt chúng tôi. Dự tính trốn sang Trung Quốc bằng cách vượt qua con sông Đồ Môn băng giá bị dời lại ít nhất đến mùa xuân tới. Mẹ con tôi bắt đầu cuộc sống bụi đời một cách nhục nhã. Chúng tôi đã rời bỏ căn hộ tồi tàn ở Eundeok để rồi rơi xuống tận đáy.
---
Tôi vẫn còn nhớ chính xác cái thời kỳ đau xót đã làm tôi suy sụp hẳn. Tôi đang đi bộ trên một con đường ở Rajin, bỗng nhiên một thằng bé từ đâu xuất hiện trước mặt tôi. « Kogebi ! Mày là một kogebi ! » Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, cười chế nhạo một cách độc ác. Phẫn nộ dâng trào, tôi bỏ lại đồ đạc trên lề đường, giận dữ rượt theo thằng bé ấy. Tôi gào to với cả sức lực : « Tao không phải là kogebi ! ».

Sau cuộc chạy đua điên cuồng, thằng bé biến mất trong những con ngõ quanh co. Tôi thất thểu trở về phía chị tôi, người vẫn còn run. Một nỗi buồn mênh mông dâng ngập hồn tôi. Kogebi là một từ xuất phát từ tiếng Nga, mà ở nước tôi có nghĩa là trẻ bụi đời. Tại Eundeok, tôi gặp chúng ngày càng nhiều và ba mẹ tôi luôn dặn dò phải coi chừng. Những đứa trẻ mồ côi ấy là sản phẩm của trận đói lớn. 

Ngay từ đầu thập niên 90, nhiều trẻ em đã trở thành mồ côi do cha mẹ bị chết đói, và phải học cách tự xoay sở để sống sót - trên đường phố. Trước sự dửng dưng hoàn toàn của một chế độ đã để cho dân tộc mình trở thành mồi ngon của bần cùng và nạn đói, trong khi viện trợ quốc tế được dành cho quân đội và giới cán bộ đặc quyền. Giờ đây những đứa trẻ này tự tổ chức thành băng nhóm và lấy cắp tất cả những gì chúng trông thấy khi đi qua. Đó là mặt trái của Bắc Triều Tiên, mà tuyên truyền không bao giờ để lộ.

Chưa bao giờ tôi phải chịu đựng một sự sỉ nhục như thế. Nhưng điều làm cho tôi đau đớn nhất, là bỗng chốc nhận thức được đó là sự thật : tôi đã thực sự trở thành kogebi, một đứa trẻ bụi đời. 

Mời đọc lại:

7 commentaires:

  1. tiến sĩ giấy31 octobre 2013 à 22:22

    xem xong rồi. Chờ phần tiếp. Merci beaucoup TM

    RépondreSupprimer
  2. Không có chi (may quá không bị mắng). Mai sẽ có ngay TS ạ.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. cám ơn Thụy My. chờ mãi...

      Supprimer
    2. Cảm ơn chị Thụy My. Tiếp tục đợi ...

      Supprimer
  3. Nhân loại nguyền rủa chúng bay, độc tài chó má

    RépondreSupprimer
  4. Giống y miền Nam sau 75.Ở mấy ùung Kinh te mới con nít khỏi đi học ở nhà đi câu cá chốt về kho xả để đổi cơm hay bánh mì ủua TNXP-Ngời cựuc chờ TNXP ăn cơm xong thì xin ửua thau để vét cơm từua có cừung ửua chén.Con gái thì chỉ cần ai đó ưung cho vài thau cơm cho gia đình thì có thể làm rể ưuợc rồi.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.