mercredi 6 mars 2013

Ôn Gia Bảo: Lãnh đạo cải cách hay chính khách mị dân?

Bài đăng : Thứ ba 05 Tháng Ba 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 05 Tháng Ba 2013 

Nhân kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, nhiều báo Pháp đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong số báo ra ngày hôm nay. Nếu nhật báo cánh hữu Le Figaro quan tâm đến « Những bí mật của kỷ nguyên Ôn Gia Bảo », thì nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất « Một thế hệ mới lên nắm quyền tại Trung Quốc ».Tờ báo kinh tế Les Echos nhận định ở trang trong « Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi sang một thập kỷ mấu chốt ». Còn nhật báo Le Monde nhận xét đây là một Quốc hội hết sức « people », tập trung nhiều nhân vật nổi tiếng.

Hôm nay, 05/03/2013, Thủ tướng Trung Quốc mãn nhiệm đọc diễn văn trước khi trao quyền lại cho người kế nhiệm là Lý Khắc Cường. Theo Le Figaro, tuy trong mười năm qua, ông Ôn Gia Bảo là khuôn mặt cởi mở của chế độ Bắc Kinh, nhưng theo những người chống đối thì ông đã từ chối mọi cải cách chính trị thực sự.

Tờ báo nhắc đến một tấm ảnh đen trắng chụp năm 1989, trong đó Ôn Gia Bảo là một cán bộ trẻ của đảng, đứng cạnh Tổng bí thư thời đó là Triệu Tử Dương. Người Tổng bí thư cải cách đã rơi nước mắt khi đến Thiên An Môn khuyên các sinh viên nên trở về nhà, và ít lâu sau, ông bị quản chế cho đến khi qua đời. Những người thân cận của Triệu Tử Dương đều bị trừng phạt, và cánh tay mặt của ông là Bào Đồng còn bị tống giam suốt bảy năm.


Làm thế nào ông Ôn Gia Bảo có thể sống sót về mặt chính trị, vì khi đó ông là chánh văn phòng của Triệu Tử Dương ? Làm thế nào ông thăng tiến nhanh chóng như thế, để trở thành người điều hành chính phủ Trung Quốc trong vòng một thập kỷ ? Bức màn bí mật vẫn chưa được vén lên.

Tất nhiên có những giải thích thuần lý : Ôn Gia Bảo lúc đó chỉ là một viên chức thừa hành, không quan tâm đến chủ trương tự do của thủ trưởng. Le Figaro cho rằng nếu bí mật của thời kỳ 1989 vẫn chưa được lý giải, thì lại có một câu hỏi khác thời sự hơn. Đó là : ông Ôn Gia Bảo thực sự là một người cải cách nhưng bị hệ thống trói tay, hay là một quý tộc đỏ muốn trưng ra hình ảnh cởi mở ?

Có một điều chắc chắn, Thủ tướng mãn nhiệm của Trung Quốc là lãnh đạo được yêu mến nhất trong thập kỷ vừa qua, là khuôn mặt nhân hậu của chế độ. Ông có mặt khắp chốn, đến những nơi vừa xảy ra thiên tai, ủy lạo các nạn nhân động đất, an ủi những công nhân Quảng Đông bất bình, trấn an giới trung lưu trước cơn sốt giá bất động sản…Ông chơi banh với các cậu bé nông dân Cam Túc, uống trà trong lều du mục ở Nội Mông. Ôn gia gia luôn nở nụ cười, và những người hoài nghi cho rằng bộ đôi quyền lực Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào đã chia nhau vai trò « ông Thiện, ông Ác ».

Ông cũng là người lãnh đạo thường xuyên nhắc đến từ dân chủ, một vấn đề còn bị nghi ngại tại nền kinh tế thứ nhì thế giới, đặc biệt là trong ba năm gần đây. Bài trả lời phỏng vấn đài CNN tháng 10/2010 của ông đã làm hao tốn nhiều giấy mực. Tại Fareek Zakaria, ông tuyên bố : « Chỉ khi nào có sự giám sát nghiêm ngặt của nhân dân thì chính phủ mới làm việc tốt hơn », « Khát vọng và nhu cầu dân chủ, tự do của người dân Trung Quốc là không thể đảo ngược ».

