dimanche 22 juillet 2012

Quân đội Trung Quốc: Con cọp giấy ?


(Vui lòng bấm vào ảnh để phóng to)
(Le Nouvel Observateur 19/07/2012) Với quân số quá dư thừa và trang bị hiện đại, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã trở thành quân đội đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Đây cũng là một trong những quân đội tham nhũng nhất, vô kỷ luật nhất và thiếu kinh nghiệm nhất.

Không chỉ có nền kinh tế Trung Quốc tung hoành trên đỉnh cao với mức tăng trưởng hai con số. Từ hai chục năm qua, ngân sách quốc phòng cũng tăng chóng mặt, khiến Trung Quốc có thể nhân đôi tầm vóc của lực lượng quân đội chỉ trong vòng một thập kỷ.

Giải phóng quân Trung Quốc, do Mao Trạch Đông thành lập vào năm 1927, từ nay đã là quân đội đứng thứ nhì thế giới. Đội quân này sở hữu cả một kho vũ khí đủ loại hiện đại nhất, chủ yếu mua của Nga, khiến cho Lầu Năm Góc quan ngại sâu sắc. Hoa Kỳ đã bắt đầu « tái định hướng » một cách căn cơ chính sách quốc phòng, từ Trung Đông quay về châu Á -Thái Bình Dương, khiến các nước láng giềng « nhỏ bé » của Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm. Các nước này đã phải cảnh giác trước các hành động giễu võ giương oai ngày càng hung hăng của đế quốc đỏ.

 Một sự trỗi dậy ngoạn mục ! Từ đội quân rách rưới tiến vào Bắc Kinh năm 1949 đến Giải phóng quân của thế kỷ 21 là một bước nhảy vọt kỳ diệu. Điều này khiến cho cả một lô một lốc các tướng lĩnh diều hâu tung ra trên các phương tiện truyền thông hàng loạt bài diễn văn hung hăng nhất, kêu gọi các chọn lựa chiến lược hiếu chiến nhất. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu ngoại quốc vốn đặt dấu hỏi trước sự thay đổi quá nhanh trên, vẫn nghi ngờ năng lực thực sự của quân đội Trung Quốc, trong việc sử dụng các món đồ chơi kỹ thuật siêu hiện đại đắt tiền, được trả bằng thặng dư thương mại, cũng như việc bảo trì và hòa nhập các thiết bị vũ khí này.

Ngay trong hàng ngũ quân đội, một số người cũng đã liên tục gióng lên những tiếng chuông báo động. Đối với tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan), chính ủy của Tổng cục Hậu cần đầy quyền lực, thì quân đội đang ở bên bờ vực thẳm – mà không phải là do các thế lực thù địch. Hồi tháng Giêng, trước 600 sĩ quan ông đã khẳng định : « Không có quốc gia nào đánh bại được Trung Quốc, và không ai có thể hủy diệt được Đảng chúng ta. Chỉ trừ có nạn tham nhũng của chính chúng ta ! Thảm họa này có thể đẩy ta đến thất bại ngay trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra ». 

Lưu Nguyên là vị tướng đầu tiên dám công khai tố cáo điều mà nhiều đồng nghiệp chỉ dám nói riêng với nhau. Quân đội Trung Quốc, bị băng hoại  bởi nạn hối lộ đang phổ biến, phải chịu đựng một sự xói mòn thảm hại về kỷ luật, và năng lực quân sự thụt lùi thấy rõ. Ngay tại Tổng cục Hậu cần, nạn tham nhũng là « khủng khiếp », và diễn ra « công khai trước mắt mọi người » - Lưu Nguyên khẳng định. Toàn thể quân đội đang phải chịu đựng một « chủ nghĩa cá nhân độc hại » khiến cho các sĩ quan chỉ tuân theo những mệnh lệnh nào mình thích, chạy chọt để tìm cách thăng cấp, « định giá các ô dù bán lại».

