mercredi 30 novembre 2011

Công an Trung Quốc thẩm vấn vợ Ngải Vị Vị, kiểm tra tài khoản luật sư của nghệ sĩ

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay 30/11/2011, một luật sư có liên quan đến nghệ sĩ Ngải Vị Vị cho biết công an đã tiến hành kiểm tra tài khoản công ty luật của ông này. Còn hôm qua, bà Lộ Thanh, vợ của Ngải Vị Vị đã bị công an triệu tập đến để thẩm vấn. Công an Bắc Kinh đã từ chối bình luận về các sự kiện trên khi AFP đặt câu hỏi.

Ông Phố Chí Cường, luật sư của công ty Beijing Fake Cultural Development do ông Ngải Vị Vị thành lập, nói với hãng tin Pháp rằng hôm qua, công an đã đến công ty luật Huayi của ông. « Họ nói rằng họ muốn chúng tôi hỗ trợ họ để giải quyết một vụ việc, và đã sao chụp các tài liệu kế toán năm nay. Không có gì chứng tỏ là họ muốn nhắm vào chúng tôi ». Tuy nhiên luật sư Phố Chí Cường từ chối cho biết chi tiết, và nói thêm rằng ông không biết chắc là cuộc viếng thăm bất ngờ này có liên quan đến vụ Ngải Vị Vị hay không.

Cũng trong hôm qua, bà Lộ Thanh, vợ nghệ sĩ Ngải Vị Vị đã bị công an triệu tập đến thẩm vấn với tư cách « nghi can trong một vụ án hình sự », và ra lệnh cho bà không được rời khỏi Bắc Kinh. Bà Lộ Thanh là đại diện chính thức của công ty Beijing Fake Cultural Development, đơn vị bị cơ quan thuế Trung Quốc đòi nộp phạt 15 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,7 triệu euro). Như vậy, vợ của nghệ sĩ Ngải Vị Vị là người thứ ba bị công an thẩm vấn, sau hai trợ lý của ông.

Nhờ làn sóng ủng hộ của 30.000 cảm tình viên trong thời gian kỷ lục, vào giữa tháng 11 Ngải Vị Vị đã nộp được số tiền bảo lãnh cần thiết, tương đương phân nửa số tiền phạt, để có thể kháng án về vụ này. Nghệ sĩ bày tỏ sự lo lắng cho vợ mình, ông nói rằng : « Nếu tôi có làm gì sai thì họ nên trực tiếp tìm đến tôi, chứ không phải bà ấy ».

Trước đây cũng đã có một số trường hợp các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình, kiến trúc sư, điêu khắc gia bị nhà nước Trung Quốc buộc tội trốn thuế. Còn Ngải Vị Vị sau khi bị áp đặt số tiền phạt thuế khổng lồ trên, hôm 18/11 lại bị điều tra vì tội khiêu dâm. Xin nhắc lại, người nghệ sĩ nổi tiếng thế giới này vốn không ngần ngại chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, và đã từng tiến hành điều tra những vụ quan trọng, như các trường học xây dựng ẩu bị sụp đổ sau trận động đất ở Tứ Xuyên.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111130-pbat-na-gehat-dhbp-gunz-ina-ib-atnv-iv-iv-xvrz-gen-gnv-xubna-yhng-fh-phn-atur-fv
 
 

Giám mục Trung Quốc dự lễ phong chức, dù không được Vatican thừa nhận

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay (30/11) Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, đã tổ chức buổi lễ phong chức cho một giám mục được Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 thừa nhận. Tuy nhiên một giám mục khác đã bị Vatican rút phép thông công lại hiện diện trong buổi lễ trên đây.

Linh mục Phêrô La Tuyết Cương, 47 tuổi, được chọn lựa trong giáo hội chính thức Trung Quốc, đã được phong làm phụ tá giám mục ở Nghi Tân, Tứ Xuyên. Một linh mục cho AFP biết, trong buổi lễ phong chức diễn ra sáng nay, có giám mục Phaolô Lôi Thế Ngân tham dự, tuy không tham gia dâng lễ. Vị giám mục này không được Tòa Thánh công nhận, và trước đó vào hôm thứ Hai, phát ngôn viên của Vatican đã cho biết mong muốn « Không một giám mục bất hợp pháp nào tham gia buổi lễ ».

Sự hiện diện của giám mục Lạc Sơn, Phaolô Lôi Thế Ngân, vị giám mục « bất hợp pháp » đã bị Tòa Thánh rút phép thông công vào tháng 6, càng làm xấu đi quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican.

Mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng từ tháng 11 năm ngoái, khi Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc tự ý phong chức cho một giám mục đầu tiên mà không tham khảo ý kiến của Tòa Thánh. Tháng sau đó, một số giám mục bị buộc phải tham dự Đại hội Công giáo Trung Quốc lần thứ 8 do giáo hội chính thức tổ chức, khiến Vatican thêm giận dữ. Đến tháng 6 và tháng 7 năm nay, Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc lại tự ý phong chức giám mục cho hai linh mục, trong đó có giám mục Lạc Sơn nêu trên. Vatican đã phản ứng lại bằng cách rút phép thông công hai vị này.

Vatican và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1951, khi Tòa Thánh công nhận Đài Loan, đảo quốc vốn luôn bị Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình. Quan hệ đôi bên càng tệ hại hơn khi Trung Quốc thành lập giáo hội công giáo riêng vào năm 1957.

Hiện nay tại Trung Quốc có 5,7 triệu người công giáo, theo số liệu chính thức, nhưng theo các nguồn độc lập thì số tín đồ công giáo lên đến 12 triệu người. Bên cạnh giáo hội công giáo chính thức do chính quyền điều khiển, còn có giáo hội « ngầm » chỉ tuân lệnh của Đức Giáo hoàng, nhưng các tín đồ thường bị đàn áp.

tags: Châu Á - Công giáo - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111130-gehat-dhbp-zbg-tvnz-zhp-ov-ingvpna-ehg-curc-gubat-pbat-ina-uvra-qvra-gebat-yr-cubat-
 

Đại sứ quán Anh tại Iran bị đập phá. Anh sơ tán nhân viên ngoại giao

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay 30/11/2011, Anh Quốc bắt đầu cho sơ tán toàn bộ ngoại giao đoàn tại Iran sang các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, sau khi đại sứ quán Anh tại Teheran bị những người biểu tình đập phá hôm qua. Dư luận quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ sự kiện này, còn Iran cho biết "lấy làm tiếc".

Thông tín viên của RFI tại Teheran, Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết :

« Một bộ phận của ngoại giao đoàn Anh quốc đã rời Iran đến Dubai, và số còn lại sẽ theo chân vào chiều nay. Anh quốc đã quyết định sơ tán toàn bộ các nhân viên ngoại giao, sau khi các sinh viên Hồi giáo tấn công dữ dội vào đại sứ quán và tư gia của các công dân Anh hôm thứ Ba 29/11.

Những người biểu tình đã đập phá các tòa nhà của sứ quán, đốt cháy các xe hơi. Cảnh sát chống bạo động đã phải mạnh tay can thiệp để giải tán đám đông biểu tình, nhưng mất đến nhiều tiếng đồng hồ mới lập lại được trật tự. Nhiều người biểu tình đã bị bắt giữ, và cảnh sát khẳng định những người này sẽ bị truy tố.

Từ hôm qua, Bộ Ngoại giao Iran đã cho biết rất lấy làm tiếc trước thái độ không thể chấp nhận được của một thiểu số người biểu tình, và hứa hẹn rằng những người liên can sẽ phải trả lời trước pháp luật.
Ngược lại, chủ tịch Thượng viện, nghị sĩ bảo thủ Ali Larijani đã trực tiếp bày tỏ sự ủng hộ các sinh viên, khẳng định rằng họ muốn biểu lộ sự phẫn nộ đối với Anh quốc và chính sách thống trị của nước này. Ông Larijani cũng chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì đã lên án vụ tấn công trên ».

Theo AFP, thì lực lượng an ninh Iran đông đảo trước đại sứ quán Anh ban đầu đã làm ngơ cho hành động phá hoại của những người biểu tình, trong khi truyền hình Iran vẫn tường thuật trực tiếp.

Ngoại trưởng Anh hôm nay tuyên bố đã yêu cầu đóng cửa ngay lập tức đại sứ quán Iran tại Anh, và các nhân viên ngoại giao Iran từ nay cho đến thứ Sáu phải rời khỏi Anh quốc. Các đại biểu Quốc hội đã vỗ tay hoan nghênh quyết định đưa quan hệ ngoại giao đôi bên xuống mức tối thiểu trên đây.

Nhiều nước từ Hoa Kỳ cho đến Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha đều lên án hành động mà Tổng thống Pháp gọi là « một cuộc tấn công đáng xấu hổ, làm củng cố quyết tâm đưa ra thêm các biện pháp mới để trừng phạt Iran ». Na Uy đã tạm đóng cửa đại sứ quán ở Teheran, Roma đang nghiên cứu biện pháp tương tự, còn Đức triệu hồi đại sứ nước mình ở Iran về « để tham khảo ý kiến ». Các trường học của Pháp, Đức, Anh tại thủ đô Iran đều đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.


tags: Anh - Iran - Quốc tế - Theo dòng thời sự
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111130-nau-fb-gna-auna-ivra-atbnv-tvnb-fnh-xuv-qnv-fh-dhna-gnv-grurena-ov-qnc-cun 
 

Công chức Anh tổng đình công

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay (30/11/2011) giáo chức, nhân viên y tế, viên chức thuế vụ, biên phòng… tại Anh được kêu gọi tham gia cuộc tổng đình công quy mô nhất kể từ hơn ba chục năm qua. Các nghiệp đoàn hy vọng huy động được hai triệu công chức cùng ngưng làm việc, để phản đối kế hoạch tăng tuổi về hưu của chính phủ, cũng như tình trạng sức mua bị giảm sút.

