mardi 6 décembre 2011

Lầu Năm Góc : Bắc Kinh « có quyền » tăng cường hải quân nhưng phải minh bạch


Theo AFP hôm nay (6/12), phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố, hải quân Trung Quốc vốn vừa được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào yêu cầu sẵn sàng tác chiến, « có quyền » củng cố năng lực quân sự của mình, nhưng Bắc Kinh cần phải hành động hoàn toàn « minh bạch ».

Ông George Little, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát biểu với báo chí như trên, và nhắc nhở rằng Washington vẫn thường xuyên kêu gọi Bắc Kinh nên « minh bạch » trong lãnh vực quân sự. Theo ông, khía cạnh này là cần thiết trong mối quan hệ mà Hoa Kỳ luôn muốn xây dựng với quân đội Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi phát triển quan hệ quân sự Mỹ - Trung. Phát ngôn viên Mark Toner khẳng định : « Chúng tôi luôn muốn được minh bạch hơn, đây là điều hữu ích để trả lời cho các câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc ».

Còn đối với đại tá hải quân John Kirby, một phát ngôn viên khác của Bộ Quốc phòng, thì : « Không ai muốn tìm kiếm xung đột cả. Sự lớn mạnh của một nước Trung Quốc hòa bình là điều tốt cho khu vực và cho thế giới ».

Lời tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước Quân ủy Trung ương được đưa ra trong lúc tham vọng trên biển của Bắc Kinh gây ra quan ngại ngày càng lớn cho các nước láng giềng và cho Hoa Kỳ. AFP ghi nhận, sự kiện này diễn ra sau một loạt các cuộc viếng thăm các nước trong khu vực của những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ, từ Tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho đến Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tất cả đều khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được Hoa Kỳ đẩy lên hàng ưu tiên chiến lược.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là đạo quân đông đảo nhất thế giới, hiện nay chủ yếu là lục quân. Nhưng hải quân nước này đang đóng vai trò ngày càng lớn, trong khi Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng trên biển.

AFP nhắc lại, tại Thái Bình Dương, Việt Nam, Philippines và Đài Loan đã phải đụng độ với Trung Quốc khi đòi hỏi chủ quyền trên vùng quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh cho là của mình. Bắc Kinh và Hà Nội cũng tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Cuối tháng 11, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã tiến hành chạy thử lần hai, còn chiếc J-20, phi cơ đầu tiên của Trung Quốc dường như có khả năng tàng hình, cũng đã bay thử lần đầu vào đầu năm 2011. Lầu Năm Góc đã cảnh báo về ngân sách khổng lồ mà Bắc Kinh dành cho hải quân nước này, đặc biệt là để trang bị các loại vũ khí hiện đại.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.