vendredi 9 décembre 2011

Nạn bắt cóc trẻ em : Thảm họa của Trung Quốc

Bài đăng : Thứ năm 08 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 08 Tháng Mười Hai 2011 
 
Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến việc « Trung Quốc gây chiến với bọn buôn bán trẻ em ». Hai đường dây lớn đã bị phá vỡ hôm qua trên 10 tỉnh, giải thoát được 178 trẻ em và bắt giữ 600 người liên quan.

Chiến dịch quy mô này đã huy động trên 5.000 công an từ nhiều tháng qua, giữa Tứ Xuyên và Phúc Kiến. Theo Bộ Công an Trung Quốc thì đây là « chiến thắng to lớn chưa từng thấy » trước bọn buôn người. Được tất cả các kênh truyền hình loan tải, mẻ lưới này cũng cho thấy khía cạnh đầy bi kịch của quy mô tệ nạn bắt cóc trẻ em.

Việc bắt cóc trẻ em để đem bán bắt đầu từ thập niên 1980, cùng với việc tự do hóa nền kinh tế và việc người dân được tự do lưu chuyển đến địa phương khác. Tuy nhiên hiện tượng này đã nhanh chóng đạt đến tầm cỡ của một thảm họa. Theo thống kê chính thức, thì hàng năm có khoảng 3.000 phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc tại Trung Quốc. Nhưng theo nhiều tổ chức tư nhân của nước này, thì có đến từ 70.000 đến 200.000 vụ bắt cóc trẻ em trai, gái và các cô gái trẻ.

Một nhà xã hội học cư ngụ ở Liêu Ninh, nhưng có sinh quán là Tứ Xuyên, một tỉnh có đến 100 triệu dân, phân tích : « Chính sách mỗi gia đình chỉ có một con được áp dụng từ năm 1979 đã gây ra tình trạng mất cân đối giữa nam và nữ. Nam nhiều hơn nữ, nên có những người đàn ông không lấy được vợ ».
Bọn buôn người đã tổ chức bắt cóc các thiếu nữ, thậm chí các em gái vị thành niên để bán cho những người đàn ông nông thôn, với giá tương đương từ 2.000 đến 4.000 euro, trong khi lương bình quân ở Trung Quốc là từ 150 đến 200 euro. Một doanh nhân nữ ở Hà Nam cho biết, chuyện trẻ em bị bắt cóc hay bị mua bán là chuyện cơm bữa, nhất là ở các làng quê nhỏ. Một phụ nữ 45 tuổi ở Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam nói rằng, do người chồng bỏ đi từ lâu, bà thấy cô đơn nên đã mua lại một bé gái ở làng kế cận. Con trai sẽ tốn rất nhiều tiền khi cưới hỏi, còn con gái thì sẽ được quà cáp của nhà trai.

La Croix nhận định, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, được áp dụng không đồng đều ở tầm quốc gia, có những bất công giữa thành thị và nông thôn, đã gây bất bình cho nhiều gia đình không có con hoặc chỉ có con gái. Theo truyền thống thì chỉ có con trai mới được xem là người nối dõi. Hiện tượng hàng trăm triệu người từ nông thôn ra các khu công nghiệp làm việc cũng khiến họ không thể chăm sóc con cái đến nơi đến chốn, làm cho các trẻ em này trở thành mồi ngon cho bọn buôn người. Trẻ em trai có thể bị bắt làm việc ở các mỏ than, còn các em gái bị buộc phải bán dâm.

Tờ báo nói thêm, từ khi Bắc Kinh ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về tội phạm xuyên quốc gia và nạn buôn người, sự hợp tác với hai quốc gia có đường biên giới chung là Việt Nam và Miến Điện đã tiến triển hơn. Nhiều đường dây buôn người đã bị phá vỡ tại Trung Quốc và hai nước láng giềng này, nơi có nhiều phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc để bán sang Trung Quốc.

Hồ sơ Biển Đông cũng nhạy cảm như Tây Tạng

Tuy không phải là đề tài chính, nhưng trang nhất của nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng ảnh lực lượng hải quân Trung Quốc trong bộ quân phục đại lễ màu trắng tham gia một buổi lễ tuyên thệ, dưới nền lá cờ đỏ rực. Ở trang trong, thông tín viên Le Figaro trong bài viết mang tựa đề « Bắc Kinh muốn một lực lượng hải quân « sẵn sàng chiến đấu tại châu Á – Thái Bình Dương » đã nêu ra sự kiện, trước việc Mỹ củng cố sự hiện diện trong khu vực, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ra lệnh cho hạm đội Trung Quốc phải hiện đại hóa.

