jeudi 19 septembre 2013

Kiến nghị và 'like' trên mạng : Cách gây áp lực mới trong thời kỹ thuật số

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Chín 2013 
Tại Pháp, một ngàn người đã xuống đường hôm 16/09/2013 để ủng hộ ông Stephan Turk, chủ một cửa hàng nữ trang ở Nice (miền nam nước Pháp), người đã bắn chết một tên cướp và hiện đang bị quản thúc trong khi chờ ra tòa. Nhưng điều chưa từng thấy là trang Facebook lập ra để ủng hộ ông này chỉ trong vài ngày đã có trên 1,6 triệu người nhấn nút « like ».

Kiến nghị trên mạng, lập trang riêng trên Facebook hay chỉ đơn giản nhấn vào nút « like » (thích)… : Việc bày tỏ chính kiến trên internet đã trở nên phổ biến, về những vấn đề khác nhau. Tuy mức độ thành công có khác nhau, nhưng loại hình biểu thị quan điểm này đặt ra vấn đề về sự dấn thân của cư dân mạng, tạo được một áp lực nhất định đối với các giới chức.

Trong vụ xảy ra ở Nice trên đây, một vụ án hình sự thông thường đã huy động được sự chú ý của rất nhiều người, biến thành một vụ mang tính chính trị. Có thể tóm tắt như sau :


Hôm thứ Tư 11/9, ông Stephan Turk, 67 tuổi, người gốc Liban, đã bắn trúng vào lưng một trong hai tên cướp vừa dùng súng đe dọa, đánh đập và cướp đi số tiền trong két sắt của cửa hàng nữ trang mà ông làm chủ, và chạy trốn bằng xe gắn máy. Nạn nhân bị ông bắn chết là một thanh niên 18 tuổi, đã có nhiều tiền án. Bị truy tố về tội cố sát, người chủ tiệm vàng bị quản thúc tại gia nhưng được giữ bí mật địa điểm, phải đeo vòng điện tử kiểm soát.

Người hùng hay tội đồ ? Có tờ báo đã chạy tít như trên, trước phong trào ủng hộ chưa từng thấy trên internet. Trang Facebook do một người vô danh lập ra mang tên “Một triệu (clic) ủng hộ cho người chủ cửa hàng nữ trang ở Nice » hôm nay đã có 1.653.000 người nhấn nút « thích », được trên 1,8 triệu người nói đến.

Theo các phân tích, phong trào ủng hộ này có thể chịu ảnh hưởng tâm lý chống đối chính sách của Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira mà nhiều người cho là có phần nương tay trước tội phạm. Bên cạnh đó còn có việc người dân hãy còn xúc động trước cái chết của Jacques Blondel, một người về hưu 61 tuổi, khi cố đuổi bắt cướp hôm 22/8 ở Marignane, đã bị bọn cướp bắn chết. Và sự chán ngán tình trạng mất an ninh : Từ đầu năm đến nay đã có 400 vụ cướp tiệm kim hoàn ở Pháp.

Luật sư của gia đình nạn nhân bất mãn : « Dư luận đã nắm quyền. Công lý không phải là Facebook ! » và tố cáo áp lực của công luận lên hồ sơ này. Có những nghi vấn đặt ra là những cú nhấp chuột « like » được « mua » từ nước ngoài. Nhưng theo phân tích chi tiết của công ty KRDS, thì trên 90% những người nhấn nút « thích » sống tại Pháp.

Cảm thấy rất ấn tượng về phong trào ủng hộ trên internet, Olivier Ertzcheid, giảng sư về khoa học thông tin ở Nantes cho rằng dạng thức biểu lộ chính kiến từ xa và một cách trừu tượng này là một sự « dấn thân nhẹ nhàng ».