Vài hôm sau, nói chuyện với sinh viên một trường quân sự, nhân vật thích chỉ trích này còn đi xa hơn. Ông tố cáo : « Có các vụ biển thủ công quỹ, lạm dụng quyền lực và công vụ. Có nạn đe dọa, những âm mưu, các thủ đoạn dàn dựng. Một số thậm chí còn hành hung cả những sĩ quan trung thực, bắt cóc các cán bộ Đảng, buộc cấp trên phải bảo vệ cho mình. Tất cả các thủ đoạn của mafia đều được sử dụng ngay trong quân đội… ». Tóm lại, cuộc chiến chống tham nhũng là « vấn đề sinh tử. Chúng ta đang bị sụp đổ như trong một vụ đất chuồi. Nếu bây giờ có chiến tranh, thì người lính nào sẽ tuân lệnh bạn và hy sinh mạng sống cho bạn ? ». Ý thức được sức kháng cự mạnh mẽ sẽ phải đối đầu, ông hứa hẹn : « Tôi tiến hành cuộc chiến đấu này, cho dù có bị mất chức. Tôi sẽ truy ra tất cả bọn tội phạm cho dù ở cấp bậc nào và người bảo trợ có nặng ký đến đâu ».

Hải quân Trung Quốc
Nếu Lưu Nguyên có thể tuyên bố chiến tranh với hầu như toàn bộ khung chỉ huy quân sự, đó là vì từ khi sinh ra ông đã thuộc về một giai cấp đầy quyền lực : các « hoàng tử đỏ », con cái của các nhà cách mạng lão thành. Theo một số nguồn tin, thì vị tướng này có sự ủng hộ của nhân vật số một Trung Quốc là ông Hồ Cẩm Đào, cũng đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất của quân đội. Bản thân Hồ Cẩm Đào cũng vô cùng lo ngại trước tình trạng mục rữa hiện nay. Thế nhưng dù có sự hỗ trợ hết sức quan trọng này, khuôn mặt tham nhũng cỡ lớn đầu tiên cũng hết sức khó khăn mới có thể vạch trần được.

Thiếu tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan), Phó chủ tịch Tổng cục Hậu cần, cuối cùng đã bị cách chức vào tháng Hai. Đây là cơ quan tham nhũng nhiều nhất, vì kiểm soát nhiều nguồn lợi quan trọng – đất đai, nhà cửa, kỹ nghệ thực phẩm, tài chính, dịch vụ, vân vân. « Cốc Tuấn San quản lý các tài sản này bằng cái kiểu như là của riêng của mình. Tôi trông thấy ông ta đối xử với các nhân viên khách sạn trực thuộc cơ quan ông ta như là đầy tớ vậy ». Một nhà ngoại giao châu Âu ngán ngẩm kể lại như trên. 

Theo các nguồn tin từ Hồng Kông, thì số tiền ông này tham ô lên đến nhiều triệu đô la. Cốc Tuấn San bị tố cáo đã mua một khu đất ở trung tâm Thượng Hải rồi bán lại với giá cao gấp mười lần, bỏ túi phần chênh lệch. Tiền bạc vơ vét được nhờ áp-phe, ông  ta biết cách chia sẻ cho nhiều « bạn bè », phân phối trên 400 biệt thự sang trọng cho các sĩ quan hưu trí. Một chính sách hiệu quả, vì vị tướng tham nhũng này đã trở nên bất khả xâm phạm trong một thời gian dài, nhờ có được ô dù tận cấp Quân ủy Trung ương.

Xì-căng-đan trước đó diễn ra từ năm 2006, liên quan đến một sĩ quan còn cao cấp hơn nữa : Phó đô đốc Vương Thu Nghiệp (Wang Shouye), Tư lệnh lực lượng hải quân. Sống trên đống vàng và nuôi năm cô bồ nhí, ông ta cho rằng mình đứng trên pháp luật. Cho đến khi một trong năm cô này có thai, nhưng ông từ chối nhìn con. Tức giận điên cuồng, cô bồ bèn gởi đơn tới tấp đến hàng loạt cấp trên của ông Vương Thu Nghiệp, và hàng ngày đứng phát truyền đơn ngay trước Bộ tư lệnh Hải quân. 

Vị tư lệnh hoang dâm bị mất ngôi khi người ta tìm thấy 125 triệu nhân dân tệ (12 triệu euro) trong các tủ ngăn. Nhiều tướng lãnh và đô đốc hải quân đã bị sa thải vì nhận « quà biếu ». Theo những thông tin được tiết lộ vào thời đó, thì Vương Thu Nghiệp đã thu vén được những món tiền khổng lồ trong chức vụ trước đó…tức chức vụ mà sáu năm sau đến lượt Cốc Tuấn San bị sa lầy.