Đa số các trường học đều đóng cửa hôm nay, và hoạt động của các bệnh viện bị rối loạn. Theo Bộ Giáo dục Anh, có 58% trong số 21.700 trường công phải đóng cửa, 13% đóng một phần, và các trường học ở Scotland, xứ Galles, Bắc Ailen đều bị ảnh hưởng. Chính quyền đã tuyển những người tình nguyện từ các bộ để tạm thời trám vào những chỗ trống ở hải quan. Hoạt động hàng không sáng nay thì vẫn tương đối bình thường.

Cuộc tổng đình công này đã được dự kiến từ lâu, với lời kêu gọi của một liên minh tập trung khoảng ba chục tổng liên đoàn. Đây là sự kiện chưa từng thấy tại Anh kể từ sau « Mùa đông phản kháng » năm 1978 – 1979. Một số nghiệp đoàn tham gia lần này kể từ 10 năm nay chưa hề kêu gọi đình công, và các hiệu trưởng Anh cũng chưa bao giờ đình công từ 114 năm qua.

Thủ tướng David Cameron tố cáo việc đình công là « vô trách nhiệm », và cho rằng việc cải cách chế độ hưu bổng là cần thiết, vì tuổi thọ nay đã được kéo dài hơn. Chính phủ ước tính cuộc tổng đình công sẽ làm cho nền kinh tế quốc gia bị thiệt hại 500 triệu bảng Anh, nhưng các nghiệp đoàn cho rằng con số này là « tưởng tượng ». Ông Cameron kêu gọi các nghiệp đoàn tiếp tục thương lượng cho đến hạn chót là 31/12, tuy nhiên các đại diện công nhân viên chức nói rằng chính phủ không lắng nghe những yêu sách của họ.

Với dự báo tăng trưởng sẽ giảm mạnh, chính quyền Anh nhận định cần nhiều thời gian hơn để làm giảm bớt thâm hụt ngân sách. Do đó Luân Đôn quyết định kéo dài các biện pháp khắc khổ cho đến sau bầu cử 2015. Bộ trưởng Tài chính Anh loan báo lương công chức sẽ không tăng quá 1% từ năm 2013, tiền đóng góp cho quỹ hưu bổng tăng khoảng 3,2%, và tuổi về hưu kể từ năm 2020 sẽ là 68 tuổi. Trong khi đó việc thay đổi cách tính chỉ số lạm phát đã làm cho một số khoản trợ cấp bị giảm đi 15%.

Brendan Barber, Tổng thư ký Trades Union Congress, một tổng liên đoàn tập hợp khoảng 60 nghiệp đoàn cho rằng đây không phải là việc người lao động phải tạm thời hy sinh, nhưng mức sống của họ bị giảm mạnh và lâu dài. Còn Dave Prentis, lãnh đạo nghiệp đoàn Unison có đến 1,4 triệu công đoàn viên, cảnh báo sẽ có các cuộc đình công khác nếu chính quyền vẫn giữ nguyên quan điểm.

tags: Anh - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Xã hội
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111130-pbat-puhp-nau-gbat-qvau-pbat

dimanche 27 novembre 2011

Việt Nam: Biểu tình ủng hộ Luật Biểu tình, 10 người bị câu lưu


Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011


Sáng nay, 27/11/2011, có ít nhất 10 người đã bị bắt tại Hà Nội vì biểu tình ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội chuẩn bị xây dựng Luật Biểu tình. AFP ghi nhận, tại trung tâm thủ đô có khoảng ba chục người đã khởi đầu cuộc biểu tình trong im lặng, không mang theo biểu ngữ. Nhưng cuộc biểu tình chỉ kéo dài được vài phút, thì đã bị lực lượng an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục can thiệp. Có ít nhất 10 người đã bị đẩy lên xe buýt.

Cuộc tuần hành trên đây nhằm ủng hộ lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội Việt Nam ngày 25/11/2011, cho rằng cần nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình. Trong thời gian qua, tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, đã diễn ra hàng loạt các vụ xuống đường trong năm nay chống các hành động xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố, Hiến pháp quy định công dân có quyền biểu tình, và thực tế đã có nhiều cuộc đồng bào xuống đường bày tỏ nguyện vọng với chính quyền. Nhưng do chưa có luật, nên vừa khó cho người dân khi thực hiện quyền đã được ghi trong Hiến pháp, vừa khó cho việc quản lý của chính quyền. Vì vậy cần có Luật biểu tình để « bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp », đồng thời « ngăn chận những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân ». Theo báo chí Việt Nam, thì luật này được giao cho Bộ Công an soạn thảo.

Hãng tin Pháp nhắc lại, từ tháng Sáu đến tháng Tám năm nay đã có 11 cuộc biểu tình vào những ngày Chủ nhật, chống chính sách bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy biểu tình hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nhưng một số cuộc xuống đường đầu tiên đã được chính quyền làm ngơ, sau đó đã bị công an trấn áp.

Trang tin anhbasam vốn thường xuyên tường thuật về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, sáng nay vào lúc 10 giờ 45 (giờ Hà Nội) cho biết, theo đề nghị của « cơ quan chức năng », nên thông tin về cuộc biểu tình « ủng hộ Thủ tướng » đã phải gỡ xuống.

Theo các trang mạng khác cũng như trên mạng xã hội Facebook, trong số những người bị bắt có Bùi Thanh Hiếu tức blogger Người Buôn Gió, blogger Lê Dũng, luật sư Lê Quốc Quân…Những người này đã bị đưa về Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Riêng anh Nguyễn Văn Phương, người đã đọc tuyên cáo trước Nhà hát lớn Hà Nội ngày 03/07 gởi nhà cầm quyền Trung Quốc, sau khi bị bắt lên xe còn bị đánh đập. Những người bị câu lưu tại Hà Nội đều tuyệt thực để phản đối. Còn tại Sài Gòn, cũng có một số người bị bắt về công an phường Bến Nghé, quận 1.

http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20111127-ivrg-anz-ovrh-gvau-hat-ub-yhng-ovrh-gvau-10-ov-pnh-yhh
TAGS: CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI - NHÂN QUYỀN - VIỆT NAM

Thái Lan: Bộ trưởng Tư pháp bị kiến nghị bất tín nhiệm


Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011



Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Pracha Promnok, người chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu trợ lũ lụt, đang phải đối mặt với bản kiến nghị bất tín nhiệm do phe đối lập đưa ra hôm nay, 27/11/2011. Đảng Dân chủ đối lập lên án ông Pracha vì nạn tham nhũng và quản lý tồi.

Trận lụt lịch sử kể từ nửa thế kỷ qua đã làm trên 600 người chết tại Thái Lan, nay đã có ảnh hưởng lên chính trường nước này. Trong nhiều tuần qua, chính quyền đã tỏ ra thiếu tổ chức, bị chia rẽ và đôi khi có những tuyên bố trái ngược. Là giám đốc Trung tâm Cứu hộ Quốc gia (FROC), bộ trưởng Tư pháp là mục tiêu bị trực tiếp nhắm đến trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể sẽ diễn ra vào ngày mai, trước khi bế mạc kỳ họp Quốc hội vào thứ Ba tới.

Theo đại biểu đảng Dân chủ Jurin Laksanavisit thì các quỹ cứu trợ lũ lụt của nhà nước và tư nhân đều bị ăn chận. Đại biểu này tuyên bố trước Quốc hội : « Tầm cỡ của nạn lụt không chỉ từ hiện tượng thiên nhiên, mà còn do FROC đã thất bại trong việc đối phó với tình hình ». Một đại biểu khác cũng của đảng Dân chủ là Apirak Kosayothin chỉ trích : « Chính phủ đã không bổ nhiệm đúng người nắm giữ các trọng trách, khiến cho việc cứu trợ nạn nhân lũ lụt hết sức chậm chạp và không hiệu quả ».

Bộ trưởng Tư pháp Pracha bác bỏ các lời kết tội tham nhũng và cho rằng các dân biểu của đảng Puea Thai đang cầm quyền đã làm việc không ngơi nghỉ để giúp người dân đối phó với lũ lụt.

Nhưng bản kiến nghị bất tín nhiệm trên còn nhắm vào toan tính ân xá cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện đang lưu vong. Đại biểu Jurin nói rằng phe đối lập không còn có thể tin tưởng ông Pracha, sau khi « văn phòng bộ Tư pháp bí mật đưa ra dự thảo đề nghị Quốc vương ân xá, mà chúng tôi tin rằng nhằm để giúp một người ». Bộ trưởng Tư pháp phản bác rằng kế hoạch ân xá không có gì sai trái, và không vì lợi ích của một nhân vật đặc biệt nào.

Theo báo chí Thái Lan, chính phủ đã đề nghị Quốc vương thông qua một sắc lệnh ân xá, nhờ đó ông Thaksin vốn bị bản án hai năm tù vào năm 2008 vì tội trốn thuế, sẽ được quay lại Bangkok. Cho dù cả ông Thaksin lẫn chính phủ đều đính chính, nhưng phe đối lập vẫn tin rằng bộ trưởng Tư pháp đã mưu toan lừa dối dư luận.

Xin nhắc lại, sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 7 năm nay, đảng Puea Thai của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatha đã lên nắm quyền thay đảng Dân chủ. Bà Yingluck Shinawatha, em gái ông Thaksin trở thành thủ tướng Thái Lan, mà theo dư luận thì bà chỉ là con rối của ông anh. Bản thân bà Yingluck cũng bị chỉ trích về năng lực điều hành đất nước trong trận lũ lụt mới đây.


http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111127-gunv-yna-ob-gehbat-gh-cunc-ov-xvra-atuv-ong-gva-auvrz
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - THÁI LAN



Liên đoàn Ả Rập trừng phạt kinh tế Syria


Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011

Hôm nay, 27/11/2011, Liên đoàn Ả Rập đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria, nhằm buộc chế độ của tổng thống Assad phải chấm dứt đàn áp biểu tình. Thủ tướng Qatar đã thông báo như trên, sau khi cuộc họp bất thường của Ngoại trưởng các nước Ả Rập vừa kết thúc, và cho biết các biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay tức khắc.

