mercredi 12 octobre 2011

Vụ thảm sát Thiên An Môn – Hồi ký Triệu Tử Dương (2)

Trước khi tôi lên đường đi Bắc Triều Tiên, Lý Bằng và các lãnh đạo thành phố Bắc Kinh chưa bao giờ nói với tôi về quan điểm của họ. Tôi vừa rời khỏi thủ đô, họ đã triệu tập ngay cái hội nghị trung ương đó, và trực tiếp tìm kiếm sự hỗ trợ của ông Đặng Tiểu Bình. Hành động này đã làm thay đổi cách nhận định ban đầu của Thường vụ Bộ Chính trị, cũng như các biện pháp sẽ được áp dụng.

Ông Đặng rất bực tức về việc các nhận định của ông đã bị Lý Bằng phổ biến rộng rãi, và các con ông cũng phật ý khi thấy cha bị đẩy ra trước mặt tiền sân khấu. Theo dự kiến thì tôi sẽ đọc diễn văn nhân ngày lễ 4/5 (4). Mao Mao (bút danh của Đặng Dong, con gái thứ ba của Đặng Tiểu Bình) gọi cho cố vấn của tôi là Bào Đồng, người chịu trách nhiệm hoàn chỉnh bài diễn văn, để yêu cầu ông ấy thêm vào những câu nói về cảm tình của cha cô đối với giới trẻ. Ngày 17/5, trong cuộc họp tại chỗ Đặng Tiểu Bình để quyết về việc ban hành lệnh thiết quân luật, Đặng nói với Lý Bằng : « Lần này thì đừng tái phạm nữa ! Đừng có tiết lộ là chính tôi đã quyết định thiết quân luật ». Lý Bằng vội vã trả lời : « Tôi sẽ không làm thế nữa ! »

Rõ ràng là một số người đã cố tình sử dụng những lời nói cực đoan của một số rất nhỏ sinh viên để kích thích các mâu thuẫn, nhằm đặt Đảng và chính phủ vào vị thế đối địch trực tiếp với những người biểu tình. Từ khi có chính sách cải cách và mở cửa, việc các sinh viên chỉ trích lãnh đạo đã trở thành bình thường. Họ chỉ thổ lộ tâm can, điều đó không hề có nghĩa là họ muốn lật đổ chế độ. Nhưng khi tập hợp lại một số lời phê phán cá nhân nhắm vào ông Đặng và đưa cho ông ấy xem, thì người ta đã làm cái kiểu khiến cho vị trưởng lão cảm thấy bị khiêu khích dữ dội. Bọn họ đã trình cho ông các lời phê bình rải rác của một thiểu số, đã bị cắt rời ra và hết sức cực đoan, làm như đó là ý kiến của đại đa số trong phong trào sinh viên, và giải thích rằng những lời đả kích ấy nhắm vào cá nhân ông Đặng. Do tư duy của ông Đặng từ nhiều năm qua đã rập khuôn « đấu tranh giai cấp », ông ta không thể phản ứng một cách khác.

Biên bản của cuộc họp ngày 26/4 và sự can thiệp của Đặng Tiểu Bình được chuyển đến tôi thông qua đại sứ quán ở Bắc Triều Tiên. Tôi cho đánh điện tín : « Tôi hoàn toàn đồng ý với các quyết định của đồng chí Tiểu Bình về phương cách xử lý vấn đề ». Tôi phải trả lời khi được người ta chuyển cho tài liệu, và không thể bày tỏ ý kiến khác biệt, vì đang ở nước ngoài nên tôi không thể biết chi tiết tình hình tại Trung Quốc.

Nhưng tôi đã không phản ứng với biên bản cuộc họp của Thường vụ như cần phải làm. Khi biết về các phát biểu của ông Đặng, tôi nghĩ ngay rằng một chiến dịch chống lại tự do hóa có thể được đưa ra. Tôi không hình dung rằng phong trào sinh viên sẽ không lắng xuống, vì đối với tôi đây không phải là vấn đề lớn. Tôi chỉ lo là những cải cách sẽ bị đe dọa, nhất là về chính trị, được đưa ra từ Đại hội 13 (cuối năm 1987), vì Đặng Tiểu Bình nghĩ rằng phong trào sinh viên phát sinh là do chiến dịch chống tự do hóa bị yếu kém.

Như tôi đã nói, sau khi các buổi lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang kết thúc, phong trào đã chùng xuống và trong giới sinh viên đã có sự chia rẽ - đây là lúc để hành động. Với một ít nỗ lực, chúng ta rất có thể làm dịu lại.

Nhưng với việc cho đăng bài xã luận ngày 26/4, tình hình đã bất ngờ thay đổi, căng thẳng bùng phát. Sinh viên cảm thấy vô cùng tổn thương bởi các từ ngữ trong bài, và cái mũ chính trị chụp cho họ. Các công thức kiểu như « chống Đảng và chống chủ nghĩa xã hội », « có tổ chức và dự mưu » từ nhiều năm qua đã không còn được sử dụng, và đã làm cho họ bị sốc, đẩy những người ôn hòa về phía cực đoan.

Khi từ Triều Tiên trở về ngày 30/4, tôi có trao đổi với nhiều giảng viên đại học, tất cả đều nói y như nhau. Bài xã luận ngày 26/4 đã làm cho đa số người dân bất mãn, kể cả những người trong chính quyền. Họ tự hỏi : « Làm thế nào người ta có thể đăng những thứ như thế được nhỉ ? »

Thế là ngày 27/4, số lượng người biểu tình trong thành phố bỗng chốc nhân lên đến hàng trăm ngàn người. Những từ ngữ hết sức cứng rắn trong bài xã luận hôm trước khiến sinh viên nghĩ rằng cuộc biểu tình có thể bị đàn áp. Một số trước khi xuống đường còn để lại cho cha mẹ hay bạn bè di chúc hay thư tuyệt mệnh.

Bài xã luận ấy không những gây phẫn nộ cho sinh viên, mà còn làm cho các tổ chức chính quyền và các đảng chính trị (5) cảm thấy bị xúc phạm. Họ không thể hiểu nổi, thấy chán nản, thậm chí ghê tởm. Họ biết rằng sinh viên ưu tư về chính sách quốc gia và tương lai của cải cách, rằng sinh viên đưa ra các câu hỏi nóng bỏng về xã hội, xuất phát từ lòng yêu nước. Nhưng chính phủ lại không bày tỏ sự ủng hộ, cũng không cố gắng dẫn dắt hay định hướng cho phong trào, mà ngược lại, lại trực diện đối đầu. Chính phủ chụp cho họ cái mũ « chống Đảng và chống chủ nghĩa xã hội », đe dọa họ bằng bài xã luận sặc mùi thuốc súng. Phản ứng của giới trí thức là đặc biệt mạnh mẽ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.