Cho dù tiến hành truy quét tham nhũng một cách nghiêm khắc vào năm 2006, nhưng cùng những nguyên nhân trên lại tiếp tục gây ra các hậu quả tương tự. Các nguồn lực của quân đội tiếp tục bị khai thác cho quyền lợi cá nhân của các sếp. Một nhà ngoại giao bình phẩm : « Không có quân đội nào trên thế giới lại sở hữu bằng ấy xe hơi Porsche, V8 và xe địa hình sang trọng, và nhất là lại cho phép sử dụng những xe hơi hạng sang này vào việc riêng ! »

« Những lạm dụng trên đây còn chưa đến nỗi nào » - một nhà báo xuất thân từ một gia đình quân nhân than thở. « Nghiêm trọng nhất là nạn mua quan bán chức. Cấp bậc hạ sĩ quan có giá từ 10.000 đến 20.000 đô la tùy theo địa phương, còn cấp tướng thì phải chi nhiều trăm ngàn đô la. ..Tất cả mọi người đều bàng hoàng tự nhủ, các tướng bù nhìn này sẽ hành động như thế nào trong trường hợp có chiến tranh… »

Đội quân đất sét ?
Việc thương mại hóa các chức tước đã thành phổ thông, và hậu quả trước tiên là ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng quân đội. Tệ nạn này đã chặn lại bước đường thăng tiến của những người có tài nhưng xuất thân từ các gia đình khiêm tốn, gây oán hận và hủy hoại tinh thần tập thể. Có lẽ càng tệ hại hơn khi nó tạo ra nạn làm áp-phe dây chuyền, vì phải « lấy lại vốn đầu tư » khi ban ơn mưa móc lại cho cấp dưới. Một chuyên gia Đài Loan giải thích : « Những người có quyền cho thăng cấp như chính ủy và một số tướng lãnh hưởng lợi nhiều nhất trong kiểu làm ăn này ». 

Nạn mua quan bán chức này hoành hành đến tận cấp nào ? « Tận cấp tướng của sư đoàn » - chuyên gia Đài Loan cho biết. Còn trên cấp đó nữa thì ai có thể chận lại được ? Nhà chính trị học Scott Harold thuộc Rand Corporation giải thích : « Để leo lên được đến cấp cao hơn, thì phải hội đủ một số điều kiện, vừa phải có pít-tông lại vừa có năng lực. Thường thì qua đó một số người quá tệ sẽ bị loại. Còn các chức vụ cao hơn nữa thì việc chọn lựa khó khăn hơn, vì các lãnh đạo chính trị và quân sự phải thống nhất với nhau về các chức danh ». 

Hú vía ! Như vậy quân đội Trung Quốc vẫn chưa được chỉ huy bởi các thiếu gia bất tài, là con cái của các đại gia tỉ phú.

Gốc rễ của căn bệnh trầm kha mà chính quyền thỉnh thoảng lại phải chiến đấu, nhưng vẫn luôn tái phát, đó là « nguyên nhân từ cơ cấu », theo như nhà chính trị học George Friedman. Nhận định rằng quan tâm hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc là duy trì quyền lực, ông cho là « Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được xây dựng để kiểm soát Trung Quốc, chứ không phải để tung ra bên ngoài biên giới ». Và như vậy giữa quân đội và « ông chủ » - ở đây không phải là Nhà nước mà là Đảng - có một mối quan hệ đặc thù, hay đúng hơn là nguy hại. 

Quân đội được điều động để ngăn chận biểu tình.
Một nhà chính trị học Trung Quốc giấu tên tóm tắt : « Tất cả những gì Đảng đòi hỏi ở quân đội là giúp bảo đảm ổn định an ninh trong nước. Thế là giới quân sự không phải trả lời trước tư pháp dân sự về các vụ làm ăn đầy mánh lới của mình. Họ cũng chẳng cần phải là những bậc thầy về chiến lược, cơ cấu chỉ huy, về việc hội nhập nhiều loại vũ khí khác nhau v.v…Chỉ cần họ ngăn cản được biểu tình, như hồi năm 1989…Điều này không khuyến khích phát triển một quân đội chuyên nghiệp, nhưng lại khiến khía cạnh ăn bám và suy đồi có cơ tồn tại lâu dài». 

Tương tự, một chuyên gia quốc phòng châu Âu đã nhắc lại rằng, quân đội Trung Quốc, mà cuộc chiến tranh gần đây nhất là với Việt Nam năm 1979, đã tỏ rõ sự thiếu kinh nghiệm trận mạc, và kết thúc bằng một cú rờ-ve nhục nhã. « Các lãnh đạo chính trị hiểu rõ tình trạng của lực lượng mình đã tránh né để xảy ra xung đột, trong khi vẫn đầu tư rất nhiều tiền bạc nhằm phát triển đủ loại vũ khí đời mới hiện đại, với hy vọng bù đắp lại sự yếu kém về cơ cấu ». Kết quả : tiền bạc tuôn ra như thác, và tiếp tục nuôi dưỡng nạn tham nhũng.