Các biện pháp trừng phạt gồm có việc ngưng mọi giao dịch thương mại và phong tỏa các tài sản của chính phủ Damas tại các nước Ả Rập, ngưng các chuyến bay thương mại đến Syria, cấm các nhân vật cao cấp trong chính phủ Damas đến lãnh thổ các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập.
Thủ tướng Qatar, ông Hamad ben Jassem al-Thani cho biết, có 19/21 nước thành viên Liên đoàn Ả Rập đã bỏ phiếu thuận, chỉ có Irak và Liban là không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Syria.

Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều thập kỷ qua, Liên đoàn Ả Rập trừng phạt một quốc gia thành viên ở mức độ như trên. Lần này các nước Ả Rập vùng Vịnh đã gia tăng áp lực lên Liên đoàn. Các nước này bực tức trước sự liên kết giữa Damas và Teheran, cũng như quy mô của việc đàn áp đẫm máu phong trào phản kháng tại Syria.

Nền kinh tế Syria vốn đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Hoa Kỳ. Nay với quyết định mới nhất của Liên đoàn Ả Rập, Damas có nguy cơ bị bóp nghẹt do một nửa lượng hàng xuất khẩu và gần một phần tư lượng hàng nhập khẩu của Syria là với các nước Ả Rập.

Liên đoàn Ả Rập đã đưa ra hai tối hậu thư trong tuần, đòi Syria chấm dứt trấn áp và chấp nhận sự hiện diện của các quan sát viên Ả Rập, nhưng chính quyền Damas vẫn làm ngơ. Ngoại trưởng Syria còn lên án Liên đoàn Ả Rập là đã cổ vũ cho « sự can thiệp của nước ngoài », sau khi tổ chức này kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề Syria.

Tổ chức quan sát nhân quyền tại Syria (OSDH) cho biết, hôm nay lại có thêm 11 thường dân Syria bị chết và 25 người bị thương do trúng đạn của lực lượng an ninh.
TAGS: KINH TẾ - LIÊN ĐOÀN Ả RẬP - QUỐC TẾ - SYRIA - THEO DÒNG THỜI SỰ - TRUNG CẬN ĐÔNG - TRỪNG PHẠT
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111127-yvra-qbna-n-enc-gehat-cung-xvau-gr-flevn

Bầu Quốc hội Maroc: Phe Hồi giáo ôn hòa thắng thế

Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Mười Một 2011

Theo kết quả chưa chính thức, đảng Hồi giáo ôn hòa Công lý và Phát triển (PJD) đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Maroc diễn ra hôm thứ Sáu 25/11/2011. Đảng này cho biết sẵn sàng đứng ra thành lập chính phủ.

Đây là sự kiện chưa từng thấy tại vương quốc Maroc, và rất có thể nước này trở thành quốc gia thứ ba trong khu vực được một đảng Hồi giáo lãnh đạo.

Chiến thắng trước mắt của đảng Công lý và Phát triển (PJD), vốn là đảng đối lập hàng đầu tại Maroc, diễn ra chỉ một tháng sau khi phong trào Hồi giáo Ennahda giành được thắng lợi tại Tunisia. Xin nhắc lại, Tunisia là nơi khởi đầu phong trào nổi dậy trong thế giới Ả Rập vào đầu năm nay.

Theo kết quả chính thức từ hai phần ba tổng số đơn vị bầu cử, thì PJD đã chiếm được 80 ghế, trên tổng số 395 đại biểu của Quốc hội. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thì thủ lãnh của đảng này là Abdelilah Benkirane sẽ được Quốc vương chỉ định đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp. Tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử là 45,4%, so với trước đây là 37%, đó là một nhân tố quyết định cho sự thành công của PJD nhờ huy động được nhiều cảm tình viên ở các thành thị.

Đảng PJD vốn ủng hộ các giá trị Hồi giáo và thể chế quân chủ, cho biết sẵn sàng tiến hành thương lượng để lập chính phủ. Nhiều đảng tuyên bố sẽ tham gia hiệp thương, trong đó có đảng Istiqlal của đương kim thủ tướng Abbas El Fassi, và Liên hiệp các lực lượng cánh tả USFP. Thủ lãnh PJD Benkirane tuyên bố, phương Tây không có gì phải lo ngại, và khẳng định hai hướng chính của chính phủ sắp tới là dân chủ và điều hành tốt đất nước.

Sau cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp hồi tháng Bảy, cuộc bầu cử Quốc hội nhằm giúp Maroc vượt qua được thử thách hiện nay để duy trì được ổn định. Rút ra các bài học từ phong trào Mùa xuân Ả Rập, Quốc vương Mohamed đệ lục đã tiến hành chính sách cải cách ôn hòa, cho phép đảng chính trị về đầu trong cuộc bầu cử được đề cử thủ tướng.

Nếu chiến thắng của PJD được khẳng định vào hôm nay, thì Maroc sẽ là quốc gia thứ ba ở vùng Địa Trung Hải có chính phủ do một đảng Hồi giáo điều hành, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia. Bên cạnh đó đảng Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập cũng đang có nhiều cơ may thắng thế trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày mai.


tags: Bắc Phi - Bầu cử - Maroc - Quốc hội - Đạo Hồi

http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111127-onh-ph-dhbp-ubv-znebp-cur-ubv-tvnb-ba-ubn-gunat-gur

vendredi 25 novembre 2011

Airbus bảo trì ở Trung Quốc bị thiếu đinh vít

Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011

Tin riêng của AFP ngày 25/11/11 cho biết : một chiếc phi cơ Airbus A340 của hãng hàng không Air France vừa  được duy tu toàn bộ tại Trung Quốc, đã phải nằm lại tại Boston. Sự cố xảy ra vào giữa tháng 11 sau khi phát hiện chiếc máy bay này bị thiếu mất gần ba chục đinh vít.

Trong bản tin nội bộ của nghiệp đoàn Alter, các nhân viên kỹ thuật Air France mỉa mai: “Các phi cơ A340 cũng như Boeing 747 đều được bảo dưỡng toàn bộ ở Đồng An-  Trung Quốc và kết quả luôn đáp ứng khát vọng của công ty chúng ta. Gần đây nhất, một chiếc F-GLZR từ Trung Quốc bay về đã bị cho nằm lại, sau khi đã bay trên không trung vài giờ, vì thiếu mất một phần ba số đinh vít trên một mảng cánh”.

Một phát ngôn viên hãng hàng không Pháp đã xác nhận tin trên, cho biết đang tiến hành điều tra nội bộ, nhưng khẳng định rằng an toàn bay không bị đe dọa. Chiếc chiếc phi cơ A340 của Air France chỉ bị cho dừng bay vài tiếng đồng hồ. Theo phát ngôn viên trên, thì cơ phận này chỉ dùng để che phủ bên ngoài, không liên quan đến khu vực chịu áp lực.

Nguồn tin từ nghiệp đoàn than phiền chất lượng bảo trì tệ hại và nhắc nhở rằng năm ngoái có một chiếc Boeing 747- 400 cũng đã bị dừng bay sau khi được bảo dưỡng toàn bộ ở Trung Quốc, vì một số mảng ở sườn máy bay bị sơn lại bằng loại sơn có thể cháy được. Thế mà chiếc phi cơ trên đã bay được ba tuần lễ.
Lần này thì chiếc A340 đã rời Trung Quốc vào ngày 10/11, hạ cánh xuống phi trường Roissy ở Paris và lưu lại đây ba ngày. Việc thiếu mất các đinh vít chỉ mới phát hiện ra hôm 15/11 và mảng cánh này đã bắt đầu bị sút ra lúc đang bay.

Theo phát ngôn viên Air France, thì có thể sự hiện diện của các gioăng đã cản trở việc kiểm tra các ốc vít. “Nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho Air France đã được quốc tế công nhận, và đã làm việc với chúng tôi hơn bốn năm. Đây là sự cố đầu tiên về loại này”.

tags: Hàng không - Pháp - Trung Quốc
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/gbat-ubc/20111125-zbg-znl-onl-onb-gev-b-gehat-dhbp-ov-guvrh-qvau-ivg 

Tụ cầu khuẩn trong thực phẩm đông lạnh Trung Quốc

Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 
 
Dư luận Trung Quốc phản đối việc Bộ Y tế cho phép sự hiện diện của tụ cầu khuẩn trong thực phẩm đông lạnh. Loại tụ cầu khuẩn này có thể gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não.

Theo các quy định mới của Bộ Y tế Trung Quốc được công bố ngày 24/11/2011, một lượng nhỏ tụ cầu vàng được cho phép hiện diện trong các sản phẩm đông lạnh như cơm hay mì.

Hãng tin AFP nhắc lại, gần đây cơ quan quản lý y tế Trung Quốc đã ra lệnh thu hồi các loại sản phẩm như há cảo của công ty Synear Food – một trong những nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh lớn nhất – sau khi phát hiện tụ cầu vàng trong mặt hàng trên. Loại tụ cầu khuẩn này có thể gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não.

Nhân dân Nhật báo đã phẫn nộ kêu gọi Bộ Y tế phải “đáp ứng nỗi lo ngại của công chúng” vì “không thể làm ngơ trước sự quan ngại của người dân về an toàn thực phẩm”. Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu lên “sự cần thiết phải lập lại lòng tin về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, nhắc nhở các xì-căng-đan đã gây xôn xao trong những năm gần đây như sữa nhiễm melamine hay dầu tái chế từ dầu thải thu hồi được ở những ống cống.

Phản ứng của cư dân mạng cũng tương tự. Một blogger viết : “Với các tiêu chuẩn mới này, thì độc chất được cho phép hiện diện trong thực phẩm miễn là chưa đến mức gây chết người”.

