jeudi 28 juillet 2011

Cần tuyên dương công trạng các liệt sỹ ở Hoàng Sa để góp phần hòa giải dân tộc


Hôm qua nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 ở Việt Nam, một số thân hào nhân sĩ, trí thức và văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đã phối hợp với câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm những người đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.


Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ sau buổi lễ, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TPHCM đã cho biết :

Từ lâu rồi, tức là sau chiến tranh biên giới ở phía Bắc xảy ra, và trận chiến ở Trường Sa, Hoàng Sa thì tôi chưa thấy năm nào Nhà nước Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ ở biên giới phía Bắc cũng như Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là một việc làm rất không đúng, bởi vì dù là quan hệ với Trung Quốc như thế nào đi nữa, nhưng mà lịch sử là lịch sử !

Năm 1979 bọn bành trướng Bắc Kinh đã tấn công, gây ra bao mất mát hy sinh cho đồng bào, chiến sĩ ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Thì phải tưởng niệm những người đã hy sinh, đã nằm xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới của chúng ta, cũng như các chiến sĩ ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Lẽ ra là Nhà nước phải đứng ra làm. Nhưng ngay cả năm 2009, là dịp kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới ở phía Bắc, thì cũng không có một buổi kỷ niệm nào để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đó. Tôi cho đây là một sự vô ơn đối với những người đã chết, đã nằm xuống vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam chúng ta.

Chính điều đó đã thúc đẩy chúng tôi, một số nhân sĩ trí thức năm nay phối hợp với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phải làm buổi lễ để tưởng nhớ đến công ơn của những chiến sĩ đã hy sinh ở biên giới phía Bắc cũng như ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Riêng ở Hoàng Sa thì việc mà 74 chiến sĩ của quân đội Sài Gòn trước đây đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, thì hiện nay nhiều dư luận trong nước cũng đang đặt vấn để có cách tuyên xưng công trạng của họ như thế nào. Bởi vì dù là chế độ có khác nhau nhưng mục tiêu chung vẫn là bảo vệ hải đảo, vùng biển, vùng lãnh thổ của Việt Nam chúng ta. Do đó trong buổi sáng nay thì chúng tôi cũng đặt vấn đề đó ra.

Và như vậy có thể nói là lần đầu tiên nhân dân thành phố đã đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm này, trong khi đó thì Nhà nước lại không tổ chức.

Thưa ông, có thể coi đây là một dấu hiệu của hòa hợp hòa giải không ạ, vì có lẽ còn nhiều người dân ở phía Bắc vẫn chưa biết về cuộc chiến Hoàng Sa, và có những người đã ngã xuống năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa ?

Đúng là đây là một dấu hiệu cho việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Bởi vì những việc làm gì đúng của bất cứ chế độ nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận. Đó mới là quan điểm lịch sử đúng đắn. Mà ngay cả cuộc biểu tình ngày 17/7 vừa rồi ở Hà Nội thì cũng nêu danh 74 anh em quân đội Sài Gòn đã tham gia vào trận đánh Hoàng Sa và đã hy sinh. Như vậy chứng tỏ là bây giờ ở miền Bắc người ta cũng hiểu được việc đó, và họ cũng đề nghị là phải công nhận việc này. Ngay tờ báo Đại Đoàn Kết là tờ báo của trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã đặt vấn đề này ra.

Thì tôi nghĩ đây là dịp để chúng ta thực hiện cái điều mà chúng ta đã cam kết, tức là hòa giải và hòa hợp dân tộc, để khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, để cùng xây dựng đất nước. Bây giờ chuyện cũ đã qua rồi, cả hai bên không thể nào cứ vương vấn mãi chuyện đó, để chúng ta có được sức mạnh đoàn kết dân tộc, chống lại một kẻ thù mới hiện nay. Đó là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có nhiều âm mưu xâm lấn đất nước của chúng ta.

Sự có mặt của bà quả phụ Ngụy Văn Thà có lẽ là một sự ngạc nhiên cho nhiều người ?

Sự xuất hiện của bà quả phụ Ngụy Văn Thà đúng là đã làm cho mọi người xúc động. Vì từ trước đến giờ trên các cơ quan thông tin báo chí không nêu là bà vẫn còn ở Sài Gòn, ai cũng nghĩ rằng chắc bà đã đi nước ngoài rồi. Nhưng mà sáng nay biết như vậy thì rất là xúc động. Nhiều anh em báo chí cũng đến phỏng vấn bà, và bà rất cảm động trước sự chăm sóc, sự chú ý của mọi người đối với bà. Trong tương lai chúng tôi đang nắm lại tình hình xem hoàn cảnh gia đình của bà như thế nào, nếu có khó khăn thì chúng tôi sẽ vận động để có thể giúp bà. Bởi vì dù sao anh Ngụy Văn Thà cũng hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa thì chúng ta, những người còn sống phải có nghĩa vụ chăm sóc gia đình của anh. Dù trước kia anh trong một chế độ đối lập, nhưng rõ ràng là hành động yêu nước của anh để bảo vệ Hoàng Sa là rất có ý nghĩa.

Buổi lễ có mặt đông người không thưa ông ?