Ông giải thích với AFP : « Sự kiện nhấp chuột vào một bài báo, dưới một bản kiến nghị hay trên một trang Facebook giúp ta khỏi phải tranh luận với những người thân, hay khỏi phải viết ra ý kiến. Sự lan truyền của mô hình Facebook chủ yếu là vì được tạo ra để người ta phải viết càng ít càng tốt, chỉ cần nội dung được chuyển đến những người khác ».

Theo Olivier Ertzcheid : « Khi liên quan đến các vấn đề chính trị, tư pháp hay xã hội, theo tôi thì phía sau ẩn chứa những nguy cơ (…) Đó là một phản xạ về việc tự cho mình cái quyền trừng phạt người khác, thậm chí đòi tái lập án tử hình ». Ông cho rằng hành động nhấn nút « like » không đòi hỏi nỗ lực, và có khuynh hướng trở thành phản xạ, khiến cảm xúc có thể bị lạm dụng cho mục đích chính trị.

Cũng theo ông Olivier Ertzcheid, bên cạnh đó còn có nguy cơ biến thể sang khuynh hướng dân túy, và loại hình trừng phạt thời kỹ thuật số này có thể gây « tác động thực sự » lên quyết định của chính quyền. Vị giảng sư này nói : « Các chính sách ngày càng phải cân nhắc cái gọi là dân chủ dựa trên xúc cảm, hiện tràn ngập trên Facebook và những nơi khác ».

Không chỉ có Facebook, mà các kiến nghị về đủ mọi vấn đề, thậm chí khó thể tưởng tượng, cũng nở rộ tại Pháp. Theo ông Benjamin des Gachons, giám đốc phụ trách các chiến dịch ở Pháp của trang web change.org tính ra mỗi tháng có khoảng một ngàn bản kiến nghị được đưa ra tại Pháp, và nhịp độ này vẫn đang tăng.

Ông nhìn nhận, tỉ lệ chuyển từ việc nhấp chuột sang sự dấn thân trong đời thực « khó thể ước tính được ». Nhưng những bản kiến nghị này, cho dù số người ký tên ít hay nhiều, có thể đóng vai trò cảnh báo, kích thích đẩy nhanh sự kiện hay làm lan rộng âm vang.

Ông Benjamin des Gachons nêu ví dụ : « Tiếp sức với việc trao kiến nghị trong đời thực và một loạt các bài báo, một bản kiến nghị thu thập được một ngàn chữ ký đã giúp ngăn cản việc đóng cửa bộ phận cấp cứu của bệnh viện Pont-à-Mousson (vùng Meurthe-et-Moselle) ».

Frédéric Dabi, Phó tổng giám đốc Viện Công luận Pháp (Ifop) thì vẫn tỏ ra hoài nghi về mức độ dấn thân thực sự của các phương thức biểu lộ chính kiến thời kỹ thuật số. Theo ông, nếu trang Facebook ủng hộ người chủ hiệu nữ trang « thực sự là một hành động mạnh mẽ », thì điều này « vẫn ít mang tính cách dấn thân hơn là đi bỏ phiếu hoặc biểu tình ».

Ông nói : « Đó là một phương cách để dư luận gây áp lực mà không cần phải qua các trung gian đại biểu dân cử hay phương tiện truyền thông. Nhưng liệu việc này có thể thay thế cho việc xuống đường hay không ? Tôi không nghĩ thế ! Đây chỉ là những phương tiện bổ sung mà thôi ».

tags: Công nghệ - Internet - Phân tích - Pháp - Tin học - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/phap/20130919-kien-nghi-va-%C2%AB-%C2%BB-tren-mang-mot-dang-gay-ap-luc-moi-trong-thoi-dai-ky-thuat-so 

1 commentaire:

  1. Nếu ở Việt Nam cũng làm được như thế thỡ cũn gỡ bằng.
    Vấn đề là:
    (1) Ai sẽ lập một trang FB?
    (2) Giả dụ có người lập, nhưng anh ta có bị chính quyền VN bỏ tù?
    (3) Người nhấn nút like có bị truy tỡm để tống vào đồn CA?

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.