Hồi tháng 9/2010, Bộ Công an Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt thậm chí có thể tử hình, đối với những người gây ra các vụ tai tiếng về thực phẩm nghiêm trọng nhất.

tags: Châu Á - Sức khỏe / Y tế - Theo dòng thời sự - Thực phẩm - Trung Quốc
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111125-gh-pnh-xuhna-gebat-guhp-cunz-qbat-ynau-gehat-dhbp 
 

Anh gặp khó khăn trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp

Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 
 
Cảnh sát Pháp vừa phá vỡ hai đường dây đưa người từ châu Âu vào Anh, trong đó có một đường dây chuyên đưa người Việt đến Luân Đôn. Tin này có lẽ sẽ làm những ai lo ngại tình trạng nhập cư bất hợp pháp được an ủi đôi chút, nhưng trong tình hình thời sự nước Anh hiện nay, lại không hề giúp chính phủ và Bộ Nội vụ Anh lạc quan được thêm chút nào.

Thông tín viên Lê Hải - Luân Đôn
 
25/11/2011
 
 
Chưa hết làn sóng chỉ trích chuyện các cửa khẩu bỏ bê kiểm tra giấy tờ liên tục được nhắc trước Quốc hội Anh suốt tuần qua, bây giờ đến mối lo cửa khẩu không có người làm việc, do các nhân viên thuế quan và biên phòng đình công vào tuần tới.

Theo các con số mới nhất thì lượng dân nhập cư vào Anh không giảm xuống còn dưới 100.000 mỗi năm như lời hứa lúc ra tranh cử của Thủ tướng David Cameron trước đây, mà còn có nguy cơ tăng lên trên 250.000 người như mới được báo chí Anh phát hiện hồi sáng nay (25/11). Bộ máy của cơ quan chuyên trách xuất nhập cảnh UKBA cũng vừa bị mất mặt với thêm một vụ làm thất lạc hồ sơ xin thẻ định cư, phải bồi thường tiền vì không tìm ra các quyển hộ chiếu của khách hàng.

tags: Anh - Nhập cư - Phỏng vấn - Quốc tế
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111125-puvau-cuh-nau-tnc-xub-xuna-gehbp-yna-fbat-aunc-ph-ong-ubc-cunc 
 

Manila yêu cầu đưa cựu Tổng thống Arroyo vào tù

Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011

Ngày 25/11/11, chính phủ Philippines đề nghị tòa án ra lệnh chuyển cựu Tổng thống Gloria Arroyo từ bệnh viện sang nhà tù của cảnh sát Manila. Cựu Tổng thống Gloria Arroyo hiện đang bị cáo buộc gian lận bầu cử trong cuộc tuyển cử 2007.

Bà Arroyo, 64 tuổi, phải đối mặt với bản án tù chung thân nếu bị tòa kết luận là đã thông đồng với một tư lệnh quân đội để gian lận trong cuộc bầu cử Thượng viện. Bà cũng có nguy cơ bị giam giữ nhiều năm trong khi chờ quyết định của tòa án vì các thủ tục xét xử của Philippines rất chậm chạp.

Cựu Tổng thống đang bị cảnh sát giám sát tại một bệnh viện ở Manila, theo luật sư của bà Arroyo thì bà mắc một chứng bệnh hiếm gặp về xương.

Luật sư của chính phủ, Maria Juana Valleza đã đề nghị tòa sơ thẩm hiện đang thụ lý vụ án ra lệnh chuyển bà Gloria Arroyo sang một nhà tù của cảnh sát Manila, cho rằng bà hiện có đủ sức khỏe để rời bệnh viện. Luật sư Valleza cho biết một phòng biệt giam đã được chuẩn bị cho cựu tổng thống tại cơ quan cảnh sát, phòng này đủ rộng cho nhu cầu cá nhân và chăm sóc y tế.

Thư ký tòa án Joel Pelicano nói rằng tòa sẽ xem xét đề nghị này vào ngày 30/11/2011 và có thể sẽ quyết định vào đầu tháng tới. Trong khi đó luật sư của bà Arroyo đề nghị tòa án cho phép bà trở về nhà, đặt dưới sự quản thúc tại gia. Nhưng luật sư của chính phủ phản đối, cho rằng sẽ không thể kiểm soát được và cũng không thể giám sát thường xuyên nhà riêng của bà Arroyo.

AFP cho biết, tại Philippines một vụ xử án trung bình phải mất sáu năm mới hoàn tất. Như vậy nếu tòa án ra lệnh cho bà Arroyo phải ở trong nhà tù của cảnh sát trong thời gian chờ đợi xét xử, thì có nguy cơ bà phải trải qua nhiều năm sau chấn song nhà giam.

Bà Gloria Arroyo từng điều hành đất nước Philippines trong gần một thập kỷ cho đến năm ngoái, đã bị đặt trong tình trạng bị giam hôm thứ Sáu tuần trước tại bệnh viện, sau khi bị cáo buộc là đã gian lận để một trong những đồng minh của mình giành được một chiếc ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007. Người kế nhiệm bà là ông Benigno Aquino đoan chắc rằng bà Arroyo chịu trách nhiệm trong hàng loạt các vụ tham nhũng lúc đang còn nắm quyền. Về phần cựu Tổng thống Arroyo, thì luôn chối bỏ những lời buộc tội và các luật sư của bà đã kháng cáo đòi Tòa án Tối cao bác bỏ tội danh gian lận bầu cử.

tags: Châu Á - Pháp luật - Philippines
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111125-puvau-dhlra-cuvyvccvarf-lrh-pnh-qhn-phh-gbat-gubat-neeblb-inb-gh 

Lo ngại vì lãi suất nợ Ý tăng cao

Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Mười Một 2011 
 
Ngày 25/11/11, lãi suất trái phiếu Ý tăng cao chưa từng thấy, trong bối cảnh thị trường vẫn căng thẳng và thất vọng từ cuộc họp nguyên thủ ba nước có nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Chỉ số các thị trường chứng khoán châu Âu đều bị sụt giảm vào trưa nay.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn sáu tháng của Ý đã tăng lên đến hơn 6,5% so với hôm 26/10 ( khi đó là hơn 3,5%). Còn trái phiếu kỳ hạn hai năm có tỉ lệ lãi đến trên 7,8% so với trước là 4,6%. Như vậy lãi suất đã tăng cao chưa từng thấy kể từ khi khu vực đồng euro được thành lập cho đến nay. Mức lãi này được xem là khó thể chịu đựng nổi, khi nước Ý đang gánh món nợ khổng lồ là 1.900 tỉ euro, tương đương 120% tổng sản phẩm nội địa. Tuy vậy ngân khố Ý cũng đã huy động được 10 tỉ euro như mong muốn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý nhìn nhận, tình trạng căng thẳng trên thị trường có thể tạo thêm nghi ngờ về khả năng thanh toán của nước Ý và nhấn mạnh phải khẩn trương tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các thị trường chứng khoán Paris, Franckfurt , Luân Đôn, Madrid và Milan hôm nay đều bị sụt giảm từ 0,64% đến 1,88%. Trong bối cảnh đó, ủy viên châu Âu về vấn đề kinh tế Olli Rehn đã đến Roma hôm nay. Ông Rehn tuyên bố, Ý đang phải đối mặt với “các thử thách khổng lồ”, nhưng ông cho rằng việc tái thúc đẩy tăng trưởng và lành mạnh hóa nền tài chính công là những mục tiêu có thể đạt được.

Thủ tướng Ý Mario Monti vừa nhậm chức được hai tuần, trong cuộc họp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/11/11 tại Strasbourg đã cam đoan Ý sẽ đạt được cân bằng ngân sách vào năm 2013. Các kế hoạch khắc khổ được thông qua vào tháng 7 và tháng 9 chưa thể đạt được đích nhắm, trong lúc các con số thống kê mới nhất về tiêu dùng và sản xuất công nghiệp gây lo ngại Ý sẽ bước vào suy thoái. Vì vậy ông Monti phải tiếp tục cải cách chế độ hưu và thị trường lao động, cũng như tự do hóa nền kinh tế.

Nhưng các nhà đầu tư tỏ ra không mấy tin tưởng, sau khi cuộc họp thượng đỉnh ba nước hôm qua không đạt kết quả mong muốn. Thị trường hy vọng Đức sẽ linh hoạt hơn trong việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu mua lại hàng loạt nợ của các quốc gia trong khu vực đang gặp khó khăn, nhưng bà Merkel không hề nhượng bộ trước áp lực của Pháp.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Quốc tế - Ý
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111125-ynv-fhng-ab-l-gnat-xuvra-guv-gehbat-puhat-xubna-punh-nh-punb-qnb
 

mercredi 23 novembre 2011

Trung Quốc sẽ tập trận hải quân ở Thái Bình Dương

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 
 
Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay (23/11/2011) loan báo, chính quyền Bắc Kinh sẽ cho tiến hành tập trận hải quân tại Thái Bình Dương trong tháng này. Hãng tin Reuters ghi nhận, tuyên bố trên đây được đưa ra chỉ một tuần sau khi Washington tăng cường sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương, với kế hoạch gởi 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ đến căn cứ quân sự Darwin ở Úc.

Bắc Kinh nhấn mạnh là mình có quyền tiến hành các cuộc tập trận thường niên, cho dù các nước trong khu vực luôn lo sợ trước sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc, đặc biệt là hải quân. Thông báo chỉ vỏn vẹn hai dòng trên trang web www.mod.gov.cn nói rằng : « Đây là một cuộc tập trận thường niên đã được lên kế hoạch trước, không trực tiếp nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào hay mục tiêu đặc biệt nào, và phù hợp với thực tế cũng như luật pháp quốc tế liên quan. Tự do hàng hải và các quyền hợp pháp khác của Trung Quốc không thể bị ngăn trở ». Thông báo không cho biết chi tiết cụ thể về địa điểm sẽ diễn ra cuộc tập trận.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dâng cao qua hội nghị thượng đỉnh các nước châu Á – Thái Bình Dương tại Indonesia, nhất là về phương cách giải quyết các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm mở rộng hoạt động của lực lượng Mỹ gồm hải quân, chiến đấu cơ và chiến hạm từ căn cứ Darwin, Úc có thể làm cho Bắc Kinh cảm thấy đang bị Mỹ và các đồng minh bao vây hoặc kìm chế.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật hôm nay dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng, sáu tàu hải quân Trung Quốc từ sáng sớm hôm qua đã đi vào Thái Bình Dương qua hai hòn đảo chính thuộc Okinawa.

