samedi 29 décembre 2012

Năm mới, tập tục cũ

Pháo bông mừng năm mới ở Sydney
Bài đăng : Thứ bảy 29 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 29 Tháng Mười Hai 2012 
Thứ hai tới 31/12/2012 vào lúc nửa đêm, nhiều triệu người trên thế giới sẽ tưng bừng đón mừng năm mới. Nhiều chai rượu sâm banh sẽ được mở nút, người Pháp ôm hôn nhau, người Tây Ban Nha nuốt những hạt nho, trong khi người Đan Mạch nhảy từ trên ghế xuống…Những tập tục cũ xưa để mừng một năm mới đến.

Có vô số tục lệ để đón mừng tân niên, từ những tập tục « xưa như trái đất » cho đến những tục lệ kỳ lạ nhất, nhưng tất cả đều có một điểm chung là giúp cho người ta thư giãn sau một năm làm việc cực nhọc.


Nhà xã hội học Amitai Etzioni, trường đại học George Washington nhận định : « Điểm chính yếu trong lễ tất niên là thư thái, bỏ qua mọi thứ. Suốt cả năm, người ta bị trói chặt bởi những ràng buộc của xã hội hay đạo đức. Và rồi chỉ trong một buổi tối, tất cả những chuẩn mực bị ngưng lại, các thách thức mở ra, cho đến hôm sau thì tất cả mới trở lại với trật tự cũ ».

Đối với nhiều người, đêm tất niên được diễn ra giữa bạn bè với nhau để ăn uống no say đến tận lúc mặt trời lên vào hôm sau. Thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thường là lúc để muôn ngàn tia pháo bông bừng sáng, hay tiếng pháo nổ vang rền. Hoặc đối với nhiều người Pháp là cùng hợp ca với nhau bài « Ce n’est qu’un au revoir » (Chỉ là tạm biệt thôi), một bài hát thường nghe thấy trong dịp năm mới như bài « Happy New Year » hay vào cuối những cuộc họp mặt bạn bè.

Bên cạnh đó, có một số tập tục đặc thù, thường là do dị đoan.

Ở Đan Mạch, người ta trèo lên ghế và cùng nhảy xuống vào đúng lúc đồng hồ điểm 12 giờ khuya, để xua đuổi đi những xui xẻo. Họ cũng quăng những chiếc dĩa trước cửa nhà bạn bè mình : nhà ai có nhiều mảnh vỡ chén dĩa nhất có nghĩa là người đó có nhiều bạn bè.

Người Tây Ban Nha thì nuốt 12 hạt nho, theo nhịp độ cứ mỗi khi đồng hồ điểm một tiếng vào lúc 12 giờ khuya là nuốt một hạt, để chắc chắn rằng sẽ có một năm mới tốt đẹp. Mười hai hạt nho này tiêu biểu cho 12 tháng trong năm.

Tại Philippines, những người mừng năm mới mặc quần áo có in những chấm bi, họ tin rằng sẽ đem lại sự may mắn. Ở một số quốc gia Nam Mỹ, thì quần áo lót màu sắc sặc sỡ là những « lá bùa » để xua đuổi tà ma : màu đỏ mang lại may mắn trong tình yêu, còn màu vàng là « thần tài » mang đến tiền bạc dồi dào.

Tại Phần Lan, tân niên được đánh dấu bằng một phong tục kỳ lạ : người ta đổ chì nóng chảy vào nước lạnh, và tùy theo hình dạng có được khi chì trở nên nguội, mà năm mới sẽ tốt lành hay xui xẻo.

Theo các nhà sử học, thì lễ đón mừng năm mới đã có từ nhiều ngàn năm trước. Hàng trăm năm trước Công nguyên, người La Mã đã ăn mừng năm mới với cách thức tương tự như ngày nay, nhưng là vào tháng Ba.
Nhà sử học Pháp Jean Scheid thuộc Collège de France nhấn mạnh : « Năm mới luôn rất quan trọng tại Roma. Đó là một ngày lễ lớn công cộng, mọi người chơi đùa, ăn uống suốt cả ngày ». Sau đó tục lệ trên được lan rộng trên toàn lãnh thổ của đế quốc La Mã.

Tuy vậy, phải chờ đến năm 46 trước Công nguyên, khi đại đế Jules César lập ra lịch mới, và chính thức chọn ngày mùng 1 tháng Giêng làm ngày đầu năm dương lịch. Châu Âu vào thời Trung cổ thì lại mừng năm mới theo những ngày mang ý nghĩa tôn giáo như Noel chẳng hạn.

Năm 1582, Đức Giáo hoàng Grégoire (Grêgoa) thứ 13 đã thay thế lịch Giuliut của César bằng lịch Grêgoariên, sửa chữa một số bất hợp lý về tính toán. Hầu hết các quốc gia Thiên chúa giáo đều sử dụng theo lịch này cũng như mừng ngày đầu năm mới 1 tháng Giêng, nhưng các nước theo đạo Tin Lành thì chỉ lần lượt sử dụng sau đó.

Ngày nay hầu hết các nước trên thế giới sử dụng dương lịch và ngày mùng 1 tháng Giêng chính thức là ngày đầu năm mới. Tuy nhiên Tân niên đối với Chính thống giáo thì vẫn theo lịch Giuliut, và ngày đầu năm là ngày 14 tháng Giêng. Còn tại châu Á, nhiều nước vẫn sử dụng âm lịch, là lịch dựa theo chu kỳ của tuần trăng, và ngày Tết rơi vào khoảng thời gian từ 21 tháng Giêng đến 20 tháng Hai. Năm nay ngày mùng một Tết là ngày 10/2.

tags: Lịch sử - Văn hóa - Xã hội
http://joko.viet.rfi.fr/van-hoa/20121229-nam-moi-tap-tuc-cu 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.