Cho dù là Thủ tướng, những phát biểu của ông cũng bị kiểm duyệt. Năm ngoái tại Luân Đôn, ông nói : « Không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Và không có tự do thì không có dân chủ thực sự ». Vào mùa xuân 2010, Ôn Gia Bảo cũng bất ngờ vinh danh cố lãnh đạo Hồ Diệu Bang, mà cái chết của nhà cải cách này sau khi bị cách chức năm 1989 đã trở thành ngòi nổ cho vụ Thiên An Môn.

Thập kỷ Ôn Gia Bảo : Những năm tháng phí hoài ?

Cũng trong năm đó, một cuốn sách đã được xuất bản tại Hồng Kông cho dù bị Bắc Kinh đe dọa. Cái tựa « Ôn Gia Bảo, diễn viên tài năng nhất Trung Quốc », tự nó đã nói lên tất cả. Tác giả, nhà ly khai Hồ Giai khẳng định đằng sau những hình ảnh mà ông Ôn Gia Bảo muốn trưng ra, ông lại phản đối tất cả những cải cách chính trị thực sự và hoan nghênh sự cứng rắn về mặt an ninh.

Như vậy ông Ôn Gia Bảo có thật lòng không, hay chỉ nói ngoài miệng để làm hài lòng giới đấu tranh cho tự do và cộng đồng quốc tế ? Theo giáo sư Trương Minh (Zhang Ming) thuộc trường đại học Nhân dân cho rằng Ôn Gia Bảo thành thật, nhưng ông bị yếu thế. « Tại Trung Quốc, nếu không được Đảng hỗ trợ thì không làm được gì cả. Và những lời kêu gọi cải cách được đưa ra liên tục đã bị phe bảo thủ phản công, khiến ông càng bị cô lập hơn ».

Giáo sư Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh cũng cho rằng ông Ôn Gia Bảo là chân thành. « Hệ thống Trung Quốc rất phức tạp. Thủ tướng không thể nói được nhiều về chính trị và quân sự, nhưng chỉ về kinh tế mà thôi. Ôn Gia Bảo không có quyền thúc đẩy cải cách chính trị ». Tuy nhiên chuyên gia này cũng nhìn nhận, ông Ôn Gia Bảo là « Thủ tướng yếu nhất trong lịch sử Trung Quốc ».

Tờ báo Mỹ New York Times đã tạo một vết xám cho việc từ giã sự nghiệp của ông Ôn Gia Bảo, khi một đăng bài điều tra vào tháng 10/2012, chỉ mười ngày trước đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, gây tác động như một quả bom. Theo đó, gia đình Thủ tướng Trung Quốc có số tài sản lên đến 2,7 tỉ đô la. Dù công nhận đây là một bài báo công phu, một số người tự hỏi phải chăng có bàn tay những đối thủ của ông Ôn – có thể là phe bảo thủ, những người bất mãn trước việc Bạc Hy Lai bị thất sủng.

Le Figaro đặt câu hỏi, ông Ôn Gia Bảo đã để lại gia tài chính trị nào ? Theo giáo sư Trương Minh, thì chẳng có gì đáng kể, thậm chí bằng không. Chỉ có một số cải cách có lợi cho nông nghiệp và nông dân. Nhiều nhà quan sát nhận định, kỷ nguyên Ôn Gia Bảo là một « thập kỷ hoài phí ». Một số lạc quan hơn thì cho rằng ông đã có công giúp cho một số giá trị còn sống sót, ít nhất là trong các bài diễn văn, và những người kế tục có thể dẫn chứng – nếu họ muốn và họ có khả năng.