Việc hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động gây nhiều lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, về việc Bắc Kinh tăng cường quân sự tại châu Á. Trung Quốc đang chế tạo các tàu ngầm, tàu chiến và hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm mới, trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân. Hồi tháng 8, Bắc Kinh cũng đã cho hạ thủy thử nghiệm hàng không mẫu hạm đầu tiên, được tân trang từ một tàu sân bay mua lại của Nga.

Trong năm qua, Trung Quốc đã có những tranh cãi về lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Những sự cố như va chạm tàu, xâm nhập lãnh hải…tuy nhỏ nhưng cũng đã gây nên những phản ứng ngoại giao gay gắt. Tình hình căng thẳng kéo dài tại Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải vận chuyển đến 5.000 tỉ đô-la hàng hóa, và các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei cùng đòi hỏi chủ quyền.

Một viên chức Mỹ tháp tùng ông Obama trong hội nghị ở Indonesia cho biết, ông cảm thấy được khích lệ bởi các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo ASEAN về vấn đề an ninh trên biển, một chủ đề mà Bắc Kinh hy vọng sẽ nằm ngoài chương trình nghị sự. Tổng thống Hoa Kỳ khi được Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gián tiếp khuyến cáo Washington nên đứng ngoài các tranh chấp trong khu vực, đã đáp lại là Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng các tuyến đường hàng hải phải được thông thương và hòa bình.

Theo báo chí chính thức của Trung Quốc, thì việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh là để tương xứng với vị thế đang lên của Bắc Kinh, là bước cần thiết trong nỗ lực bảo vệ các lợi ích của nước này trong quá trình toàn cầu hóa.

tags: Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ - Quân sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111123-gehat-dhbp-fr-gnc-gena-unv-dhna-b-gunv-ovau-qhbat-gebat-gunat-11
 
 

Người biểu tình Ai Cập bác bỏ các đề nghị của quân đội

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay (23/11/2011), hàng ngàn người biểu tình tiếp tục chiếm lĩnh quảng trường Tahrir ở Cairo để đòi hỏi các tướng lãnh đang cầm quyền phải ra đi, cho dù Thống chế Hussein Tantaoui đã hứa hẹn sẽ chuyển giao quyền lực lại cho Tổng thống sẽ được bầu lên vào giữa năm tới.

Lần đầu tiên, các bác sĩ chính thức công nhận là có trường hợp tử vong do trúng đạn thật, trong các cuộc xung đột làm cho ba người chết vào sáng nay, đưa con số những người bị thiệt mạng từ thứ Bảy tuần trước đến nay lên 33 người. Các vụ xô xát tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố Ai Cập, và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra « nhanh chóng, khách quan và độc lập ».

Những người biểu tình cũng như giới trí thức và báo chí đều tỏ ra không hề tin tưởng những lời hứa của Thống chế Tantaoui, vốn là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống đã bị lật đổ Hosni Mubarak. Thông tín viên của RFI tại Cairo, Alexandre Buccianti cho biết thêm chi tiết :

" Đối với Hazem Abou Ismaïl, lãnh đạo phe Hồi giáo silafist, bài diễn văn của Thống chế Tantaoui chỉ là « những lời nói rỗng tuếch ». Một ứng cử viên tổng thống khác là ông Mohamed al-Baradei đã kêu gọi « chấm dứt việc tàn sát ». Nhà thơ Tamim al-Barghouthi thì chất vấn quân đội : « Các vị còn cần bao nhiêu cái chết nữa, và bao nhiêu viên đạn chì bắn vào mắt những người biểu tình nữa, trước khi ra đi ? ». Nhà văn Alaa al-Aswani cho rằng : « Cách mạng không phải chỉ để thay thế một Tổng thống bằng một Bộ trưởng Quốc phòng ».

Nhật báo Al-Asharq al-Awsat số ra ngày hôm nay, thứ Tư 23/11, chạy tựa : « Quảng trường Tahrir luôn phẫn nộ », trong khi tờ Al-Quds al-Arabi nói về « Chiến thắng thứ hai của cuộc cách mạng », khi đã đạt được một số yêu sách. Nhiều bài xã luận quay lại với « Các sai lầm trong tính toán của đảng Huynh đệ Hồi giáo » - khi đã không tham gia vào các cuộc biểu tình tại quảng trường Tahrir, vì cho rằng sẽ thất bại khi không có đảng của họ.

Nhưng những lời tố cáo ý nghĩa nhất từ truyền thông đại chúng, là những hình ảnh thô bạo được các kênh truyền hình tư nhân Ai Cập phát đi : khuôn mặt đẫm máu của những người biểu tình bị những viên đạn chì ghim vào. Đây là một bằng chứng hiển nhiên trái ngược với những lời tuyên bố của cảnh sát và quân đội, vẫn chối cãi là họ chưa bao giờ bắn vào người biểu tình, và đã cố gắng kìm chế tối đa. "

tags: Ai Cập - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111123-gnv-nv-pnc-auhat-athbv-ovrh-gvau-onp-ob-pnp-qr-atuv-phn-dhna-qbv
 
 

Khieu Samphan chế giễu bản luận tội của Tòa án quốc tế xét xử Khmer Đỏ

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay (23/11) tại phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ ở Phnom Penh, cựu lãnh tụ Khmer Đỏ Khieu Samphan đã tố cáo bản luận tội của công tố viên là « chuyện cổ tích thần tiên », còn luật sư của ông ta thì nhạo báng, đây là một «cuốn tiểu thuyết » tách rời thực tế lịch sử.

Khieu Samphan, người đứng đầu nhà nước « Campuchia Dân chủ » tức Khmer Đỏ trước đây, khẳng định rằng ông ta đứng bên ngoài tập đoàn quyền lực Pol Pot, và không hề hay biết gì về thảm kịch diễn ra trên đất nước này.

Ông Khieu Samphan tuyên bố : « Dường như mọi người đều lắng nghe câu chuyện cổ tích của các vị. Tôi có cảm tưởng là các vị muốn đầu tôi rơi trên máy chém. Dù các vị có thích như vậy hay không, thì đại đa số nhân dân Cam Bốt đều ủng hộ chúng tôi chống lại chế độ Lon Nol ».

Từ hôm thứ Hai, Khieu Samphan phải ra trước tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ, để trả lời về các tội danh diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Cùng ra tòa với ông ta là cựu lãnh tụ số hai của Khmer Đỏ Nuon Chea, và cựu Ngoại trưởng của chế độ Pol Pot là Ieng Sary, cả ba nay đều ở lứa tuổi 80.
Phiên tòa được mở ra sau nhiều năm gặp rắc rối về thủ tục trong lúc các bị cáo đều đã lớn tuổi, được xem là cơ hội cuối cùng để các nạn nhân của chế độ diệt chủng có thể hiểu được những gì đã dẫn đến việc hai triệu người Cam Bốt bị thảm sát. Nhưng thực tế cho thấy điều này không dễ dàng, và một trong các bị cáo là cựu bộ trưởng Ieng Thirith, vợ của Ieng Sary đã được miễn truy tố vì bị tâm thần.

Nuon Chea tố cáo Việt Nam là nguyên nhân của mọi thảm kịch tại Cam Bốt. Ieng Sary cố nêu ra việc ông ta đã được quốc vương Sihanouk khoan hồng hồi năm 1996, nhưng đã thất bại. Còn Khieu Samphan tỏ ý chí quyết đấu, với sự hỗ trợ của luật sư Pháp Jacques Vergès, vốn từng biện hộ cho nhà độc tài Serbia Slobodan Milosevic và tên tội phạm chiến tranh quốc xã Klaus Barbie. Vị luật sư này nhạo báng bản luận tội của các công tố viên là « một tiểu thuyết tuyệt vời của Alexandre Dumas », cho đây là một « cách nhìn ảo tưởng xa rời thực tế ».

Hôm thứ Hai và thứ Ba, hai công tố viên đã nêu ra « tính cách vô nhân đạo » của việc cưỡng bức người dân rời bỏ thành phố, « các điều kiện không thể chịu đựng được » tại các trại cải tạo lao động, cho rằng các bị cáo là « những kẻ sát nhân thô bạo của cả một thế hệ người Cam Bốt ». Công tố viên Chea Leang tố cáo chế độ Khmer Đỏ đã biến Cam Bốt thành một trại nô lệ khổng lồ, áp đặt lên toàn bộ dân tộc một hệ thống mà sự tàn bạo của nó cho đến nay vẫn ngoài sức tưởng tượng.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Tư pháp quốc tế
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111123-xuvrh-fnzcuna-pur-tvrh-ona-yhna-gbv-phn-gbn-na-dhbp-gr-krg-kh-xuzre-qb-yn-=25P2=25NO-puhlra-g 
 

Miến Điện đối thoại với các lực lượng thiểu số nổi dậy

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 

Sau khi tỏ thái độ tích cực với Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ của nhà đối lập Aung San Suu Kyi, chính quyền Miến Điện nay đang muốn tiến hành đối thoại với các lực lượng dân tộc thiểu số. Hôm thứ Bảy 19/11/2011, một phái viên chính phủ đã gặp gỡ nhiều nhóm vũ trang thiểu số tại biên giới Thái Lan.

