dimanche 16 octobre 2011

Vụ thảm sát Thiên An Môn - Hồi ký Triệu Tử Dương (4)



3) Hai quan điểm đối nghịch về xử lý khủng hoảng

Bài xã luận ngày 26/4 đã gây nên cuộc biểu tình lớn ngày 27/4, cũng như sự phản kháng của công nhân viên, giảng viên đại học và các đảng dân chủ đối với Lý Bằng và Thành ủy Bắc Kinh. Hơn nữa, quyết định của Lý Bằng ngày 25 và 26/4 nhằm phổ biến các phát biểu của Đặng Tiểu Bình trên toàn quốc, đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích ông Đặng, gây phiền lòng cho ông và gia đình ông. Khi đẩy ông Đặng ra trước mặt tiền sân khấu, Lý Bằng đã nghĩ rằng như thế là củng cố vị trí của chính mình.

Trong điều kiện đó, ngày 29/4 Lý Bằng đành yêu cầu Bào Đồng (bí thư của ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị) soạn thảo một bài xã luận khác. Ông Lý cũng đề nghị Viên Mộc, phát ngôn viên chính phủ, và Hà Đông Xương, Phó chủ tịch Ủy ban Giáo dục đối thoại với các sinh viên. Cuộc đối thoại này cho phép chấp nhận một số lớn các yêu sách của sinh viên, mà hầu hết là phù hợp với chính quyền và Đảng. Đồng thời cũng nhấn mạnh là bài xã luận ngày 26/4 không nhắm vào đại đa số sinh viên vốn 99,9% có bản chất tốt, mà chỉ nhằm đả kích một thiểu số cực đoan gây rối « chống Đảng và chống chủ nghĩa xã hội ». Hành động này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng.

Bên cạnh đó, họ cũng lo ngại rằng khi từ Bắc Triều Tiên trở về tôi sẽ lên án bài xã luận ngày 26/4, và sẽ không đồng tình với cách làm của họ. Lý Bằng đã nói với Diêm Minh Phục (phụ trách Mặt trận Thống nhất, ông này cũng đã báo cáo lại cho tôi khi tôi trở về), là nếu tôi không ủng hộ bài xã luận đó, thì không có cách nào khác hơn là từ chức. Lý Bằng và Diêu Y Lâm, cũng là ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đã bắt tay với nhau để đảm bảo có được sự hỗ trợ của tôi.

Đó là nguyên nhân khiến họ nhất quyết nài nỉ tôi, trong bài diễn văn đọc nhân lễ kỷ niệm phong trào 4/5, tôi nên nói rõ là chống lại việc gây rối và tự do kiểu tư sản. Khi bản thảo được trình cho họ xem, hai người này lại khẩn khoản đòi thêm thắt một lần nữa. Mặt khác như tôi đã nói ở trên, do Đặng Tiểu Bình cho rằng việc phổ biến rộng rãi các phát ngôn của ông đã làm xấu đi hình ảnh mình đối với giới trẻ, nên đã cho thêm vào bài diễn văn một câu là ông luôn yêu mến tuổi trẻ.

Lý Bằng đến gặp tôi ngay hôm 30/4 lúc tôi vừa từ Bình Nhưỡng về. Ông ta thúc giục tôi triệu tập hội nghị để nghe Thành ủy Bắc Kinh trình bày, với mục đích đẩy tôi vào cái thế phải bày tỏ sự ủng hộ những thứ được họ nhào nặn ra trong khi tôi đi vắng. Trong cuộc họp Thường vụ ngày 1/5, cho dù đã được thông tin về các phản ứng dữ dội từ mọi giới đối với bài xã luận ngày 26/4, nhưng tôi vẫn chưa hình dung được hết tình hình thực tế. Không muốn đột ngột thay đổi chính sách, nói chung tôi đành phải tỏ ra tán thành việc làm của Lý Bằng lúc tôi đang bận đi công tác.

Tuy vậy tôi cũng nhấn mạnh ở một điểm : tuyệt đối cần tranh thủ sự ủng hộ của đại đa số sinh viên. Chúng ta phải tách biệt họ với một thiểu số rất nhỏ những người cực đoan, không đặt sinh viên vào cái thế phải đối địch, hay để cho đa số sinh viên cảm thấy bị đàn áp. Cho dù nguyên nhân là như thế nào đi nữa, chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận một thực tế gay go. Đó là giọng điệu của bài xã luận ngày 26/4 rất xa rời với những gì người dân đang suy nghĩ, đặc biệt là trong giới sinh viên, trí thức và các đảng dân chủ. Tôi khuyến khích mở rộng đối thoại và khuyên nên lắng nghe dư luận, không chỉ từ phía sinh viên, mà còn từ giáo chức và giới công nhân.

Còn về việc khẳng định bản chất của phong trào – mà sinh viên đang vô cùng bức xúc– tôi nói rõ là cần đưa ra một cách phân tích mới, trên cái nền của bài xã luận ấy. Nếu nói lại rằng những người xúc giục nổi loạn « chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội » chỉ là một thiểu số hết sức nhỏ nhoi, tôi hy vọng sẽ làm giảm nhẹ được hậu quả của bài xã luận 26/4. Cuối cùng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lên lớp trở lại, vì đó là mong muốn của phụ huynh, giảng viên và đa số mọi người. Hơn nữa, nếu sinh viên quay về giảng đường thì tâm lý sẽ bớt căng, tình hình dần trở nên ổn định, rồi sau đó dễ dàng điều khiển hơn.

(còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.