vendredi 22 juillet 2011

Tên tội phạm chiến tranh cuối cùng ở Nam Tư cũ đã bị bắt


Hôm nay (20/7), Goran Hadzic, tên tội phạm chiến tranh cuối cùng bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ truy nã, đã bị bắt tại một khu rừng cách Belgrade khoảng 100km. Đây là một bước tiến quan trọng của Serbia trong nỗ lực xin gia nhập Liên hiệp châu Âu, đồng thời giúp Tòa án quốc tế sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Năm nay 52 tuổi, Goran Hadzic nguyên là Tổng thống nước Cộng hòa tự phong Serbia của Krajina từ năm 1991 đến 1993. Ông ta bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ kết án 14 tội danh về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, phạm phải trong cuộc chiến Nam Tư cũ (1991 -1995). Trong đó có thể kể vụ thảm sát Vukovar, với 264 thường dân người Croatia và các sắc dân khác đang trú ẩn trong một bệnh viện đã bị lực lượng Serbia sát hại, sau khi bị đánh đập, tra tấn. Bên cạnh đó là việc lưu đày hàng chục ngàn người thuộc các sắc tộc khác.

Theo công tố viên trưởng Serbia, thì ông Goran Hadzic có mang theo người một khẩu súng, nhưng ông ta đã không kháng cự. Được biết sau chiến tranh Goran Hadzic vẫn tiếp tục sống ở Serbia, nhưng ông ta đã biến mất vào tháng 7/2004, chỉ vài giờ sau khi chính quyền nước này nhận được bản án của Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ.

Tin Goran Hadzic bị bắt được Tổng thống Serbia loan báo trong cuộc họp báo hôm nay tại Belgrade, đã được nhiệt liệt chào đón. Quyền chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ nhận định đây là « một sự kiện nổi bật trong lịch sử của tòa án », giúp cơ quan này « tiến đến việc hoàn thành nhiệm vụ một cách thành công ».

Tổng thư ký NATO cho rằng việc tội phạm chiến tranh cuối cùng của Nam Tư cũ bị bắt sẽ giúp « đóng lại một chương khủng khiếp nhất » của lịch sử hiện đại châu Âu. Liên hiệp châu Âu tuyên bố, đây là một bước tiến quan trọng của Belgrade trong tiến trình gia nhập vào Liên hiệp trong tương lai. Thủ tướng Croatia cũng cho rằng đây là một tin vui cho nước này.

tags: Theo dòng thời sự
Article publié le : mercredi 20 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 20 juillet 2011

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.