lundi 10 septembre 2012

Trung Quốc, khối BRICS và trật tự quốc tế mới

Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Chín 2012 
 
Theo tác giả Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Ifri (Viện Quan hệ Quốc tế Pháp) thì thế giới hiện vẫn đang trên đường đi tìm một trật tự mới. Bài viết mang tựa đề « Trung Quốc, khối BRICS và trật tự quốc tế » đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay nhận định, BRICS không thể thay thế được một phương Tây đang yếu đi, và một trong những trở ngại chính là vai trò thống trị của Trung Quốc trong khối này.

BRICS là tên gọi tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (ban đầu không có chữ S ở cuối vì chưa có Nam Phi). Khái niệm này do nhà kinh tế Jim O’Neil của Goldman Sachs đưa ra vào năm 2001, để chỉ thế mạnh đang lên của « các quốc gia mới trỗi dậy » không thuộc phương Tây, nay đã trở thành một thực thể kinh tế thiết yếu. Khối BRICS lớn gấp năm lần nước Pháp và sắp tới sẽ chiếm một phần ba kinh tế thế giới. Nhưng về mặt địa chính trị, thì những khác biệt cơ bản cùng với những lợi ích trái ngược sẽ khiến cho sự tồn tại của khối này trở nên bất định.

Tuy trong 90% trường hợp các nước BRICS có thể bỏ phiếu theo cùng một hướng ở Liên Hiệp Quốc, nhưng các nước này lại không sẵn sàng hợp thành một khối. Đồng thời cũng không thể hoặc không muốn có được một tổng thư ký và các công cụ cần thiết cho một định chế chính thức.

Theo tác giả bài viết, thì trở ngại quan trọng nhất cho sự hiện diện chính trị của BRICS là vai trò đặc biệt của Trung Quốc trong khối này. Người ta có thể công nhiên đặt dấu hỏi, phải chăng đôi khi Bắc Kinh lợi dụng danh nghĩa của khối để giấu mặt trên trường quốc tế khi cần thiết ? Trung Quốc cũng không ngần ngại làm áp lực với các đối tác cũng như đối thủ khi cho rằng « lợi ích cốt lõi » của mình bị đe dọa.

Chỉ về kinh tế và quân sự, Trung Quốc đã mạnh gấp ba Ấn Độ - một người khổng lồ khác của châu Á. Về mặt chiến lược, Trung Quốc khá lý tưởng về địa lý cũng như dân số dù tỉ lệ tăng dân đang giảm dần, còn nước Nga thì hoàn toàn ngược lại. Về vị thế, đối với Nga, việc thông qua BRICS để lại trở thành một nhân tố trong thế giới đa cực không bù đắp được tâm trạng cay đắng của một quốc gia thời Liên Xô cũ từng là một trong hai cực của thế giới lưỡng cực.

Ngược lại đối với Ấn Độ và Brazil, BRICS là một sự công nhận thành công của hai nước này. Còn Nam Phi hoàn toàn ý thức được sự hiện diện của mình trong khối vẫn đang bị tranh cãi, và qua đó là sự công nhận toàn bộ Phi châu - một lục địa chỉ trong vòng một thế kỷ (1950-2050) sẽ từ 180 triệu người lên 2 tỉ người.
Ngoài vị trí quan trọng của Trung Quốc, còn phải kể đến những bất đồng ngay trong các nước BRICS. Hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc không hề muốn đón nhận thêm Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi.

Câu lạc bộ các nền kinh tế mới trỗi dậy hiện đang được mở rộng, trong tương lai sẽ rất đa dạng như thêm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mehico, Hàn Quốc, và một ngày nào đó có thể thêm Philippines, Việt Nam. Điều này sẽ làm tổng thể mới này khó hình thành được một khối thống nhất. Cũng như Liên hiệp châu Âu với 27 nước hoạt động khó khăn hơn nhiều so với lúc chỉ có 15 nước, các nước BRICS mai đây sẽ khó tổ chức hơn khi có 10 nước thay vì 5.

Tác giả kết luận, nhưng thế giới hiện nay đang tìm kiếm một trật tự mới. Từ thế giới lưỡng cực trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã trở thành thế giới đơn cực trong một thời gian ngắn với nước Mỹ dẫn đầu sau khi Liên Xô sụp đổ, rồi đến lượt các tòa tháp Manhattan cũng đổ sụp. Ngày nay, không có G zero, G2, G3 hay G20, chỉ có một thế giới đa cực bất bình đẳng, hoạt động kém…và vấn đề là ở chỗ đó.