Le Figaro cho rằng thời điểm được chọn để đưa ra lời tuyên bố trên không phải tình cờ, mà chỉ ít lâu sau vòng công du châu Á – Thái Bình Dương của ông Barack Obama. Tổng thống Mỹ đã khẳng định là Hoa Kỳ triển khai lực lượng trong khu vực « « để ở lại đó ». Ông đã thách thức Bắc Kinh khi ra sức vận động cho việc nêu ra các tranh chấp tại Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Bali. Sau đó Trung Quốc loan báo việc hải quân nước này tập trận tại Tây Thái Bình Dương, và chiếc hàng không mẫu hạm Thi Lang đã tiến hành đợt thử nghiệm thứ hai trên biển.

Việc ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh tầm quan trọng của hải quân diễn ra ngay trước cuộc gặp quân sự cấp cao Mỹ - Trung thường niên. Hôm qua, nhân vật số hai của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tướng Mã Hiểu Thiên, đã gặp gỡ Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Michele Flournoy. Cuộc hội đàm này không hề bị hủy, và cũng không bị hoãn lại, sau khi phía Mỹ thông báo tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, cho thấy cả hai bên đều không muốn cắt đứt kênh liên lạc quân sự này. Le Figaro nhắc lại trước đó, Hoa Kỳ đã có phản ứng trước tuyên bố của ông Hồ Cẩm Đào, cho rằng Bắc Kinh cần phải minh bạch khi tăng cường quân đội.

Tác giả bài báo nhận định, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vốn đang báo động trước tham vọng lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh, việc hải quân Trung Quốc diệu vũ dương oai sẽ làm tăng thêm quan ngại. Từ bán đảo Triều Tiên cho đến Biển Đông, thái độ hung hăng của Bắc Kinh đã gây nên một số rắc rối nghiêm trọng. Trong những tuần lễ gần đây, giữa Bắc Kinh với Việt Nam và Philippines vẫn căng thẳng.

Một quan sát viên chính trị Trung Quốc bình luận : « Phương Tây đã đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, vốn hết sức thiết yếu đối với Bắc Kinh. Lãnh hải tại đây đã trở thành lợi ích sống còn, cũng tương tự như vấn đề Tây Tạng. Cho dù có những thay đổi thế nào trong chế độ, Trung Quốc vẫn sẽ hết sức cứng rắn trên chủ đề này với các nước láng giềng, cũng như đối với phương Tây ».

Giáo hội công giáo Miến Điện muốn tham gia chính trường

Còn tại Miến Điện, thông tín viên của La Croix tại Rangoon có bài viết mang tựa đề « Công giáo Miến Điện dè dặt bước vào chính trường ». Tờ báo cho biết, hôm nay giới công giáo Miến Điện kỷ niệm 100 năm giáo đường Đức Mẹ Maria ở Rangoon, giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi cũng đến tham dự thánh lễ. Dù chỉ là thiểu số, nhưng những người công giáo Miến Điện cũng cố gắng tranh thủ quá trình mở cửa chính trị của đất nước.

Bài báo mô tả lại khung cảnh ngôi giáo đường làm bằng gạch nung đã được chỉnh trang, toàn bộ 98 khung kính đã bị vỡ trong trận bão Nargis tháng 5/2008 đều được thay mới, bên trong được sơn lại làm nổi bật mái vòm và các hàng cột. Tờ báo nhận xét, việc tu bổ lại những nơi thờ tự của công giáo là rất hiếm hoi tại Miến Điện. Tổng giám mục Rangoon, Đức cha Charles Bo cho biết : « Chính quyền rất hạn chế việc này, và không cho phép xây thêm các nhà thờ mới. Chúng tôi bị xem là một tôn giáo ngoại quốc ». Tuy vậy giáo dân Miến Điện vẫn được tự do đi lễ, việc phong chức các giáo sĩ và giảng dạy trong các chủng viện không bị kiểm tra chặt chẽ.

Hôm nay giáo hội công giáo Miến Điện đã mời tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị trong nước đến tham gia lễ kỷ niệm 100 năm thánh đường Đức Mẹ Maria, giáo đường lớn nhất nước. Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, là một Phật tử, cũng được mời tham dự, và điều này gây phấn khởi cho các giáo dân.