Buổi lễ sáng nay rất đông, khoảng một trăm người. Tiếc là hội trường hơi nhỏ, nếu không sẽ còn nhiều người nữa. Đặc biệt là có nhiều nhà trí thức lớn như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Tương Lai, các văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyến Duy, Đỗ Trung Quân, rồi nhiều anh em sinh viên học sinh trong phong trào trước đây như anh Huỳnh Tấn Mẫm, Trần Quang Long rồi nhiều anh em khác, hay là các nhà văn hóa như anh Lữ Phương, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn v.v…Nói chung là cũng có đầy đủ những nhân vật ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng đặc biệt trong buổi này, chúng tôi không chỉ đặt vấn đề tưởng niệm các chiến sĩ ở biên giới phía Bắc, cũng như ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi cũng lên tiếng phản đối những hành động đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa của nhân dân hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đặc biệt là ở Hà Nội vừa qua, với hình ảnh tên đại úy Minh đã đạp vào mặt một người biểu tình. Chúng tôi kịch liệt lên án việc này, và đề nghị chính quyền Việt Nam phải tôn trọng một quyền của nhân dân. Đó là quyền được biểu tình, để bày tỏ thái độ của mình đối với tình hình đất nước, hay đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc đang ngày đêm lấn chiếm các vùng lãnh hải của Việt Nam.

Chúng tôi phản đối kịch liệt việc đàn áp và cũng khuyến cáo là trong trường hợp nếu tiếp tục đàn áp, thì chúng tôi sẽ có những hành động phản đối trở lại. Rất mừng là hôm Chủ nhật vừa rồi ở Hà Nội thì cuộc biểu tình đã diễn ra một cách êm thắm, tốt đẹp.

Và chúng tôi cũng xác định rằng cuộc biểu tình của nhân dân Hà Nội là một hành động yêu nước. Riêng cá nhân tôi thì chúng tôi cũng rất hoan nghênh và ủng hộ các cuộc biểu tình đó. Nhất là có một số nhân sĩ trí thức như anh Nguyễn Quang A, mặc dầu bị công an bao vây rồi đến đe dọa nhưng mà vẫn vượt thoát ra để mà tham gia biểu tình. Tôi cho đây là một thái độ hết sức dũng cảm !

Ở Thành phố Hồ chí Minh thì chúng tôi cũng phản đối việc công an cứ bao vây nhà anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Cao Lập, hay là một số anh em trong phong trào sinh viên cũ trước đây. Mỗi Chủ nhật hễ đi ra đều có công an theo dõi, rồi gây sức ép thế này thế kia. Tôi cho rằng việc đó là không được, vì vi phạm một cách nghiêm trọng quyền tự do của công dân.

Thành ra chúng tôi cũng đặt vấn đề với các nhà cầm quyền là phải tạo điều kiện để cho người ta đi biểu tình một cách ôn hòa. Vì chúng tôi quan niệm đi biểu tình như vậy là ủng hộ chính phủ Việt Nam. Để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng dân Việt Nam là như thế đó. Để Trung Quốc không thể nào cứ tiếp tục có những hành động khiêu khích, làm cho ngư dân Việt Nam bị bách hại, và những tàu nghiên cứu khai thác dầu hỏa của Việt Nam bị ngừng trệ công việc được.

Đồng thời trong cuộc họp sáng nay, chúng tôi cũng khẳng định sự ủng hộ của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với kiến nghị ngày 10/07/2011 của 20 nhân sĩ trí thức gởi cho Quốc hội và Bộ Chính trị. Bởi vì có thể nói đây là một kiến nghị rất là toàn diện, đặt ra vấn đề một nguy cơ rất lớn. Đó là việc Trung Quốc đã có thể thọc sâu bàn tay của mình vào can thiệp ở Biển Đông, và trong các lãnh vực của nền kinh tế Việt Nam, kể cả lũng đoạn về chính trị.
Thì đây là một việc rất là nguy hiểm, và có thể nói là phải cấp báo để chúng ta có những biện pháp có hiệu quả để ngăn chận âm mưu của một số nhà lãnh đạo cầm quyền Trung Quốc hiện nay.

Xin phép được hỏi thêm, có nhiều người thắc mắc vì sao các nhân sĩ trí thức Sài Gòn chỉ xuất hiện trong cuộc biểu tình đầu tiên ngày 5/6 ?

Chúng tôi quan niệm là khi cần thiết thì mới phải tổ chức biểu tình. Chứ nếu Chủ nhật nào cũng biểu tình thì sợ rằng mất sức, và khi có một sự việc trọng đại nào xảy ra cần tập trung biểu tình thì lại yếu đi. Chúng tôi thì điều kiện không phải như ở Hà Nội được. Mỗi lần tập hợp lực lượng, rồi anh em cũng phân tán đi làm ăn, đi đây đi đó…thành ra cũng khó tập trung hơn Hà Nội. Do đó mà một số nhân sĩ trí thức bây giờ, ví dụ như cụ Nguyễn Đình Đầu mà tuần nào cũng đi biểu tình thì làm sao bằng anh Nguyễn Quang A, anh Chu Hảo…ở Hà Nội được. Thành ra cũng có những điều kiện không thuận lợi bằng ở Hà Nội. Do đó mà chúng tôi cũng phải lượng sức mình để làm.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không ủng hộ các cuộc biểu tình của nhân dân thành phố Hà Nội. Và thật ra chúng tôi cũng chờ đợi, nếu Chủ nhật vừa rồi mà có đàn áp nữa thì chúng tôi sẽ tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh những cuộc biểu tình để phản đối việc đàn áp đó.

Thành ra chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam nên khôn ngoan. Nhân dân Việt Nam đang biểu tình chống sự bành trướng của Trung Quốc, thì không nên có những hành động để nhân dân buộc lòng phải đứng lên tố cáo những cuộc đàn áp như vậy, sẽ rất bất lợi về mặt chính trị và sẽ làm cho hình ảnh của Việt Nam trên thế giới xấu đi. Chúng tôi rất mong là các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy vấn đề này để mà ngăn chận sự việc đáng tiếc như đã xảy ra ở Hà Nội vào ngày 17/7 vừa qua, cũng như trong cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/6 trước đây.

Xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng.

tags: Châu Á - Chủ quyền - Hoàng Sa - Phỏng vấn - Việt Nam
Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Bẩy 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Bẩy 2011



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.