mardi 3 septembre 2013

Syria : Hollande sụp bẫy Obama

Bài đăng : Thứ hai 02 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 02 Tháng Chín 2013 
 
Không hẹn mà nên, trong khi nhật báo cánh tả Libération chạy tựa « Syria : Obama gài bẫy Hollande », thì tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng cho rằng « Syria : Hollande bị sụp bẫy ». Trên trang nhất, nhật báo kinh tế Les Echos cũng đánh giá « Mùa khai giảng của ông Hollande bị hỏng bởi cuộc khủng hoảng Syria ».

Hollande : Nỗi cô độc mênh mông

Trong bài xã luận mang tựa đề « Một nỗi cô đơn mênh mông », nhật báo Le Figaro cho rằng khi phản ứng quá nhanh và đi quá xa, giờ đây ông François Hollande đang đơn độc với ý định trừng phạt chế độ Damas.
Hôm thứ Bảy 31/08/2013, khi loan báo quyết định đưa vấn đề Syria ra Quốc hội, ông Barack Obama đã không nhắc đến Paris, trong khi Pháp là nước duy nhất ủng hộ ông. Có nghĩa là ông không coi trọng lắm vai trò của François Hollande, người tin rằng đã được nâng lên làm đồng minh tốt nhất của Hoa Kỳ.


Sự quay ngoắt của Tổng thống Mỹ, theo Le Figaro, nhằm tranh thủ thời gian thoát khỏi chiếc lưới mà ông đã tự mình lao vào, khi nói đến « lằn ranh đỏ » (Mỹ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Damas sử dụng vũ khí hóa học). Theo tờ báo cánh hữu Pháp, như thế là đã trao cho đối thủ khả năng đẩy nước Mỹ vào chân tường. Việc Quốc hội tước đi quyền quyết định huy động quân đội sẽ đánh dấu sự suy nhược cũng như tính khả tín của Tổng thống Hoa Kỳ.

Cũng như ông Obama, ông Hollande cũng bị cuốn vào cơn lốc xoáy những sự kiện không kiểm soát nổi. Với thiện ý, Tổng thống Pháp cũng thuận tình với khái niệm « lằn ranh đỏ ». Nhưng khác với Thủ tướng Anh David Cameron, ông François Hollande không cần phải được Quốc hội thông qua khi muốn khởi động chiến tranh, vì vậy hiện chỉ có chính quyền Pháp là có toàn quyền trong việc quyết định bảo vệ các nguyên tắc của mình.

Tuy nhiên tác động từ việc Quốc hội Anh không đồng ý cho tham chiến, đã khiến ông Obama phải quay sang chờ quyết định của các đại biểu dân cử Mỹ, và đối lập Pháp lên tiếng đòi phải đưa vấn đề ra Quốc hội. Le Figaro kết luận : ông Hollande đã bị sụp bẫy tại mặt trận trong nước, và cô độc trước mặt trận bên ngoài.

Vũ khí hóa học có phải là lý do thuyết phục?

Tương tự, tờ báo cánh tả Libération trong bài xã luận « Đáng ngờ », cũng nhận định, sau khi Anh từ bỏ ý định và ông Barack Obama « tái phát hiện » ra Quốc hội Mỹ, ông Francois Hollande trở nên đơn độc trước ý định tiến hành chiến tranh ở Syria.

Theo Libération, hàng chục ngàn cái chết và những vụ tra tấn, hàng triệu người di tản đã chứng tỏ trò ghê tởm của phe Bachar Al Assad để duy trì quyền lực. Và tất cả cho thấy chính chế độ Damas đã sử dụng hơi độc để giết hại người dân của mình, cho dù có thể không bao giờ có được bằng chứng tuyệt đối. Tuy vậy, ông Hollande vẫn gặp khó khăn khi biện minh cho việc tiến hành chiến tranh.

Tính chính đáng nào cho việc đặt những người lính Pháp dưới quyền chỉ huy của Mỹ, chưa nói về mặt pháp luật ? Theo Hiến pháp của nền Đệ ngũ cộng hòa, Tổng thống có toàn quyền khởi động chiến tranh. Nhưng liệu ông Hollande có thể trở thành nguyên thủ quốc gia duy nhất sử dụng đến vũ lực mà không thông qua Quốc hội, thậm chí không cần đến cả một bài diễn văn ?

Libération cho rằng, người Pháp có thể hiểu rằng cần phải kết thúc tình trạng chế độ Assad được tự tung tự tác. Nhưng « trừng phạt » với lý do sử dụng vũ khí hóa học có khiến Damas chấm dứt các tội ác của mình ? Theo những lý lẽ đáng ngờ của hai vị Tổng thống Pháp và Mỹ, thì Bachar Al Assad phải ngưng việc sát hại nhân dân của mình bằng hơi độc, nhưng ông ta có thể tiếp tục tàn sát dân lành bằng các phương tiện khác.
Tờ báo cánh tả nhận định, cần phải tìm ra những lý lẽ thuận tai hơn để thuyết phục người Pháp (và các dân tộc khác trên thế giới), rằng cuộc chiến này là chính đáng và có thể biện minh. Libération kết luận : Nếu muốn chiến tranh, thì hãy chuẩn bị cho hòa bình !