Nhà nghiên cứu nhận xét : « Chắc hẳn các sĩ quan trẻ rất muốn quân đội trở thành một công cụ hiệu quả hơn. Nhưng giới lãnh đạo không hề nhúc nhích và cũng chẳng biết phải làm như thế nào ». Kết luận : Khi nào quân đội vẫn còn là một nhánh vũ trang của Đảng, những người trong sạch theo kiểu ông Lưu Nguyên có thể tiếp tục kêu gào chống tham nhũng cho đến lúc tàn hơi. 

Những trận lôi đình của vị hoàng tử đỏ

Tướng Lưu Nguyên
Người tố cáo sự biến chất của quân đội không phải là một người lính bình thường trong quân ngũ. Ông Lưu Nguyên, 61 tuổi, tướng ba sao, là con của Lưu Thiếu Kỳ, một trong những nhà sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là Chủ tịch nước từ 1959 đến 1968. Các con của Mao Trạch Đông không còn ai sống sót, và như vậy Lưu Nguyên trở thành vị « quý tộc đỏ » hàng đầu nhờ là con giòng cháu giống. Ông cũng là một trong những người thân cận của Tập Cận Bình, một hoàng tử đỏ khác của triều đình, sẽ trở thành Tổng bí thư vào đại hội Đảng lần thứ 18 sẽ diễn ra vào mùa thu tới.

Cũng giống như các ông hoàng thế hệ thứ hai khác, Lưu Nguyên đã trải qua giai đoạn lên voi xuống chó trong thời kỳ Mao Trạch Đông. Ông lớn lên trong khung cảnh êm ả của Trung Nam Hải ở Tử Cấm Thành, nơi các ông chủ của nước Trung Quốc mới sinh sống và làm việc. Cuộc cách mạng văn hóa đã phá tan nát gia đình ông.

Bị Mao Trạch Đông cho khai trừ ra khỏi Đảng năm 1968, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đã qua đời sau thời gian dài bị tra tấn, thi thể trần truồng trong xà lim đầy phân. Một người con trai của ông bị buộc phải tự sát, một người con trai khác phát điên và chết. Vợ ông bị giam giữ suốt mười hai năm trong tù. Còn Lưu Nguyên bị đày đi một ngôi làng tồi tàn ở Sơn Tây trong vòng bảy năm.

Sau khi Mao Trạch Đông chết, Lưu Thiếu Kỳ được phục hồi danh dự. Lưu Nguyên được kết nạp vào Đảng và bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông chọn lựa phục vụ tại tỉnh Hà Nam nghèo khó, và tại đây ông leo dần lên các bậc thang. Năm 40 tuổi, ông chuyển ngành sang quân đội, lần lượt giữ chức chính ủy trong nhiều binh đoàn, và được thăng cấp tướng năm 48 tuổi.

Cũng giống như nhân vật số một tương lai là Tập Cận Bình, Lưu Nguyên là một trong những người sống sót sau thời kỳ đầy biến động của Mao. Ông cũng không ngừng nêu cao sự trong sạch nguyên thủy của cách mạng, ghét cay ghét đắng cái không khí thực dụng, và tự cho mình nhiệm vụ cháy bỏng là « cứu vãn Đảng Cộng sản Trung Quốc ». Nhưng khác với chính sách của Tập Cận Bình, tướng Lưu Nguyên không ngần ngại bày tỏ tính dân tộc chủ nghĩa, đối nghịch với phương Tây và sự nuối tiếc chủ nghĩa cộng sản kiểu chính thống.

Việc ông đả kích tham nhũng không phải là do tính toán một cách cơ hội. Tất cả các nhà quan sát đều nhìn nhận là ông liêm chính. Hơn nữa, do chỉ mới bước vào binh nghiệp sau này, sự lý tưởng của ông không bị cảm giác lệ thuộc trói tay. Một người dân Bắc Kinh thông thạo tin tức đã nhận xét : « Tóm lại, Lưu Nguyên là một quả lựu đạn đã rút chốt được quăng vào cái tổ kiến mánh mung, làm tất cả các tướng tá đồng nghiệp hết sức bực tức… »

Lưu Nguyên đã từng đạt được thắng lợi trong việc cho ngưng chức cấp phó của ông, nổi tiếng ăn hối lộ. Liệu ông có thể thành công trong việc khơi dậy đạo đức trong cơ thể khổng lồ bệnh hoạn này hay không ? Muốn thế thì mùa thu này ông phải giành được chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan chỉ huy tối cao. Có bảy trên tám vị tướng cần được thay thế. Nhưng chưa có gì là chắc chắn cả.