Mục tiêu của cuộc gặp gỡ giữa chính quyền Miến Điện với các nhóm vũ trang thiểu số là chuẩn bị khởi đầu cho một cuộc thương lượng hòa bình trong tương lai. Miến Điện có hơn 135 dân tộc thiểu số, nhưng do mãi từ năm 1931 cho đến nay chưa có cuộc điều tra dân số nào, nên hiện không rõ số lượng người của mỗi dân tộc là bao nhiêu.

Tộc người quan trọng nhất là Bamar chiếm hai phần ba dân số – các tướng lãnh đang nắm quyền trong chính phủ thuộc tộc này. Sau đó là các tộc người Shan, Karen, Chin và Rakhin. Theo nhật báo Miến Điện The Irrawady, ba trong số các tộc người trên đã chấp nhận ngưng bắn vào hôm 19/11, nhưng chưa ký kết gì với chính phủ, trong lúc các cuộc xung đột vẫn tiếp tục tại miền đông và miền bắc từ vài tháng qua.

Cuộc chiến giữa các lực lượng dân tộc thiểu số với chính quyền trung ương đã diễn ra từ 60 năm qua, do bị từ chối cho tự trị về hành chánh. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền hàng năm vẫn tố cáo tội ác của quân đội Miến Điện đối với người dân sắc tộc thiểu số như tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức di dời, sát hại, phá hủy làng mạc, cưỡng bức lao động …

Hiện nay Tổng thống Thein Sein đang cố « tạo dựng lòng tin », nhưng ông cho biết vẫn còn rất lo ngại các nhóm này đòi ly khai. Các sắc tộc thiểu số muốn được cho thêm quyền và được tự trị, còn phương Tây thì luôn đòi hỏi Miến Điện chấm dứt sử dụng bạo lực đối với các dân tộc thiểu số, trước khi bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

tags: Châu Á - Miến Điện

http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111123-puvau-dhlra-zvra-qvra-qbv-gubnv-ibv-pnp-yhp-yhbat-guvrh-fb

Mỹ : không giảm nhẹ ngay việc trừng phạt Miến Điện

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Mười Một 2011 
 
Hoa Kỳ không có ý định giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Miến Điện ngay lập tức, cho dù chuyến viếng thăm lịch sử của Ngoại trưởng Clinton sẽ diễn ra trong tuần tới. Hãng tin AFP trích lời một viên chức cao cấp Mỹ hôm qua 22/11/2011 đã cho biết như trên.

Ông Ben Rhodes, trợ lý cố vấn phụ trách vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama cho báo chí biết, « hãy còn quá sớm » để thảo luận về việc giảm nhẹ các biện pháp cấm vận Miến Điện, trong lúc bà Clinton tìm cách có được những cam kết về nhân quyền và vấn đề dân tộc thiểu số. Chuyến viếng thăm Rangoon đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ kể từ nửa thế kỷ qua, là dịp để thúc đẩy thêm những tiến bộ đã đạt được, nhưng trước mắt không dự kiến bãi bỏ cấm vận.

Xin nhắc lại, hôm thứ Sáu tuần trước, ông Obama trong khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Á tại Indonesia đã loan báo, bà Hillary Clinton sẽ thăm Miến Điện vào đầu tháng 12. Ông nói rằng đã thấy « những tia sáng tiến triển » tại nước này, và biểu dương các « biện pháp quan trọng » mà Tổng thống Thein Sein đã áp dụng, đặc biệt trong việc đối thoại với phe đối lập.

Từ năm 2009, Tổng thống Hoa Kỳ đã đề nghị Ngoại trưởng Clinton nghiên cứu khả năng xem xét lại chiến lược cô lập nhà cầm quyền quân sự Miến Điện, vì chủ trương trên đã khiến đất nước giàu tài nguyên này rơi vào tay Trung Quốc.

Về phía Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton khi trả lời phỏng vấn đài CNN đã cho biết, chuyến công du của bà nhằm « thử nghiệm các ý định thực sự » của chế độ. Bà nói : « Dường như đã có một sự cởi mở, nhưng ở chừng mực nào, và sẽ dẫn đến đâu ? Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn nữa ».

tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Miến Điện
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111123-zl-xubat-pb-l-qvau-tvnz-aur-atnl-pnp-ovra-cunc-gehat-cung-zvra-qvra 
 

Hoa Kỳ và Trung Quốc thách thức nhau tại châu Á - Thái Bình Dương

Bài đăng : Thứ hai 21 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 21 Tháng Mười Một 2011 
« Trung Quốc và Hoa Kỳ thách thức nhau ở châu Á », đó là tựa đề bài viết trên nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay. Tờ báo nhấn mạnh, việc Washington quay lại châu Á – Thái Bình Dương đã đụng chạm đến tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.

Đặc phái viên của Le Monde tại Bali nhận xét, mọi việc diễn ra giống như là một dạng chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên cái nền tranh giành ảnh hưởng tại châu Á. Sự cạnh tranh này diễn ra ngay cả trước thời điểm hội nghị thượng đỉnh Đông Á  tại Bali, với sự tham gia của cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Le Monde nhận định, sự kiện lần đầu tiên có sự hiện diện của một Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á cho thấy Hoa Kỳ coi khu vực này là quan trọng và muốn gắn bó chặt chẽ.
Bên cạnh những bất đồng trên các lãnh vực khác, nay Mỹ và Trung Quốc còn ganh đua nhau ở Đông Nam Á, nơi là tuyến giao thương của một phần ba tổng lượng hàng hóa trên toàn cầu, và phân nửa nguồn cung dầu khí. Điều này gần đây lại còn thấy rõ hơn nữa qua việc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực. Hoa Kỳ muốn can dự vào, cho rằng những gì diễn ra ở Thái Bình Dương cũng là vấn đề của Mỹ. Còn Trung Quốc nhấn mạnh, cần giải quyết song phương với các quốc gia liên quan. Và thế là bế tắc.

Le Monde cho biết Trung Quốc đang tranh chấp với bốn quốc gia ASEAN : Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và có thêm Đài Loan. Trung Quốc và Đài Loan khẳng định toàn bộ Biển Đông thuộc về mình, còn bốn nước kia đòi hỏi chủ quyền của một phần các quần đảo chiến lược có thể giàu tài nguyên dầu khí, là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tình hình đặc biệt căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Việt Nam, Philippines. Hai nước này trong cuộc « thánh chiến » chống lại Bắc Kinh, hồi đầu tuần đã đề nghị các nước ASEAN hợp thành một « mặt trận thống nhất » trước Trung Quốc. Nhưng sáng kiến này được đón nhận một cách lạnh nhạt, vì các nước trong khu vực đều lo ngại cái bóng của Trung Quốc và ý thức được sự lệ thuộc kinh tế của mình với người láng giềng khổng lồ phương bắc.

Việc Hoa Kỳ xem hội nghị ASEAN là nơi chốn thích hợp để thảo luận về vấn đề « an ninh trên biển » đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt. Từ Bali, ông Ôn Gia Bảo phát biểu trước các nguyên thủ khu vực : « Các lực lượng bên ngoài không thể biện minh cho việc dẫm chân vào đây ». 

Le Monde ghi nhận là trong tuần này Washington đã hai lần khiêu khích Bắc Kinh. Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trên một chiến hạm hôm 16/11 đã cam kết Mỹ sẽ ủng hộ Philippines trước « các thử thách mới của thế kỷ 21 ». Bà Clinton tuyên bố : « Tất cả các quốc gia đều có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình, nhưng không có quyền đe dọa và áp bức ». Tuy không nói thẳng ra, nhưng rõ ràng ám chỉ thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngay hôm sau, Tổng thống Barack Obama loan báo gởi 2.500 thủy quân lục chiến đến Úc. Theo ông, « Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ đóng một vai trò rộng lớn hơn, nhắm vào mục tiêu lâu dài » tại khu vực này. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả ngay : « Việc tăng cường và mở rộng các liên minh quân sự là không thích hợp ». Tờ báo dẫn thêm nguồn tin từ AFP cho biết, cuộc gặp song phương giữa ông Obama và Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị Đông Á đã không có một thông tin nào được đưa ra sau đó, chứng tỏ mọi việc không hề suông sẻ.

Sau những năm bị ông Bush bỏ quên, nay việc Hoa Kỳ quay lại vùng Viễn Đông, theo Le Monde là nhờ đã rảnh tay ở Irak và Afghanistan. Philip Golub, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Mỹ ở Paris cho rằng : « Trước các hạn chế về ngân sách và chiến lược, Hoa Kỳ đang tái cấu trúc lại lực lượng quân sự của mình trên toàn cầu. Tuy vẫn duy trì sự hiện diện quan trọng trong vùng vịnh Ả Rập - Persique, cái nhìn của Mỹ nay đang hướng về châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này được người Mỹ xem là trung tâm kinh tế quan trọng mới của thế giới, và điều này là chính xác ». 

Các nước Đông Nam Á hoan nghênh việc « chiếc dù » Mỹ lại mở ra bao trùm khu vực, có thể giúp chặn đứng sức mạnh đang lên của Bắc Kinh. Nhưng một số nước cũng lo ngại hậu quả của việc này. Indonesia có ký hiệp ước « đối tác chiến lược » với Washington năm 2010, nhưng Ngoại trưởng nước này tại Bali đã cảnh báo « những diễn biến có thể gây ra một loạt phản ứng và hậu quả ». Thủ tướng Malaysia lo ngại về mọi sáng kiến có thể ảnh hưởng đến « hòa bình và ổn định ». Còn Ngoại trưởng Singapore e ngại mối nguy bị kẹt giữa các « lợi ích khác biệt » của các cường quốc đối địch.

Le Monde kết luận, tuyên bố trên đây phản ánh thế khó xử của các nước Đông Nam Á. Một khu vực có tổng sản phẩm nội địa 1.600 tỉ đô la với trên 600 triệu dân, khó thể tránh khỏi bị cuốn hút vào vòng xoáy của « cuộc chơi lớn » Mỹ - Trung.