Hollande ở đầu sóng ngọn gió

Nhìn lại quá khứ, nhật báo kinh tế Les Echos trong bài viết « Hollande ở đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến chống lại Bachar Al Assad » nhận xét, Syria của năm 2013 không phải là Irak của năm 2003. Nghịch lý ở chỗ, lần này là Pháp chứ không phải Anh trở thành đồng minh trung thành nhất của Mỹ.

Les Echos trích nhận định của ông Pascal Boniface, giám đốc Iris (Viện Quan hệ Quốc tế) : « Đây là lần đầu tiên Anh không theo chân Mỹ. Nhưng các tuyên bố của Tổng thống François Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius đã buộc Pháp phải giữ lời, và nay thì khó thể xuôi tay ». Hơn nữa, Pháp là nước đầu tiên công nhận Liên minh Quốc gia Syria là người đại diện duy nhất của nhân dân nước này, và từ mùa hè 2012 đã tổ chức hội nghị Những người bạn của Syria. Tuy nhiên việc ông Obama cầu viện đến Quốc hội đã đặt ông Hollande vào tình thế khó xử.

Theo Les Echos, tình trạng hiện nay rất mới mẻ đối với Paris, hoàn toàn trái ngược so với thời kỳ Pháp dẫn đầu các nước chống lại Washington trong cuộc chiến Irak. Một thử thách với nguy cơ cao, và không chắc là cuộc phiêu lưu Syria có thể kểt thúc có hậu đối với ông Hollande như trong cuộc chiến ở Mali.

Chiếc bẫy đóng sập trước các nguyên thủ vội vã

Về phía nhật báo công giáo La Croix, trong bài xã luận mang tựa đề « Syria, cuộc tranh luận nội bộ » đã nhận xét, thế là một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng, mà số người chết đã lên đến trên 100.000, lại chuyển thành cuộc tranh luận chính trị tệ hại trong nước. Thật ra những tranh cãi này cũng tốt, nếu không có các ý đồ chiến thuật đằng sau.

Sau khi Quốc hội Anh bác đề nghị của Thủ tướng David Cameron, đến lượt Barack Obama muốn thỉnh thị ý kiến của Quốc hội Mỹ. Chẳng lẽ ông François Hollande lại tỏ ra kém dân chủ hơn các đồng minh, mặc dù Hiến pháp để cho ông toàn quyền quyết định ?

Theo tờ báo, đằng sau hồ sơ Syria, đối với các chính khách phe đối lập hay phe xã hội Pháp, là những mục tiêu chính trị hơn là hòa bình. Ý thức được rằng cần phải thuyết phục được công luận đang do dự, chính phủ Pháp đã tham vấn nhiều nguồn trước khi diễn ra cuộc tranh luận – không có bỏ phiếu – vào thứ Tư 4/9 tới, và đề nghị công bố các tài liệu « bí mật quốc phòng » về các thông tin liên quan đến vũ khí hóa học.

Chiếc bẫy đã đóng sập lại đối với các nguyên thủ phương Tây đã đi quá nhanh khi loan báo sẽ trừng phạt Damas nếu sử dụng hơi độc chết người. Thông điệp cứng rắn dành cho Assad khi bị trì hoãn, đã mất đi tính răn đe. Họ đã tuyên bố quá vội và quá lớn tiếng, trước cả khi có được kết luận từ cuộc điều tra mà chính họ đã đòi hỏi. Không đo lường được mọi hậu quả của việc can thiệp quân sự cho dù hạn chế, không lắng nghe những quan ngại của người dân nước mình.

La Croix bày tỏ hy vọng, ít nhất là các tranh luận trong nội bộ phải đúng đắn, và các vị nguyên thủ này quan tâm không chỉ đến các phe cầm quyền hay đối lập phương Tây, mà cả nhân dân Syria và sự ổn định trong khu vực.

Ngành hàng xa xỉ sụp bẫy thuế Trung Quốc

Nhìn sang châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos nói về một vụ « sụp bẫy » khác, đó là ngành hàng xa xỉ đã lọt bẫy thuế má của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh muốn mở rộng đánh thuế các sản phẩm hàng hiệu sang trọng, và tiến hành cuộc chiến chống lại cách sống phô trương.

Theo thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh, thì năm 2013 chắc chắn là thời điểm khó khăn của công nghiệp xa xỉ phẩm. Đã bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại, nay lại phải đối mặt với chính sách thuế mang tính trừng phạt của Trung Quốc.