Từ vài tháng qua, giáo hội công giáo đã tiến hành một số hoạt động nhân đạo. Chẳng hạn như tại bang Chin, giáo hội đã được phép xây dựng một số cây cầu, trong khi trước đó chính quyền vẫn do dự, vì sợ Thiên Chúa giáo phát triển. Tổng giám mục Charles Bo hồi tháng 9 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị cùng xây dựng « một nền hòa bình ổn định », với sự hỗ trợ của các lãnh đạo tôn giáo. Ngài muốn ám chỉ các xung đột với những nhóm dân tộc thiểu số ở biên giới, mà mùa hè vừa qua, quân đội Miến Điện khi đối đầu với quân nổi dậy Kachin đã bị thiệt mất trên 900 binh sĩ.

Tổng giám mục Charles Bo cho rằng giáo hội có thể đóng vai trò trung gian hòa giải để chấm dứt nội chiến, vì tín đồ công giáo rất đông tại bang Kachin. Tuy vậy, theo La Croix, thì thái độ nghi kỵ đối với tất cả các tổ chức không phải của nhà nước, trong một chế độ độc tài đã ngự trị suốt một nửa thế kỷ, không thể biến mất trong ngày một ngày hai.

Aung San Suu Kyi: Nelson Mandela của Miến Điện

Cũng về Miến Điện, bài phân tích của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trên trang « Tranh luận và quan điểm » nhật báo Le Figaro, với tựa đề « Một nước Miến Điện dân chủ ? », đã so sánh quá trình của bà Aung San Suu Kyi với ông Nelson Mandela của Nam Phi.

Tác giả Yuriko Koike cho rằng, nơi giải Nobel hòa bình Miến Điện có hai điểm tương đồng với lãnh tụ Nelson Mandela, đó là sự thanh thản gây nên tin tưởng, và hoàn toàn không có ý định phục thù. Các ưu điểm này cộng với tài thương lượng của bà sẽ rất hữu ích, trước các nỗ lực cải tổ của chính phủ đương nhiệm. Bài viết nhận định, tuy không nên kết luận vội vã, nhưng cho đến nay, các quyết định cải cách của Tổng thống Thein Sein bắt đầu giống với cựu Tổng thống Nam Phi De Klerk, đã giúp đất nước này thoát khỏi tình trạng cô lập. Và may thay, Miến Điện đã có sẵn một Nelson Mandela của chính mình, đó là bà Aung San Suu Kyi.

Người ngoại quốc được tham gia bầu cử địa phương : Vấn đề gây tranh cãi ở Pháp

Thời sự chính trị trong nước, đặc biệt là vấn đề cho người ngoại quốc gốc gác từ các nước ngoài châu Âu có thẻ cư trú dài hạn tại Pháp được đi bầu trong các cuộc bầu cử địa phương, là đề tài chính được các báo Pháp quan tâm hôm nay. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Quyền đi bầu cho người ngoại quốc : Trách nhiệm của Tổng thống Sarkozy chống lại đảng Xã hội ». Nhật báo cộng sản L’Humanité nhấn mạnh, các nghị sĩ cánh tả chiếm đa số ở Thượng viện hôm nay sẽ bỏ phiếu cho dự án luật, trong khi cánh hữu kịch liệt phản đối. Tương tự, trên trang nhất của Libération là ảnh của một số người dân bình thường thuộc nhiều màu da, tay cầm lá phiếu, với dòng tựa : « Cấm đi bầu ».

Về cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới, nhật báo Le Monde chú ý đến việc « François Bayrou muốn trở thành một nhân vật thiết yếu ». Chính khách cánh trung kể trên đã loan báo ý định ra tranh cử, và cho biết nếu không vượt qua được vòng một, thì sẽ ủng hộ một trong hai ứng viên vào vòng trong. Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos quan tâm đến « Lương của cán bộ sẽ chựng lại », và như vậy trong ba năm liên tiếp, việc tăng lương cho các vị trí lãnh đạo ngày càng bị hạn chế.

Nhìn rộng hơn, nhật báo công giáo La Croix tiến hành điều tra tại 6 nước thuộc Liên hiệp châu Âu và chạy tựa « Vẫn là người châu Âu, mặc dù có khủng hoảng ». Tờ báo nhận xét, trước hội nghị thượng đỉnh sẽ khai mạc vào tối nay, quan ngại đang dâng cao, nhưng người dân các nước trên vẫn trông cậy nhiều vào tương lai của châu Âu.

tags: Châu Á - Pháp luật - Trung Quốc - Xã hội - Điểm báo

http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111208-ana-ong-pbp-ger-rz-gunz-ubn-phn-gehat-dhbp
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.