Đầu tư khổng lồ của Trung Quốc gây lo ngại khủng hoảng nợ

Liên quan đến kinh tế Trung Quốc, nhiều tờ báo Pháp cùng quan tâm đến kế hoạch đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh để tái thúc đẩy nền kinh tế. Le Monde nhấn mạnh : « Đối mặt với khủng hoảng, Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư công ». Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « Bắc Kinh đưa ra vũ khí là một kế hoạch tái thúc đẩy hãy còn mơ hồ ». Còn nhật báo công giáo La Croix lo ngại : « Kế hoạch tái thúc đẩy của Trung Quốc gây lo ngại về khủng hoảng nợ ».

Tờ báo kinh tế kể ra 25 dự án xe điện ngầm tại khoảng hai chục thành phố Trung Quốc, xây dựng các xa lộ, hơn 2.000 km đường bộ, chín nhà máy xử lý nước thải, dự án giao thông đường thủy… tổng cộng khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (123 tỉ euro). Tuy nhiên nếu tính đến đầu tư của các địa phương thì phải lên đến 7.000 tỉ nhân dân tệ.

La Croix cho rằng đây là một kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ tuy không có tên gọi chính thức, được đưa ra trong bối cảnh đang được các nhà quan sát lo ngại là « hard landing » - một sự hạ cánh khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường tài chính phấn khởi đón nhận tin này, trong khi nhiều nhà kinh tế cảnh báo nguy cơ lạm phát và những hậu quả tai hại như đã thấy trong kế hoạch năm 2009 : số tiền 450 tỉ euro đã được xài một cách lãng phí, với những công trình hoành tráng vô dụng.

Quan ngại lớn nhất là nợ công của các địa phương, được ước tính tối thiểu là 1.200 tỉ euro vào cuối 2010, tức ít nhất 27% tổng sản phẩm nội địa (PIB). Nhiều chuyên gia cho rằng thực ra con số này lớn hơn rất nhiều, vì chính quyền địa phương giấu diếm. Nhà kinh tế Bằng Hưng Nguyên (Feng Xingyuan) ở Bắc Kinh cho rằng nợ công phải đến 50% PIB, và chính phủ đã « uống thuốc độc cho đỡ khát nước ».

Nhiều nhà quan sát nhận định, đây còn là vấn đề cơ cấu. Tiền thu thuế được chia đều giữa chính quyền trung ương và địa phương, nhưng đa số chi tiêu công (hạ tầng, giáo dục, y tế…) thì địa phương phải gánh, nên đa số chính quyền cơ sở thường phải bán đất. Gần đây bị hạn chế để kìm lại nạn tăng giá nhà đất, nên các địa phương thường phải đi vay, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ tiềm tàng. Nợ nần chồng chất, và rốt cuộc chính nhân dân là những người sẽ phải trả giá.

Le Monde nhấn mạnh đến việc đầu tư tập trung vào khu vực quốc doanh thay vì tư nhân là đi ngược lại tinh thần cải cách. Ban đầu Bắc Kinh cũng đã định tạo điều kiện cho thị trường, khu vực tư nhân và người tiêu dùng, nhưng do sốt ruột khi chỉ còn một tháng nữa là đến đại hội đảng, nên lại quyết định dành ưu tiên cho các tập đoàn nhà nước.

Đức: Hoặc lãnh đạo, hoặc ra khỏi khu vực đồng euro

Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos đăng bài nhận định của George Soros, tỉ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ, cho rằng « Đức nên lãnh đạo khu vực đồng euro hoặc rời khỏi khu vực này ».

Theo tác giả, Ngân hàng Trung ương Đức vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ đã lỗi thời, do bị ám ảnh bởi nạn lạm phát trước đây, nên không nhận ra nạn giảm phát mới là nguy cơ thực sự. Đức buộc các nước vay nợ phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Điều này giúp cứu vãn đồng euro, nhưng tiếp tục chia rẽ châu Âu thành hai khối rõ rệt, gồm những nước cho vay và nước gặp khó khăn phải đi vay. Một ngày nào đó, các nước này sẽ chối bỏ một châu Âu hai vận tốc.

Như vậy theo George Soros, thì tốt nhất là Đức nên đóng vai trò lãnh đạo trong một liên hiệp chính trị, hoặc là rời khỏi khu vực đồng euro. Trong trường hợp sau, đồng tiền chung châu Âu sẽ bị mất giá, các nước đang mắc nợ sẽ lại có tính cạnh tranh và nợ nần được giảm đi, các nước cho vay bị thiệt thòi nhưng rồi hai bên sẽ cùng gánh trách nhiệm duy trì ổn định cho châu Âu, và như thế tránh được nạn giảm phát. Cả hai chọn lựa trên đều tốt hơn so với việc hình thành một châu Âu hai tốc độ, mà theo tác giả, sẽ không tồn tại được lâu dài.