Tuần rồi Tân Hoa Xã loan báo rằng Bộ trưởng Tài chính đã trình lên Thường trực Bộ Chính trị một báo cáo chuẩn bị cho việc mở rộng danh sách các sản phẩm bị đánh thuế tiêu thụ. Các loại hàng xa xỉ, và sản phẩm có tác động tiêu cực lên môi trường sẽ ưu tiên bị áp thuế.

Thật ra loại thuế tiêu thụ này hiện vẫn đang được áp dụng, chẳng hạn đối với các loại đồng hồ sang trọng thì mức thuế là 20%. Chính sách này không phải là không phản tác dụng, vì nó thúc đẩy người Trung Quốc ra nước ngoài để mua sắm hàng hiệu. Cơ quan McKinsey ước tính năm nay có một phần ba người tiêu dùng Trung Quốc sang châu Âu mua sắm, so với năm ngoái chỉ có một phần năm.

Tuy nhiên Bắc Kinh chừng như quyết tâm duy trì chính sách cứng rắn trước một ngành công nghiệp đi ngược lại với mục tiêu của Trung Quốc, đó là tái lập lòng tin trong xã hội. Sau các xì-căng-đan lan truyền rộng rãi trên internet, mà người ta khám phá quan chức này hay quan chức kia sở hữu một số lượng đồng hồ sang trọng không phù hợp với mức thu nhập trên lý thuyết của họ, chính quyền Trung Quốc quyết định chấm dứt bằng mọi giá nạn thích khoe của.

Một người châu Âu ở Bắc Kinh ghi nhận : « Cho đến nay, muốn làm ăn với những tai to mặt lớn của chế độ, có nghĩa là phải tham gia vào những tiệc tùng linh đình, chơi đánh gôn, đi xe hơi sang trọng và đôi khi còn phải bay một vòng bằng trực thăng. Ngày nay tất cả đã chấm dứt ». Một phụ nữ Trung Quốc sành sỏi trong giới kinh doanh nhìn nhận : « Tôi không còn đi đánh gôn nữa, ở đó chẳng còn một ai ».

Khó khăn trải rộng sang nhiều lãnh vực. Chuỗi nhà hàng cao cấp Tương Việt Tình (Xiangyueqing) trước doanh số giảm 38%, đã phải đóng cửa 8 nhà hàng. Pernod Ricard loan báo kết quả kinh doanh tại châu Á sút giảm, đặc biệt tại Trung Quốc. Rượu cô-nhắc không còn tuôn như suối tại các bữa tiệc tối để giao dịch làm ăn, kể cả rượu vang hay Mao Đài. Công nghiệp xe hơi cũng có vẻ đang là đích nhắm.

Kim Jong Un xử bắn người tình cũ : Những giả thiết

Còn tại Bắc Triều Tiên, trong bài « Tình cũ, dối trá và video ở Bình Nhưỡng », thông tín viên nhật báo Libération ở Bắc Kinh nêu ra vụ Kim Jong Un, « lãnh tụ vĩ đại » tập sự chưa đến 30 tuổi, có thể đã cho xử bắn người tình cũ là Hyon Song Wol hôm 20/8.

Tin này do tờ báo Hàn Quốc Chosun, dẫn « những nguồn tin Trung Quốc » loan báo. Tuy chưa được xác nhận, nhưng thông tin không làm ai ngạc nhiên vì cộng sản Bình Nhưỡng là chế độ khép kín nhất hành tinh.
Kim Jong Un có thể đã say mê cô ca sĩ vơ-đét Hyon Song Wol của Unhasu Orchestra, lúc đang ở tuổi đôi mươi, nhưng Kim Jong Il thời đó đã buộc con trai phải rời xa cô. Kim Jong Un đành phải cưới một nghệ sĩ khác cùng đoàn với Hyon là Ri Sol Ju, được người cha ưu ái hơn. Hyon Song Wol kết hôn với một quân nhân và tiếp tục sự nghiệp ca hát. Nhưng những tháng gần đây nảy sinh các tin đồn là Kim Jong Un đã bí mật quay lại với người tình cũ.

Các nguồn tin của tờ Chosun đặt dấu hỏi, phải chăng sự ghen tuông đã khiến Ri Sol Ju, vợ chính thức của Lãnh tụ vĩ đại ra tay hãm hại tình địch. Ngoài cáo buộc khó tin về việc đóng phim khiêu dâm, những cuốn Kinh thánh đã được tìm thấy trong hành lý của Hyon Song Wol và các bị cáo kém may mắn khác. Đây là « tội phạm chính trị nghiêm trọng » tại Bắc Triều Tiên, vì chỉ có các lãnh đạo họ nhà Kim mới được tôn thờ. Một số nguồn khác quy trách nhiệm cho Kim Jong Un, vì từ khi lên nắm quyền, anh ta đã tiêu diệt không thương tiếc tất cả những ai thách thức quyền lực của mình.

tags: Chiến tranh - Chính trị - Hoa Kỳ - Pháp - Quốc tế - Syria - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/phap/20130902-syria-hollande-sup-bay-obama 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.