Biển đảo : Trung Quốc không khoan nhượng vì quan điểm Đại Hán

Trên trang diễn đàn của Le Figaro, bài viết mang tựa đề « Trung Quốc báo thù » của John Lee, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế của trường đại học Sydney giải thích vì sao Bắc Kinh tỏ ra không khoan nhượng trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước Nhật Bản.

Tác giả nhắc lại bài diễn văn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Tokyo không bao giờ chịu khuất phục trước Bắc Kinh trong hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư hôm 22/2 tại Washington DC, mà sau đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Nhật – Trung phải kìm chế. Theo chuyên gia này, thì người Nhật có thể đành phải chấp nhận đề nghị của Mỹ, nhưng để thuyết phục người Trung Quốc chấm dứt thái độ thù địch thì rất khó.

Sự không khoan nhượng này không chỉ đơn giản là do muốn khai thác nguồn lợi dưới đáy biển, thiết lập một đầu cầu chiến lược về phía tây Thái Bình Dương, mà từ chối chiến đấu trước một đất nước từng chiếm đóng mình bị xem là một bước lùi.

Khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền năm 1949, mục tiêu trước mắt của ông ta là tái lập một « nước Trung Quốc vĩ đại » thời nhà Thanh (1644-1912). Mao đã đạt mục đích qua việc « giải phóng hòa bình » nước Cộng hòa Turkestan phương đông (nay là tỉnh Tân Cương) vào năm 1949. Tiếp đó là xâm lăng Tây Tạng năm 1950, khiến lãnh thổ Trung Quốc nhanh chóng được mở rộng đến hơn một phần ba.

Từ đó, tất cả các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục quan niệm « Đại Hán», ngày càng mở rộng theo với tiềm lực tăng lên của nước này. Chẳng hạn trước đây Bắc Kinh không mấy quan tâm đến Senkaku/Điếu Ngư, cho đến năm 1968, khi một công trình nghiên cứu phát hiện trữ lượng dầu khí quan trọng tại đây.

Tương tự, có thể giải thích yêu sách ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Năm 2009, nhấn mạnh đến một số yếu tố lịch sử còn phải bàn cãi, Bắc Kinh đã lớn tiếng nhấn mạnh « đường lưỡi bò » trước Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi chủ quyền « không thể tranh cãi » của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Tác giả nhận định, sau khi đô hộ phần phía đông và đông nam châu Á trong gần hai ngàn năm, trừ hai thế kỷ gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với một trật tự khu vực gồm những quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ, dù lớn hay nhỏ đều được người Mỹ đối xử như nhau.

Dưới mắt một dân tộc từ lâu đời vẫn xem những giá trị của mình là hơn hẳn những dân tộc khác, tình trạng trên là bất công khó thể chấp nhận. Nhượng đất cho một nhà nước nhỏ hơn, trong một cuộc xung đột, bị coi là thất bại nhục nhã, chứ không phải là một bước để tiến đến ổn định lâu dài trong khu vực. Vì vậy theo tác giả, sau Senkaku/Điếu Ngư, Biển Đông sẽ là mục tiêu kế tiếp của Bắc Kinh.

Các ông Obama và Abe phải hiểu rằng Trung Quốc muốn làm sống dậy vinh quang của đế quốc Trung Hoa cũ, và như vậy Bắc Kinh muốn sắp xếp lại trật tự khu vực hiện nay, nên điều quan trọng là phải kìm hãm tham vọng quân sự của Trung Quốc.

Hồng y Philippines : Một ứng viên Giáo hoàng sáng giá 

Liên quan đến Giáo hội Công giáo tại châu Á, nhật báo Le Figaro nói về « Chito », tức Hồng y Luis Antonio Tagle, ngôi sao đang lên của Philippines, một trong những khuôn mặt triển vọng cho ngôi vị Giáo hoàng sắp tới.