Giáo dục tẩy não: Dân Hồng Kông phản đối mạnh mẽ, chính quyền lùi bước

Bước sang lãnh vực chính trị, nhật báo cánh tả Libération nhận xét, phong trào phản kháng huy động được đông đảo người Hồng Kông chống lại chương trình học « ái quốc » che giấu các sự thật lịch sử, đã làm cho Bắc Kinh phải chùn bước.

Theo thông tín viên Libération tại Bắc Kinh, bảy triệu dân Hồng Kông lâu nay vẫn lo âu tự hỏi, bao giờ và bằng cách nào Bắc Kinh sẽ buộc họ phải theo ý thức hệ độc đảng. Tháng trước khi cơ quan quản lý giáo dục quyết định áp đặt chương trình học « ái quốc » cho trẻ em từ khi lên 5 tuổi, người Hồng Kông đã phản đối mạnh mẽ.

Với khẩu hiệu « Không được tẩy não trẻ em chúng tôi », dân Hồng Kông đã tiến hành phong trào phản kháng hết sức quy mô, làm cho nhà cầm quyền lúng túng. Những cuộc biểu tình tập hợp hàng trăm ngàn người liên tục diễn ra. Hàng ngàn sinh viên còn đóng đô cả tuần lễ trước trụ sở chính quyền, và theo bước Thiên An Môn, một số sinh viên đã tuyệt thực, tượng Nữ thần Tự do được dựng lên.

Trưởng đặc khu hành chính, ông Lương Chấn Anh cuối cùng đã phải nhượng bộ vào cuối tuần qua, tuyên bố chương trình không mang tính bắt buộc mà chỉ là khuyến cáo. Libération cho biết, chương trình « giáo dục ái quốc » dành cho học sinh trung học mang tên « Mô hình Trung Quốc », đã lờ đi những sự thật lịch sử. Chẳng hạn như nạn đói khủng khiếp năm 1958-1962 làm 45 triệu người chết, những tàn bạo trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã không được nhắc đến.

Do một phần lớn dân Hồng Kông đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc vì các sự kiện trên, nên phong trào phản kháng vừa tự phát vừa rất mãnh liệt. Một nhà sử học Hồng Kông cho biết, người dân tại đây rất sợ một ngày nào đó sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh lại không ngần ngại hù dọa một Thiên An Môn mới. Bài xã luận tuần rồi trên tờ Global Times viết : « Các thanh niên thiếu chín chắn, không hiểu gì về lịch sử đã gánh lấy rủi ro. Lịch sử đã cho thấy những bi kịch cho xã hội khi sinh viên biểu tình, tuyệt thực, tiến lên trận tiền của các xung đột chính trị ».

Hai bộ phim về nhà kháng chiến Pháp Raymond Aubrac

Một sự kiện có phần nào liên quan đến Việt Nam về mặt lịch sử : một nhà báo, nhà văn Pháp đã lên tiếng trên mục diễn đàn của tờ báo cộng sản L’Humanité, phê phán việc hai bộ phim tài liệu về Raymond Aubrac chưa được phổ biến như dự kiến. Nhà kháng chiến nổi tiếng của Pháp cũng là bạn của Hồ Chí Minh, đã từng làm trung gian để mong chấm dứt được chiến tranh Đông Dương. Ông đã âm thầm, bền bỉ làm chiếc cầu nối bí mật giữa Hồ Chí Minh và Tổng thống Pháp Mendès France, và sau đó với các Tổng thống Mỹ Johnson và Nixon.

Hai bộ phim tài liệu « Raymond Aubrac, những năm tháng chiến tranh »« Raymond Aubrac, sự tái thiết » đã không được phát hành vào ngày 4/9 dưới dạng băng video như dự tính ban đầu. Theo tác giả, sau những cuốn sách trước đây viết về Raymond Aubrac, hai bộ phim này cho phép hiểu hơn về quá trình của nhà kháng chiến – một người hiểu rằng sự kín đáo là vũ khí tốt nhất đối với những người không màng đến vinh quang cá nhân, mà chỉ chú trọng kết quả thực tế. Đó là tránh sự hủy hoại hàng loạt những sinh mạng, và góp phần giành độc lập kinh tế cho những nước vừa thoát khỏi ách thực dân.

tags: BRICS - Châu Á - Chính trị - Kinh tế - Quốc tế - Trung Quốc - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120910-trung-quoc-khoi-brics-va-trat-tu-quoc-te
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.