Bài báo của La Croix mang tựa đề « Washington tự đặt mình làm đối trọng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á » cũng có các nhận định tương tự. Tờ báo nói thêm, việc Hoa Kỳ nhân thời điểm này loan báo chuyến viếng thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Clinton, như đã gởi một thông điệp cho Bắc Kinh thấy Trung Quốc không độc quyền thao túng tại đây.

Các triệu phú Trung Quốc không muốn ở lại đất nước

Cũng liên quan đến Trung Quốc, một bài phân tích trên Le Monde mang tựa đề « Điều làm các triệu phú phải bỏ đi » nói về một nghịch lý. Trong khi thế giới đang hướng về một Bắc Kinh đang cất cánh về kinh tế, thì những nhà giàu mới tại đây chỉ nghĩ đến việc bỏ sang phương Tây sinh sống.

Đây là kết quả một công trình nghiên cứu do Ngân hàng Trung Quốc và Hurun Report tiến hành, được công bố vào đầu tháng 11. Theo thăm dò 980 nhà triệu phú có trên 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,1 triệu euro, thì gần phân nửa cho biết đã nghĩ đến việc ra nước ngoài định cư, 14% đã hoặc đang làm việc này.

Đâu là các nguyên nhân ? Theo Le Monde, đó là con cái nhà giàu cũng phải hít thở không khí ô nhiễm như con nhà nghèo, số tiền bạc triệu của cha mẹ các em không thay đổi được gì cả. Chính sách mỗi gia đình chỉ có một con cũng áp dụng cho các gia đình giàu có. Trong số các lý do khác, có thể kể : hệ thống giáo dục cứng nhắc, hệ thống y tế thiếu thốn, và không có một khuôn khổ pháp lý vững vàng.

Ai sẽ xét xử Saif al-Islam ?

Liên quan đến vụ Saif al-Islam Kadhafi bị bắt, nhiều tờ báo cùng quan tâm đến số phận của con trai nhà cựu độc tài Libya. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là : Ai sẽ xét xử người con của đại tá Kadhafi ?

La Croix trích lời một chuyên gia về luật pháp cho biết, trên nguyên tắc thì Saif al-Islam phải được dẫn độ ra Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI), nhưng chính quyền Libya từ chối. Và thật ra, CPI chỉ có thể xét xử các tội phạm chống nhân loại hay tội diệt chủng khi nào quốc gia liên quan không có ý định, hoặc không có phương tiện và khả năng tiến hành điều tra đến nơi đến chốn, hay tổ chức một phiên tòa công minh.

Đã hẳn rằng Libya có điều kiện hơn trong việc thu thập các chứng cứ, nhưng không chắc rằng người Libya có thể tránh được khuynh hướng trả thù. Libya cũng là nước có nền tư pháp hết sức lỏng lẻo, sau nhiều năm dài dưới chế độ Kadhafi. Do vậy theo chuyên gia này, cần phải thông qua một đạo luật thành lập một tòa án hỗn hợp gồm các thẩm phán người Libya và nước ngoài, Ả Rập và không Ả Rập. Tòa án Hình sự Quốc tế cũng cần hỗ trợ xây dựng nên một nhà nước pháp quyền. Một phiên tòa nghiêm chỉnh diễn ra tại Libya, tôn trọng quyền bào chữa và không áp dụng án tử sẽ là một thông điệp tốt đẹp cho người Libya và thế giới Ả Rập.

Tây Ban Nha xoay chiều

Nhìn sang nước láng giềng Tây Ban Nha, báo Le Figaro trong bài xã luận đã nhận định, Tây Ban Nha có nhiều điểm mạnh so với Ý và Hy Lạp. Trước hết, tân chính phủ cánh hữu nước này có thời gian rộng rãi hơn với nhiệm kỳ trước mắt, và một đa số trong Quốc hội để có thể tiến hành các chính sách khắc khổ mà ít bị trở ngại.

Bên cạnh đó, Tây Ban Nha còn có ngành công nghiệp du lịch thịnh vượng, lãnh vực xuất khẩu cũng chống chọi tốt trước khủng hoảng. Còn đối với nước Pháp, một đồng minh mới như Madrid để hợp sức với Paris trong những cuộc đối thoại nhiều khi rất gay go trước Berlin cũng là một viễn cảnh tốt đẹp. Theo tờ báo, Tây Ban Nha có thể sẽ là một người bạn mới quý hóa của Pháp tại châu Âu cũng như vùng Địa Trung Hải.

Thời sự nước Pháp : Chủ đề chính của các báo hôm nay

Trang nhất các nhật báo xuất bản tại Paris hôm nay hầu hết dành cho thời sự nước Pháp. Trong lãnh vực chính trị, tờ Le Monde chú ý đến phe cực hữu Pháp, với hàng tựa : « Marine Le Pen muốn tái thúc đẩy chiến dịch tranh cử như thế nào », nói về việc chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, đưa ra các đường hướng chính trong kế hoạch tranh cử tổng thống.

Nhật báo Libération chơi chữ : « Schizo Sarko », với tấm ảnh trên trang nhất là chân dung của đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được tách làm hai mảng. Tờ báo cánh tả cho rằng, việc tỉ lệ tín nhiệm của ông Sarkozy đang tăng lên không che đậy được cái thế khó xử trong chiến dịch tranh cử của ông, đó là ngả theo xu hướng cánh hữu hay cánh trung ?

Về mặt kinh tế, nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa : « Kỹ nghệ xe hơi : Sarkozy cùng điều khiển về phía đổ vỡ ». Theo tờ báo, thì trường hợp tập đoàn PSA sa thải hàng loạt công nhân là minh họa cụ thể cho thấy sự thông đồng giữa chính phủ và giới chủ dẫn đến nguy cơ xuống dốc của ngành công nghiệp này. Nhìn rộng hơn, Les Echos đưa tít trang nhất:  « Các kế hoạch gây lo ngại làm cho công ăn việc làm giảm xuống». Tờ báo kinh tế cho biết, sau công nghiệp xe hơi và ngân hàng, các lãnh vực khác đang bị các kế hoạch tái cơ cấu đe dọa. Các nghiệp đoàn sẽ tổ chức các hoạt động phản đối kế hoạch khắc khổ vào ngày 13/12 tới.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro quan tâm đến « Tây Ban Nha : ngọn triều cánh hữu », khi đảng Nhân Dân đoạt được đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Đây là một thất bại nặng nề cho đảng PSOE của ông Zapatero. Còn nhật báo công giáo La Croix nói về « Hy vọng châu Phi của Đức giáo hoàng Benedicto thứ 16 ». Trong chuyến đi Bénin, Ngài đã tán dương sức sống của châu lục này, và kêu gọi nên nhìn thẳng vào các khó khăn trước mặt.

tags: ASEAN - Biển Đông - Châu Á - Chính trị - Hoa Kỳ - Quân sự - Quốc tế - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111121-ubn-xl-in-gehat-dhbp-gunpu-guhp-aunh-gnv-qbat-anz-n 

dimanche 20 novembre 2011

Bầu cử chưa dân chủ nên mới có các đại biểu Quốc hội không đủ trình độ

Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Mười Một 2011 
 
Dư luận trong nước hiện đang bức xúc trước việc một số đại biểu trong Quốc hội kỳ này có trình độ chưa xứng tầm để đại diện cho nhân dân, cũng như hành động vì lợi ích nhóm hoặc từ các động cơ riêng, thay vì để bảo vệ lợi ích của người dân.

Vừa qua dư luận trong nước hết sức xôn xao vì phát biểu của đại biểu Huỳnh Hữu Phước tại Quốc hội, đề nghị loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật. Ông này đưa ra nhiều lập luận và dẫn chứng mà nhiều người cho là sai lạc, và theo ông thì do dân trí Việt Nam còn thấp, nên không cần có luật biểu tình.

Trước đó dư luận cũng đã từng bức xúc vì một đại biểu, trong khi các luật cần thiết cho đời sống chưa có, lại muốn đưa ra luật nhà văn, nhà thơ. Và cũng có đại biểu do đang có nhiều thắc mắc về tư cách, đã đề nghị luật bảo vệ quyền riêng tư. Nhìn chung, người dân tỏ ra bất bình trước một số đại biểu trong Quốc hội kỳ này có trình độ chưa xứng tầm để đại diện cho nhân dân, cũng như hành động vì lợi ích nhóm hoặc từ các động cơ riêng, thay vì để bảo vệ lợi ích của người dân.

Chúng tôi đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng tại TPHCM về vấn đề này.

Luật gia Lê Hiếu Đằng - Thành phố Hồ Chí Minh
 
20/11/2011
 
 
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, ông nghĩ thế nào về việc vừa rồi có một đại biểu Quốc hội cho rằng không nên có Luật biểu tình vì dân trí Việt Nam còn thấp ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Tôi rất là bất bình, vì ông Phước là đại biểu của đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, thành ra có thể nói Thành phố Hồ Chí Minh rất xấu hổ khi có một đại biểu Quốc hội mà trình độ yếu như vậy. Từ nhận thức cho đến cách đặt vấn đề vừa không phù hợp với trào lưu tiến bộ hiện thời, vừa không hợp với nhu cầu hiện nay của người dân Việt Nam. Do đó có thể nói rằng đó là một tiếng nói hết sức lạc lõng. Bằng chứng là sau khi ông ấy phát biểu rồi thì nhiều người điện thoại đến tôi tỏ sự bất bình về việc đó, cũng như có những ý kiến của các đại biểu Quốc hội khác cũng có nói trở lại như anh Dương Trung Quốc, anh Trương Trọng Nghĩa.