Vị Hồng y trẻ 55 tuổi mới được thụ phong bốn tháng, được mọi người ngưỡng mộ. Cha Catalino Arevalo, người thầy cũ của ông cho biết: « Tôi chưa bao giờ gặp một người thông minh và nhân bản đến thế. Ông ấy có thiên khiếu khiến cho Giáo hội ngay lập tức trở nên gần gũi ». Còn nhà thần học nổi tiếng của Mỹ, Joseph Komonchak nhận xét : « Đó là một trong những sinh viên giỏi nhất mà tôi có được trong bốn mươi năm dạy học, ông ấy có thể trở thành một trong những nhà thần học giỏi nhất châu Á ».

Sinh ra trong một gia đình khá giả, lẽ ra Luis Antonio Tagle đã theo nghề bác sĩ, nhưng sự thu hút của Dòng Tên và tình trạng nghèo khổ của đất nước đã khiến ông quyết định trở thành linh mục. Có bằng tiến sĩ thần học tại Catholic University of America, nhưng ông không muốn đi chuyên về nghiên cứu mà đóng vai trò người hướng đạo tinh thần cho giáo dân. Suốt mười năm trời, « Chito » phụ trách giáo xứ Imus ở tỉnh Cavite, rồi trở thành giám mục Manila năm 2011.

Ông thật sự có tài về truyền thông – theo như cha Emmanuel Alfonso, giám đốc Jescom chuyên sản xuất « The World Exposed », một « show » hàng tuần của vị Hồng y trên kênh truyền hình lớn nhất của đất nước có 80% dân theo đạo Công giáo. Đây là chương trình truyền hình đầu tiên ở Philippines được tài trợ bằng tiền đóng góp của khán giả. Tagle nắm chắc các chủ đề, ông giải thích đức tin bằng những từ ngữ đơn giản. Tài khoản Facebook của vị Hồng y hiện có trên 100.000 cư dân mạng theo dõi.

Liệu thời điểm có đã chín muồi cho một vị Giáo hoàng đến từ phương Nam ? Le Figaro đặt câu hỏi và cho biết, Hồng y Manila còn có một ưu điểm nữa : mẹ của ông là người Hoa, mà Trung Quốc lại là một ưu tiên sắp tới của Đức Giáo hoàng vừa từ nhiệm.

Cắt giảm ngân sách quốc phòng : Cú sốc lịch sử cho quân đội Pháp

Còn tại Pháp, phụ trang kinh tế của Le Monde phê phán việc ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm nặng nề, trong bài báo mang tựa đề « Một cú sốc lịch sử cho ngành kinh tế quốc phòng ». 

Ngân sách dành cho quân đội Pháp từ nay đến năm 2020 sẽ bị cắt đi 40 tỉ euro, tương đương một năm ngân sách quốc phòng, và quân số sẽ bị giảm xuống phân nửa. Quốc phòng vào năm 2015 chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm nội địa, và hiện nay thì chỉ ở mức 1,5%, trong khi tiêu chuẩn của NATO là 2% - nhằm đảm bảo chủ quyền đất nước và duy trì năng lực kỹ thuật cũng như công nghiệp. Hơn nữa, cuộc chạy đua vũ khí quy ước giữa các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil lại đang mở ra một kỷ nguyên mới trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Theo tờ báo, không thể tiếp tục giảm chi mà vẫn giữ nguyên tham vọng của một đất nước là cường quốc nguyên tử, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một quốc gia đầy trách nhiệm sẵn sàng hành động trong mọi cuộc khủng hoảng trên thế giới, như ở Mali hiện nay. Cụ thể hơn, nước Pháp không thể gởi 30.000 quân đi xa 8.000 km để tham gia một chiến dịch quy mô, sở hữu hàng không mẫu hạm, 300 máy bay tiêm kích và các phương tiện tình báo, giữ nguyên năng lực răn đe hạt nhân và bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

tags: Cải cách - Châu Á - Chính trị - Dân chủ - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130305-on-gia-bao-lanh-dao-cai-cach-hay-chinh-khach-mi-dan 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.