Xì-căng-đan liên quan đến vụ thất sủng mới đây của Bạc Hy Lai, một hoàng tử đỏ khác mà Lưu Nguyên khá thân thiết, có thể gây trở ngại cho sự thăng tiến của ông. Nhà chính trị học Scott Harold nhận định : « Nếu cái tên Lưu Nguyên tiếp tục được nêu ra liên quan đến vụ Bạc Hy Lai, thì đấy là vì ai đó muốn cố hạ bệ ông ».
Tham vọng bá chủ Biển Đông


Chủ nghĩa bá quyền tại Biển Đông

Trung Quốc chi cho quốc phòng ít hơn Hoa Kỳ 4,5 lần, nhưng có thể đuổi kịp địch thủ quan trọng này vào khoảng năm 2035. Với 80 tỉ euro trong năm 2012 (theo một số chuyên gia thì thật ra là 125 tỉ), ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh đã tăng lên 11,2% trong vòng một năm.

Hai mươi năm tăng trưởng ở mức hai con số đã nâng Quân đội Giải phóng Nhân dân lên thành đội quân đứng thứ nhì thế giới. Với 2,3 triệu quân nhân, được hiện đại hóa đáng kể, Bắc Kinh giờ đây đã sở hữu được chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên (mua lại của Ukraina), một hạm đội tàu ngầm 70 chiếc… Trung Quốc đang triển khai các phi cơ tàng hình, máy bay không người lái và vệ tinh do thám, hỏa tiễn tầm trung, năng lực chiến tranh mạng và chiến tranh trong không gian.

Trong nội bộ thì các tướng lãnh Trung Quốc nhìn nhận đã chậm trễ ít nhất hai mươi năm so với các nước phát triển. Trung Quốc vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với cường quốc quân sự Hoa Kỳ, nhưng vẫn có thể hy vọng làm bá chủ trong khu vực.

Từ mười tám tháng qua, các vụ xung đột liên tục diễn ra với các tàu của Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ các vùng biển đảo này, bất chấp các quốc gia láng giềng nằm gần hơn tính theo vị trí địa lý.

2 commentaires:

  1. Nhiều bạn vượt tường lửa bằng cách :Đánh ANONYMUS...là thông quatrang web của nó nên không xem hình ,video,còm...được.
    Vượt bằng cách vào máy chủ PROXY thì xem và còm bình thường :
    Cách cài đặt :
    -Nhấp vào hình mỏ lết ở góc trên bên phải google chrome
    -nhấp vào settings hiện lên trang settings (cài đặt)rê chuột xuống và nhấp vào:Show advanced settings...rồi rê xuống dưới tới :CHANGE PROXY SETTINGS(cài đặt thay đổi máy chủ)hiện ra cửa sổ INTERNET PROPERTIES nhấp vào:CONNECTIONS rê xuống nhấp vào LAN settings hiện ra cửa sổ nhỏ có 4 mục với 4 ô vuông thì đánh dấu vào ô thứ 2 và ô thứ 3 rồi nhấp vào ô ok của cả 2 cửa sổ là bạn đã vào máy chủ PROXY vượt tường lửa vào tất cả các trang .
    Truy cập qua máy chủ này khi vô các trang khác máy sẽ chậm .Khi muốn về lại như cũ thì bạn thực hiện lại các bước trên và nhấp xóa 2 ô bạn đánh dấu trước rồi lại nhấp vào ok hai cửa sổ như ban đầu là máy lại về nhanh như cũ nhưng lại không vượt được tường lửa .
    -Nếu muốn lại cài đặt lại như trên .
    Nói thì dài dòng nhưng làm quen thì chỉ mất vài giây .OK! Chúc thành công.

    RépondreSupprimer
  2. Còn cách này nữa: Tài phần mềm này http://www.mediafire.com/?bgwmpuwyl97z0be về (trang chủ của nó http://sordum.xoomsite.com/4573/dns-jumper-v1-0-4/). Giải nén, mở nó, chọn 1 dns (ví dụ DNS print) rồi apply. Thế là xong. Nếu 1 thời gian sau cái DNS đó bị chặn thì lại mở công cụ đó lên rồi đổi dns khác.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.