Nhưng đặc biệt là trên mạng, người ta dùng những lời rất nặng nề đối với ông Phước. Điều này chứng tỏ rằng ông ta đã đi ngược lại đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân hiện nay. Đó là phải thực thi dân chủ, thực hiện những quyền cơ bản của người dân đã được luật pháp quy định. Chứ không thể nói rằng – và nói như vậy rất là hàm hồ - là dân trí của Việt Nam thấp. Ngay trong việc sử dụng internet thì quốc tế người ta cũng thừa nhận Việt Nam là một trong những nước mà người dân sử dụng internet rất nhiều, chiếm tỉ lệ rất cao. Điều đó cũng nói lên việc người dân rất quan tâm đến tình hình hiện nay. Và người ta cũng hiểu rằng muốn làm chủ đất nước thì phải có sự am hiểu pháp luật, phải hiểu được những quyền luật định của mình, để hành xử theo luật. Chúng tôi cho rằng việc ông Phước nói dân trí Việt Nam thấp là hoàn toàn không đúng với sự thật. Nói như vậy rất xúc phạm đến các tầng lớp nhân dân Việt Nam. 

Điểm thứ hai nữa là, thật ra tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại Hà Nội, dù chưa có Luật biểu tình, nhưng dân người ta vẫn ý thức rằng khi có một vấn đề gì liên quan đến đất nước – ví dụ việc Bắc Kinh luôn luôn bách hại nhân dân, gây hấn vân vân – thì nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở Hà Nội đi biểu tình. Thành ra tôi nghĩ rằng dù có Luật biểu tình hay không, thì người dân Việt Nam khi cần thiết cũng biểu lộ thái độ của mình đối với tình hình đất nước hiện nay.

Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, thật ra chúng tôi khi đi biểu tình, hay có thái độ đối với những vấn đề của đất nước, là cũng xuất phát từ nhu cầu bức xúc hiện nay, xuất phát từ lòng yêu nước, muốn cho nước Việt Nam mình được tôn trọng, muốn cho đất nước Việt Nam phát triển. Do đó ông Phước với phát biểu của ông ta hoàn toàn đi ngược lại dòng chảy hiện nay trên thế giới là dân chủ, tiến bộ, và đi ngược lại đòi hỏi của người dân Việt Nam. Ông ta không xứng đáng là đại biểu Quốc hội, là đại diện cho tiếng nói của người dân thành phố !

RFI : Có lẽ ông đại biểu này không ý thức được là Luật biểu tình đã được Hiến pháp công nhận, chỉ cần được cụ thể hóa. Và trước đây cũng có một đại biểu đã đề nghị Luật nhà văn, nhà thơ, nhưng sau đó lại nói là mình cũng không hiểu tại sao lại cần có luật đó. Thưa ông, vậy ông có nhận định như thế nào về chất lượng của đại biểu Quốc hội lần này ?

L.H.Đ. :Tôi cũng rất buồn là vì ngoài ông Phước ra, thì cũng có đại biểu Quốc hội đặt ra những vấn đề không phải là cấp thiết đối với cuộc sống của người dân, hay đối với tình hình đất nước hiện nay. Ví dụ đại biểu này đề nghị là phải làm Luật nhà văn, trong khi những luật quan trọng như Luật trưng cầu dân ý hay Luật lập hội rồi Luật biểu tình v.v…Những luật nhằm cụ thể hóa các quyền dân chủ đã được ghi trong Hiến pháp thì lại không bàn đến, không được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội.

Điều đó chứng tỏ rằng, đúng là chất lượng của một số đại biểu Quốc hội là rất yếu. Mà điều này tôi không ngạc nhiên đâu ! Bởi vì cái cách bầu cử hiện nay của Việt Nam nó hạn chế quyền lựa chọn của người dân rất nhiều. Do người ta sàng lọc trước rồi, người dân chỉ có việc là đến ngày bầu cử thì đi bầu thôi. Chứ còn cái quá trình mà các ứng cử viên tranh luận rồi trình bày chương trình hành động của mình, để mà người dân có cơ sở chọn lựa, thì gần như không có, chỉ là hình thức thôi. Có trình bày trên ti-vi rồi báo chí, hoặc ở khu dân cư, cũng chỉ là hình thức. Chứ không có một cái không khí tranh cử một cách sôi nổi, như các kỳ bầu cử ở các nước. 

Chính cái việc này nó đã hạn chế, làm cho có những người cơ hội, những người trình độ kém, nhưng được gọi là « tin cậy » - tức là không có chính kiến gì cả, chỉ tuân thủ những ý kiến này kia của những người lãnh đạo khác, thì lại được lựa chọn để giới thiệu. Trong khi đó, những đại biểu mà thẳng thắn trình bày chính kiến của mình, những đại biểu có trình độ, có năng lực thì lại không được giới thiệu ra. Và trong một cơ chế như vậy thì người ta cũng chẳng tha thiết gì vấn đề tự ứng cử.

Sở dĩ Quốc hội mà có những đại biểu như kiểu ông Phước hay là một số ông khác, thì rõ ràng là do cái cách bầu cử của chúng ta như vậy, thì tất yếu sẽ có những đại biểu kém chất lượng như thế thôi ! 

RFI : Thưa ông, một vấn đề nữa trong Quốc hội Việt Nam hiện nay là vấn đề lợi ích nhóm có phải không ạ?

L.H.Đ. : Vấn đề lợi ích nhóm hiện nay là có thật trong tình hình chính trị của Việt Nam, mà nhiều tờ báo, nhiều người cũng có lên tiếng. Nhất là những người mà nắm các tập đoàn kinh tế, nắm những cơ quan kinh tế thì có thể nói là có ảnh hưởng rất nhiều đến Quốc hội, đến tiếng nói của Quốc hội.

Cái này thì không thể loại trừ được đâu, nếu chúng ta không thực hiện dân chủ thật sự, để có những người dám đấu tranh lại với những người có biểu hiện vì lợi ích của nhóm, mà không đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên. Thì mình phải đấu tranh quyết liệt với loại người này mới được.

Chứ nếu mà chúng ta không có những con người dũng cảm để đấu tranh với khuynh hướng này trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay, thì chúng tôi nghĩ rất là nguy hại. Nó hình thành những quyền lợi nhóm, từ đó ảnh hưởng đến các chính sách, mà các chính sách này dứt khoát sẽ đi ngược lại lợi ích chính đáng của người dân.

Vì vậy mà chúng tôi nghĩ, cách tốt nhất để loại trừ số này ra, thì phải thực hiện dân chủ thật sự trong bầu cử, dân chủ thực sự trong việc tôn trọng các quyền của người dân. Để người dân sau khi giành được độc lập rồi, thì phải có quyền tự do làm chủ đất nước mình một cách thực sự chứ không phải là hình thức.

Tôi cho rằng bây giờ Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc vẫn còn là hình thức. Nói thẳng ra là chưa đại diện tiếng nói của người dân. Tất nhiên là trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, hay nhiều vị nhân sĩ trí thức trong Mặt trận cũng đã nói lên tiếng nói trung thực, thẳng thắn của mình, nhưng mà số này rất ít.

Vì vậy có thể nói hiện nay ở Việt Nam, vấn đề dân chủ đang trở thành một vấn đề cấp bách. Nếu không thực hiện được dân chủ thì không thể nào phát triển được đất nước. Nếu không thực hiện dân chủ, tình hình kinh tế xã hội sẽ trì trệ, và bao nhiêu thành quả đạt được sẽ rơi vào tay từng cá nhân, từng nhóm người. Chứ người dân không được thụ hưởng thành quả kinh tế đó theo đúng cái sức lực, trí tuệ của mình đã bỏ ra. Và đó là điều hết sức đáng lo ngại.

RFI : Thưa ông, hình như hiện giờ đa số đại biểu Quốc hội là đang kiêm nhiệm các chức vụ khác?

L.H.Đ. : Đúng rồi, hiện nay Quốc hội chúng ta đa số là kiêm nhiệm chứ không phải là đại biểu chuyên trách, và hầu hết là đảng viên. Do đó mà không có điều kiện để tiếp cận với quần chúng, không có thời gian để đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Và do đó hoạt động của Quốc hội sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Một Quốc hội cần phải có, là một Quốc hội chuyên trách. Có nghĩa là gồm những nhà chính trị, những nhà hoạt động kinh tế xã hội – chúng ta hay nói là những chính khách, những chính trị gia - để chuyên lo về việc đó. 

Tôi nói ví dụ ngay việc làm luật, lẽ ra là do Quốc hội làm. Quốc hội phải có những ủy ban soạn thảo luật pháp, chứ không phải là giao cho các bộ, ngành của chính phủ dự thảo rồi đưa trình ra Quốc hội. Muốn như vậy thì phải có các đại biểu chuyên trách. Và theo tôi, một đại biểu nào hay một người nào mà có chân trong chính quyền rồi, nếu đắc cử đại biểu Quốc hội, thì người đó phải từ nhiệm để là người đại biểu chuyên nghiệp, mới có thời gian để mà soạn thảo luật pháp, thời gian giám sát, thời gian hoạt động cho Quốc hội. Như vậy thì Quốc hội đó mới thực sự có hiệu quả.

Thí dụ như ngay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thấy sự cần thiết có Luật biểu tình, nhưng lại giao cho Bộ Công an soạn thảo, thì lại không thỏa đáng. Cần thiết phải có Luật biểu tình để cụ thể hóa một cái quyền của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng mà nếu giao cho một bộ, ngành của chính phủ thì các cơ quan này có khuynh hướng làm ra các bộ luật hạn chế các quyền dân chủ của người dân để cho dễ quản lý. 

Do đó hiện nay Quốc hội đại bộ phận còn là kiêm nhiệm, thì sẽ không làm tròn được nhiệm vụ của một Quốc hội thực sự là của dân và do dân.

RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với chúng tôi hôm nay.

tags: Bầu cử - Dân chủ - Phỏng vấn - Quốc hội - Việt Nam
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20111120-onh-ph-puhn-qna-puh-qnv-ovrh-dhbp-ubv-xubat-qh-gevau-qb